TTCT - Nhiều hoạt động nghệ thuật sôi động cuối năm diễn ra với sự hỗ trợ của các trung tâm văn hóa nước ngoài tại Việt Nam: Những chân trời có người bay (Trung tâm Giao lưu văn hóa Nhật Bản tại Việt Nam phối hợp với Viện Goethe tổ chức), triển lãm Bức tường và The Pink Choice (Quỹ trao đổi văn hóa Đan Mạch & Viện Goethe), Đêm nhạc Hạ Huyền (Trung tâm Văn hóa Pháp)... Cùng với sự phát triển kinh tế của Việt Nam, sự hỗ trợ đang dần chuyển sang hợp tác bình đẳng. Phóng to Tác phẩm Bức tường của Lê Huy Hoàng - Ảnh: Dino Trung Đầu năm 2011, qua Facebook, phó giám đốc Trung tâm Giao lưu văn hóa Nhật Bản Norihiko Yoshioka biết và mời tôi tổ chức triển lãm cá nhân tại đây, với điều kiện là những tác phẩm của tôi phải có liên quan đến văn hóa Nhật. Rất may tôi cũng rất yêu thích văn hóa Nhật từ nhỏ nên việc sáng tác cũng thuận lợi..." - nghệ sĩ trẻ Trần Thu Hằng, với hai triển lãm đầu tay đều gắn với Trung tâm Giao lưu văn hóa Nhật Bản, tâm sự. Đó là triển lãm búp bê Art Dolls: Silent Voices (2011) và tham gia dự án Những chân trời có người bay (2012). Cô thành thật bày tỏ: "Trước khi triển lãm diễn ra hầu như không ai biết đến tôi, nếu có chỉ một số nhỏ trên mạng. Sau triển lãm, tôi được nhiều người biết đến hơn, gặp tôi, mọi người ai cũng nói có đến tham dự triển lãm đó và thấy rất thích. Đối với nghệ sĩ có được triển lãm cá nhân có thể nói là một sự thành công. Việc trung tâm giúp tôi mở triển lãm cá nhân là một sự thay đổi lớn trong sự nghiệp của tôi". Từ trải nghiệm cá nhân của Trần Thu Hằng, có thể thấy vai trò hỗ trợ nghệ thuật không nhỏ của các trung tâm văn hóa đối với các nghệ sĩ trẻ. Từ hỗ trợ nghệ thuật... Về số lượng chương trình, có thể nói Viện Goethe (Đức) là một trong những nhà đầu tư tiềm năng. Trong năm qua, viện đã tổ chức được khoảng 160 chương trình, sự kiện trải dài khắp nhiều tỉnh thành, hỗ trợ toàn phần mọi chi phí tổ chức từ mượn địa điểm đến in ấn, truyền thông. Bà Meyer Zollitsch - viện trưởng Viện Goethe - cho biết đầu tư phát triển văn hóa Việt Nam là một trong hai nhiệm vụ chính của viện bên cạnh việc quảng bá văn hóa Đức. Hằng năm, cơ quan này dành tới 3/4 ngân sách hoạt động của mình để đầu tư cho các chương trình, dự án nghệ thuật của nghệ sĩ Việt Nam. Trong số đó, quy mô và dài hơi nhất phải kể đến Doclab - studio phim tài liệu với những khóa học cho các nhà làm phim trẻ Việt Nam. Sản phẩm của các học viên cũng được viện mang đi tham dự nhiều liên hoan phim quốc tế nhằm quảng bá nền điện ảnh Việt. Tương tự, Hội đồng Anh trong nhiều năm qua cũng có nhiều hỗ trợ cho hoạt động văn hóa nghệ thuật Việt Nam. Bà Lê Anh Thơ, phó giám đốc Hội đồng Anh TP.HCM, cho biết: "Là tổ chức phi lợi nhuận, hoạt động nhờ vào kinh phí của Bộ Ngoại giao Anh, chúng tôi cố gắng làm tốt vai trò chia sẻ, kết nối, hỗ trợ phía Việt Nam cả về kinh tế và con người". Với mô hình Quỹ hỗ trợ nghệ thuật BCAF, Hội đồng Anh đã huy động các nghệ sĩ Việt đóng góp những tác phẩm nghệ thuật của mình, mang ra đấu giá để gây quỹ. Hồ sơ xét duyệt tài trợ được chuyên gia hai nước thẩm định và lựa chọn. Nhờ đó, trong năm 2012 đã có 17 dự án và chương trình được Quỹ BCAF tài trợ, với tổng số tiền khoảng 45.000 USD. Một hỗ trợ thành công khác khi Hội đồng Anh kết nối với nhạc trưởng Sir Colin Metters - người sáng lập, đồng thời giữ chức trưởng khoa chỉ huy thuộc Học viện Âm nhạc hoàng gia Anh. Nổi tiếng khắp thế giới cả về sự nghiệp chỉ huy dàn nhạc và đào tạo nhạc trưởng, năm 1997 ông đến Việt Nam thông qua sự bảo trợ của Hội đồng Anh và sau đó trở thành nhạc trưởng quốc tế có công rất lớn trong việc dìu dắt Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam tiếp cận với con đường biểu diễn chuyên nghiệp. Năm 1999, ông được Chính phủ tặng Huân chương cao quý vì sự phát triển văn hóa Việt Nam. Đến nay, hợp tác bền chặt này đang hứa hẹn những mùa quả ngọt đầu tiên cho dòng nhạc hàn lâm của Việt Nam: những nhạc trưởng tài năng và dàn nhạc biểu diễn chuyên nghiệp. Không có nhiều không gian như L’espace hay Viện Goethe, Quỹ phát triển và trao đổi văn hóa Đan Mạch chọn tài trợ bằng tiền mặt và giúp đỡ về mặt truyền thông. Đến nay, khoản đầu tư lớn nhất của họ là gói tài trợ gần 1 tỉ đồng cho chương trình Hội tụ ánh sáng của Đào An Khánh vào tháng 10-2009. Dự kiến trong giai đoạn 2011-2015 quỹ có thể chi ngân sách lên đến 1,2 triệu USD. Bà Meyer Zollitsch thẳng thắn chia sẻ: "Viện Goethe muốn mở rộng tầm ảnh hưởng của mình. Chúng tôi muốn hỗ trợ nền văn hóa Việt Nam mới mẻ và phong phú hơn, qua đó tạo sự cân bằng về văn hóa giữa hai nước". Bà Trương Uyên Ly, đại diện Quỹ phát triển và trao đổi văn hóa Đan Mạch, cũng nhìn nhận rằng mối quan hệ này phát triển trên cơ sở có đi có lại, các trung tâm muốn gây ảnh hưởng về văn hóa, còn các nghệ sĩ cần nguồn lực để phát triển sự nghiệp của mình. Phóng to Trần Thu Hằng tạo khắc búp bê - Ảnh do nhân vật cung cấp ...Tới quan hệ bình đẳng Điểm qua tiêu chí chọn giới thiệu tác phẩm của các trung tâm văn hóa nước ngoài tại Việt Nam, có thể thấy hai yếu tố chủ đạo là mới và tính đương đại, trong khi yếu tố tương tác văn hóa với nước bạn còn tùy vào từng quốc gia. Chẳng hạn, Trung tâm Giao lưu văn hóa Nhật Bản tại Việt Nam thiên về chọn lựa dự án có liên hệ với Nhật Bản, bên cạnh các tiêu chí khác như ý tưởng phải mới, mang tính thử nghiệm. Trong khi đó, Quỹ phát triển và trao đổi văn hóa Đan Mạch hỗ trợ tất cả nghệ sĩ Việt Nam có tiếng nói mới, ngôn ngữ, loại hình nghệ thuật mới mà không cần có sự liên quan đến Đan Mạch. Viện Goethe cũng nhấn mạnh vào ý tưởng mới và đặc biệt thú vị, bên cạnh tiêu chí phải "hướng đến văn hóa cao cấp, tiên phong" để qua đó "từng bước nâng cao trình độ thẩm mỹ của công chúng Việt" như lời của bà viện trưởng Meyer Zollitsch. Tuy vậy, mức độ tài trợ của các trung tâm văn hóa nước ngoài đang có sự sụt giảm đáng kể so với trước mà nguyên nhân không chỉ đơn thuần là sự khó khăn về kinh tế. Đại diện Quỹ phát triển và trao đổi văn hóa Đan Mạch cho hay phía Đan Mạch đánh giá Việt Nam là một trong 10 nền kinh tế mới nổi và Đan Mạch muốn xây dựng một mối quan hệ khác với Việt Nam: trước đây là viện trợ - hỗ trợ phát triển, giờ đây cần nâng lên thành quan hệ hợp tác bình đẳng. "Vì vậy, viện trợ văn hóa dành cho Việt Nam sẽ ngày càng ít đi và có thể đến năm 2015, Quỹ phát triển và trao đổi văn hóa Đan Mạch sẽ không còn tiếp tục nữa" - vị đại diện này cho biết. Ông Norihiko Yoshioka chia sẻ: "Năm năm trước, chúng tôi có thể hỗ trợ bất cứ hoạt động văn hóa nào của nước sở tại, nhưng hiện nay chỉ thu hẹp ở những chương trình có liên quan đến đất nước chúng tôi". Tương tự, phía Na Uy từng có dự án Ultima đầu tư hỗ trợ Dàn nhạc giao hưởng Việt Nam những năm 2009, 2010 nhưng đến nay gần như đã không còn hoạt động gì nữa. Viện Trao đổi văn hóa với Pháp ở TP.HCM (IDECAF) có một hệ thống cơ sở vật chất rất đầy đủ và hiện đại phục vụ các hoạt động văn hóa nghệ thuật: phòng chiếu phim 320 chỗ ngồi, trung tâm hình ảnh dành cho nghệ thuật thị giác và nghe nhìn, một phòng triển lãm và một phòng họp. Trước đây tất cả các chương trình tổ chức tại đây đều được miễn phí sử dụng mặt bằng, không gian. Tuy nhiên, khoảng 5-6 năm trở lại đây, viện chỉ còn hỗ trợ được một phần kinh phí thông qua việc giảm giá thuê địa điểm. Riêng ở Trung tâm Văn hóa Mỹ, các hoạt động năm 2012 cho thấy rõ thông điệp "thúc đẩy hiểu biết lẫn nhau giữa hai nhân dân", theo lời tùy viên văn hóa, báo chí và giáo dục Hoa Kỳ Thomas Tanner. Khác với các trung tâm trao đổi văn hóa khác, Trung tâm Văn hóa Mỹ nhắm vào "ngoại giao công chúng" qua những chương trình nổi bật trong năm như chiếu phim tài liệu về Sài Gòn của nhà làm phim Mỹ gốc Việt Đoan Hoàng, giới thiệu đoàn ballet đương đại nổi tiếng của Mỹ, Trey McIntyre Project, hay đưa vở kịch Tất cả đều là con tôi của Arthur Miller ra Huế (trong chương trình Sứ giả văn hóa của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, đạo diễn sân khấu Neil Fleckman đã làm việc với Nhà hát Tuổi Trẻ để dựng vở kịch này ở Hà Nội năm 2011)... Phóng to Nghệ sĩ Lê Huy Hoàng và bà viện trưởng Viện Goethe Meyer Zollitsch tại buổi khai mạc triển lãm Bức tường - Ảnh: Dino Trung Ðối với họa sĩ, chất liệu để làm ra những sản phẩm nghệ thuật rất đắt, nếu muốn làm những chương trình lớn lại càng đắt đỏ hơn... Tôi chọn hai quỹ Ðan Mạch và Viện Goethe và báo cho họ rõ ràng ý định và nhu cầu của mình. Quỹ Ðan Mạch đã hỗ trợ tài chính để tôi có thể chuẩn bị nguyên vật liệu, thuê người. Tôi chọn Viện Goethe vì chương trình của tôi có liên quan đến bức tường Berlin. Viện Goethe hỗ trợ tôi về phòng ốc, ánh sáng, logo, banner, in ấn... Triển lãm Bức tường này giúp tôi khẳng định thực lực của mình..., là dấu mốc quan trọng trong sự nghiệp của tôi và tôi sẽ phải rất khó khăn để vượt qua được tác phẩm này. LÊ HUY HOÀNG(Triển lãm Bức tường 2012) Tags: Giao lưu văn hóaNghệ thuậtNghệ sĩ trẻHợp tác bình đẳng
Metro định hướng cho tương lai đô thị ts nguyễn ngọc hiếu (Trường đại học Việt Đức) 25/12/2024 1607 từ
Donald Trump - Tập Cận Bình: Quan hệ cá nhân, quan hệ siêu cường NGUYỄN THÀNH TRUNG 23/12/2024 1666 từ
Bách Hóa Xanh thu hồi toàn bộ giá đỗ được cho là ngâm chất cấm từ nhà cung cấp NGUYỄN TRÍ 26/12/2024 'Chúng tôi đã ngay lập tức thu hồi và ngưng bán toàn bộ hàng hóa của nhà cung cấp này, cũng như tiến hành kiểm nghiệm lại tất cả sản phẩm giá đỗ đang cung cấp cho chuỗi'.
Ông Lưu Bình Nhưỡng giúp nhóm bảo kê cưỡng đoạt tài sản ra sao? DANH TRỌNG 26/12/2024 Ông Lưu Bình Nhưỡng bị cáo buộc dùng danh nghĩa đại biểu Quốc hội để tác động, can thiệp chính quyền, tòa án... nhằm giúp đỡ nhóm bảo kê cưỡng đoạt tài sản và nhận hàng trăm nghìn USD, bất động sản để giúp một số doanh nghiệp.
Cảnh báo học sinh mua búp bê Kumanthong về nhà thờ cúng, 'cho ăn' cầu may mắn, học giỏi LÊ TRUNG 26/12/2024 Một số học sinh ở Quảng Nam lên mạng xã hội mua búp bê Kumanthong về nhà thờ cúng, mua bánh, kẹo, sữa 'cho ăn' nhằm cầu may mắn và học giỏi. Theo công an, đây là hoạt động mê tín dị đoan hết sức nguy hiểm.
Nga công bố với thế giới về con đường chấm dứt chiến sự Ukraine THANH BÌNH 26/12/2024 Ngày 26-12, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov tổ chức họp báo trực tuyến với các nhà báo Nga và nước ngoài, trong đó ông nhấn mạnh tầm quan trọng của một thỏa thuận ràng buộc về mặt pháp lý trong xung đột Nga - Ukraine.