TTCT - "Tôi nghĩ cần một phong trào quần chúng mạnh mẽ, để thúc ép truyền thông đề cập tới các cuộc khủng hoảng mà chúng ta đang đối mặt bằng cách tạo ra áp lực liên tục. Hoặc đơn giản là tạo ra các kênh thông tin thay thế để áp đảo thị trường thông tin" - Noam Chomsky. Năm nay bước sang tuổi 90, Noam Chomsky là một trong những học giả và nhà tư tưởng tiêu biểu nhất của thời hiện đại. Vẫn miệt mài làm việc, ông hiện giảng dạy một khóa về khủng hoảng toàn cầu và chính trị tại Đại học Arizona, Mỹ. Trong những năm gần đầy, Chomsky chuyển trọng tâm nghiên cứu sang mối đe dọa hiện hữu về sự tồn vong của loài người trước biến đổi khí hậu, mà ông coi là “mối đe dọa tới sự tồn vong của đời sống loài người có tổ chức”, tương tự chiến tranh hạt nhân. Trong bài phỏng vấn độc quyền với National Observer gần đây, Chomsky đề cập trực tiếp mối quan hệ cụ thể giữa truyền thông và khủng hoảng khí hậu. Cháy rừng diện rộng do biến đổi khí hậu ở California năm 2018. Ảnh: EcoInternet SỰ THẤT BẠI CỦA TRUYỀN THÔNG National Observer: Trong những năm gần đây, ông đã nói rất nhiều tới tính nghiêm trọng của khủng hoảng khí hậu - và đưa ra nhiều ví dụ về cách mà giới doanh nghiệp truyền thông đang lãng quên vấn đề này. Ông đánh giá thế nào về vai trò nói chung của truyền thông liên quan tới khủng hoảng đó? - Noam Chomsky: Hãy xem xét một câu chuyện tiêu chuẩn hiện giờ. Chẳng hạn, nếu bạn đọc tờ New York Times hôm nay, có một bài khá tốt về những phát hiện liên quan tới tình trạng tan băng ở các cực đang trở nên khẩn cấp hơn những phỏng đoán trước đây, và điều này đã diễn ra nhiều năm. Cả những ảnh hưởng tiềm tàng từ việc mực nước biển tăng nguy cấp như hiện nay. Vậy là báo chí đã đề cập vấn đề này thường xuyên, chứ không lãng quên. Nhưng mặt khác, nếu ta đọc một bài tiêu chuẩn về việc khai thác dầu khí, cũng tờ New York Times có thể đăng một bài lớn ở trang nhất về việc Mỹ đang dịch chuyển sang điều mà họ gọi là sự độc lập về năng lượng, vượt qua Saudi Arabia và Nga về sản lượng nhiên liệu hóa thạch, mở ra những khu vực khai thác mới, Wyoming, vùng Trung Tây. Bài báo đấy có thể dài 1.000 từ, đề cập tới hậu quả môi trường, ảnh hưởng tới nguồn nước địa phương của các chủ trang trại, nhưng hoàn toàn không nói đến sự ấm lên toàn cầu. Và điều này xảy ra ở rất nhiều bài báo - Financial Times, New York Times, tất cả các báo lớn. Thế nên, một mặt, giống như một tầm nhìn hình ống - các phóng viên khoa học thi thoảng lại cất tiếng cảnh báo “thảm họa kia kìa”, nhưng rồi các bài viết lại thường xuyên không đề cập tới hiện trạng biến đổi khí hậu, mà là “thật tuyệt vời, chúng ta không phải nhập khẩu dầu nữa, chúng ta sẽ hùng mạnh hơn”, và cứ thế. Họ không thấy có sự liên hệ? - Điều đó giống chứng rối loạn tâm thần, và diễn ra khắp xã hội. Ví dụ các ngân hàng lớn, như JP Morgan Chase chẳng hạn, họ là những ngân hàng lớn nhất, và CEO Jamie Dimon là người thông minh. Tôi chắc chắn ông ấy biết những dữ kiện cơ bản về mối đe dọa nguy cấp của tình trạng ấm lên toàn cầu, nhưng cùng lúc, họ vẫn đổ những khoản đầu tư lớn vào việc khai thác nhiên liệu hóa thạch, vì đó là mô hình kinh doanh. Họ phải tạo ra lợi nhuận ngày mai. Thế có nghĩa là truyền thông đã không thực hiện được vai trò của mình là kết nối các vấn đề lại với nhau? - Tất nhiên, tôi đang nói về truyền thông bên phe tự do. Nếu anh nói về Fox News (truyền thông phe bảo thủ), sẽ khá khác đấy. Họ cho rằng không có tình trạng ấm lên của Trái đất... Khoảng một nửa những người Cộng hòa cho rằng không có tình trạng đó, và trong một nửa cho rằng có tình trạng đó, một nửa nữa không nghĩ nó liên quan tới con người. Xét về truyền thông, phải chăng các loại bộ lọc mà ông đã đề cập trong mô hình truyền thông giúp giải thích những hạn chế này, hay còn yếu tố nào khác? - Những bộ lọc truyền thông là dễ nhìn thấy nhất. Chúng được đan cài vào mô hình kinh doanh: ta phải tạo ra lợi nhuận. Và xã hội phải tăng trưởng. Thế nên, đúng là các hãng quảng cáo có tác động, và thực tế là doanh nghiệp có tác động. Nhưng sâu hơn thế, là điểm mà George Orwell đã đề cập, mà tôi nghĩ đã bị đánh giá thấp. Tôi không biết anh đã đọc phần giới thiệu cuốn Animal Farm (Trại súc vật) chưa - có thể chưa, vì nó từng bị kiểm duyệt - nhưng được công bố sau khi được phát hiện trong các tài liệu của ông ấy 30 năm sau, và là phần giới thiệu khá thú vị. Cuốn sách được viết cho người dân Anh và ông nói rằng cuốn sách này dĩ nhiên là chuyện châm biếm về kẻ thù toàn trị, nhưng ông nói chúng ta không nên cảm thấy quá tự cao tự đại về nó vì “ở nước Anh tự do, những ý kiến vẫn có thể bị đè nén mà không cần dùng đến vũ lực”. Orwell... giải thích rằng thứ nhất, báo chí do người giàu sở hữu, mà những người này có mọi quyền lợi để không muốn một vài ý tưởng được bộc lộ, và thứ hai, đơn giản là hệ thống giáo dục. Nếu bạn học trường tốt nhất, tốt nghiệp Oxford và Cambridge, và bạn đã tiêm vào đầu mình sự hiểu biết rằng có một số thứ nhất định không được nói ra - và bạn không nghĩ về nó nữa. Nó trở thành cái mà Gramsci (Antonio Gramsci, triết gia theo chủ nghĩa Marx người Ý) gọi là “bá quyền của đạo đức phổ quát”..., nhưng điều mà ai nhắc tới thì bị người khác cho là tâm thần. Các mô hình lợi nhuận đã khiến truyền thông không đủ quan tâm tới biến đổi khí hậu?-Ảnh: Getty Images CẦN NÓI NHIỀU HƠN VỀ KHỦNG HOẢNG Làm sao để báo chí làm khác đi? Làm sao để báo chí có thể đề cập tới biến đổi khí hậu? - Mỗi tờ báo đều cần mỗi ngày mỗi giật tít rằng chúng ta đang tiến tới tận thế. Chỉ vài thế hệ nữa, xã hội loài người có tổ chức có thể không còn tồn tại. Phải nhồi vào đầu con người liên tục điều đó. Vì chưa từng có điều gì tương tự như tình thế hiện giờ trong lịch sử loài người. Thế hệ hiện nay sẽ phải quyết định xem liệu xã hội của loài người còn tồn tại không, và phải làm nhanh, không còn nhiều thời gian nữa. Không có thời gian để mà tình tính tang nữa. Và rút khỏi các thỏa thuận Paris nên được xem là một trong những tội ác nghiêm trọng nhất trong lịch sử. Nhưng liệu có rủi ro của việc tước đi quyền tự chủ của con người khi chỉ loan tin xấu? - Đúng là thế. Tin tức cần kết hợp với các thảo luận về những việc có thể làm, và đang được làm. Ví dụ, nhà kinh tế tài ba Dean Baker đã viết một bài tiểu luận gần đây, trong đó ông bàn về những việc mà Trung Quốc đang làm. Đất nước này vẫn là nơi gây ô nhiễm lớn, nhưng cùng lúc, họ đang thực thi những chương trình quy mô rất lớn để chuyển đổi sang năng lượng tái tạo, hơn bất kỳ quốc gia nào. Nước Mỹ có làm thế không? Thử xem ở Arizona này, ta lái xe loanh quanh, mặt trời chói chang quanh năm, nhưng thử xem có bao nhiêu tấm pin năng lượng mặt trời? Nhà chúng tôi ở ngoại ô là nơi duy nhất ở gần các tấm pin. Mọi người phàn nàn họ phải trả hóa đơn tiền điện hàng ngàn đôla mỗi tháng vì dùng điều hòa vào mùa hè, nhưng lại không lắp pin năng lượng mặt trời; và thực tế, công ty điện lực Tucson khiến cho làm việc này trở nên khó khăn. Có lẽ chủ yếu ở những tổ chức truyền thông thay thế độc lập, ta mới thấy kiểu đăng tải thông tin về biến đổi khí hậu như một dạng khủng hoảng? - Đúng là vậy, nhưng các nơi này không thu hút đủ sự chú ý của công chúng. Và không chỉ là khủng hoảng này, còn nhiều khủng hoảng nữa. Ví như mối đe dọa hạt nhân. Đây là hai cuộc khủng hoảng cơ bản, cả hai đang ngày càng nguy cấp. Nhưng còn nữa, ví dụ là mối đe dọa dịch bệnh. Việc sản xuất thịt công nghiệp trước hết là vô nhân tính, nhưng sau nữa, là yếu tố lớn thứ hai góp phần làm Trái đất nóng lên; và cũng gây tình trạng kháng kháng sinh lan rộng. Người ta sử dụng vô tội vạ thuốc kháng sinh trong chăn nuôi gia súc, và điều đó đang tạo ra những vi khuẩn đột biến kháng mọi loại kháng sinh..., có thể dẫn tới đại dịch, như dịch cúm một thế kỷ trước đã làm hàng chục triệu người chết. Mọi người nói về khủng hoảng di cư, chuyện gì sẽ xảy ra khi Bangladesh bị lụt lội, hàng trăm triệu người phải rời bỏ nhà cửa. Nam Á đang khô cạn, hàng trăm triệu người không đủ nước sinh hoạt, trong khi băng đang tiếp tục tan, và họ có thể mất nguồn cung cấp nước. Điều gì sẽ xảy ra với thế giới? Sẽ là những vấn đề khổng lồ. Và không còn xa nữa đâu. Ông nghĩ ở Mỹ, hay ở những xã hội mà về mặt chính danh là dân chủ khác, liệu có thể cải tổ truyền thông sao cho thúc đẩy hơn nữa loại hình báo chí bàn tới sự tồn vong của loài người? - Có một cách là trở thành các xã hội dân chủ thật sự. Còn xa lắm. Nếu nói về bầu cử - có nghiên cứu rất thuyết phục trong khoa học chính trị chính thống, thể hiện rằng các cuộc bầu cử ở Mỹ về cơ bản là mua được. Ta có thể dự báo kết quả bầu cử Thượng hay Hạ viện với sự chính xác cao, chỉ cần nhìn vào một biến số là ngân sách chiến dịch. Đó là lý do khiến khi đắc cử, ngay ngày đầu tiên nhậm chức, chính trị gia phải lập tức lôi kéo các khoản tài trợ cho cuộc bầu cử tiếp tới. Trong khi đó, nhân viên của họ và những chuyên gia vận động hành lang từ giới doanh nghiệp mới chính là người viết luật. Đây là một dạng dân chủ, nhưng rất hạn chế. Noam Chomsky. Ảnh: The Intercept NHỮNG Ý TƯỞNG CẢI TỔ TRUYỀN THÔNG Ông có nhận thấy có khả năng cải tổ truyền thông mà không cần cải tổ xã hội và chính trị không? Vì có một phong trào, như ông biết, nhắm cụ thể vào cải tổ truyền thông, với Robert McChesney và nhiều người khác? - Còn có thể làm rất nhiều việc. Hệ thống phải được điều chỉnh lớn theo nhiều cách, thậm chí là những điều chỉnh cực đoan. Cải tổ truyền thông chỉ là một. Sự độc quyền ngày càng lớn của truyền thông chủ lưu là một vấn đề nghiêm trọng. Theo Ben Bagdikian, những năm 1980 có khoảng 50 nguồn tin tức, giờ chỉ còn khoảng 5-6 nguồn. Mô hình lợi nhuận - quảng cáo của truyền thông đã hủy hoại báo chí. Những ngày xưa ở Mỹ, chính phủ công nhận tầm quan trọng của báo chí độc lập và tự do, và đơn giản dùng trợ cấp, như miễn phí tiền chuyển phát qua bưu điện, làm công cụ để tạo ra báo chí độc lập. Hồi thế kỷ 19, báo chí rất sôi động và có đạo đức, làm được nhiều việc thú vị. Nhưng giờ đây hầu hết đã sụp đổ vì sự tập trung vốn và mô hình quảng cáo. Ông có thấy nhiều hi vọng về một phương án thay thế trên Internet hay mạng xã hội không? - Có hi vọng, nhưng mạng xã hội như con dao hai lưỡi. Rõ ràng nó tạo ra một căn phòng khuếch âm, một hệ thống bong bóng. Chúng ta đều như thế, mọi người tìm kiếm những thứ họ tin, và không nghe những quan điểm