Học online và một thế giới hư cấu khác

NGUYỄN VŨ 01/12/2021 19:10 GMT+7

TTCT - Càng để học sinh học online lâu chừng nào, chúng ta càng đẩy các em vào cái thế giới “metaverse” mà các “đại công ty công nghệ” như Facebook của Mark Zuckerberg đang dày công xây dựng.

 
 Minh họa

 Vì dịch bệnh nên phải tổ chức cho học sinh học online là chuyện chẳng đặng đừng; ai cũng biết học online có những khiếm khuyết lớn như tô đậm sự cách biệt giàu nghèo trong mỗi học sinh. Một em ngồi học với dàn máy multimedia sẽ tự tin hơn một em khác loay hoay với chiếc điện thoại rẻ tiền và kết nối Internet chập chờn. Học sinh ngồi học trong bối cảnh nhà cửa chật hẹp, sau lưng mấy đứa em nheo nhóc khóc đòi sữa sẽ khác học sinh ngồi trong phòng riêng, có máy lạnh, bên cạnh là một ly nước cam.

Trước dịch, cha mẹ nào cũng muốn hạn chế thời gian con sử dụng điện thoại di động hay lên mạng lùng sục mọi thứ; nay làm sao cấm hay hạn chế được nữa khi chúng có lý do chính đáng là học online. Có lẽ cha mẹ nào cũng xót xa khi thấy mắt con dán vào màn hình suốt ngày... mà không làm gì được. Đi đến trường, vào lớp học tức là thả cho các em vào một môi trường buộc chúng phải học các kỹ năng xã hội mà các lớp trực tuyến không bao giờ rèn luyện được cho các em. Cái không gian online càng cô lập các em khi giãn cách xã hội đã tô đậm chuyện này ngoài đời thật.

Đáng ngại hơn là những gì không gian mạng muốn củng cố lại trái ngược những gì nền giáo dục phổ quát ngoài đời muốn xây dựng ở học sinh. Cho dù lớp học online không phải là toàn bộ không gian mạng, phơi nhiễm các em trên môi trường này cũng có tác dụng tương tự. Đó có thể là khái niệm công lý đám đông, tính bầy đàn, sự kích động các cảm xúc ở hướng cực đoan để duy trì sự chú ý, là môi trường khuyến khích tin giả, lý thuyết âm mưu... Học online tạo cho các em cái cảm giác cuộc sống ảo trên không gian mạng mới là thật nên từ đó, rất khó cho các em thấm nhuần những đức tính do giáo dục mà nên như lòng tự trọng, sự khoan dung, tôn trọng sự khác biệt.

Nói đơn giản nhất, giả dụ chúng ta đang dạy cho các em phép trừ với bài toán 122 trừ 88. Cho dù với cách tiếp cận nào, điều chúng ta muốn dạy các em là quy trình để đi đến kết quả chứ không phải chỉ là kết quả, chẳng hạn mượn ở hàng chục đưa về hàng đơn vị. Trong một lớp thật, giáo viên có thể giảng rồi thực hành rồi gọi từng em để rèn luyện cho quen cái quy trình này. Trong lớp thật, có rất nhiều cơ hội để các em củng cố kỹ năng vừa học. Trong lớp online, có thể các em sẽ bỏ qua các quy trình vì trên máy có sẵn máy tính để bấm vào và có ngay kết quả.

Thế nhưng cái đáng ngại nhất vẫn là sự chưa chuẩn bị kỹ của người lớn nên thay vì đóng vai trò hướng dẫn, rất có thể thầy cô bị học sinh cuốn vào những ngóc ngách trên thế giới mạng mà họ không rành. Nói gì thì nói, thầy cô có người rành công nghệ, có năng khiếu dạy online, biết quản lý học sinh bất kể cách biệt không gian nhưng cũng có nhiều thầy cô không nắm vững các thao tác cơ bản để tổ chức một buổi dạy online, lúng túng mỗi khi gặp trở ngại, bị học sinh tinh nghịch qua mặt dễ dàng. Học sinh một khi đã không tin thầy cô hơn mình về các thủ thuật tin học sẽ dẫn tới tâm lý không tin hay không coi trọng kiến thức được truyền giảng.

Vẫn biết tổ chức học online là trường hợp bất khả kháng nhưng thử hỏi từ lúc buộc phải dạy online đến giờ ngành giáo dục đã làm gì để hỗ trợ giáo viên, nhất là những người không quen với công nghệ; đã có trang web nào làm nơi giáo viên vào hỏi để được giải đáp những thắc mắc; cung cấp những bài học nào được tổng kết và chia sẻ?

Muốn tổ chức dạy online thành công thì thầy cô phải dày công biên soạn lại toàn bộ giáo án theo các định hướng khác, theo các tiêu chí khác. Đặc biệt tài liệu giảng dạy phải được số hóa phù hợp từng độ tuổi của học sinh. Cái yếu nhất là sự thiếu vắng những cơ sở dữ liệu hỗ trợ việc dạy, từ các dữ liệu tham khảo, tra cứu đến các bài tập tương tác; từ video minh họa đến tác phẩm đọc thêm ở dạng ebook. Xây dựng những dạng tài nguyên này không thể một sớm một chiều, nhưng nếu không bắt tay vào làm biết đến bao giờ mới có cho giáo viên sử dụng.

Học online không chỉ đơn thuần là kết nối các học sinh lại với nhau trên một màn hình máy tính; nó thay đổi toàn bộ cách các em tiếp cận với thế giới, giao tiếp với thầy cô và bạn bè, tiếp nhận kiến thức mới, cảm nhận mới. Nếu chỉ bê nguyên kiến thức từ lớp học thông thường lên mạng để dạy học sinh, ngành giáo dục sẽ để tuột tay các em vào cái thế giới ảo “metaverse” với các nhân vật thế thân, tiền mã hóa, mỹ thuật ảo NFT, quan hệ kết nối qua chuỗi khối, mua bán giao dịch qua một nền tài chính phi tập trung, hợp tác với nhau qua một dạng hợp đồng thông minh. Thế giới này tốt hay xấu chưa rõ nhưng ắt hẳn sẽ thiếu vắng và đứt gãy nền giáo dục truyền thống. 

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận