Jelinek, người đàn bà phản kháng

NGUYỆT CẦM 16/10/2004 20:10 GMT+7

TTCN - Nhà thơ, kịch tác gia người Áo Elfriede Jelinek đã trở thành tác gia nữ thứ 9 đoạt giải văn học Nobel trong lịch sử hơn 103 năm của giải thưởng văn chương quan trọng và danh giá nhất thế giới này. 18 thành viên suốt đời của Viện Hàn lâm Thụy Điển đã 218 năm tuổi thọ, trong đó có bốn vị là nữ giới, đã bỏ phiếu kín chọn Jelinek

Phóng to
Elfriede Jelinek
TTCN - Nhà thơ, kịch tác gia người Áo Elfriede Jelinek đã trở thành tác gia nữ thứ 9 đoạt giải văn học Nobel trong lịch sử hơn 103 năm của giải thưởng văn chương quan trọng và danh giá nhất thế giới này. 18 thành viên suốt đời của Viện Hàn lâm Thụy Điển đã 218 năm tuổi thọ, trong đó có bốn vị là nữ giới, đã bỏ phiếu kín chọn Jelinek

Elfriede Jelinek sinh ngày 20-10-1946 tại thị trấn Murzzuschlag, cha là một nhà hóa học và mẹ là nhà quản lý doanh nghiệp. Thời thơ ấu bà được nuôi dạy trong một trường tiểu học Công giáo và sau đó là một trường dòng kỷ luật cực kỳ nghiêm ngặt, song song đó vẫn được học đàn organ và piano tại Nhạc viện Vienna. Vào đại học, Jelinek theo học lịch sử nghệ thuật và kịch nghệ tại Đại học Vienna.

Từng đến sống tại Munich và Paris như một cây bút độc lập, Jelinek in tác phẩm đầu tay, một tuyển tập thơ, năm 1967, sau đó nhà thơ nữ trẻ tuổi tham gia phong trào sinh viên đang lan rộng khắp châu Âu thập niên 1970, để rồi qua đó tác phẩm châm biếm Bé ơi, chúng ta là những thứ cò mồi của bà ra đời. Năm 1974, Jelinek trở thành vợ của G. Hungsberg, từng là người soạn nhạc cho đạo diễn Áo nổi tiếng Rainer Werner Fassbinder.

“Bản chất những trang viết của Jelinek thường khó xác định. Bởi chúng trượt giữa văn xuôi và thơ ca, giữa thần chú và thánh ca, ẩn chứa những hồi kịch cùng những trường đoạn phim” - nhận định của Viện Hàn lâm Thụy Điển về tác phẩm của Jelinek. Jelinek thường dùng thứ ngôn ngữ của truyện khôi hài hay ngôn ngữ báo chí, quảng cáo... và trộn lẫn chúng thành một thứ văn quái dị trong những trang viết phê phán xã hội đương thời.

Theo tạp chí văn học Women’s Literature, các chủ đề xuyên suốt trong sự nghiệp văn học của Jelinek là tính dục nữ và sự xung đột của phái tính. Theo Jelinek, quyền lực và sự chiếm lĩnh là những động cơ lèo lái các mối quan hệ về phái tính. Các tác phẩm của bà là những biến tấu trên một chủ đề văn học chính: sự tưởng chừng bất khả của nữ giới trong việc tự tìm kiếm bản thân mình một cách toàn diện và phải sống giả tạo trong một thế giới, ở đó họ được đối xử bởi và như những hình mẫu rập khuôn.

Từ cuối thập niên 1980, Jeninek hướng ngòi bút của bà tấn công chủ nghĩa phát xít trong quá khứ và bọn tàn dư của quốc xã Đức hôm nay. Trong các tác phẩm mới nhất của mình, dường như Elfriede Jelinek đã tạm rời bỏ các đề tài về giới để tập trung năng lực phê phán các vấn đề xã hội nói chung, bà cũng không nương tay đối với chủ nghĩa tư bản và xã hội tiêu thụ. Vở kịch Sportstuck của Jelinek còn nhắm vào tệ bạo động và phân biệt chủng tộc trong lĩnh vực thể thao.

Được coi là một trong các nhà văn nữ viết bằng tiếng Đức nổi tiếng nhất hiện nay, Jelinek đã gây sốc cho chính đất nước quê hương của bà với phát biểu vào năm 1980: “Áo là một quốc gia tội ác”, khi bà liên hệ chuyện nước Áo đã dự phần vào đế chế của phát xít Đức trong Thế chiến 2. Và theo bà, nước Áo có đủ khả năng để không theo chân bọn Hitler.

Chính tiểu thuyết Thời tuyệt vời, tuyệt vời viết năm 1990 khẳng định câu kết luận gây tranh cãi dữ dội ấy. Nhân vật chính trong tiểu thuyết là một cựu sĩ quan SS, kẻ đã nhớ lại lúc đôi ủng của hắn còn “ngập tới mắt cá chân trong máu” ở các ngôi làng của người Ba Lan; và chính hắn ngày nay đã lột truồng vợ mình ra để chụp ảnh khiêu dâm.

Đặc biệt, trong tiểu thuyết đầy những ảo cảnh Die Kinder der Toten (Lũ trẻ chết chóc), tác giả một lần nữa trừng phạt nước Áo của bà khi coi nó là một vương quốc của chết chóc. Tác phẩm này tiếp tục gây tranh cãi trong dư luận văn học Áo. Dù gặp nhiều phản ứng dữ dội, cho tới nay nhà văn nữ 57 tuổi này vẫn là một trong những tác giả có nhiều ảnh hưởng nhất đối với văn học Áo đương đại.

Phóng to
Isabelle Huppert và Benoit Magimel trong phim Cô giáo piano

Cuốn tiểu thuyết được nhiều người biết đến nhất của bà là Cô giáo piano. Đó là câu chuyện về Erika Kohut, một nữ giảng viên Nhạc viện Vienna, người đã được bà mẹ quyền uy của mình định hình từ ấu thơ. Erika không hề muốn trở thành nhạc sĩ nổi tiếng bởi cô biết mình không có tài năng.

Nhưng Erika không thể làm khác mong đợi của mẹ dù trong sâu xa tâm hồn cô là một sự phản kháng mãnh liệt. Chỉ đến khi cô gặp Walter Klemmer, một sinh viên nhạc viện và hai người yêu nhau...

9 giải Nobel văn chương thuộc về phái nữ

1909: nhà thơ Thụy Điển
Salma Lagerlof

1926: nhà văn Ý Grazia Deledda

1928: nhà văn Na Uy
Sigrid Undset

1938: nhà văn Mỹ Pearl Buck

1945: nhà thơ Chile
Gabriela Mistral

1991: nhà văn Nam Phi
Nadine Gordimer

1993: nhà văn Mỹ Toni Morrison

1996: nhà thơ Ba Lan
Wislawa Symsborka

2004: nhà văn Áo Elfriede Jelinek

Mối tình cuồng nhiệt này chính là sự phản kháng của Erika với tất cả những gì cô đã chịu đựng từ ấu thơ. Cô giáo piano được đạo diễn Áo Michael Haneke dựng thành bộ phim nổi tiếng cùng tên với Isabelle Huppert trong vai Erika và Annie Giradot trong vai bà mẹ.

Elfriede Jelinek từng đoạt nhiều giải thưởng văn học trong nước, trong đó có giải Buchner danh giá nhất của văn học Đức, nhưng với giải Nobel thì quả là điều hết sức bất ngờ với bà. Ngay trong giới chuyên môn, trước đó đã có nhiều dự đoán giải năm nay cũng thuộc về một nhà văn nữ nhưng đó là một trong ba gương mặt: Assia Djebar của Algeria, một nhà văn châu Phi được đọc nhiều tại châu Âu và Bắc Mỹ; hay Inger Christensen, nhà thơ nữ hàng đầu của Đan Mạch, hoặc nhà văn Mỹ quen thuộc Joyne Carol Oates.

Cuối cùng thì Giải thưởng văn học Nobel 2004 được Viện Hàn lâm Thụy Điển công bố hôm 7-10 đã thuộc về người đàn bà phản kháng Elfriede Jelinek, khi khẳng định: “Những dòng chảy âm thanh và phản âm thanh đầy nhạc tính trong tiểu thuyết và kịch của Elfriede Jelinek, với năng lực tu từ ngoại hạng đã phát lộ cái bất hợp lý của những sáo mòn trong xã hội cùng cái quyền uy chinh phục của chúng”.

Có tin Jelinek sẽ vắng mặt trong lễ trao giải thưởng dành cho bà - một giải thưởng trị giá đến 1,36 triệu USD, chưa kể cùng với nó là những bản quyền in và dịch từ khắp nơi trên thế giới.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận