IS có phải Hồi giáo?

HẢI MINH 22/11/2015 19:11 GMT+7

TTCT - Sau những cuộc tấn công Paris, cuộc tranh luận về bản chất tư tưởng và tôn giáo của tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS), nếu quả thật họ có một tư tưởng và tôn giáo, bùng lên dữ dội.

Ảnh: NBC News

Một cuộc bút chiến diễn ra giữa tạp chí The Atlantic và trang mạng của các học giả Hồi giáo hàng đầu Muslim Matters về bản chất tư tưởng của IS xoay quanh một bài báo của phóng viên kỳ cựu kiêm giảng viên khoa học chính trị của Đại học Yale Graeme Wood đăng trên The Atlantic.

Bài viết của Wood trở thành bài viết được đọc nhiều nhất trong lịch sử The Atlantic. Trong đó, ông lập luận rằng “thực tế IS là Hồi giáo, rất Hồi giáo”. Trong khi Wood thừa nhận “gần như tất cả” những người Hồi giáo trên thế giới không chấp nhận IS, ông lý luận rằng những tội ác khủng khiếp mà tổ chức này đã gây ra có nền tảng thần học quan trọng trong triết lý Hồi giáo.

Để bảo vệ cho luận điểm của mình, Wood dẫn lời một học giả Princeton, Bernard Heykel, người không chỉ cho rằng IS “rất Hồi giáo” mà còn đi xa tới mức tuyên bố những người Hồi giáo lên án IS không phải là Hồi giáo, không biết về đạo Hồi hoặc đơn giản là tìm cách phủ nhận những khía cạnh mang tính trách nhiệm lịch sử của tôn giáo mà họ đang tin tưởng.

Muslim Matters đã có một bài đáp trả bác bỏ từng luận điểm mà dù đúng hay sai cũng có thể rất nguy hiểm với nguy cơ làm bùng lên một cuộc thánh chiến. Các tác giả trên Muslim Matters cũng là những người Hồi giáo có trình độ, có bằng cấp.

Daniel Haqiqatjou sinh ở Houston, Texas và là thạc sĩ triết học ở Đại học Tufts, trong khi Yasir Qadhi là tiến sĩ nghiên cứu đạo Hồi ở Đại học Yale, một đồng nghiệp của Wood. Họ đã gọi bài viết trên The Atlantic là “một cuộc săn phù thủy”.

Ít người nhận ra một yếu tố mang tính bản chất của “cuộc chiến chống khủng bố” và cuộc xâm lược chiếm đóng những quốc gia như Iraq và Afghanistan của các cường quốc phương Tây chính là nguồn cơn cho cuộc săn phù thủy chống lại đạo Hồi ở chính các nước này” - các tác giả của Muslim Matters viết.

Họ lập luận chính Tổng thống Mỹ Obama đã nhiều lần tuyên bố IS và chủ nghĩa khủng bố không liên quan gì tới cộng đồng người Hồi giáo nói chung. Các số liệu thống kê của FBI cũng cho thấy chỉ một tỉ lệ rất nhỏ bạo lực cực đoan và tội phạm ở Mỹ là liên quan tới người Hồi giáo.

Chính nước Mỹ cũng từng quyết định rằng việc gắn những hành động xấu xa của vài người với cả một cộng đồng thiểu số là sai trái, tồi tệ và đáng khinh. Không một ai trong giới học giả, truyền thông hay cả chính trường coi tình trạng tội phạm vũ trang, giết người bằng súng, cướp bóc... là bản chất của người da đen, cũng như gắn vài người Do Thái xấu xa với tất cả những người Do Thái.

Trong bài viết, Wood cũng khẳng định rằng thần học về sự khải huyền, tức hủy diệt cả thế giới, của IS có vai trò lớn trong giải thích nguồn gốc và hành vi của nhóm này. Nhưng lòng tin này không xuất phát từ hư không.

Sự tương quan giữa ước muốn hủy diệt thế giới của IS, nếu có, với điều kiện sống tồi tệ mà Mỹ, Anh và các nước phương Tây khác đã tạo ra ở vùng Trung Đông suốt 30 năm qua, từ chiến tranh vùng Vịnh lần thứ nhất, là không thể phủ nhận.

Không hề là trùng hợp khi nhiều tay súng IS vốn là những tù nhân ở các trại giam đặc biệt của Mỹ như Abu Ghraib, những kẻ đã trải qua đủ mọi loại nhục hình và phỉ báng. Và không chỉ có Iraq hay Afghanistan. Cuộc chiến thật ra là giữa các cường quốc ở Syria, một thứ chiến tranh ẩn danh (proxy war), đã trở thành nền tảng cho sự nổi dậy mạnh mẽ của IS, dẫn tới cái chết của hàng trăm ngàn thường dân vô tội.

Giáo sư Haykel chỉ ra trong bài viết của Wood rằng Luật Hồi giáo là một hệ thống pháp luật với nhiều yếu tố không phù hợp với những nguyên tắc xã hội hiện đại. Nhưng điều đó không có gì lạ.

Trên một số khía cạnh, đạo Hồi không bảo vệ các nguyên tắc tự do cá nhân, bình đẳng hay dân chủ, nhưng nhiều tôn giáo khác cũng đều có những khía cạnh như thế, những điều không tương thích với các nguyên tắc được một nhúm các nhà tư tưởng Anh và Pháp phát triển lên từ thế kỷ 17 tới giờ. Điều đó không có nghĩa là những người theo những tôn giáo khác với Hồi giáo không thể sống yên ổn và hòa hợp bên cạnh nhau trong những nền dân chủ và tự do đích thực.■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận