Hong Kong: Đèn đỏ đã bật ở đại lục

DANH ĐỨC 26/08/2019 18:08 GMT+7

TTCT - Tuần qua là tuần lễ mà tình hình Hong Kong gây lo ngại hơn bao giờ hết. Cũng may là cuối tuần đã diễn ra một cách tương đối “kiềm chế” từ nhiều phía. Tuy nhiên, cái bẫy “hắc - bạch phân minh” vẫn còn đó...

Sân bay Hong Kong gần như tê liệt vì biểu tình. Ảnh: Mothership
Sân bay Hong Kong gần như tê liệt vì biểu tình. Ảnh: Mothership

 

Hôm 18-8, Hong Kong bước vào tuần lễ phản kháng thứ 11 liên tiếp bằng cuộc “tuần hành trong hòa bình” phản đối việc cảnh sát sử dụng bạo lực với sự tham dự, theo phe biểu tình, của 1,7 triệu người, đông thứ nhì kể từ khi cuộc phản kháng bắt đầu.

Phía cảnh sát đưa ra con số 170.000 người, song đây là con số đếm được trong công viên Victoria ngay sát khu Causeway, điểm khởi sự tuần hành đến khu trung tâm cách đó hơn 4km. Đã không có xô xát xảy ra, cảnh sát không ra tay giải tán như thường thấy trước đó.

Đặc biệt, đã không thấy sự xuất hiện của bất kỳ lực lượng quân sự hay bán quân sự nào từ đại lục như được báo trước trong một đoạn video công bố hôm thứ tư 31-7 mà trong đó Alice Su, phóng viên báo Mỹ Los Angeles Times tại Trung Quốc, thuật lại hôm 1-8: “Quân đội Trung Quốc hùng mạnh đã đưa ra cảnh báo nghiêm khắc với người biểu tình ở Hong Kong tối thứ tư qua video truyền đi các thông điệp cứng rắn...

Các khẩu hiệu “Chống lại khủng bố” và “Duy trì ổn định” lóe sáng trong khi video chiếu cảnh quân nhân Trung Quốc trượt dây xuống từ một chiếc trực thăng, lái xe bọc thép và bắn tên lửa trong một nền âm nhạc căng thẳng”.

“Chúng tôi kiên quyết ủng hộ hành động duy trì luật pháp của Hong Kong nơi những người yêu đất nước và thành phố, và chúng tôi quyết tâm bảo vệ chủ quyền quốc gia, an ninh, ổn định và thịnh vượng của Hong Kong” - thiếu tướng Chen Daoxiang (Trần Đạo Tường), tư lệnh lực lượng đồn trú tại Hong Kong của Quân đội giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA), tuyên bố.

Với giọng điệu cứng rắn ít thấy tại một sự kiện của quân đội hôm thứ tư, ông Chen, vừa được bổ nhiệm vào tháng 4, gọi các cuộc biểu tình là không thể dung thứ, và nói thêm là quân đội sẵn sàng bảo vệ chủ quyền của Trung Quốc và giữ trật tự ở Hong Kong.

Đến thứ năm 8-8, China Daily thông báo: “Chính phủ trung ương sẽ không ngồi yên nếu tình hình ở Hong Kong xấu đi đến mức chính quyền đặc khu hành chính Hong Kong không thể xử lý", Zhang Xiaoming (Trương Hiểu Minh), trưởng tiểu ban điều phối công tác Hong Kong - Macau thuộc Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, đồng thời là chủ nhiệm Văn phòng đặc trách Hong Kong - Macau thuộc Quốc vụ viện (Chính phủ Trung Quốc), cho biết tại một hội nghị chuyên đề ở Thâm Quyến, tỉnh Quảng Đông hôm thứ tư.

“Chính phủ trung ương đủ khả năng để nhanh chóng dập tắt tình trạng bất ổn... ở Hong Kong - ông Zhang nói - Nhiệm vụ cấp bách và quan trọng nhất hiện nay là ngăn chặn bạo lực, chấm dứt sự hỗn loạn và lập lại trật tự để bảo vệ đất nước và ngăn Hong Kong chìm xuống vực thẳm”.

