TTCT - 18 năm sau bài phát biểu nổi tiếng của Tổng thống Nga Vladimir Putin (năm 2007), mới lại có một cuộc họp thường niên của Hội nghị an ninh Munich (MSC, 14 đến 16-2) gây rúng động châu Âu như thế. Chủ tịch MSC 61 Christoph Heusgen không cầm được nước mắt trong phát biểu bế mạc ngày 16-2. Ảnh: Global Look Press"Kết thúc một kỷ nguyên" (hãng tin BBC), "Sốc và kinh hoàng (nhật báo Ý Corriere della Sera) là những nhận định của chính báo chí châu Âu về hội nghị mà sau đó, EU phải nhóm họp thượng đỉnh khẩn tìm đối sách.Giọt nước mắt của Chủ tịch MSC 61Cho đến nay, phát biểu của ông Putin năm 2007 được coi như lời cảnh báo với phương Tây và lời khẳng định chính sách đối ngoại độc lập của Nga.Cần nhắc đôi chút về bối cảnh lịch sử dẫn tới phát biểu 2007. Bảy năm trước đó, năm 2000, ông Putin đắc cử tổng thống Nga. Thời kỳ đầu, ông có chính sách đối ngoại thân thiện, đồng cảm với phương Tây, với hy vọng mối quan hệ sẽ được cải thiện. Nhưng đến năm 2007, những ảo tưởng của Nga tan biến. Hoa Kỳ, sau khi giành chiến thắng trong chiến tranh lạnh, đã gây chiến ở Afghanistan và Iraq. Đặc biệt, chiến dịch tại Iraq được tiến hành mà không có sự chấp thuận của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Trong bối cảnh đó, ông Putin cảnh báo các quốc gia khác không nên khuất phục trước ý muốn bá quyền một cách mù quáng. "Nga là quốc gia có hơn một nghìn năm lịch sử và gần như luôn được hưởng đặc quyền theo đuổi chính sách đối ngoại độc lập. Chúng tôi sẽ không thay đổi truyền thống này", ông nhấn mạnh trong bài phát biểu tại Munich 18 năm trước.Luận điểm chính trong bài phát biểu của Putin năm 2007 là "đối với thế giới hiện đại, mô hình đơn cực không chỉ không thể chấp nhận được mà còn hoàn toàn không thể thực hiện được". Ông công khai đặt câu hỏi về sự thống trị của Hoa Kỳ, nói rằng Washington không có khả năng áp đặt quan điểm lên thế giới. Ông nhắc nhở những người có mặt rằng cơ chế pháp lý duy nhất để đưa ra quyết định sử dụng vũ lực quân sự chỉ có thể là Hiến chương LHQ. Phần lớn bài phát biểu cũng đề cập đến các vấn đề liên quan đến việc NATO mở rộng về phía đông và việc không tuân thủ Hiệp ước về lực lượng vũ trang thông thường ở châu Âu.Sau hội nghị Munich 2007, phương Tây thay đổi triệt để thái độ với Nga, như ngoại trưởng Cộng hòa Czech Karel Schwarzenberg khi đó nhận xét: "Chúng ta phải cảm ơn Tổng thống Putin, người đã chứng minh một cách rõ ràng và thuyết phục lý do tại sao NATO nên mở rộng". Về phía Nga, Alexey Mukhin, tổng giám đốc Trung tâm Thông tin chính trị Nga, sau này nhắc lại trên RT: "Bài phát biểu đó của Putin chỉ ra những điểm yếu của hệ thống chính trị và giá trị phương Tây. Vào thời điểm đó, điều này gây khó chịu, nhưng giờ đây nó đáng được tôn trọng".Hình ảnh cũ từ hội nghị năm 2007 cho thấy hai ông Putin và George W. Bush mỉm cười và chào nhau, các nhà lãnh đạo khác đùa cợt với nhau vào đầu hội nghị. Tuy nhiên, sau bài phát biểu của tổng thống Nga, nụ cười biến mất khỏi khuôn mặt của các chính trị gia phương Tây.Ảnh: ReutersThật trớ trêu, 18 năm sau, phản ứng tương tự lại xuất hiện, nhưng là sau bài phát biểu ngày 14-2 của Phó tổng thống Hoa Kỳ JD Vance. Không chút nể nang, ông Vance khẳng định mối đe dọa thật sự với châu Âu là có tính nội tại, chứ không phải từ Nga hay Trung Quốc. Đó là sự khủng hoảng các chế định dân chủ khi Brussels cho phép mình bãi bỏ kết quả bầu cử nếu không thích (trường hợp Romania), loại bỏ tiếng nói của những người có chính kiến khác (không cho Đảng cực hữu Đức AfD tham gia MSC), kiểm duyệt truyền thông, duy trì chính sách nhập cư thiếu kiểm soát…Ông Vance dùng những từ ngữ nặng nề khi kêu gọi châu Âu không nên đối xử với người dân "như những con vật được huấn luyện", không nên "đàn áp" quyền bầu cử của công dân. Chế giễu lời chỉ trích của Berlin rằng Elon Musk can thiệp vào công việc nội bộ của Đức khi Musk đưa ra những tuyên bố tích cực về AfD, Vance trêu chọc: "Nếu Hoa Kỳ có thể chịu đựng được 10 năm những nhiếc móc của Greta Thunberg (nhà hoạt động môi trường trẻ tuổi người Thụy Điển), thì EU cũng nên chịu đựng được vài tháng những bài đăng của tỉ phú Elon Musk". Đặc biệt, Vance không hề nhắc đến Ukraine trong toàn bộ bài phát biểu - dù đây là lý do chính của MSC lần này.Chủ tịch MSC Christoph Heusgen đã không cầm được nước mắt trong diễn văn bế mạc ngày 16-2: "Với Ewald von Kleist (người sáng lập MSC), hội nghị này khởi đầu như một diễn đàn xuyên Đại Tây Dương. Sau phát biểu của Phó tổng thống Vance hôm thứ sáu 14-2, chúng ta phải lo âu rằng cơ sở giá trị chung của chúng ta đã không còn chung nữa…""Tôi cảm ơn tất cả các chính khách châu Âu đã phát biểu khẳng định những giá trị và nguyên tắc mà họ bảo vệ. Cho phép tôi kết thúc tại đây. Tôi thấy quá nặng nề".Thế giới tất bật hậu MSC 61Việc EU phải nhóm họp thượng đỉnh khẩn ngay sau khi MSC 61 kết thúc khẳng định tính cấp bách của việc thay đổi mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương. Các lãnh đạo châu Âu đã nhóm họp một hội nghị thượng đỉnh không chính thức tại Paris hôm 17-2 để thảo luận phản ứng của châu Âu trước việc Donald Trump mở cuộc đàm phán với Putin và ý tưởng đưa quân đội châu Âu vào Ukraine. Tuy nhiên, không có quyết định nào được công bố sau hội nghị này.Ảnh: ReutersPhát biểu trước báo giới sau cuộc họp, Thủ tướng Đức Olaf Scholz tuyên bố cần phải tiếp tục giúp đỡ Ukraine. "Chúng tôi hoan nghênh các cuộc đàm phán về một thỏa thuận hòa bình, nhưng rõ ràng với chúng tôi đây không thể là một sự áp đặt", Scholz nói, nhấn mạnh không nên có sự phân chia về an ninh và trách nhiệm giữa châu Âu và Hoa Kỳ. Ông cũng cho biết Đức sẽ tiếp tục đầu tư vào quốc phòng và EU nên linh hoạt hơn về các vấn đề ngân sách nếu các thành viên có kế hoạch chi hơn 2% GDP cho quốc phòng. Thủ tướng Anh Keir Starmer thì nói sẽ bay sang Mỹ vào tuần tới để thảo luận về "các yếu tố chính của hòa bình lâu dài" với Tổng thống Trump, bởi theo ông, "bất kỳ thỏa thuận hòa bình nào cũng phải được Hoa Kỳ bảo đảm".Trong khi đó, Washington và Matxcơva bày tỏ quyết tâm khôi phục mối quan hệ Mỹ - Nga, vốn xấu đi trầm trọng trong nhiệm kỳ Biden. Ngày 15-2, ngoại trưởng hai nước đã điện đàm, khẳng định sẵn sàng khôi phục đối thoại tôn trọng lẫn nhau. Tiếp đó, đầu tuần này, các đại diện cấp cao Nga và Mỹ gặp nhau tại Saudi Arabia để chuẩn bị cho cuộc họp thượng đỉnh dự kiến sẽ diễn ra cuối tháng 2.Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cùng lúc cũng gởi tới các thủ đô EU bảng câu hỏi về việc các nước EU nào có thể gởi quân gìn giữ hòa bình cho Ukraine sau khi chấm dứt chiến sự, EU có thể thực hiện những bước bổ sung nào (vũ khí, thiết bị, bảo trì...) để củng cố vị thế của Ukraine trong đàm phán và gây sức ép lên Nga, cũng như làm thế nào để tăng cường các lệnh trừng phạt với Nga và kiểm soát các hạn chế hiện hành… Theo tờ Telegraph, Anh và Pháp dự kiến sẽ gởi quân gìn giữ hòa bình tới Ukraine, trong khi Đức và Ba Lan có thể không tham gia.Sau Munich, nơi ông Zelensky cố gắng thuyết phục châu Âu hợp tác với Ukraine để xây dựng an ninh châu Âu, thậm chí thành lập "quân đội châu Âu", ông vội vã đi khắp thế giới. Sau chuyến thăm bất ngờ tới UAE, ông bay tới Thổ Nhĩ Kỳ, với hy vọng mối quan hệ tốt đẹp giữa Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan với ông Trump sẽ tác động được lên đối sách của Mỹ. ■ "Phương Tây tập thể" không còn tồn tại?Phó chủ tịch Hội đồng liên bang (Thượng viện) Nga Konstantin Kosachev đã tuyên bố như thế trên kênh Telegram của ông khi bình luận về MSC 2025. Ông nhắc lại hội nghị này khai diễn lần đầu năm 1963, vài tháng sau cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba, nhằm củng cố sự thống nhất về mặt tư tưởng của phương Tây, và sau đó trở thành diễn đàn chính nơi các nhà lãnh đạo Hoa Kỳ và châu Âu thảo luận việc đoàn kết xuyên Đại Tây Dương.Nhưng theo thời gian, theo Kosachev, khái niệm đoàn kết vì phương Tây dân chủ dần suy thoái và sau khi chiến tranh lạnh kết thúc, phương Tây tập thể thực sự tạo ra ngày càng nhiều vấn đề mới cho nhân loại. "Tổng thống Nga đã phát biểu về vấn đề này vào năm 2007 tại Hội nghị Munich. Một giải pháp thay thế thực sự đã được đề xuất. Nhưng những thành viên tập thể này đã giả điếc giả mù trong khi vẫn nhận vai trò là người dẫn đường toàn cầu. Phải mất thêm 18 năm khó khăn nữa, vết nứt mới trở thành vực thẳm".Ông Kosachev tin rằng nguyên tắc của chính quyền mới ở Hoa Kỳ không phải là về một trật tự thế giới công bằng hơn, mà là phân phối lại vai trò, từ nay mọi người sẽ tự lo cho mình, vì từ giờ trở đi "không còn ai vì mọi người". "Về bản chất, điều này mang lại rủi ro không kém gì một thế giới đơn cực", Kosachev tóm tắt trên Svobodnaya Pressa hôm 15-2. Le Monde của Pháp ngày 16-2 cũng viết: "Tại Munich, Vance đã tuyên chiến về mặt tư tưởng với châu Âu". Trở lại Bạn đang đọc trong chuyên đề "Chiến sự Nga - Ukraine Tiếp theo Tags: MSC 61MunichChâu ÂuChủ tịch MSC 61 Christoph HeusgenÔng Putin
Giá vàng 'rớt' thêm, nhiều người mới mua lỗ nặng BÌNH KHÁNH 22/02/2025 Giá vàng giảm mạnh sau khi lập đỉnh lịch sử. Nhiều thương hiệu lớn niêm yết giá vàng SJC hai chiều mua vào - bán ra lần lượt là 89,4 - 91,7 triệu đồng/lượng.
Nhà cung cấp nguyên liệu cho Masan, Vinamilk thay sếp, chủ tịch rời ghế với tài sản 2.500 tỉ BÌNH KHÁNH 22/02/2025 Ông Nguyễn Thiên Trúc đang nắm gần 52 triệu cổ phiếu AIG, tương đương 2.500 tỉ đồng.
Nghi phạm cướp FPT Shop là sinh viên năm 4, lún sâu nợ nần do tiêu xài hoang phí MINH HÒA 22/02/2025 Là sinh viên đại học năm 4, nghi phạm cướp tiền FPT Shop ăn chơi, tiêu xài hoang phí, lún sâu vào nợ nần nên nảy sinh ý định cướp.
Hải quân Trung Quốc tập trận bắn đạn thật lần thứ 2 ở vùng biển quốc tế THANH BÌNH 22/02/2025 New Zealand cho biết Hải quân Trung Quốc đã tổ chức cuộc tập trận bắn đạn thật ở vùng biển quốc tế gần quốc gia Thái Bình Dương này trong ngày 22-2.