Huy chương vàng, rồi sao nữa…

HUY THỌ 28/07/2024 12:27 GMT+7

TTCT - 10 kỳ tham dự Olympic, thể thao Việt Nam có tổng cộng 5 huy chương.

Ảnh: TTXVN

Ảnh: TTXVN

Đầu tiên là HCB môn teakwondo của Trần Hiếu Ngân năm 2000. Kế đến là 1 HCB và 1 HCĐ đều ở môn cử tạ của Hoàng Anh Tuấn và Trần Lê Quốc Toàn năm 2008. Và cuối cùng là một mình xạ thủ Hoàng Xuân Vinh đoạt hai huy chương, 1 vàng và 1 bạc năm 2016.

Thành tích như vậy là khá nghèo nàn so với một nền thể thao mà các nhà quản lý cứ hay vỗ ngực tự hào là hàng đầu… Đông Nam Á.

Trong khi ở SEA Games, thể thao Việt Nam thường nằm trong tốp đầu, thậm chí cạnh tranh nhất nhì, thì bước ra đấu trường đẳng cấp châu lục và thế giới, chúng ta chỉ ở vị trí thứ 5-6 trong khu vực Đông Nam Á.

Như vậy ngay cả lấy thước đo là thành tích, đã có lắm chuyện để bàn.

Lần này đến Paris 2024, vẫn là điệp khúc nặng về thành tích trước giờ lên đường: Đạt chỉ tiêu về số lượng VĐV tham dự, mục tiêu tại Olympic 2024 là có huy chương…

Nhưng trong thể thao thành tích cao, có nhiều thước đo. Lãnh đạo ngành thì thích lấy thước đo thành tích để báo cáo. Dân chúng thì thích có thành tích ở những môn nhiều người yêu thích như bóng đá, bóng chuyền, quần vợt… Mà mấy môn này thì nằm mơ cũng không thấy được huy chương ở đấu trường thế giới.

Còn mình, tôi chỉ thích cái gì giúp cho dân mình khỏe. Khỏe để sống vui, sống hạnh phúc. Khỏe để làm việc đạt năng suất cao, thu nhập nhiều… Khỏe để cải thiện cái "thành tích" chiếm hạng cao về xếp hạng thấp bé nhẹ cân và lười tập luyện của thế giới!

Nếu xét trên thước đo ấy, những chiếc HCV của Ánh Viên ở SEA Games chất lượng hơn HCV những môn Olympic chẳng ai chơi. Vì theo gương Ánh Viên, hàng ngàn, hàng vạn đứa trẻ đã đi học bơi...■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận