TTCT - Hơn 1.000 phụ nữ trẻ ở khu vực ĐBSCL đã trải qua những khóa học “làm dâu xứ Hàn”. Chưa thể đánh giá toàn diện về lợi ích của các lớp học miễn phí này nhưng trước mắt đó là giải pháp thực tế nhất. Đặc biệt khi mỗi cô dâu dự khóa học được trang bị… số điện thoại khẩn cấp của 200 trung tâm trợ giúp ở Hàn Quốc.Read this on Tuoitrenews.vn Phóng to Một học viên trong lớp học làm dâu - Ảnh do Hội LHPN TP Cần Thơ cung cấp Những chiều cuối tháng 9 mưa dầm dề, nhưng lớp học nhỏ trên đường Trần Hoàng Na, quận Ninh Kiều, trung tâm TP Cần Thơ, vẫn đều đặn đón tiếp khoảng 30 cô gái trẻ đến “học làm dâu” ở xứ Hàn. Ngô Thị Trang Lành (*), 18 tuổi, là một trong số đó. Thông qua người môi giới hôn nhân, cô gái gốc Cần Thơ này chỉ biết người chồng tương lai đang làm nhân viên một công ty và chỉ thấy hình “ý trung nhân” qua Internet. Lớp học ba ngày Phóng to Bà Won Sun A, trưởng đại diện văn phòng dự án tại Cần Thơ - Ảnh do Hội LHPN TP Cần Thơ cung cấp Chương trình học được xây dựng từ thực tế mà Trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam chỉ đạo, Hội Liên hiệp phụ nữ TP Cần Thơ và KOCUN (Trung tâm chính sách nhân quyền Liên Hiệp Quốc tại Hàn Quốc) đã sơ kết đánh giá qua một năm thực hiện. Các cô dâu Việt được cung cấp thông tin từ những vấn đề căn bản cho cuộc sống như vị trí địa lý, tổ chức hành chính, kinh tế, mùa và thời tiết của Hàn Quốc; về tư cách cư trú của phụ nữ kết hôn di cư cho đến những vấn đề thiết yếu về văn hóa mua sắm, ẩm thực, nhà ở...“Tôi biết được lớp học này thông qua Lãnh sự quán Hàn Quốc tại TP.HCM và quyết định đi học nhằm chuẩn bị tâm lý và tinh thần thật tốt trước khi về làm dâu nhà chồng - Lành chia sẻ với ánh mắt tràn đầy niềm hứng khởi - Tôi sẽ cố gắng trau dồi tiếng Hàn và sống thật tốt bên nhà chồng. Tôi tin mình sẽ có một cuộc sống hạnh phúc”. Lớp học là căn phòng rộng chừng 30m2 ở tầng một của ngôi nhà nhỏ. Ở hành lang trước phòng học là những dây treo hình ảnh đầy màu sắc và cuốn hút về ẩm thực Hàn Quốc, có ghi rõ cách đọc bằng tiếng Việt lẫn tiếng Hàn. Trên một bàn dài dựa sát góc tường là những món ăn truyền thống bày biện khá đẹp mắt như cơm trộn (bibim bab), bánh gạo xào (tteokbokki), kim chi cải thảo (baechu kimchi), canh rong biển (miyeok guk)... Tất cả đều là mô hình bằng nhựa để học viên tranh thủ quan sát trong giờ giải lao, cách nấu nướng thì học trên sách và qua bài giảng. Giáo viên đứng lớp hôm đó là cô Trịnh Lương Hoàng, người tham gia chương trình từ những ngày đầu cách nay đúng một năm. “Các bạn tham gia lớp học đa số học vấn còn thấp và cũng lâu rồi không ngồi tập trung như thế này nên rất dễ mệt và buồn ngủ” - cô Hoàng chia sẻ. Các khoảng thời gian thảo luận, chiếu phim minh họa, chiếu slide liên tục đan xen để học viên có thể tiếp cận thông tin mới một cách đơn giản, dễ hiểu nhất. Mối lo chính của học viên là cách nói năng, ứng xử với gia đình chồng, với chồng. Các câu hỏi phản ánh thực tế đó. Nhiều cánh tay giơ lên nêu những thắc mắc rất cơ bản như “Chị ơi, nếu mời cả nhà ăn cơm phải nói như thế nào?”, hoặc “Gọi cha hoặc mẹ chồng cho đúng bằng tiếng Hàn như thế nào?”. Thậm chí không thiếu những câu hỏi rất “thực tế” như “Anh có khỏe không? Cuối tuần anh làm gì? Anh đi làm lương có nhiều không?”... Cô Hoàng lại khéo léo giải thích, chỉ rõ số trang trong quyển sách hướng dẫn mà học viên có thể tiếp tục đọc sau khi khóa học kết thúc. Lớp học kéo dài ba ngày, mỗi ngày khoảng 8 giờ, tất nhiên không thể giúp các cô gái Việt Nam hiểu được hết về một đất nước 50 triệu dân. Nhưng với những người tổ chức lớp, dẫu sao đó cũng là những trang bị căn bản giúp bảo vệ bước đầu cho những học viên đã quyết định sang làm dâu xứ người. Đời không như là phim Rất nhiều phụ nữ ở nông thôn ĐBSCL gần đây chọn lấy chồng Hàn Quốc như một trào lưu bị tác động bởi phim tình cảm Hàn Quốc và qua giới thiệu của các mối quan hệ ở địa phương. Theo thông tin từ Đại sứ quán Việt Nam tại Hàn Quốc, từ năm 2002-2010 có khoảng 40.000 phụ nữ Việt kết hôn với người Hàn Quốc nhưng không phải ai cũng có cuộc sống gia đình trọn vẹn, lãng mạn như trên phim ảnh. Một số bi kịch gia đình đã xảy ra và phần thiệt thòi thường rơi về phía các cô dâu Việt. Bà Won Sun A, trưởng đại diện văn phòng dự án của chương trình tại Cần Thơ và đã có gần sáu năm sinh sống và làm việc tại Việt Nam, cho biết: “Phụ nữ Việt thường kết hôn với công dân Hàn Quốc thông qua các công ty môi giới nên ít có hiểu biết về đất nước bên nhà chồng, dẫn đến những mâu thuẫn và thỉnh thoảng là những câu chuyện đau lòng”. Theo bà Hà Thị Kim Báu - ủy viên Ban thường vụ Hội Liên hiệp phụ nữ TP Cần Thơ, trưởng Ban chính sách luật pháp, có nhiều lý do khiến các cô dâu Việt không thể hòa hợp với gia đình chồng bên Hàn Quốc. Ngoài bất đồng ngôn ngữ, thiếu thời gian để thích ứng, các cô chưa được trang bị kiến thức cơ bản về phong tục, tập quán và con người Hàn Quốc, chưa kể lý do chưa suy nghĩ chín chắn khi kết hôn. Họ chỉ muốn đạt mục đích cá nhân trong cuộc sống mà quên đi mục đích thiêng liêng của hôn nhân là xây dựng hạnh phúc gia đình. Xác định căn nguyên chính của các bi kịch gia đình Hàn - Việt là sự thiếu hiểu biết giữa hai bên, Bộ Bình đẳng giới và gia đình Hàn Quốc đã phối hợp với Trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam đồng khởi xướng Chương trình giáo dục định hướng cho phụ nữ Việt Nam di cư theo diện kết hôn trước khi sang Hàn Quốc. TP Cần Thơ được chọn làm địa điểm triển khai chương trình vì theo điều tra, số phụ nữ kết hôn với người nước ngoài tập trung nhiều tại các tỉnh miền Tây Nam bộ, chiếm 79% trường hợp của cả nước. Thêm vào đó, vị trí địa lý ở đây khá thuận lợi cho những phụ nữ từ các tỉnh lân cận. Qua bài giảng do các thành viên thuộc Ban thường vụ Hội Liên hiệp phụ nữ TP Cần Thơ đảm nhiệm hoặc xem phim về đời sống thực tế ở Hàn Quốc, các học viên còn được học tiếng Hàn, tìm hiểu quan hệ gia đình bên Hàn, cách sử dụng các tiện ích xã hội như: bệnh viện, tàu điện ngầm, xe buýt, điện thoại quốc tế... Nhiều kiến thức tưởng chừng rất căn bản của cuộc sống dễ dàng nhìn thấy ở Việt Nam vẫn được đưa vào các bài giảng và vào quyển Hướng dẫn về đời sống Hàn Quốc dành cho phụ nữ Việt Nam di cư theo diện kết hôn phát cho các học viên. Phóng to Lớp học “làm dâu xứ Hàn” tại Cần Thơ - Ảnh do Hội LHPN TP Cần Thơ cung cấp Ý thức về thực tế Hồng Anh, cô gái xinh xắn đến từ Kiên Giang, cho biết cũng như nhiều phụ nữ khác ở địa phương lấy chồng Hàn Quốc trước đây, cô và các bạn học chỉ được giới thiệu ý trung nhân thông qua các trung tâm môi giới hoặc qua các mối quen biết trong họ hàng. Những lời kể, những tấm hình gửi về từ Hàn Quốc thường chỉ là các câu chuyện thành công trong hôn nhân. Sự hào nhoáng được tô vẽ thêm đó dễ che khuất thực tế cuộc sống. Giờ đây qua lớp học, cô đã hiểu thêm rằng có thể giảm đi các bi kịch nếu được chuẩn bị trước các tình huống xấu. Để tham dự lớp học ba ngày miễn phí này, các học viên phải được sở tư pháp cấp giấy đăng ký kết hôn hoặc được ghi chú kết hôn với người Hàn Quốc. Tuy nhiên, việc thuyết phục những cô dâu này đến lớp cũng lắm lúc gặp khó khăn. Thông thường sở tư pháp các địa phương - nơi chứng thực kết hôn - hoặc Lãnh sự quán Hàn Quốc tại TP.HCM sẽ giới thiệu cho các cô dâu Việt sắp sang Hàn Quốc về lớp học miễn phí tổ chức tại Cần Thơ, đồng thời gửi danh sách các cô dâu cho phía tổ chức lớp. Nhưng theo lời cô Hoàng, “thường là các bạn gọi điện cho chúng tôi viện cớ kiểu như “Em không đi học đâu chị ơi vì bên Hàn Quốc em có người quen. Khoảng cách nhà chồng em và nhà bà con của em cũng gần lắm, chỉ khoảng một tiếng đi xe”. Nói chung họ cảm thấy lớp học không cần thiết lắm”. Lý do thứ hai là nhiều cô dâu ở xa Cần Thơ nên cũng ngại đi học. Vì thế lắm lúc ban tổ chức lớp học phải trực tiếp gọi điện thoại động viên, thuyết phục các cô dâu đến lớp. Họ ý thức rất rõ rằng chỉ khi biết được về thực tế cuộc sống tại Hàn Quốc, các cô dâu mới có thể ứng xử thích hợp trước những tình huống bất lợi. Bà Won chia sẻ: “Chúng tôi thiết nghĩ nếu như các cô dâu Việt đi qua Hàn Quốc mà biết được chút ít nào đó về đất nước của chúng tôi thì tốt quá. Tôi hi vọng qua lớp học này, các cô dâu Việt sẽ hiểu được những mặt trái cũng như có một cái nhìn đúng đắn hơn về đất nước chúng tôi”. Theo bà Won, do lớp học diễn ra ngắn ngày nên nhiều người cho rằng đây là lớp học cấp tốc. Quan trọng hơn nữa, thông qua lớp học này các học viên sẽ được cung cấp đầy đủ các số điện thoại khẩn cấp của hơn 200 trung tâm trợ giúp ở Hàn Quốc để có thể tiếp tục tìm hiểu và học thêm nhiều điều khi sang đến đất nước Đông Á này, cũng như có thể được giúp đỡ bất cứ lúc nào. Hằng tuần lớp học tại Cần Thơ vẫn tiếp tục thu hút 25-30 học viên. Nhiều học viên cảm thấy lo lắng và hụt hẫng, nhưng có lẽ đa số chưa cảm thấy “tỉnh mộng” sau lớp học, bởi bản thân họ chưa chạm tay vào thực tế. ___________ (*) Tên các cô dâu trong bài đã được thay đổi để bảo vệ danh tính Tags: Cô dâu ViệtPhụ nữ trẻXứ HànLàm dâu
Thiếu phôi bằng lái khắp cả nước: Cục Đường bộ mở gói thầu hơn 141 tỉ đồng ĐỨC PHÚ 23/11/2024 Chuyện thiếu phôi bằng lái xe lan ra nhiều tỉnh thành dẫn đến nhiều người dân đã thi đậu vẫn chưa được cấp bằng.
Hai cô gái trang điểm bị gia đình chú rể lục va li, yêu cầu cởi đồ vì nghi lấy 20 triệu HOÀI THƯƠNG 23/11/2024 Hai cô gái chuyên trang điểm cho cô dâu bị một gia đình chú rể ở Tiền Giang giữ lại để kiểm tra va li, đồ đạc và yêu cầu cởi đồ để lục soát chỉ vì bị mất 20 triệu đồng khiến nhiều người bức xúc.
Biến động ở REE: ‘Nữ tướng’ Mai Thanh rời ghế chủ tịch, sếp mới là đại diện quỹ ngoại BÌNH KHÁNH 23/11/2024 Ông Alain Xavier Cany - đại diện của quỹ ngoại Platinum Victory - trở thành chủ tịch HĐQT mới của REE thay bà Nguyễn Thị Mai Thanh.
Tuyển futsal nữ Việt Nam: Sau ngôi nữ hoàng là giấc mơ World Cup NGUYÊN KHÔI 23/11/2024 Đánh bại tuyển futsal nữ số 1 châu Á Thái Lan để lần đầu bước lên ngôi nữ hoàng khu vực, tuyển futsal nữ Việt Nam thêm tự tin hướng đến việc giành vé dự World Cup nữ futsal 2025.