Khi bàn cờ cũng như sân bóng

HUY ĐĂNG 02/10/2024 14:52 GMT+7

TTCT - Lần đầu tiên trong lịch sử có một kỳ thủ người Việt đánh bại vua cờ thế giới: Lê Quang Liêm thắng Đinh Lập Nhân ở Olympiad vừa qua.

Khi bàn cờ cũng như sân bóng - Ảnh 1.

Lê Quang Liêm (trái) trong trận thắng Đinh Lập Nhân (Trung Quốc). Ảnh: Flick

Tất nhiên, cũng phải tính tới thực tế là Đinh Lập Nhân đã sa sút nhiều trong một năm qua và bị đánh giá thấp hơn Lê Quang Liêm trước cuộc so tài.

Không xứng danh vua cờ

Danh hiệu vua cờ của Đinh là do anh giành chức vô địch thế giới năm 2023, sau khi đánh bại kỳ thủ Nga Ian Nepomniatchtchi trong trận tranh danh hiệu của Liên đoàn Cờ vua thế giới (FIDE). Trận cờ này là cuộc tranh tài của nhà đương kim vô địch với người thách đấu, vốn được chọn ra từ Giải Candidates Tournament.

Suốt hơn 10 năm, từ 2013 đến 2023, danh hiệu vô địch thế giới là độc quyền của kỳ thủ người Na Uy Magnus Carlsen, khi anh thắng liên tục năm trận chung kết thế giới các năm 2013, 2014, 2016, 2018 và 2021). Nhưng rồi ngay sau trận đấu năm 2021, Carlsen tự tuyên bố sẽ không chơi thêm trận chung kết nào nữa, đồng nghĩa từ bỏ danh hiệu.

Cơ hội vì vậy đến với Đinh, người lần đầu tham gia trận tranh ngôi vua cờ (nhờ vị trí thứ 2 ở Giải Candidates 2022) và Nepomniatchtchi, người đứng hạng nhất ở Giải Candidates và lần thứ hai dự trận cờ chung kết. Sau 14 ván hòa (7-7), họ phân thắng bại ở loạt tie-break (cờ nhanh) và Đinh đã giành chiến thắng cuối cùng.

Thế nhưng rất nhanh sau đó, kỳ thủ người Trung Quốc sa sút không phanh. Anh xếp tận hạng 8 ở Chess Classic Romania, hạng 9 ở Tata Steel Chess Tournament và không giành được bất cứ trận thắng nào ở Sinquefield Cup 2024. Kết quả là trước Olympiad 2024, Đinh rớt xuống tận thứ 22 trên bảng xếp hạng kỳ thủ nam thế giới, kém Lê Quang Liêm đến gần 10 bậc.

Vì sao Carlsen chán?

Có hai câu hỏi được làng cờ quan tâm. Tại sao Carlsen lại từ bỏ ngôi vị vua cờ? Và tại sao những kỳ thủ còn khá trẻ như Đinh (32 tuổi) lại sa sút chóng vánh đến vậy?

Không khó để trả lời cho câu hỏi đầu tiên. Đã nhiều lần trong sự nghiệp, Carlsen cho biết anh thấy buồn chán với thể thức đấu 14 ván tiêu chuẩn của trận cờ vô địch thế giới. Kỳ thủ người Na Uy đã thắng áp đảo Nepomniatchtchi 7,5-3,5 trong trận chung kết thế giới cuối cùng của anh.

Carlsen buồn chán vì tâm thế "độc cô cầu bại" là một chuyện, nhưng anh còn chán với thể thức cờ tiêu chuẩn. Ngay sau khi từ bỏ ngôi vua cờ, kỳ thủ người Na Uy tích cực tham gia các giải cờ nhanh và cờ chớp. Vì chính ở đó Carlsen mới thực sự tìm được niềm vui cho những nước đi sáng tạo và thấy được niềm vui của một kỳ thủ thực thụ trong thời đại công nghệ chi phối bàn cờ quá mức.

Lý do cho tâm trạng buồn chán của Carlsen và sự sa sút của Đinh có liên quan tới nhau. Tuổi tác là yếu tố đầu tiên. Trong quá khứ, làng cờ từng chứng kiến nhiều vua cờ thành danh ở tuổi 30, vươn đến đỉnh cao tuổi 40 và khi 50 vẫn duy trì được phong độ. Đó là Viswanathan Anand, người bị Carlsen phế truất ngôi vương ở tuổi 42, hay Anatoly Karpov, người đến gần tuổi 50 mới mất ngôi vua cờ.

Peter Doggers, ký giả chuyên viết về cờ vua, từng thống kê và đưa ra nhận định rằng độ tuổi bùng nổ của các kỳ thủ chuyên nghiệp là 35-40. Nhưng kết luận này nhìn chung không chuẩn xác với các kỳ thủ tốp đầu thế giới. Điển hình là trong top 10 hiện tại, trừ Hikaru Nakamura (37 tuổi), chín người còn lại đều dưới 35. Một số kỳ thủ như Đinh, Nepomniatchtchi, Rustam Kasimdzhanov lại sa sút hẳn khi bước qua tuổi 30.

