​Hoài nghi điều tốt đẹp

VĂN CƠ 21/05/2015 01:05 GMT+7

LTS: Tham gia loạt Câu chuyện cuộc sống kỳ này, một độc giả cho rằng chúng ta chọn thái độ sống “Đi nhẹ, nói khẽ... cho lành” bởi sự công chính của xã hội chúng ta còn yếu kém, trong khi một độc giả khác nhận định: khi các giá trị bị tráo đổi và được thừa nhận như một điều bình thường thì sẽ rất khó khăn để đặt lại các giá trị đúng với vị trí của nó. TTCT giới thiệu hai góc nhìn này.


Minh họa: bích khoa

1. Điều tốt đẹp luôn mang yếu tố tích cực nên dễ dàng được khen ngợi và chào đón. Nhưng thực tế có như thế?

Tôi cứ tự hỏi mình như thế sau vụ một nữ sinh ở Trà Vinh hồi đầu năm nay bị bạn bè đánh hội đồng vì từ chối đi mua bánh cho lớp trưởng. Báo chí cho biết đó là một học sinh ngoan hiền, có thành tích tốt trong học tập, rèn luyện thể thao và được thầy cô đánh giá tốt. Báo chí cũng cho biết lớp trưởng đã từng làm thế với nhiều em khác.

Vấn đề là không em nào thấy hành vi từ chối (có thể nói là can đảm của nạn nhân) là chính đáng và cần được ủng hộ, cũng không một em nào nhận ra sự quá quắt, lạm quyền của lớp trưởng để lên án.

Cũng ít thấy báo chí phân tích tại sao các em khước từ đứng về lẽ phải hay hùa theo cái xấu mà chủ yếu chỉ lên án về hành vi, nhận thức, công tác quản lý, đạo đức... Phải chăng chính vì chúng ta thiếu quan tâm đến việc bảo vệ điều hay lẽ phải mà cái xấu có thể công khai tấn công điều tốt đẹp như vậy?

2. Dễ nhận thấy nhất là tốt đẹp thì dễ bị ganh tị, một học sinh giỏi mà còn ngoan, hiền thì dễ trở thành đối tượng bị ghen ghét, một cô gái đẹp mà thành công bao giờ cũng bị nghi ngờ về thực lực, một doanh nhân giàu có thường hứng chịu soi mói về quá trình làm giàu.

Khi mọi người đều sở hữu những cơ hội như nhau mà có một ai vượt lên trước thì họ dễ bị cho rằng làm nổi, kiếm điểm và có mục đích xấu xa, mờ ám gì đó. Đáng buồn là hiện tượng ghen ăn tức ở (được dân mạng xã hội gọi là gato) trong giới trẻ hiện nay không còn là điều đáng xấu hổ nữa.

Mạng xã hội cho phép giới trẻ “ném đá” công khai mọi điều họ thấy không vừa ý, trong đó có cả những hành vi tốt đẹp. Một nghệ sĩ thông tin đi làm từ thiện ngay lập tức có bình luận rằng đó là chiêu PR, một bức ảnh ngôi nhà có kiến trúc đẹp được khoe lên mạng tức thì nhận “gạch đá” chê bai, thậm chí việc thả động vật về rừng cũng bị cợt nhả một cách thiếu ý thức.

Hiện tượng chạy điểm, đua thành tích từ học đường khiến trẻ em không thấy đó là điều xấu mà là việc cần thiết để lên lớp. Hiện tượng gà bài, thiên vị gà nhà, khen thưởng theo lối mặt trận cho huề cả làng khiến trẻ em hiểu cố gắng bằng thực lực là không cần thiết.

Hiện tượng con ông cháu cha, quen biết, thư tay, mua chức bán quyền khiến nhân viên không còn động lực phấn đấu. Hiện tượng bè phái, nhóm lợi ích, báo cáo láo, trù dập khiến người ta không tìm thấy sức mạnh của sự thật. Hiện tượng cạnh tranh thiếu lành mạnh, hành vi gian lận kinh tế, lừa đảo thương mại khiến người ta không tin có ai đó làm giàu chính đáng. Hiện tượng dùng tình đổi điểm, đổi vai diễn, chiêu trò showbiz khiến người ta hoài nghi có cái gọi là nghệ thuật đích thực...

 

3.Suy diễn tiêu cực đối với điều tốt đẹp đã trở thành một phần định kiến trong ứng xử xã hội, nhiều người cho rằng cuộc sống khó khăn chung đã hạn chế cơ hội phát triển vật chất và tiến bộ tinh thần, dẫn đến tình trạng ít ai nhận ra sự yếu kém của bản thân nhưng lại sẵn sàng hoài nghi điều tốt đẹp nơi người khác. Hiện tượng gato, lật lọng, đảo lộn giá trị, cái tốt đẹp bị tấn công, cái xấu xa được tung hô không còn xa lạ nữa. Có gì đó mâu thuẫn ở đây khi xã hội hiện ngày càng có khuynh hướng đề cao hình thức bên ngoài lại ghét cái đẹp và đạp đổ cái tốt. Chúng ta từng nói nhiều về cách giáo dục lạc hậu, về nhận thức yếu kém đã dẫn đến những hành vi tiêu cực của giới trẻ, nhưng phải chăng chúng ta thiếu quan điểm xác định đâu là điều tốt đẹp, đâu là điều xấu xa nên dễ bị lệch lạc từ suy nghĩ đến hành động?

Nếu điều tốt đẹp bị đánh lận con đen và điều xấu xa được bao phủ bằng địa vị, quyền lực, tiền bạc, danh vọng thì khó khuyến khích ai đó làm điều tích cực. Các hành vi xã hội có thể phản ánh tư duy não trạng của xã hội đó, khi các giá trị bị tráo đổi và được thừa nhận như một điều bình thường thì sẽ rất khó khăn để đặt lại các giá trị đúng với vị trí của nó. Việc từ chối sự lạm quyền chắc chắn khác với việc từ chối giúp đỡ người gặp nạn, tương tự như vậy, cộng đồng cần phân biệt rõ hành vi sàm sỡ ở công viên nước Hồ Tây hôm chủ nhật 19-4-2015 là hành vi quấy rối, hoàn toàn không phản ánh tiềm thức sinh hoạt lễ hội phồn thực xưa của cha ông như nhận xét của một số người.

 

Nếu điều tốt đẹp bị đánh lận con đen và điều xấu xa được bao phủ bằng địa vị, quyền lực, tiền bạc, danh vọng thì khó khuyến khích ai đó làm điều tích cực. Các hành vi xã hội có thể phản ánh tư duy não trạng của xã hội đó, khi các giá trị bị tráo đổi và được thừa nhận như một điều bình thường thì sẽ rất khó khăn để đặt lại các giá trị đúng với vị trí của nó.

 

 

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận