Hoa Kỳ - Taliban: Chia tay không đòi quà

SÁNG ÁNH 13/09/2021 20:09 GMT+7

TTCT - Chuyện vừa xảy ra ở Afghanistan phải nói là hiếm hoi trong lịch sử, khi bên thắng trận không chỉ án binh bất động, mà còn giúp bên thua di tản hay triệt thoái an toàn trong trật tự. Cuối tháng 8, phong trào Taliban tại Afghanistan khi vào thủ đô Kabul sớm được hai tuần trước lịch rút lui hoàn toàn của Hoa Kỳ, đã thực hiện đúng điều trên.

Việc họ giữ an ninh vòng ngoài của phi trường quốc tế Kabul đã giúp cuộc triệt thoái diễn ra gần như trọn vẹn. Ngày 26-8, lực lượng chống đối Mỹ và chống cả Taliban là ISIS-K đã đánh bom thành công khiến 13 binh sĩ Mỹ bỏ mạng cùng hơn 170 người Afghanistan, trong số đó có 28 cán binh Taliban. 

Như vậy trong sự cố chiến tranh cuối cùng của Mỹ ở tại đất nước này, Taliban và Mỹ thậm chí đã là đồng minh cùng chịu thiệt hại bởi một lực lượng thứ ba là Nhà nước Hồi giáo (ISIS) tự xưng địa phương.

Mỹ để lại một lượng lớn vũ khí, khí tài ở Afghanistan. Ảnh: Anadolou Agency

 

Rốt cuộc là bao nhiêu tiền?

Việc hấp tấp ra đi của Hoa Kỳ và sự tan rã của chế độ thân Mỹ nhanh chóng ngoài mọi dự kiến, ngay cả dự kiến lạc quan nhất của chính Taliban, khiến vũ khí và vũ trang để lại rất nhiều. 

Xưa nay, chiến lợi phẩm chiến tranh vẫn là đặc quyền của kẻ chiến thắng, nhưng dư luận Mỹ lần này lại ấm ức. Họ hình như không cho rằng đây là một thất bại, mà là cuộc chia tay tự nguyện từ phía Hoa Kỳ, tuy có vùng vằng. 

Mỹ không bị Taliban đuổi, họ chỉ chán ngấy Afghanistan thôi và anh bỏ đi. Mang vali đi rồi anh mới sực nhớ là những ngày xưa thân ái, anh từng tặng cô vòng vàng, túi hàng hiệu với lại di động đời mới. Và anh, tức một phần dư luận Mỹ, muốn đòi lại quà.

Cựu tổng thống Donald Trump thất cử vào năm 2020, nhưng từ đó đến nay ông vẫn muốn được hiện diện xác đáng và đích đáng, nếu không trên chính trường thì cũng trong tim óc của quần chúng Hoa Kỳ. 

Ông không chừa một dịp nào để lên tiếng và gây quỹ, tiếp tục bắt Đảng Cộng hòa làm con tin và đe dọa úp mở ông sẽ ra tranh cử tổng thống trở lại vào năm 2024.

Tuy ông là người đã thỏa ước rút quân với Taliban theo lịch vào tháng 5-2021, nhưng dĩ nhiên là ông phải phê bình người kế nhiệm Joe Biden vội vã rút quân vào tháng 8, tức là 3 tháng sau hẹn! 

Sự cố thiệt mạng 13 quân nhân cũng khiến ông lên tiếng, và mới nhất là sau khi thấy hình ảnh Taliban bỏ dép để đi giày trận Hoa Kỳ và cầm súng Mỹ, Trump nảy ra ý là đòi quà của Taliban mà Mỹ đã tặng cho chế độ cũ. 

Theo ông Trump, tổng số khí tài đó trị giá lên đến 85 tỉ USD, kể cả tiền nước hoa, tiền uống cà phê, tiền cơm tiệm, tiền nhà trọ khách sạn... Đó là những thứ, giống như nước hoa, đã bốc hơi bay mất.

Con số ông Trump dựa vào là 82,9 tỉ USD thuộc quỹ Hoa Kỳ quân viện cho chế độ quốc gia Afghanistan trong 20 năm, từ năm 2001 đến 2021. 

Tuy nhiên, đến ngày 30-6-2021, số quỹ xuất ra mới chỉ là 75 tỉ. Số 75 tỉ này phần lớn là trả lương, huấn luyện, xây doanh trại..., chứ không phải vũ khí và trang bị. 

Số khí tài được ước tính trị giá 18 tỉ, kể cả tiền vận chuyển. Và tiền vận chuyển từ Mỹ sang này không phải là nhỏ. Nói thí dụ, có trường hợp tiền vận chuyển thực phẩm từ Mỹ để cứu đói châu Phi chẳng hạn, cao gấp ba tiền lúa gạo mua tại địa phương. 

Tại sao lại thế? Vì Mỹ cứu trợ thì phải mua thực phẩm của Mỹ và dùng công ty Mỹ để mang sang, chứ mua rẻ ở địa phương thì người Mỹ ăn cái gì trong đó? 

Chuyện cứu trợ nhân đạo còn thế, huống hồ tiền quốc phòng ta xài phây phả, cầm khẩu súng bắn một tràng chỉ thiên là đã mất cả trăm đồng!

Như vậy, trong 18 tỉ đã nói tới, ngoài tiền chuyên chở, ta còn phải trừ đi tiền đạn đã bắn, tiền võ khí và thiết bị hư hại, khấu hao 20 năm qua. 

Quân phục chẳng hạn, 20 năm là mỗi người lính quốc gia bao nhiêu cái quần đùi? Và còn bao nhiêu để lại cho Taliban để mà họ trả cho Mỹ? Lính Taliban có dùng quần đùi không? Nếu không thì họ sẵn sàng trả lại để ông Trump vừa lòng?

Dù sao thì, tuy không tới 85 tỉ và chỉ một phần nào của 18 tỉ trong danh mục vũ khí, thiết bị, chi phí chuyên chở, cũng vẫn là nhiều lắm đối với Taliban. 

Theo GAO (Cơ quan Kế toán chính phủ), lính Mỹ tại Afghanistan để lại 22.174 xe Humvee, 8.000 xe vận tải, 358.530 súng trường cá nhân và 33 trực thăng Blackhawk, cộng với mấy cái lẻ tẻ như xe bọc sắt, súng thần công này kia.

Tuy nhiên, một số chiến lợi phẩm có tính kỹ thuật cao như phi cơ họ sẽ không sử dụng được hay không sử dụng được lâu vì thiếu chuyên gia và phương tiện bảo trì. 

Phi trường Kabul chẳng hạn, sau khi người Mỹ ra đi sẽ do Qatar quản lý vì Taliban chưa có khả năng này. Qatar là quốc gia thân Mỹ ở vùng Vịnh đã giúp Mỹ thương thuyết với Taliban.

Thói quen khó bỏ

Trong tiền kiếp, vào thời gian cầm quyền 1996 - 2001, Taliban chỉ được 3 nước công nhận là Saudi Arabia, UAE và Pakistan. 

Lần này hẳn sẽ có nhiều nước hơn và còn tùy thuộc vào diễn biến, trước hết là thái độ của Taliban, nhưng có khả năng là chế độ này đi về hướng được quốc tế nói chung nhìn nhận rộng rãi và được coi như một quốc gia chính đáng, nếu không gọi là bình thường.

“Tất cả thiết bị phải được yêu cầu trả lại ngay cho Hoa Kỳ, và điều đó bao gồm từng xu trong số 85 tỉ đôla chi phí”. Đây là lối phát biểu quen thuộc của ông Trump. 

“Chí ít là phải ném bom bỏ mẹ nó đi!”, ông cho biết. Không nói đến Taliban, theo ông Trump, người Mỹ và nước Mỹ còn phải yêu cầu trả lại ngay cho ông chức vị tổng thống mà ông đã bị tước đoạt một cách bất lương trong một cuộc bầu cử gian dối. Cho nên ném bom Taliban chỉ là chuyện nhỏ.

Giờ một đại gia có vợ bé. Khi chia tay ông đòi quà đã là không được lịch sự mấy. Cô bảo cái túi xách tay hả, thì ông đòi tiền đưa cô đi coi hát hôm đó mất hai vé, sau ra khỏi rạp thì đi ăn nhà hàng sushi và vào nhà nghỉ có máy điều hòa! 

Nên chuyện ông Trump đòi lại vũ khí lại càng khó nghe, và Taliban nào có phải vợ bé của ông, mà bắt họ phải đền mấy thỏi son Louboutin đã dùng rồi!

Vậy tại sao lại có chuyện như thế? Đó là bởi với dư luận Mỹ, họ không thua trận và bị Taliban tống cổ. 

Tư duy này là tư duy tao thuê nhà làm phước cho mày, giờ chán thì tao đi, sao không cho tao mang theo bàn ghế? Ikea đấy! 

Mỗi đằng nghĩ một nẻo. Taliban thì nghĩ, ta giành lại được đất nước. Mỹ thì nghĩ, ta bỏ quên thiết bị hay “rằng quên, rằng quên cây đàn, tình tang tính tính tình tang”.

Một số nhà chính trị và dân cử Cộng hòa nhân dịp này lo sợ Taliban sẽ bán các vũ khí hiện đại đó cho Nga hay Trung Quốc. Họ quên rằng Nga hay Trung Quốc có vũ khí hiện đại nhé, tầm nguyên tử và hỏa tiễn liên lục địa gì đó và tầm xe bọc sắt họ cũng có rất nhiều.

Một lo sợ khác là các vũ khí này lọt vào tay ISIS-K thì sao? Trước hết, Taliban sẽ không mang tặng vũ khí cho tình địch của họ. Lấy được vũ khí đó phải bước qua xác của họ, là điều làm được nhưng cũng khó. 

Nhưng nếu Hoa Kỳ lo xa như thế, phải chi họ ở lại thì làm gì có những chuyện này? Chính quyền quốc gia Afghanistan chưa tan rã nhé và vẫn còn ngồi ôm chặt 358.530 súng trường cá nhân họ đã được Mỹ ân cần trao lại. 

Mỹ sẽ trở lại?

Thượng nghị sĩ Lindsey Graham là người từng có tham vọng và có lẽ vẫn có tham vọng làm tổng thống Hoa Kỳ vừa cho BBC biết hôm 5-9 rằng ông nghĩ là Hoa Kỳ sẽ trở lại Afghanistan trong tương lai. 

Để đòi lại quà? Không, mà bởi: “Mối đe dọa (khủng bố) sẽ rất lớn”. 20 năm trước, Hoa Kỳ đã xâm lăng Afghanistan để lật đổ Taliban vì mối đe dọa khủng bố. Giờ mới ra đi một tuần mà đã nhớ. 

Những người như ông Graham đá đít họ đi thì họ lại mò về. Ông xoa xoa nhưng vẫn cười và bảo: “Tôi có những hai mông”.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận