TTCT - Trong số các nước gỡ thẻ vàng IUU thành công, Philippines là một trường hợp đáng chú ý khi có thể chuyển vàng thành xanh chỉ trong chưa đầy một năm. Các tàu đánh cá thương mại neo đậu ngoài khơi đảo Siargao, một ngư trường phong phú của Philippines. Ảnh: Roel N. CatotoThẻ vàng được EU áp dụng cho Philippines vào tháng 6-2014. Đây là lời cảnh báo có sức nặng đến ngành công nghiệp trị giá hàng triệu USD, liên quan đến sinh kế của 1,4 triệu ngư dân và 3 triệu người khác trong các ngành liên quan đến đánh bắt cá của nước này. Nó buộc các quan chức Philippines, đặc biệt là các quan chức thủy sản và đối ngoại, phải hành động.Và họ đã hành động rất nhanh. Tháng 4-2015, 315 ngày sau khi nhận thẻ vàng, Philippines được cấp lại thẻ xanh nhờ các nỗ lực cải cách trong ngành đánh bắt cá.Sửa luật 17 nămNgay khi "nhận thẻ", Chính phủ Philippines và các bộ ngành liên quan đã tiến hành một loạt cuộc thảo luận về cách cải thiện các chính sách thủy sản. Hành động có ý nghĩa lớn nhất là sửa đổi luật về nghề cá, vốn đã được áp dụng 17 năm ở đất nước này.Theo Rappler, luật nghề cá sửa đổi có tên chính thức là "Đạo luật ngăn chặn và loại bỏ đánh bắt cá bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định", gồm 5 điểm mới quan trọng.(1) Philippines đặt ra các cơ chế kiểm soát sản lượng đánh bắt để tránh đánh bắt quá mức với từng ngư trường. Cục Thủy sản sẽ cấp số giấy phép đánh bắt cá theo quy tắc kiểm soát sản lượng dựa trên tham chiếu với các nghiên cứu khoa học hoặc bằng chứng sẵn có tốt nhất về trữ lượng của ngư trường. Hệ thống theo dõi, kiểm soát và giám sát được thiết lập với sự phối hợp với nhiều cơ quan để đảm bảo nghề cá và nguồn lợi thủy sản trong vùng biển Philippines được khai thác, quản lý một cách thận trọng và hợp lý trên cơ sở bền vững và bảo tồn vì lợi ích của công dân Philippines.(2) Hệ thống giám sát tàu được triển khai để nhà chức trách biết chính xác vị trí theo thời gian thực tế của tàu. Các tàu phải thông báo trước khi vào cảng theo các luồng, bến được chỉ định và nhiều biện pháp hành chính như yêu cầu về tài liệu đánh bắt, ngư trường… phù hợp cam kết của Philippines đối với các công ước và thỏa thuận quốc tế. Philippines cải thiện các cơ chế về xác nhận nguồn gốc và đánh bắt, tăng cường hợp tác với Papua New Guinea để kiểm tra, kiểm soát cũng như tuần tra về các hoạt động của đội tàu đánh bắt xa bờ hoạt động bên ngoài vùng biển của Philippines. Nước này cũng đào tạo thêm lực lượng bảo vệ biển, mua các thiết bị hỗ trợ thực thi pháp luật như thuyền và mua thiết bị giám sát tàu.(3) Tăng khung hình phạt. Theo đó, những người đánh cá trái phép sẽ phải trả giá đắt - lên tới hàng triệu USD đối với những hành vi "cướp bóc" thủy sản từ đại dương, phá hủy các hệ sinh thái biển. Cục Nghề cá và Nguồn lợi thủy sản Philippines cũng xây dựng kế hoạch hành động quốc gia chống khai thác không đúng với các quy định của IUU và quyết định ngừng việc giấy phép khai thác mới trong 3 năm để chấn chỉnh.(4) Luật cũng xác định việc đánh bắt hoặc cho, nhận, thu gom, mua, bán, sở hữu, vận chuyển, xuất khẩu, chuyển tiếp các loài thủy sinh được liệt kê trong công ước về buôn bán quốc tế các loài động thực vật hoang dã có nguy cơ tuyệt chủng, hoặc những loài được Liên minh Bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN) hoặc Bộ Nông nghiệp Philippines phân loại là bị đe dọa là vi phạm pháp luật.(5) Thành lập quỹ quản lý nghề cá để bảo tồn, gìn giữ, bảo vệ, quản lý, phát triển và điều tiết nghề cá và nguồn lợi thủy sản, nghiên cứu, phát triển và xây dựng năng lực của các bên liên quan khác nhau bao gồm cung cấp học bổng, sinh kế phụ xóa đói giảm nghèo và cải thiện năng suất, quy trình của các bên liên quan.Một mẻ cá ngừ được tại cảng cá thành phố General Santos ở miền nam Philippines, ngày 9-8-2022. Ảnh: benarnews.orgTrong thông báo gỡ thẻ vàng ngày 21-4-2015, Ủy ban châu Âu (EC) đánh giá Philippines "đã thực hiện hàng loạt cải cách để nâng cấp quản trị nghề cá của đất nước. Hệ thống luật pháp của nước này đã phù hợp với luật pháp quốc tế", đủ điều kiện để được gỡ thẻ vàng và nhận lại tấm thẻ xanh.Các nhóm môi trường và thủy sản cũng như giới chức Philippines hài lòng với những thay đổi và kết quả thực tế đạt được. Luật nghề cá sửa đổi giúp duy trì sự giàu có của nguồn lợi thủy sản biển, bảo vệ sinh kế của ngư dân, giữ được thị trường xuất khẩu và công bằng cho những ngư dân tuân thủ pháp luật.Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành Quỹ Quốc tế bảo vệ thiên nhiên (WWF-Philippines) Joel Palma cho biết: "Chúng tôi có lời khen đến Cục Nghề cá và Nguồn lợi thủy sản Philippines (BFAR) và tất cả các bên tham gia vì thành công này. Chúng ta đã tạo động lực để chuyển đổi bền vững ngành thủy sản của đất nước và không nên dừng lại ở đây".Philippines xác định sẽ tiếp tục thực hiện các cải cách trong ngành đánh bắt cá qua xác quyết của Tổng thống Benigno Aquino III khi đó: "Quý vị có thể chắc chắn là chúng tôi sẽ tiếp tục thực hiện các cải cách để tránh xảy ra tình trạng tương tự trong tương lai và củng cố ngành đánh bắt cá hơn nữa. Chúng tôi quyết tâm làm điều này vì có rất nhiều người dân phụ thuộc vào nghề cá để kiếm sống". Theo báo Nhân Dân, tại Việt Nam, trong năm 2022, đoàn thanh tra của Ủy ban châu Âu đã đến làm việc, kiểm tra việc thực hiện chống khai thác IUU và có báo cáo kết luận và thông tin những hạn chế còn tồn tại của Việt Nam. Cụ thể, mặc dù khung pháp lý toàn diện phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế, việc thực thi các quy định pháp lý mới hiện vẫn còn hạn chế và không đồng đều giữa các địa phương. Số lượng các trường hợp mất kết nối với các tàu vẫn còn cao. Còn tồn tại là số lượng lớn tàu cá Việt Nam bị bắt giữ ở vùng biển các nước láng giềng. Nguy cơ trở lạiĐầu tháng 4-2023, Chính phủ Philippines ra quyết định tạm ngừng việc giám sát các tàu đánh cá thương mại trong nước theo quyết định quản lý nghề cá (FAO) số 266. Lý do, theo quy định ban hành năm 2020 này, các tàu cá thương mại hoạt động trong vùng nước nội địa và vùng biển xa phải lắp đặt hệ thống giám sát tàu thuyền, nhưng yêu cầu này được ban hành vì lý do thận trọng hành chính chứ không phải vì nó thực sự cần thiết.Việc đình chỉ sẽ được duy trì trong khi chờ phán quyết của tòa án tối cao về tính hợp hiến của nó. Dù tạm ngừng giám sát các tàu đánh cá thương mại trong nước, các cơ quan liên quan vẫn "tăng cường phản ứng đối với hoạt động đánh bắt cá bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định và trình các khuyến nghị lên văn phòng tổng thống", theo PhilStar.Liên minh các nghiệp đoàn đánh bắt cá Philippines cho rằng chừng nào phía EU chưa lên tiếng về các vi phạm đến mức có khả năng bị cảnh báo lại của Philippines, quyết định tạm ngừng giám sát sẽ giúp tăng sản lượng cá trong nước. Tuy nhiên, văn phòng Philippines của tổ chức từ thiện quốc tế Oceana cảnh báo quyết định này có thể sẽ đặt nghề cá của Philippines trước rủi ro bị nhận thẻ vàng của EU lần nữa, ảnh hưởng đến quyền tiếp cận thị trường nhập khẩu thủy sản lớn nhất thế giới của nước này."Quyết định là bước đi lùi, đưa chúng ta trở lại với hệ thống tiếp cận mở vốn đã khiến việc đánh bắt quá mức và đánh bắt bất hợp pháp phát triển mạnh trong nhiều thập kỷ. Đây là tai họa đối với những ngư dân quy mô nhỏ - những người không thể cạnh tranh lại các hành vi bất hợp pháp trên biển của các nhà khai thác tàu đánh cá thương mại" - phó chủ tịch Oceana Gloria Ramos cho biết.Oceana lập luận rằng động thái này mâu thuẫn với bộ luật nghề cá sửa đổi của quốc gia và các cam kết quốc tế, như điều 94 của UNCLOS (Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển) yêu cầu các quốc gia đảm bảo thực thi hiệu quả quyền tài phán và quyền kiểm soát đối với các tàu của họ. Nó cũng trái với kế hoạch hành động quốc tế nhằm phòng ngừa, ngăn chặn và loại bỏ đánh bắt cá bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định nhằm thúc đẩy các hoạt động đánh bắt bền vững, cũng như quy định của FAO về nghề cá có trách nhiệm.Tổ chức cho biết dữ liệu cho thấy chỉ có 58% tàu cá thương mại trong nước tuân thủ việc giám sát tàu. Tỉ lệ này cho thấy Philippines dường như đã không nỗ lực hạn chế đánh bắt cá bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định, và việc giám sát các tàu đánh cá thương mại là cần thiết. Mọi sự buông lỏng quản lý có thể dẫn đến đánh bắt quá mức, cạn kiệt nguồn cá và gây tổn hại thêm cho các nguồn tài nguyên biển và thủy sản dễ bị tổn thương của quốc gia. Tags: Đánh bắt cáNguồn lợi thủy sảnĐánh cá trái phépNgành thủy sảnThị trường xuất khẩuHoạt động đánh bắt cáBáo Nhân dânNguồn tài nguyênNước láng giềngTàu cá Việt NamTàu đánh cáEuThẻ vàng IUUThẻ vàng EU
Chàng lái xe công nghệ ngoài hành tinh, xịt khói giữa chợ và bay về trời... NGUYỄN NGỌC THUẦN 10/12/2024 3389 từ
Gần 3.000 người bị Mr Pips, Mr. Hunter lừa đảo phải làm gì để lấy lại tiền? DANH TRỌNG 10/12/2024 Cơ quan cảnh sát điều tra xác định có gần 3.000 người là bị hại bị TikToker Mr Pips - Phó Đức Nam và Mr. Hunter - Lê Khắc Ngọ cùng đồng phạm lừa đầu tư chứng khoán.
Chuyển 19 tập đoàn, tổng công ty về bộ ngành, tinh gọn Ngân hàng nhà nước NGỌC AN 10/12/2024 Ngày 10-12, Phó Thủ tướng Chính phủ Hồ Đức Phớc đã chủ trì các cuộc họp về sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy.
Điều gì sưởi ấm trái đất này nhiều nhất? TRƯƠNG BẢO CHÂU 10/12/2024 Dù không phải ở trạng thái sinh học, lòng tốt của con người lạ thay có khả năng sinh sôi, cứ gieo mầm chỗ này lại sinh ra thêm chỗ khác.
Toàn cảnh vụ ám sát CEO UnitedHealthcare: Nghi phạm học tập xuất sắc, gia đình danh giá NGỌC ĐỨC 10/12/2024 Nghi phạm ám sát CEO UnitedHealthcare Brian Thompson đã bị bắt với cáo buộc nhiều tội danh, quá khứ từng là 'sinh viên gương mẫu'.