khác mình - thế giới của riêng bạn càng được củng cố. Điều này dẫn tới hầu như không còn khả năng phản ứng. Tôi vừa đọc vài số liệu gần đây, hóa ra theo một số khảo sát, tỉ lệ người Mỹ sử dụng các tờ báo và cơ quan truyền thông lớn như nguồn đầu tiên họ tìm đến khi cần thông tin là khoảng 6%. Hầu hết tìm đến mạng xã hội, nơi không sản xuất tin, mà lọc tin, và không có phóng viên hiện trường. Đấy là mặt tối. Mặt sáng là mạng xã hội là cách bạn tiếp cận, thu hút chú ý, và là công cụ hiệu quả. Ngay cả giáo viên cũng giao tiếp với học sinh theo cách này. Ai cũng làm vậy. Nếu ta dạo qua các trường học, ai cũng có thiết bị di động. Rõ ràng ảnh hưởng thế nào khó mà nói. Ta thấy thiếu niên ngồi ăn ở McDonald’s, và ai cũng cùng lúc thực hiện hai cuộc hội thoại, một với những người bạn đang ngồi cùng bàn, hai là với bất kỳ ai đang tương tác trên mạng qua điện thoại. Điều đó phá vỡ các mối quan hệ xã hội có ý nghĩa. Đâu là những điều kiện cần thiết để tạo ra những phản ứng hiệu quả với khủng hoảng khí hậu? - Tôi nghĩ cần một phong trào quần chúng mạnh mẽ, để thúc ép truyền thông đề cập tới các cuộc khủng hoảng mà chúng ta đang đối mặt bằng cách tạo ra áp lực liên tục. Hoặc đơn giản là tạo ra các kênh thông tin thay thế để áp đảo thị trường thông tin. Chúng ta không thể lãng phí thời gian nữa. Trợ cấp báo chí độc lập không phải là một ý tưởng không tưởng, nó từng diễn ra ở Mỹ những ngày đầu, hoặc kiểu phong trào truyền thông từ dưới lên mà Bob McChesney và những người khác đang phát triển. Đây là vấn đề khẩn thiết. Vài năm trước tôi đã trao đổi với sinh viên rằng họ phải đưa ra lựa chọn mà không ai trong lịch sử loài người trước đây phải chọn. Họ phải quyết định liệu xã hội loài người có tổ chức có còn tồn tại hay không. Ngay cả khi Đức quốc xã đang thống trị, ta cũng không phải đối mặt với câu hỏi đó. (Hạnh Nguyên dịch) ■ Gợi ý đọc những nguồn tin thay thế của Chomsky: “Blogs, Truthout, Truthdig, Common Dreams, Democracy Now, và nhiều kênh khác đang sản xuất tất cả các thông tin bạn không thể có trên tivi. Cực kỳ hữu ích, nhưng điểm tiêu cực là những nơi này đang bị những gã khổng lồ của thung lũng Silicon thúc mạnh vào lưng (để tìm kiếm doanh thu và lợi nhuận) dựa trên mô hình quảng cáo”. Tags: Mạng xã hộiBiến đổi khí hậuNoam ChomskyBáo chí tự doTruyền thông độc lậpKhủng hoảng khí hậu
Đạo diễn Cu li không bao giờ khóc: Thái độ làm nên số phận điện ảnh NGUYỄN TRƯƠNG QUÝ 19/11/2024 1913 từ
Quân đội Mỹ tuyên bố sẵn sàng sử dụng vũ khí hạt nhân TRẦN PHƯƠNG 21/11/2024 Bộ tư lệnh chiến lược Mỹ (STRATCOM) nói Washington sẵn sàng sử dụng vũ khí hạt nhân nếu cần nhưng chỉ trong tình hình 'có thể chấp nhận được'.
Chi tiết sáp nhập phường của TP.HCM áp dụng từ ngày 1-1-2025 THÀNH CHUNG 21/11/2024 Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã ký ban hành nghị quyết về việc sáp nhập đơn vị cấp xã của TP.HCM giai đoạn 2023 - 2025.
Chi tiết sáp nhập xã, phường của Hà Nội: Giảm 53 xã, phường THÀNH CHUNG 21/11/2024 Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã ký nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về sáp nhập phường, xã của Hà Nội giai đoạn 2023 - 2025.
Bộ Chính trị kỷ luật cảnh cáo ông Vương Đình Huệ THEO WEBSITE ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM 21/11/2024 Ngày 20-11, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã xem xét, thi hành kỷ luật tổ chức đảng, đảng viên có vi phạm, khuyết điểm.