Chơi cờ tốn quá nhiều sức

Nhìn chung, tuy cờ vua dài hơi hơn những môn thể thao khác nhưng độ tuổi đỉnh cao của kỳ thủ ngày nay vẫn vào khoảng 25-35, không khác biệt lớn với bóng đá, bóng rổ, điền kinh, bơi lội… Và cũng như những môn thể thao vận động, kỳ thủ phải tập luyện thể dục thể thao thường xuyên để rèn giũa thể lực, cải thiện các vấn đề về xương khớp, tim mạch…

Đại kiện tướng Nguyễn Anh Khôi từng chia sẻ rằng mỗi tuần anh đều dành ít nhất 2-3 buổi để tập taekwondo và kickboxing, qua đó duy trì trạng thái dẻo dai, tinh thần minh mẫn. "Sự thật là đánh cờ vua ngày nay dựa rất nhiều vào máy tính. Hằng ngày các kỳ thủ hàng đầu phải bỏ ra nhiều giờ để rèn luyện với những phần mềm đánh cờ tối tân rồi ghi nhớ những nước cờ cần thiết. Công việc đó đòi hỏi họ phải ngồi trước máy tính có khi từ sáng đến tối", Anh Khôi nói.

Ông Mykhailo Vasyliev, chuyên gia người Ukraine từng huấn luyện tuyển cờ vua Việt Nam, chia sẻ quan điểm này: "Đánh cờ ngày càng là một công việc mệt nhọc. Vào thời của tôi, mọi người bước vào bàn cờ rồi mặc sức sáng tạo. Tất nhiên họ cũng phải tập luyện hằng ngày, nhưng cũng chỉ là suy ngẫm nước đi cùng HLV. Còn bây giờ kỳ thủ phải bỏ quá nhiều thời gian cho máy tính, vừa nghiền ngẫm vừa ghi nhớ. Đó là một công việc siêu phàm hao tổn rất nhiều sức khỏe thể chất lẫn tinh thần. Để duy trì phong độ trong môn cờ, kỳ thủ phải có kế hoạch rèn luyện tổng hợp chuyên nghiệp".

Khi việc chơi cờ - từ rèn luyện lẫn thi đấu - trở nên mệt nhọc đến vậy, dễ hiểu vì sao các kỳ thủ dần sa sút khi bước vào khoảng tuổi 30-35. "Năm 32 tuổi, tôi lập gia đình. Và từ đó tôi không còn thấy được hứng thú khi chơi cờ vua nữa. Tôi chịu áp lực phải thắng các giải đấu để có thu nhập và có quá nhiều thứ nhiễu loạn tâm trí tôi. Tôi cũng không thể dành 10 giờ mỗi ngày chỉ để chơi cờ vua. Trong thời đại ngày nay bạn tập luyện ít hơn, kém tập trung hơn đồng nghĩa sẽ sa sút" - David Rensch, một tài khoản chia sẻ trên trang Chess.com.

Và cũng vì vậy, Carlsen dần buồn chán. Vua cờ người Na Uy nổi tiếng với lối đánh phóng khoáng, ít bị trói buộc bởi công nghệ. Nhưng từ khoảng thập niên 2000, trí tuệ của con người đã đầu hàng trước các "siêu máy tính", khi cựu vương làng cờ Gary Kasparov liên tiếp bại trận trước các siêu máy tính. Các trận cờ đỉnh cao dần trở thành cuộc so tài giữa các phần mềm hỗ trợ, rất nhiều trận đấu kết thúc với tỉ số hòa.

Năm 2018, Carlsen đánh trận chung kết cờ thế giới với Fabio Caruana của Mỹ. Kết quả hai bên hòa 6-6 và khi bước vào loạt tie-break với thể thức cờ nhanh, Carlsen dễ dàng hạ đo ván Caruana 3-0. Nhìn nhận ở một số phương diện, cờ nhanh ngày nay mới là "cờ vua" đích thực, khi giới hạn thời gian không cho phép kỳ thủ nghiền ngẫm và nhớ lại, mà buộc phải đưa ra quyết định nhanh, những nước đi sáng tạo.

Còn cờ vua tiêu chuẩn, với mỗi bên 90 phút một ván và sau đó là 30 giây mỗi nước nữa, là cuộc chơi của thể thao chuyên nghiệp, nơi các siêu đại kiện tướng cần kế hoạch rèn luyện thể lực, sử dụng công nghệ và cả dinh dưỡng hợp lý để chiến thắng. Trong cuộc chơi đó, nhìn chung các cường quốc thể thao vẫn lợi thế hơn và bất ngờ khó xảy ra hơn khiến cờ vua trở nên kém hấp dẫn.■

Người Việt còn nhiều tiềm năng trên bàn cờ

Từng làm việc với Lê Quang Liêm, ông Vasyliev đánh giá rất cao năng lực của kỳ thủ người TP.HCM lẫn khả năng làm HLV của anh. "Tác phong của Quang Liêm ảnh hưởng rất lớn đến các kỳ thủ Việt Nam khác, điều đó làm tôi nhớ đến Kasparov và Karpov. Cậu ấy là người rất đĩnh đạc và không ngại chia sẻ với mọi người. Tôi nghĩ trong tương lai, cậu ấy sẽ trở thành một HLV cờ vua thành công. So với nhiều cường quốc cờ vua trên thế giới, các kỳ thủ Việt Nam chưa làm quen nhiều với các phần mềm hỗ trợ. Vì vậy tôi đánh giá rất cao trí tuệ và tiềm năng của họ", ông Vasyliev nói.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận