TTCT - Lần đầu tiên người dân Việt Nam được chứng kiến tận mắt nhiều vũ khí hiện đại, biết và hiểu phần nào các quân đội hoạt động ra sao. Đồng thời, Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam 2022 vừa diễn ra tại Hà Nội cũng là dịp để các nước quan chiêm và bày tỏ thái độ. Các biến thể tấn công và huấn luyện của máy bay T-6. Ảnh: TextronTất nhiên, triển lãm là để trưng bày, quảng bá vũ khí muốn bán, song cuộc triển lãm ở Hà Nội mang những ý nghĩa còn lớn hơn thế.Không phải ngày một ngày haiTriển lãm được tổ chức tại sân bay Gia Lâm (Hà Nội) từ ngày 8 đến 10-12-2022, song ý tưởng đã được thai nghén từ rất lâu trước đó. Tháng 7-2020, Thứ trưởng quốc phòng lúc đó, tướng Nguyễn Chí Vịnh, loan báo trong Hội nghị trực tuyến quan chức quốc phòng cấp cao ASEAN mở rộng (ADSOM+) tại Hà Nội: "Hội chợ triển lãm về công nghiệp quốc phòng quốc tế lần đầu tiên sẽ được tổ chức tại Việt Nam… Chúng tôi rất mong được mời các bộ trưởng, phái đoàn Bộ Quốc phòng các nước và doanh nghiệp tham gia triển lãm này".ADSOM+ là hội nghị có sự tham gia của quan chức quốc phòng cấp cao ASEAN và 8 đối tác gồm Nga, Trung Quốc, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc, New Zealand và Ấn Độ. Như vậy, ý tưởng về cuộc triển lãm quốc phòng đã có ít ra là từ trước ADSOM+ 2020.Thêm nữa, tuy đến nay Bộ Quốc phòng Việt Nam chưa từng tổ chức hội chợ về quân sự và công nghiệp quốc phòng song Bộ Công an đã tổ chức Triển lãm Quốc tế về an ninh quốc phòng thường niên từ năm 2017. Có một chi tiết về triển lãm này năm 2018 mà trang mạng Military and Strategic Journal của Bộ Tổng tham mưu quân đội UAE đã ghi lại: "Tập đoàn Nexter của Pháp thu hút Việt Nam với các giải pháp quốc phòng". Được biết, Nexter là một trong những nhà sản xuất hàng đầu thế giới trong lĩnh vực pháo binh (pháo CAESAR tự hành), dựa trên công nghệ cho phép bắn chính xác ở khoảng cách tới gần 40km, với các sản phẩm đã kinh qua thực chiến, được các pháo thủ Pháp phản hồi tốt từ nhiều chiến trường (chủ yếu ở châu Phi). Năm nay, Nexter cũng góp mặt ở Hà Nội.Tuy nhiên, có một điều đã thay đổi, dù ý định triển lãm là từ 2020 nhưng cuộc chiến Ukraine - Nga nổ ra từ tháng 2-2022 khiến những tính toán về quốc phòng trên toàn thế giới đã phải có điều chỉnh.Pháo CAESAR tự hành của Nexter, Pháp. Ảnh: 19FortyFiveTrước đây, ít có tin tức về những mua sắm vũ khí, thiết bị của Việt Nam. Thế cho nên, những chi tiết như năm ngoái (2021) trị giá vũ khí Nga nhập khẩu vào Việt Nam chỉ còn 72 triệu USD, sau khi xuống mức thấp kỷ lục 9 triệu USD năm 2020, dễ gây bất ngờ, nhất là nếu biết con số này từng là 1 tỉ USD năm 2014 (Reuters 7-12). Báo cáo "Chuyển giao vũ khí chính: Các thỏa thuận giao hàng hoặc đặt hàng từ năm 2010 đến 2021" của Tổ chức Nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm (SIPRI) ghi nhận những thương vụ lớn như 400 tên lửa phòng không vác vai Igla-1, 200 bom có điều khiển KAB 500/1500, 80 tên lửa diệt hạm Kh-31A1 trang bị cho máy bay chiến đấu Su-30MK2, 40 tên lửa diệt hạm Yakhont cho hệ thống phòng thủ bờ biển Bastion, 64 xe tăng T-90S và 12 máy bay huấn luyện Yak-130.Các chi tiết này là những danh sách công khai cho toàn thế giới, có thể tìm kiếm không khó trên SIPRI bằng cách gõ tên từng cặp nước cung cấp/được cung cấp. Nói thêm, cơ sở dữ liệu của SIPRI hỗ trợ các quốc gia thực hiện Chương trình hành động của Liên Hiệp Quốc về chuyển giao vũ khí nhỏ và hạng nhẹ (SALW) năm 2001 và Hiệp ước buôn bán vũ khí năm 2013.Tên lửa vác vai Igla. Ảnh: TASSTừ chiếc máy bay T-6Trở lại với triển lãm ở Hà Nội, đã diễn ra nhiều hoạt động quảng bá và tiếp xúc đa nguồn, như về khả năng mua sắm vũ khí của Hàn Quốc, Mỹ, Ấn Độ, Israel… Chiếc máy bay "bằng xương bằng thịt" duy nhất được trưng bày tại triển lãm là máy bay vận tải đa dụng L-410NG hai chong chóng của Hãng Omnipol (Cộng hòa Czech), một nước đã và đang cung cấp dòng máy bay huấn luyện L39 thế hệ cũ và mới.Sự hiện diện này tương phản với các mô hình như "đồ chơi" của chiến đấu cơ F-16V và vận tải cơ C-130J tại gian hàng của các tập đoàn General Dynamics và Lockheed Martin (Mỹ). Tuy nhiên, cũng có tin chính thức là Mỹ sẽ chuyển giao cho Việt Nam 12 máy bay huấn luyện T-6 Texan II.Cho tới nay, một luồng dư luận cho rằng dù Mỹ đã gỡ bỏ lệnh cấm bán vũ khí sát thương với Việt Nam, động thái này chỉ mang tính "tượng trưng", khi các sản phẩm được chuyển giao mới là máy bay huấn luyện một chong chóng Beechcraft T-6 Texan II và 6 UAV SanEagle. Nhưng từ phía Mỹ, qua lời thiếu tướng Jered Helwig, chỉ huy trưởng Bộ tư lệnh Hậu cần mặt trận số 8 của quân đội Hoa Kỳ tại Thái Bình Dương, nói với Hãng tin Singapore Channel News Asia, thì tất cả tùy phía Việt Nam: "Chúng tôi mong muốn tiếp tục những gì chúng tôi đã làm và sẵn sàng mở rộng ở bất kỳ tốc độ nào mà Việt Nam mong muốn".Trong khi chờ đợi, Hoa Kỳ mở máy chạy "tà tà" cùng tốc độ với Việt Nam trong khuôn khổ quan hệ đối tác toàn diện, chưa nâng lên tầm đối tác chiến lược. Tốc độ này thể hiện qua chính câu chuyện cung cấp máy bay T-6 Texan II. Chuẩn tướng Sarah Russ, có mặt tại triển lãm, cho biết: "Dự kiến 3 máy bay huấn luyện T-6 được chuyển giao trong quý 1-2024, 2-3 chiếc tiếp theo sẽ được giao vào cuối năm. 6-7 chiếc còn lại vào năm 2027". Bà Russ và ông Helwig là hai sĩ quan cấp tướng của quân đội Hoa Kỳ có mặt tại triển lãm.Hai bên đã chuẩn bị cho kế hoạch bán và tiếp nhận máy bay T-6 này ngay sau khi Mỹ gỡ lệnh cấm bán vũ khí năm 2015. Tháng 5-2016, thượng úy không quân Đặng Đức Toại lên đường sang Mỹ học ở Trường Anh ngữ không quân Lackland (Texas, rất quen thuộc với không ít người Việt Nam), rồi đến căn cứ không quân Columbus (Mississippi) học lái máy bay T-6 Texan II vào tháng 5-2016, với hơn 167 giờ bay cùng chứng chỉ "Chỉ huy hàng không" trong 52 tuần lễ, mãn khóa vào ngày 30-5-2019. Một phi công khác, trung úy Doãn Văn Cảnh, sang sau, cũng đã hoàn tất chương trình huấn luyện tương tự.Sáu năm rưỡi sau khi chương trình khởi sự, giờ mới có sự nối tiếp cụ thể qua thông báo bán 12 chiếc T-6 Texan II. Sự đa dạng hóa thể hiện khi ngoài 12 chiếc này, trước đó Việt Nam đã ký mua 12 chiếc L-39NG của Cộng hòa Czech và 12 chiếc Yak 130UBS của Nga vào năm 2021 - cũng là máy bay huấn luyện, song là loại phản lực, có thể mô phỏng các máy bay chiến đấu thế hệ 4 và 4+.Máy bay Yak-130. Ảnh: WikipediaTrong khi đó, các máy bay T-6 Texan chỉ là loại một chong chóng cơ bản mà không quân Mỹ gọi là primary aircraft training system (hệ thống huấn luyện máy bay cơ bản). Sputnik 18-2-2021 công bố ưu thế của Yak-130 (và L-39NG): "Có thể sử dụng để đào tạo phi công lái các máy bay như MiG-35, Su-30, Su-35, Su-57 (Nga), F-15, F-16, F-22, F-35 (Mỹ), Dassault Rafale (Pháp) và Eurofighter Typhoon (EU), giúp sử dụng hợp lý các máy bay này và để dành nguồn lực cho thực chiến". Thời điểm giao các chiếc L-39NG và Yak 130UBS dự kiến cũng từ 2024.Còn nhiều đối tác khácTuy các lựa chọn chưa nhiều, nhưng giống như mọi thị trường, trăm người bán vạn người mua. Ở triển lãm, ta cũng thấy Ấn Độ phô diễn máy bay chiến đấu hạng nhẹ Tejas Mk-1 phiên bản huấn luyện, hệ thống kiểm soát và cảnh báo sớm trên không, tên lửa đất đối không tầm ngắn Akash, tên lửa không đối không ngoài tầm nhìn Astra, tên lửa chống tăng Nag phóng từ trực thăng, bộ sonar tích hợp trên tàu ngầm SMS-X…Một đối tác chiến lược vào hàng sâu rộng khác của Việt Nam, Nhật Bản, cử phó tham mưu trưởng Bộ Tham mưu liên quân, trung tướng Suzuki Yasuhiko, tham dự. Phát biểu ở triển lãm, ông Yasuhiko giải thích về những điều chỉnh trong chiến lược quốc phòng mới của Nhật Bản trước tình hình an ninh nhiều bất trắc hiện tại, gồm lời hứa chú trọng hơn chuyển giao trang thiết bị cho các đối tác, và khẳng định Nhật Bản coi Việt Nam là đối tác tin cậy.Mà cũng không cứ phải là "đối tác chiến lược toàn diện" thì mới hợp tác được. Israel mang tới những sản phẩm rất ấn tượng, bao gồm hệ thống phòng không SPYDER sừng sững của hai hãng hàng không, vũ trụ - vũ khí không gian vào loại "chóp của đỉnh": Rafael Advanced Defense Systems và Israel Aircraft Industries - có doanh số lần lượt là 3,0 và 4,5 tỉ USD năm 2021. Trong số các đại sứ nước ngoài đến triển lãm, có lẽ Đại sứ Israel tại Việt Nam Yaron Mayer là người tự hào hơn cả.Dàn tên lửa Spyder của Israel. Ảnh: WikimediaĐó chỉ là vài ví dụ nổi bật. Triển lãm có tổng diện tích hơn 50.000m2 và phần trưng bày trong nhà và ngoài trời hơn 20.000m2 này có hơn 170 đơn vị, doanh nghiệp trong và ngoài nước đến từ 29 quốc gia trong khu vực ASEAN, châu Á, châu Âu và châu Mỹ đăng ký tham gia và có gian hàng trưng bày.Cũng tại triển lãm, không ít vũ khí "thứ dữ" của Việt Nam đã được công khai như các tên lửa Sucd-B, hệ thống phòng thủ bờ 4K44 Redut, tên lửa phòng không S-125TM cải tiến, tổ hợp phòng không tầm trung SPYDER của Israel - sử dụng tên lửa tầm nhiệt Python-5 và tên lửa dẫn đường bằng radar chủ động Derby, rồi cả các xe tăng T-90S được cho là hiện đại nhất của Nga.Đây cũng là điều phù hợp với yêu cầu và xu hướng chung để vun đắp một thế giới hòa bình, trong đó có công khai và minh bạch hóa dần về các hoạt động liên quan tới vũ khí, như hướng dẫn của Cơ quan Liên Hiệp Quốc về giải trừ vũ khí (UNODA). Mua sắm, trang bị vũ khí quy ước là quyền hợp pháp của các quốc gia, chỉ cần báo cáo với LHQ để trên cơ sở đó xây dựng cơ sở dữ liệu, tăng dần tính minh bạch, công khai chính là biện pháp cơ bản để xây dựng niềm tin.Xe tăng T-90S của NGaTự lực, tự cườngTừ cái nhìn về tính minh bạch trong quốc phòng này, có thể thấy Triển lãm Quốc phòng quốc tế 2022 của Việt Nam là một bước đi công khai cụ thể (nghe, nhìn, sờ thấy, cân đo đong đếm được), cả những gì nhập khẩu và tự sản xuất, hầu mở đường cho một nền công nghiệp quốc phòng phát triển nhằm lần hồi tự lực cánh sinh.Các UAV mà Việt Nam công khai ở triển lãm, như UAV Hera của một công ty Việt gốc Mỹ, được cho là có lực nâng cao hơn các UAV cùng cỡ của các nước, vác được đến 8 quả đạn cối. UAV VUA-SC-3G do Tập đoàn Viettel sản xuất thì có khối lượng cất cánh tối đa 26kg, bay liên tục 3 tiếng với vận tốc lên tới 120km/h, bán kính hoạt động 50km. Các loại súng bộ binh "made in Vietnam" như tiểu liên AK, súng máy PKM và súng bắn tỉa 12,7mm - khẩu tiểu liên nội hóa hướng đến xuất khẩu, phản ánh khát vọng đáng ngả mũ của ngành công nghiệp quốc phòng nói chung và Nhà máy Z111 nói riêng.Từ việc sản xuất theo dây chuyền của Israel các loại súng bộ binh thế hệ mới Galil ACE-32, Galil ACE-31, GK1 và GK3, nay Việt Nam đã tự lực sản xuất được tiểu liên STV 380 và STV 215, nâng cấp các mẫu AK-47, AKM và các biến thể. Còn nhớ năm 2012, sau khi dự Triển lãm hàng không - không quân Singapore Air Show về, khi tôi kể chuyện SAF (Quân lực Singapore) trưng bày súng tiểu liên SAR 21 do Israel tự sản xuất cùng một số hệ thống cảnh giới, có người đã tỏ vẻ không tin, song cũng có người "mắt lóe sáng". Nào ngờ chỉ trong vòng chục năm mà ao ước ngày nào nay đã thành hiện thực.Tiểu liên STV 380. Ảnh: Firearm BlogNhững câu chuyện ly kỳ về hệ thống phòng không SPYDER hay súng tiểu liên nội địa 100% trên cơ sở các khẩu Galil của Israel sử dụng đạn hệ NATO cho thấy Việt Nam đã từng bước không chỉ đa dạng hóa mà còn tự lực mạnh mẽ năng lực quốc phòng. Một triển lãm như ở Hà Nội vừa qua, bởi vậy, không chỉ là mở ra với bốn phương mà còn là để tự mình vững bước.■Tất nhiên, chọn lọc khi mua sắm là quyền của người mua, như Singapore mới hôm 13-12 vừa nhận bàn giao hai tàu ngầm lớp Invincible thứ hai và thứ ba trong gói đặt hàng gồm 4 chiếc với Tập đoàn TKMS của Đức. Sau chiếc thứ nhất, Chính phủ Singapore đã yêu cầu sửa đổi cặp tàu mới cho phù hợp với các nhu cầu bản xứ, như hệ thống truyền động bánh lái, để thao tác có độ chính xác cao dễ dàng hơn ở vùng nước nông của Singapore, hay về mặt công thái học để tạo khung nhỏ hơn, phù hợp với đội tàu ngầm của hải quân nước này. Các kỹ sư Singapore đã sang Đức để cùng làm công việc sửa đổi này, nên Thủ tướng Lý Hiển Long nay có cơ phát biểu: "Vì chúng tôi đã thực hiện các bước đáng kể để điều chỉnh thiết kế các tàu ngầm theo ý chúng tôi, nên các tàu này được phân loại thành một nhóm riêng là Type 218SG, sản xuất ở Đức nhưng đặc sắc Singapore". Tags: Triển lãm quốc phòngAn ninh quốc phòngBộ Quốc phòng Việt NamNguyễn Chí VịnhHội nghị trực tuyếnTriển lãm quốc tếMua sắm vũ khíHiệp ước buôn bán vũ khíBán vũ khí sát thươngSingapoCông nghiệp quốc phòngMáy bay chiến đấu
Thuế nào chống đầu cơ bất động sản hiệu quả? TS Phan Phương Nam (Trường đại học Luật TP.HCM) 18/12/2024 1720 từ
Tổng Bí thư dự phiên trọng thể Đại hội IX Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam QUỐC LINH 18/12/2024 Sáng 18-12, tại Hà Nội, Tổng Bí thư Tô Lâm dự phiên trọng thể Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam lần thứ 9, nhiệm kỳ 2024 - 2029.
Tin thế giới 18-12: Ông Trump sắp cử người sang Ukraine; Mỹ nêu số thương vong của lính Triều Tiên THANH HIỀN 18/12/2024 Nga sẽ đưa vụ ám sát trung tướng Kirillov ra Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc; Mỹ khẳng định hàng trăm binh sĩ Triều Tiên thương vong ở Kursk.
Đà Lạt hướng tới mục tiêu trở thành hình mẫu tiêu biểu về tăng trưởng xanh MAI VINH 18/12/2024 Ngày 18-12 tại TP Đà Lạt, UBND Thành phố Đà Lạt phối hợp với Báo Tuổi Trẻ tổ chức Hội thảo quốc tế “Đà Lạt phát triển du lịch xanh và công nghiệp văn hóa từ tài nguyên thiên nhiên, đa dạng sinh học và văn hóa địa phương”.
Tương quan sức mạnh giữa Việt Nam và Philippines ở ASEAN Cup 2024 HOÀI DƯ 18/12/2024 Tuyển Việt Nam vượt trội chủ nhà Philippines gần như mọi mặt trước cuộc đọ sức ở lượt trận thứ tư bảng B ASEAN Cup 2024.