Ông cũng khẳng định đây là “tình huống nghiêm trọng nhất” kể từ khi Hong Kong trở về với đại lục năm 1997.

Tân Hoa xã ngày 19-8 cũng công bố một kế hoạch từ chính quyền Bắc Kinh đặt mục tiêu tăng cường sự tích hợp giữa Hong Kong, Macau và thành phố đại lục lớn nhất ở bên kia ranh giới: Thâm Quyến.

Theo đó, Thâm Quyến được xác định sẽ là vùng thí điểm để tổ chức “chủ nghĩa xã hội với đặc sắc Trung Quốc”. Không nêu nhiều chi tiết, nhưng tài liệu chính sách này bao gồm các mục tiêu như biến Thâm Quyến thành một trong những thành phố hàng đầu thế giới vào năm 2025 trên phương diện “sức mạnh kinh tế và chất lượng phát triển”.

Đồng thời, nói người Hong Kong và Macau nhưng làm việc và sống ở Thâm Quyến sẽ được coi như dân Thâm Quyến và ủng hộ việc xây dựng hệ thống qua lại “mở và thuận tiện hơn” ở vùng ranh giới ba thành phố, cho phép các pháp nhân nước ngoài có tư cách thường trú mở các doanh nghiệp khoa học và kỹ thuật, có lẽ với mục tiêu giảm bớt vai trò của Hong Kong như một trung tâm của các doanh nghiệp quốc tế.

Tài liệu này cũng kêu gọi “hiện đại hóa quản trị xã hội” ở Thâm Quyến qua “áp dụng đồng bộ toàn diện dữ liệu lớn, điện toán đám mây, trí tuệ nhân tạo và các công nghệ khác”.

Ngoài ra, còn có lời kêu gọi cả sự tích hợp về văn hóa và kinh tế của Thâm Quyến với Hong Kong và Macau qua việc đầu tư cho các bệnh viện, nỗ lực chung đối phó thiên tai và trao đổi văn hóa, để thúc đẩy sự phát triển của vùng vịnh lớn Hong Kong - Macau và “làm phong phú thêm đường lối một đất nước - hai chế độ”.

Nikkei Asia Review của Nhật Bản ngày 20-8 viết: “Các cuộc biểu tình ở Hong Kong khiến sân bay địa phương gần như đóng cửa gây thiệt hại lâu dài cho vị thế của thành phố trong vai trò một trong những trung tâm giao thông chính của châu Á”, mà hậu quả trước mắt là “Thâm Quyến gần đó hưởng lợi khi du khách tìm cách né tránh sự hỗn loạn”.

Những tổn thất cho thành phố Hong Kong do phe biểu tình gây ra, chưa kể tổn thất cho sự chính danh của chính họ, là có thực.

Cũng phải nói thêm rằng, với sức mạnh và thói quen quản trị nhà nước kiểu Trung Hoa thì cho tới giờ Bắc Kinh đã kiềm chế. Trong khi đó, trưởng đặc khu đang hứng chịu nhiều chỉ trích, bà Carrie Lam, đã lên tiếng cảnh báo nếu tình hình lộn xộn tiếp tục, kinh tế Hong Kong sẽ đứng trước nguy cơ rơi vào suy thoái.

Chính quyền Hong Kong đã điều chỉnh mức dự báo tăng trưởng cho năm nay từ mức 2-3% xuống chỉ còn 0-1% sau những bất ổn vừa rồi.

“Chúng tôi sẽ ngay lập tức bắt đầu thiết lập một nền tảng cho đối thoại - CNBC dẫn lời bà Lam trong cuộc họp báo hằng tuần của bà - Cuộc đối thoại này, tôi hi vọng sẽ dựa trên sự hiểu biết và tôn trọng lẫn nhau để tìm một lối thoát cho Hong Kong hiện giờ”.■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận