Huy động tiền của nền kinh tế vào ngân sách: Mức 25,1% là cao!

CẦM VĂN KÌNH THỰC HIỆN 14/06/2009 10:06 GMT+7

TTCT - Một trong những con số được các chuyên gia kinh tế quan tâm bậc nhất trong báo cáo của Chính phủ tại Quốc hội về tình hình thu chi ngân sách năm 2008 và phương hướng năm 2009 là VN đang huy động vào ngân sách nhà nước đến 25,1% GDP. Trao đổi với TTCT, ông Lê Quốc Dung - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội - khẳng định mức này là cao và nên khoan sức dân hơn nữa.

Phóng to
Ông Lê Quốc Dũng
TTCT - Một trong những con số được các chuyên gia kinh tế quan tâm bậc nhất trong báo cáo của Chính phủ tại Quốc hội về tình hình thu chi ngân sách năm 2008 và phương hướng năm 2009 là VN đang huy động vào ngân sách nhà nước đến 25,1% GDP. Trao đổi với TTCT, ông Lê Quốc Dung - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội - khẳng định mức này là cao và nên khoan sức dân hơn nữa.

-Cá nhân tôi nghĩ VN huy động vào ngân sách 25,1% GDP là cao. Ở các nước khác trên thế giới mức huy động chỉ khoảng 13-21% (mà chênh nhau 1% đã là rất lớn). VN là nền kinh tế đang chuyển đổi, tôi nghĩ doanh nghiệp VN cần được tích lũy để phát triển.

* Thưa ông, nhiều ý kiến cho rằng mức huy động 25,1% GDP vào ngân sách quốc gia là không cao vì trong đó vừa có tiền thuế của dân nhưng cũng có thuế thu từ doanh nghiệp, doanh nghiệp nhà nước và từ bán dầu thô, chuyển quyền sử dụng đất...

- Kinh tế năm 2008 đã bắt đầu khó khăn nhưng thu ngân sách của chúng ta vẫn đạt lớn. Tất nhiên do nhiều yếu tố nhưng rõ ràng tiền Nhà nước lấy vào ngân sách từ các nguồn lực, từ hoạt động của nền kinh tế khá cao. Trong khi đó, nhiều gói kích cầu của Chính phủ, đặc biệt là gói kích cầu cho khu vực nông thôn, đang giải ngân khá chậm, người dân đang khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn đó để vượt qua khó khăn.

* Điều đáng nói là khi huy động tỉ lệ GDP quá lớn vào ngân sách sẽ dễ khiến bộ máy bị “phình” lớn, khiến mức chi tiêu tăng cao và khó có cơ hội giảm xuống, cơ hội cho cải cách, tinh gọn bộ máy, tái cơ cấu mặt hàng xuất khẩu và tái cơ cấu nền kinh tế sẽ ít được quyết tâm đẩy mạnh?

- Chúng tôi đã phát biểu nhiều rằng không nên huy động vào ngân sách mức GDP cao như thế. Nếu thu nhiều, chúng ta dễ có tâm lý đầu tư từ ngân sách ra nhiều nhằm tăng trưởng mạnh. Chúng ta chỉ nên huy động vừa phải để nới cho các thành phần kinh tế có thể tích lũy để phát triển mạnh hơn. Đồng thời thu ít đi sẽ giúp ngân sách nhà nước bớt đầu tư vào những lĩnh vực không nhất thiết phải làm mà nới cho các thành phần kinh tế đầu tư, giúp khu vực này phát triển. Khi đầu tư từ khu vực kinh tế nhà nước hiệu quả không cao bằng tư nhân thì cách làm trên vừa giúp tăng hiệu quả của nền kinh tế vừa tăng sức mạnh và sức cạnh tranh, khả năng vươn lên, mở rộng quy mô của doanh nghiệp.

* Mức động viên GDP vào ngân sách của VN vẫn trong xu thế tăng? Theo ông, có nên giảm trong năm tới và mức giảm nên như thế nào?

- Hiện mức động viên GDP vào ngân sách ở VN vẫn trong xu thế tăng và các chính phủ thường muốn điều đó. Nhưng theo chúng tôi, mức huy động 25,1% GDP vào ngân sách nhà nước đã là cao vì vậy không nên tăng nữa và cũng không nên kéo dài mức này. Giảm xuống bao nhiêu cần có tính toán cụ thể nhưng nên có lộ trình điều chỉnh hạ xuống để nuôi dưỡng nguồn thu. Tất nhiên, những khu vực thất thu thì vẫn phải đẩy mạnh thu để đảm bảo công bằng.

Muốn giảm thu phải cơ cấu lại nguồn chi

Tỉ lệ động viên vào ngân sách nhà nước so với GDP là so sánh giữa tổng thu của Nhà nước với tổng giá trị mà nền kinh tế trong nước làm ra trong một năm. Thu vào ngân sách gồm các khoản chính: thu nội địa (thuế và phí), thu từ dầu thô, thu từ xuất nhập khẩu và thu từ viện trợ không hoàn lại. Theo báo cáo của Chính phủ gửi Quốc hội, tổng thu cân đối ngân sách nhà nước năm 2009 dự kiến khoảng 389.000 tỉ đồng, trong đó thu nội địa 233.000 tỉ đồng.

Theo ông Võ Trí Thành (trưởng ban hội nhập kinh tế quốc tế, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương), so với các nước đang phát triển, tỉ lệ huy động vào ngân sách nhà nước 25,1% của VN không phải là con số thấp. Khi tăng trưởng cao, các hoạt động của doanh nghiệp nhiều, doanh thu lớn thì tỉ lệ đóng góp có thể cao. Nhưng trong những giai đoạn khó khăn thì Nhà nước phải cân nhắc ba yếu tố: nhu cầu thu để chi cho bộ máy, thu để điều tiết thu nhập, chi trở lại xã hội với kích thích sản xuất. Nếu thu cao quá chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến khả năng tái đầu tư để sản xuất của doanh nghiệp.

Vấn đề ở đây là phải xem xét quy mô khu vực công thế nào là vừa để từ đó có thể hoạch định giảm mức thu. Nếu muốn giảm mức thu thì bộ máy phải tinh gọn lại. Theo ông Võ Trí Thành, cơ cấu các nguồn thu ở VN cũng nên điều chỉnh. Các nước dù tài nguyên có dồi dào cũng không thể coi việc thu từ bán tài nguyên là nguồn phát triển ngân sách bền vững, lâu dài. Thu từ bán dầu thô của VN mấy chục năm qua đều đóng góp trên 20% tổng thu.

Thường các nước trong giai đoạn đầu phát triển phải bán tài nguyên để có thể đầu tư vào các khu vực sản xuất, tạo nền tảng để có nguồn thu khi tài nguyên cạn kiệt. Họ căn cứ chặt chẽ vào mức giá để khi nào bán, khi nào ngưng. Nên lâu dài VN cũng phải tính toán tăng nội lực để đảm bảo thu chứ không nên phụ thuộc lớn vào thu từ bán dầu thô.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận