TTCT - Có một nghịch lý là càng gần đến ngày diễn ra Hội nghị thượng đỉnh về hòa bình cho Ukraine tại Thụy Sĩ (từ 15 đến 16-6), nền hòa bình ước mơ này lại càng... xa vời. Hội nghị hòa bình về Ukraine cần sự có mặt của Nga? Ảnh: Reuters Ý định chính của những người tổ chức Thượng đỉnh Thụy Sĩ: lôi kéo sự tham gia ở cấp nguyên thủ quốc gia của khoảng 100 nước trên thế giới để gây sức ép lên Nga nhằm kết thúc chiến tranh.Đặc biệt quan trọng trong hội nghị sẽ là những quốc gia chủ chốt của "phương Nam toàn cầu": Trung Quốc, Ấn Độ, Brazil, Nam Phi. So với các hội nghị hòa bình trước đó vốn chỉ có các cố vấn chính trị tham gia, hội nghị Thụy Sĩ sẽ là "đỉnh cao" nhằm thông qua kế hoạch hòa bình của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky. Cho đến tháng 4-2024, ông Zelensky tuyên bố đã có 80 quốc gia tỏ tín hiệu tham dự.Tại các hội nghị hòa bình trước, những thông số khác nhau của công thức Ukraine đã được thảo luận. Tới nay, các quốc gia chủ chốt của Nam bán cầu đã không tán thành công thức này và chỉ sẵn sàng thảo luận về những điểm nhỏ trong đó. Về điểm chính theo Kiev: Nga phải rút quân về biên giới năm 1991 và Ukraine phải được bồi thường từ Nga - không một nước phương Nam nào đồng ý. Đại diện của các nước này tuyên bố các tiêu chuẩn về hòa bình cần phải được thống nhất với Nga, theo đó các cuộc đàm phán trực tiếp nên bắt đầu với Matxcơva trên chiến tuyến hiện tại, có nghĩa không cần rút quân Nga khỏi các lãnh thổ Nga chiếm đóng, điều mà cũng Ukraine kiên quyết không nhượng bộ. Cho đến cuối tháng 5, chưa có dấu hiệu cho thấy Thụy Sĩ sẽ mời Nga hay Nga sẽ thay đổi quan điểm.Ông Zelensky và ông Putin trong một cuộc gặp gỡ năm 2019. Ảnh: NBC NewsNhững lời mời bị từ chốiĐến 17-5, thêm hai nước lớn của phương Nam - Brazil và Nam Phi - cho biết sẽ không cử lãnh đạo cấp cao tới dự. Tổng thống Brazil Lula da Silva cho rằng việc ông tham gia hội nghị không có Nga sẽ không ý nghĩa gì. Trung Quốc cũng đã từ chối - Chủ tịch Tập Cận Bình nói ông chỉ ủng hộ một hội nghị hòa bình về Ukraine khi việc tổ chức hội nghị được cả Kiev và Matxcơva chấp thuận.Như vậy từ giữa tháng 5, đã biết rõ ba đối tác chính của Nga trong BRICS không cử lãnh đạo cao nhất tới hội nghị. Về phía Ấn Độ, ấn phẩm Swiss Info của Thụy Sĩ hôm 16-5 viết rằng Delhi "chưa đưa ra bất kỳ cam kết chắc chắn nào".Ngay cả EU cũng không có tiếng nói đồng nhất. Trong khi Brussels ra sức vận động cho công thức hòa bình của ông Zelensky, Hungary vẫn tuyên bố ủng hộ kế hoạch hòa bình của Trung Quốc ngay trong chuyến thăm của ông Tập tới Budapest hôm 9-5. Tiếp đó, Budapest đã phủ quyết nghị quyết của Hội đồng châu Âu và kêu gọi "đàm phán hòa bình thực chất" với sự tham gia của Nga.Về phần mình, Nga tuyên bố ngay cả khi được mời, họ cũng sẽ không tham gia. Đại diện Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova đưa ra 3 nguyên nhân: (1) Hội nghị thảo luận "công thức hòa bình nhưng mang tính tối hậu thư" của ông Zelensky; (2) Thụy Sĩ đã đánh mất vị thế trung lập; và (3) kinh nghiệm từ các thỏa thuận Minsk và đàm phán Nga - Ukraine năm 2022 cho thấy Kiev và phương Tây không có khả năng đàm phán.Cục diện bất lợiChủ đề đàm phán nhằm chấm dứt chiến tranh ở Ukraine hiện đang có phần căng thẳng với Kiev, do một số sự kiện xảy ra cùng lúc đang tác động tiêu cực đến nỗ lực này, theo phân tích trên cổng thông tin Ukraine StranaNews.Đầu tiên, cuộc tấn công của Nga gần Kharkov cho thấy cán cân chiến trường đang nghiêng về phía Nga. Trong khi đó, phương Tây vẫn chưa sẵn sàng đưa quân tới Ukraine. Mỹ cũng chỉ bật đèn xanh cho các cuộc tấn công bằng tên lửa của họ ở mức hạn chế vào lãnh thổ Nga.Thứ hai, tiền đề cho việc Kiev đàm phán với Nga đã xuất hiện. Dù về chính thức, Ukraine tuyên bố sẵn sàng tiến hành chiến tranh cho đến khi tới được biên giới năm 1991, nếu điều kiện quân lực khó khăn không thể giải quyết trong những tháng tới, thì chiến tranh tiếp tục có thể dẫn đến mất thêm lãnh thổ, và làm suy giảm vị thế đàm phán của Ukraine.Thứ ba, Tổng thống Nga Vladimir Putin từng tuyên bố sẵn sàng chấm dứt chiến tranh ngay trước chuyến thăm Bắc Kinh (17 và 18-5), ủng hộ "công thức hòa bình" của Trung Quốc: ngừng giao tranh mà không cần rút quân Nga khỏi các lãnh thổ chiếm đóng. Ông Putin cũng nói đàm phán cần bao gồm "trao đổi nghiêm túc về đảm bảo an ninh cho Nga và Ukraine".Ảnh: NDTVTuy nhiên, một thực tế không thể phủ nhận là ở Ukraine lẫn phương Tây có những thế lực vẫn tin vào khả năng chiến thắng, nếu không phải lập tức bằng chiến tranh nóng, thì sẽ là lâu dài bằng cuộc đấu hao mòn về kinh tế. Từ thỏa thuận Minsk 2014 đến nay, đã có nhiều tình thế mà giải pháp hòa bình dường như đã "ở ngưỡng cửa". Nhưng mỗi lần như vậy lại có chuyện xảy ra, đẩy xung đột bước sang một giai đoạn mới, Strana News lưu ý.Ví dụ cụ thể là cuộc đàm phán Istanbul diễn ra trực tiếp giữa Nga và Ukraine vào tháng 3-2022. Tại đó các bên đã đưa ra điều kiện và nguyên tắc tiên quyết để ngừng bắn và giải pháp hòa bình. Gói thỏa thuận bao gồm tình trạng trung lập của Ukraine: không gia nhập NATO và không để nước ngoài đóng quân trên lãnh thổ của mình, không phát triển vũ khí hạt nhân và chỉ tiến hành tập trận quân sự khi có sự đồng ý của các nước bảo lãnh. Đổi lại, Kiev trông cậy vào các đảm bảo an ninh quốc tế "tương tự như điều khoản thứ năm của NATO" (ngoại trừ với các lãnh thổ đang bị chiếm đóng). Theo kế hoạch, những bên bảo đảm cho thỏa thuận sẽ là các thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc (Pháp, Anh, Mỹ, Nga và Trung Quốc), cũng như Đức, Israel, Ý, Canada, Ba Lan và Thổ Nhĩ Kỳ.Vào thời điểm đàm phán, Nga hứa sẽ giảm hoạt động quân sự ở hướng Kiev và Chernigov. Ukraine tuyên bố sẽ không cố gắng giải quyết vấn đề Crimea bằng biện pháp quân sự trong 15 năm và đàm phán về tình trạng của bán đảo này với Nga. Đồng thời, các nhà đàm phán ở Kiev khẳng định mong muốn được gia nhập EU.Đại diện phái đoàn Kiev là lãnh đạo ở quốc hội của đảng cầm quyền Ukraine David Arakhamia. Trưởng đoàn Nga là trợ lý tổng thống Vladimir Medinsky. Trong các cuộc đàm phán, ông Medinsky tuyên bố: "Lần đầu tiên sau nhiều năm, chính quyền Kiev đã tuyên bố sẵn sàng đàm phán" và "để đáp ứng các yêu cầu cơ bản mà Nga đã kiên quyết suốt những năm qua". Thế nhưng đàm phán bất thành sau khi các bên quay về tham vấn chính phủ của mình.■ Năm vòng đàm phán, ba bản kế hoạchĐã có nhiều vòng đàm phán hòa bình nhằm chấm dứt chiến tranh Nga - Ukraine từ 2014 đến nay. Cuộc họp đầu tiên được tổ chức vào 28-2-2022 tại Belarus, bốn ngày sau khi Nga tấn công Ukraine, kết thúc mà không có kết quả. Vòng đàm phán thứ hai và thứ ba diễn ra vào ngày 3 và 7-3-2022 ở biên giới Belarus - Ukraine, tại một địa điểm thuộc vùng Gomel của Belarus. Vòng đàm phán thứ tư và năm lần lượt được tổ chức vào ngày 10 và 14-3-2023 tại Antalya, Thổ Nhĩ Kỳ.Cho đến trước thượng đỉnh Thụy Sĩ 15 và 16-6 tới, có ba kế hoạch hòa bình được đề xuất để chấm dứt chiến tranh, của Ukraine, Thổ Nhĩ Kỳ, và Trung Quốc.Kế hoạch hòa bình của Ukraine được ông Zelesnky đưa ra tháng 11-2022 tại Hội nghị G20 ở Indonesia. "Công thức hòa bình" của ông Zelensky gồm 10 điểm, trong đó khẳng định Ukraine sẽ không nhượng bộ về chủ quyền, lãnh thổ và độc lập; yêu cầu Nga rút quân và bồi thường chiến tranh. Công thức này cũng đưa ra các yêu cầu đảm bảo an ninh cho Ukraine, gồm "an toàn phóng xạ và hạt nhân, an toàn thực phẩm và an ninh năng lượng".Ngày 24-2-2023, Trung Quốc đăng trên trang web Bộ Ngoại giao nước này kế hoạch hòa bình 12 điểm. Một số nội dung chính là Bắc Kinh kêu gọi đàm phán (nhưng không nêu yêu cầu rút quân Nga khỏi Ukraine); kêu gọi không "đổ thêm dầu vào lửa" hay "đẩy mạnh đối đầu"; dỡ bỏ các lệnh trừng phạt với Nga; từ bỏ tâm lý Chiến tranh lạnh, và tuyên bố an ninh của một số nước không thể được đảm bảo bằng việc gây tổn hại cho những nước khác. Đây cũng là luận điểm mà tổng thống Nga đưa ra cho Hoa Kỳ và NATO trước khi xua quân vào Ukraine. Tags: Tổng thống Nga Vladimir PutinChiến tranh Nga UkraineHội nghị hòa bình UkraineThụy SĩĐàm phán hòa bình
Giáo sư Lea Ypi: "Tiểu thuyết khuyến khích niềm khoan dung..." HOÀNG HẢI VÀ ZÉT NGUYỄN 14/09/2024 3109 từ
Để nhà ở xã hội cho thuê không còn "trên giấy" Phạm Thái Sơn (giảng viên chương trình Phát triển đô thị bền vững, Đại học Việt Đức) 12/09/2024 1762 từ
Nhật Bản dự báo ngày 17-9 áp thấp nhiệt đới vào Biển Đông thành bão số 4 LÊ PHAN 16/09/2024 Áp thấp nhiệt đới ngoài khơi Philippines đang được các cơ quan khí tượng trong và ngoài nước theo dõi sát sao để cảnh báo cho người dân.
Bão Bebinca mạnh nhất trong hơn 70 năm đổ bộ Thượng Hải, Trung Quốc BÌNH AN 16/09/2024 Bão Bebinca vượt qua bão Gloria, trở thành cơn bão mạnh nhất đổ bộ vào thành phố Thượng Hải của Trung Quốc kể từ năm 1949.
TP.HCM muốn phủ xe buýt điện vào năm 2030: Làm sao để khả thi? ĐỨC PHÚ 16/09/2024 TP.HCM đang xây dựng một đề án phát triển giao thông xanh quy mô với kỳ vọng 'xanh hóa' xe buýt từ nay đến năm 2030.
Hình thành áp thấp nhiệt đới ngoài khơi Philippines CHÍ TUỆ 16/09/2024 Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cho biết ở vùng biển phía đông đảo Luzon (Philippines) có một áp thấp nhiệt đới đang hoạt động.