​Họa sĩ “ma hời” được người Nhật tôn vinh

TẤN VŨ 28/10/2014 07:10 GMT+7

TTCT - Cách đây 19 năm, ông Hỷ được qua Nhật học về bảo tồn trùng tu kiến trúc cổ, để rồi nay ông được người Nhật tôn vinh.


Căn nhà của ông Hỷ thu hút du khách bởi nó làm bằng tranh tre vách lá và rất mộc mạc - Ảnh: Tấn Vũ
Căn nhà của ông Hỷ thu hút du khách bởi nó làm bằng tranh tre vách lá và rất mộc mạc - Ảnh: Tấn Vũ

Đang là một trưởng phòng tại Trung tâm Bảo tồn di tích tỉnh Quảng Nam, đùng một cái ông xin về hưu sớm.  Bán căn nhà ở TP Tam Kỳ, đưa vợ 330 triệu đồng, ông cầm 120 triệu đồng dựng căn nhà tranh tre vách đất trên một sườn đồi vi vút gió gần di tích Mỹ Sơn ở mấy năm nay.

Ông nói: “Ở đây người ta gọi ta là “ma hời”, mi gọi ta là họa sĩ “ma hời” cũng được. Cái nghiệp gắn vào thân hơn 30 năm nay rồi. Mê kiến trúc cổ thì gắng mà chịu”.

Rót chén trà xanh đãi khách trên chiếc bàn tre đặt trên nền đất sét nện, họa sĩ Nguyễn Thượng Hỷ khoe rằng lần qua Nhật Bản mới đây ngày 11-10 để nhận giải thưởng Daifumi của Trường ĐH Toyama, ông quý nhất món quà gồm năm cây thước kẽ.

Ông giải thích: “Cái này quý lắm. Các thước gọn và rất chuẩn dùng đo các kiến trúc cổ thì hết ý. Tôi dành cho con trai mình cũng là kiến trúc sư một cái, còn lại sẽ tặng các bạn đồng nghiệp”.

Ghi công người bảo tồn kiến trúc cổ

Daifumi là giải thưởng lấy tên của người thợ mộc xuất sắc Fumio Tanaka có nhiều bằng khen của Nhật hoàng. Giải thưởng ghi nhận công lao của những người bảo tồn kiến trúc cổ, đặc biệt là kiến trúc bằng gỗ.

Năm 2014, Trường ĐH Toyama trao bốn giải, trong đó có một giải tập thể, hai giải cho hai người thợ mộc trẻ người Nhật, họa sĩ Hỷ là người nước ngoài duy nhất nhận giải thưởng này trong năm. 

Cách đây 19 năm, ông Hỷ được qua Nhật học về bảo tồn trùng tu kiến trúc cổ, để rồi nay ông được người Nhật tôn vinh. Điều đó minh chứng cho những đóng góp thầm lặng của ông với việc bảo tồn, trùng tu những di tích cổ tại Việt Nam trong một thời gian dài.

“Trùng tu di tích cũng như chăm sóc một người già. Vấn đề là không thể làm cho người già đó trẻ lại mà phải chăm sóc sao cho sức khỏe của họ được tốt, tuổi thọ kéo dài là được” - ông nói.

Tại Nhật, ông Hỷ rất bất ngờ khi có một giáo sư ĐH Toyama đến thăm và bảo ngày nào đó sẽ qua Việt Nam và yêu cầu ông dẫn ra đảo Lý Sơn để xem căn nhà chống giặc Tàu ô sau khi đọc bài trên Tuổi Trẻ Cuối Tuần do ông Hỷ viết (*).

“Nếu xét về kiến trúc thì chẳng có gì độc đáo, nhưng sau đó tôi biết người Nhật nghĩ về giặc Tàu ô cũng giống người dân Việt Nam mình nghĩ về giặc Tàu vậy. Tôi bảo đảo xa rất khó, nhưng nếu có thể tôi sẽ dẫn ông ta đi” - ông kể. 

Ngước mắt nhìn căn nhà của mình làm bằng tranh, tre, vách đất, trước sân đầy hoa cỏ dại, hoa sen, hoa súng, hoa sim, hoa mua đua nhau nở tím ngát, ông Hỷ bảo: “Có lẽ đây là căn nhà duy nhất và cuối cùng trên đất này bằng tranh. Quanh cái làng du lịch cộng đồng ở xóm này, hàng chục căn nhà được xây cho khách Tây ở homestay, nhưng kiến trúc thì chẳng còn chút gì Việt. Nhà ống, máy lạnh gắn vào như nhà nghỉ ở phố thì homestay gì nữa!”.

Khi qua Nhật nhận thưởng, thấy họ bảo tồn, trùng tu nhà cổ, làng cổ để kiếm thu nhập từ du lịch mà ông nhói lòng. 

Bảo tồn giá trị gốc

Nhà ông Hỷ không kinh doanh dịch vụ homestay, nhưng lạ lùng là du khách lại thích ghé vào. Nhiều đoàn muốn lưu trú trả tiền nhưng ông đều từ chối.

“Vào thì mình cũng cho ở, gạo nấu ăn, rượu uống vậy thôi. Có điều nhà nhỏ hẹp, lại là cả cái xưởng vẽ nên rối tung cả lên, khó đón khách. Có khách Tây còn bảo thích nhà đất đi rất mát chân. Tôi còn thách, cứ đổ nước xuống nền đi, hiện đại lắm, nước thấm rút liền” - ông Hỷ cười nói. 

Những ngày ở Nhật, ông Hỷ được quan sát các thợ mộc Nhật đang cố gìn giữ cấu kiện gỗ bị mối mọt phá hoặc hủy hoại do khí hậu. Ông bảo thích nhất là hiểu được sự tôn trọng các yếu tố gốc, các thành phần cũ là như thế nào.

Việc hàn gắn, gia cố bằng kỹ thuật nối mộng, sử dụng keo hay chất kết dính để gia cố, gia cường cấu kiện là những công việc vừa tỉ mỉ vừa mang tính kỹ thuật cao, nhưng mục đích chủ yếu là tôn trọng những giá trị gốc. 

Khi cùng những thợ mộc trực tiếp đi thi công tại các di tích như đền Mizahara ở tỉnh Karasuyama, hay tu bổ ngôi nhà xưa ở tỉnh Okada, rồi cùng kỹ sư, kiến trúc sư bảo tồn của Nhật đo vẽ, ghi chép và chụp ảnh các kiến trúc cổ như bệnh viện cổ ở tỉnh Sakura, ông Hỷ ước mong ngày nào đó chính điều này được thực hiện trên quê hương mình.

Ông nhớ lại: “Ở đó có những ngôi làng còn nguyên mái lá. Có người còn trồng cả đồi tranh để bán cho các gia đình trong làng lợp nhà. Nhà có xe hơi rất xịn nhưng mái vẫn lợp tranh. Đẹp về kiến trúc, thân thiện và nét cổ xưa vẫn còn nguyên vẹn”. 

Theo ông Hỷ, điều may mắn cho miền Trung nước ta là người Nhật đã tham gia công tác bảo tồn ở đây từ rất sớm.

Nhiều chuyên gia Nhật đã đến vùng đất Quảng Nam là các giáo sư thuộc những ngành như khảo cổ thì có tiến sĩ Yamagata Mariko, tiến sĩ Kikuchi, tiến sĩ Nishimura (qua đời năm 2013 ở Việt Nam); kiến trúc có giáo sư Tomoda, giáo sư Shieegda Yutaka thuộc ĐH Nihon và nhiều kiến trúc sư, kỹ sư của các trường ĐH danh tiếng Nhật Bản.

Riêng đô thị cổ Hội An từ những năm 1990 đã tiếp nhận nhiều đóng góp cho việc tu bổ các kiến trúc bằng gỗ. Và Huế với những kiến trúc cung đình bằng gỗ thời Nguyễn cũng được các chuyên gia kiến trúc Nhật Bản quan tâm. 

Ông Nguyễn Thượng Hỷ (phải) nhận giải thưởng Daifumi của Trường đại học Toyama, Nhật Bản, tôn vinh những đóng góp trong việc trùng tu bảo tồn di tích cổ - Ảnh: nhân vật cung cấp
Ông Nguyễn Thượng Hỷ (phải) nhận giải thưởng Daifumi của Trường đại học Toyama, Nhật Bản, tôn vinh những đóng góp trong việc trùng tu bảo tồn di tích cổ - Ảnh: nhân vật cung cấp

Sống chết cùng di tích

Tốt nghiệp Mỹ thuật Huế năm 1979, ông Hỷ khăn gói vào Quảng Nam cưới vợ sinh con rồi gắn trọn đời mình ở vùng đất này. Những cây cột, kèo, xiên, trính, đến các mái lợp âm dương của những căn nhà cổ từ Hội An, Tiên Phước, Quế Sơn..., từ Huế vào tận Ninh Thuận ông đều tường tận như vách lá của mình.

Riêng với di tích Mỹ Sơn, 33 năm qua ông đã ròng rã cùng với các chuyên gia hàng đầu thế giới tỉ mẩn đo vẽ không ngừng, trong đó ông tự nhận rằng đã may mắn được “xách cặp” cho kiến trúc sư Ba Lan Kazic (Kazimierz Kwiatkowsky), người đã một đời chăm chuốt cho Mỹ Sơn đến hơi thở cuối cùng.

Có những cái tết, ông mắc võng giữa rừng để cùng kiến trúc sư Kazic qua đêm trong “thung lũng thần linh” này. Khi kiến trúc sư Kazic qua đời, một mình ông Hỷ lại mày mò, cày xới với một mớ ngồn ngộn những di tích cổ tại Quảng Nam. 

Tháng 8-1995, ông Hỷ được qua Nhật học sáu tháng ở ĐH Showa về bảo tồn trùng tu kiến trúc cổ. Trở về Quảng Nam, ông lặn lội khắp các vùng quê, tìm tòi, đo vẽ, chụp ảnh, nghiên cứu rồi lập hồ sơ công nhận di tích cho những ngôi nhà, đình chùa hàng trăm năm tuổi.

“Ở đâu có người báo phát hiện các di tích là tôi tới, đặc biệt là các di tích Chăm. Tôi còn phải nghiên cứu cái giao thoa trong kiến trúc của người Việt và người Chăm nữa. Đó là lý do tôi hay vào Ninh Thuận và có rất nhiều bạn bè trong đó” - ông giải thích. 

Có lẽ khi trao giải thưởng cho ông Hỷ, người Nhật thích cái tò mò, tỉ mẩn của ông ở công việc. Hơn 30 năm trong nghề, mặc dù đọc rất nhiều bản vẽ, kim cổ các loại sách về kiến trúc, hễ nghe nói về nhà cổ ông lại tự xách thước đi đo. Đo rồi tự tay ông vẽ lại tất cả.

Phía sau căn nhà tranh của ông, một xưởng vẽ sắp được dựng lên. Ông bảo vẽ lại của người xưa cũng là cách học. Ông vẽ thô rồi nhờ con trai của mình vẽ lại bằng đồ họa lưu cẩn trọng trên máy tính.

Hiện ông có một bộ sưu tập đồ sộ các loại nhà cổ, đình chùa, miếu mạo ngày xưa mà không phải tìm ở đâu cũng có. Không học hàm, học vị, nhưng ông luôn là khách mời danh dự tại các hội thảo khoa học về bảo tồn trùng tu kiến trúc cổ trong và ngoài tỉnh. 

Khi ông bán nhà ở phố rồi lên đây dựng nhà tranh ở một mình, có người nói ông lập dị, gặp trục trặc chuyện gia đình. Nhưng khi nhiều cơn bão quét qua vùng này, những căn nhà mái tôn xung quanh bị lột sạch, căn nhà tranh một gian, hai chái của ông lại trụ vững và trở thành nơi trú bão cho hàng xóm.

Bên dưới lớp tranh nhà ông là một cái mái bằng đất sét, nhà làm theo kiểu nhà Thang Lâm của người Chăm, thoạt nhìn rất giống nhà lá của người Bình Định. Khi dựng căn nhà, ông cố níu kéo chút gì đó của quá khứ đang dần tàn phai.

Ông cười hiền bảo mình thích là làm, ai nói gì kệ. Vợ ông hằng tuần vẫn từ thành phố dẫn cháu nội lên thăm ông trong căn nhà nhỏ trên đồi này. Cháu trai của ông rất thích câu cá, hái hoa trước ngõ.

Ông vui nhất khi đứa con trai kiến trúc sư vừa thích nghiên cứu kiến trúc cổ lẫn hiện đại. Nhấp chén trà xanh, ông nói khẽ: “Mình chết có giữ chút gì đâu, thân này làm phân cho cây lá, căn nhà lá này cũng tàn theo. Coi như góp chút chất sống cho cây đời vậy. Cũng như cái nghề bảo tồn, trùng tu đưa tôi từ Huế đến với thung lũng này. Ngày cuối đời, chắc tôi sống chết cũng ở đây!”. 

(*): http://tuoitre.vn/tin/tuoi-tre-cuoi-tuan/20140707/lam-nha-chong-giac-tau-o-o-dao-ly-son/659764.html

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận