Khi các giáo sư đối diện “i-Generation”

PHẠM THỊ LY 13/03/2015 00:03 GMT+7

TTCT - Họ ở trên mạng 24/24, làm nhiều việc cùng lúc, kết nối liên tục với Facebook, Twitter..., sử dụng liên tục các thiết bị cầm tay cả ở nhà lẫn ở trường, tiếp xúc với một khối lượng thông tin khổng lồ từ đủ mọi nguồn và do đó có những mong đợi hoàn toàn khác với những mong đợi mà thế hệ phụ huynh của họ đặt ra cho nhà trường truyền thống. Họ là những người của một thế hệ khác hẳn: i-Generation.

Khái niệm “thế hệ i” (i-Generation) để chỉ những người sinh từ năm 1985 về sau - thế hệ đầu tiên trưởng thành trong môi trường mà việc sử dụng công nghệ truyền thông trở thành phổ biến rộng rãi.

Liệu dạy và học online có biến thành một chuẩn mực mới?

“Làm thế nào để dạy họ đây? - giáo sư Huang Hoon Chng (ĐH Quốc gia Singapore - NUS) đặt câu hỏi với vẻ hài hước nhưng chứa đựng nỗi lo lắng thật sự của những người thuộc thế hệ của bà và kết luận - Đầu tiên, chúng ta phải học cách kết nối với họ đã”.

Tiến bộ công nghệ: cơ hội hay thách thức?

Tiến bộ khoa học công nghệ, tốc độ phát triển những tri thức mới và khối lượng khổng lồ của tri thức và thông tin mà con người tạo ra khiến mỗi người ngày càng khó nắm bắt đủ kiến thức dù chỉ để giải quyết một vấn đề nào đấy.

Tính chất chuyên ngành của từng lĩnh vực trở thành mong manh. Luôn phải có chuyên gia của nhiều lĩnh vực khác nhau cùng làm việc với nhau để tạo ra một sản phẩm hay giải pháp. Do đó, bản thân kiến thức đã không còn quan trọng bằng việc áp dụng kiến thức - giáo sư King L. Chow, ĐH Khoa học và công nghệ Hong Kong (HKUST), kết luận.

Đối thoại giáo dục toàn cầu (GED) là một chuỗi sinh hoạt học thuật thường niên của Hội đồng Anh, tập hợp các nhà lãnh đạo trong khu vực chính phủ, doanh nghiệp và trường ĐH từ nhiều nước thảo luận về những vấn đề trọng yếu đã và đang tác động mạnh mẽ đến giáo dục ĐH trên thế giới. 

GED 2015 tổ chức tại Seoul, (Hàn Quốc) từ ngày 26 đến 27-2-2015, thảo luận về vai trò của công nghệ trong cuộc đua tài năng toàn cầu.

Từ góc nhìn của người lãnh đạo một trường ĐH đã hơn 100 năm tuổi dành cho phụ nữ, Sun Hye Hwang (ĐH Sookmyung, Hàn Quốc) cho rằng tiến bộ công nghệ đã mang lại cơ hội to lớn cho người học trên ít nhất hai phương diện:

đưa giáo dục bậc cao đến với những phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn ít cơ hội tiếp cận ĐH, và mang lại khả năng mở rộng nguồn tri thức vượt xa hơn giới hạn của nhà trường. Nhưng nó cũng đặt ra những thách thức to lớn.

Hiệu trưởng ĐH FPT (Việt Nam) Đàm Quang Minh cho rằng người thầy sẽ không thể tiếp tục cách dạy như trước được nữa, bởi lẽ sinh viên ngày nay, thành thạo công nghệ thông tin và tiếp cận nhiều nguồn thông tin hơn thế hệ trước rất nhiều, không chỉ “biết nhiều thông tin hơn” mà còn có thể kiểm chứng gần như lập tức những gì thầy giảng.

Trường ĐH của ngày mai sẽ như thế nào? Liệu dạy và học online có biến thành một chuẩn mực mới, hay sẽ là một hình thức pha trộn nào đấy? Liệu sinh viên có thể cá nhân hóa việc học của mình bằng cách học nhiều môn tự chọn khác nhau ở những trường khác nhau? Làm sao bảo đảm chất lượng bằng cấp trong những trường hợp ấy?

Kumiko Aoki (ĐH Mở, Nhật Bản) cho rằng trường ĐH của ngày mai phải thay đổi: chức năng của nó sẽ là nơi tạo ra tri thức và thiết lập mạng lưới giao tiếp xã hội, sẽ nhấn mạnh kết quả học tập và coi phát triển năng lực là nền tảng.

Tín chỉ sẽ không dựa trên số giờ sinh viên dành cho việc học mà dựa trên những năng lực người học đã đạt được.

Tiến sĩ Andy Chun (City University of Hong Kong) vì thế nhận định: Nếu trường ĐH hiện nay dựa trên diễn giảng bằng lời, với những người học ngồi và nghe, nhằm mục tiêu tìm kiếm việc làm cụ thể, chương trình học được quyết định từ bên trên, thi cử kiểm tra là một hệ thống đóng chặt, phương tiện chính là bút và giấy;

thì trường ĐH của ngày mai dựa trên các phương tiện nghe nhìn với hình ảnh và âm thanh, mang lại cơ hội nhìn thấy và trải nghiệm cho người học; nhằm vào những kỹ năng cơ bản hữu dụng trong bất cứ bối cảnh hay lĩnh vực nào; nhấn mạnh sự hợp tác và vai trò trung tâm của người học, với phương tiện chính là màn hình điện thoại, máy tính bảng và máy tính...

Trường ĐH của ngày mai sẽ hoạt động trong một bối cảnh hoàn toàn khác. Giáo sư Joon Heo (ĐH Yonsei, Hàn Quốc) cho rằng 65% trẻ em thế hệ này sẽ làm những loại công việc mà ngày nay chưa hề có. Các trường hiện nay có sẵn sàng cho thế hệ ấy?

Việt Nam, một đất nước có 92 triệu dân nhưng có đến 134.066.000 thuê bao điện thoại di động (tính đến tháng 1-2014) và 20 triệu tài khoản Facebook, thời gian trung bình một người dành cho việc lướt net mỗi ngày là 4 giờ 37 phút và dùng điện thoại di động Internet là 1 giờ 43 phút.

Giới trẻ đã sẵn sàng đến mức nào trong việc học tập bằng các thiết bị di động (M-learning)? Theo một khảo sát mà tiến sĩ Nguyễn Ngọc Vũ (ĐH Sư phạm TP.HCM) thực hiện với 111 sinh viên, những người thường xuyên sử dụng Internet tại nhà chiếm 86%, nhưng 73,2% chưa bao giờ học một khóa trực tuyến qua điện thoại di động.

Thông qua một khóa học thử nghiệm, 79% người học đồng ý rằng M-learning hỗ trợ tích cực cho việc học theo lối truyền thống, 56% cho rằng điều này mang lại cho họ thêm hứng thú với việc học. 100% người học đạt trình độ C1 khi kết thúc khóa học. Điều đó nói lên rằng sinh viên Việt Nam, ít ra là ở một thành phố lớn, đã sẵn sàng cho việc tiếp thụ M-learning, nhưng các trường nói chung thì lại có rất ít đáp ứng với nhu cầu ấy.

 

Tương lai của giáo dục ĐH

Nhiều trường ĐH đã đưa đào tạo trực tuyến vào hoạt động của họ như một phần của những chương trình có cấp bằng và tất nhiên là không miễn phí. Tương lai của đào tạo trực tuyến mở đại trà (MOOCs), của đào tạo trực tuyến (online learning), của lối học tập qua các thiết bị di động (mobile learning) sẽ như thế nào?

MOOCs đã tạo ra một cơ sở hạ tầng mới, một phương thức đào tạo mới và mang lại cho người học những gì chưa từng có trước đây trong nhà trường truyền thống (vốn ít nhiều có tính “kỳ thị” vì không dành cho tất cả mọi người mà chỉ dành cho những người có đủ khả năng chi trả và/hoặc đạt đến một mức độ phát triển nhất định trong trí tuệ).

MOOCs đưa ra một kho dữ liệu mở, kiến thức mở, dựa trên công nghệ mở và cho tất cả mọi người. Diễn đạt bữa tiệc tự chọn của giáo dục ngày nay bằng hình ảnh của những gói thức ăn đóng hộp, giáo sư Joon Heo tin rằng ai cũng có thể bước chân vào trường ĐH của tương lai, chọn bất cứ môn nào mình muốn, học nhiều ít tùy theo khả năng hấp thụ.

Đã bắt đầu xu hướng phát triển “peer assessment” (dùng ý kiến đánh giá của bạn học như một công cụ chính thức để xem xét kết quả học tập, coi việc học lẫn nhau là điều quan trọng) và khích lệ người học tạo ra các nội dung dạy học, coi dạy cũng là một cách học.

Một cuộc khảo sát với lãnh đạo các trường ĐH do Scott Jaschik thực hiện năm 2013 cho biết 47% hiệu trưởng đồng ý rằng MOOCs là một mối đe dọa đối với mô hình hoạt động hiện nay của các trường ĐH. Điều làm chậm quá trình này chỉ là một vấn đề tâm lý: sinh viên chỉ học khi họ phải trả tiền, chỉ làm bài khi được cho điểm, chừng nào còn tâm lý ấy thì MOOCs vẫn chưa trở thành nguy cơ giành hết người học của các trường.

Dù bao gồm cả những thông điệp đầy lo lắng về “tương lai bất định của giáo dục ĐH trong kỷ nguyên số”, nhưng những lãnh đạo trường ĐH tham dự cuộc đối thoại giáo dục này chia sẻ một niềm tin chung về “sự thay đổi nhưng không thể bị thay thế” của trường ĐH. Và đặc điểm quan trọng nhất của giáo dục ĐH tương lai là tính chất đại chúng của nó.

Cùng với xu hướng mở rộng số người vào ĐH là xu hướng cá nhân hóa việc học. Bởi con người sinh ra vốn không bình đẳng nên giáo dục cũng không thể có một kích cỡ vừa cho tất cả.

Có nhiều thứ đang bị các trường ĐH bỏ quên, không quan tâm tới việc kích thích người học khám phá những lĩnh vực chuyên ngành mới, không giúp người học phát triển mối quan tâm của chính họ thay cho việc dẫn dắt họ hướng tới những mối quan tâm cụ thể và tức thời như hiện nay.

Tiến bộ công nghệ đã cho phép việc cá nhân hóa quá trình học tập có thể thực hiện được một cách triệt để, nhưng không để tạo ra những kỹ sư, bác sĩ, cử nhân như những sản phẩm đúc khuôn hàng loạt, mà là giúp người học khám phá những năng lực và thiên hướng rất riêng của mỗi người để họ tự chọn lựa, theo đuổi, phát triển đam mê và năng khiếu của riêng mình. Đó là tiền đề cho sự sáng tạo - nhân tố sống còn đối với việc tạo ra tài năng trong tương lai.

i-Generation chính là những “công dân kỹ thuật số” (digital citizen), những người mà Andy Chun (City University of Hong Kong) nhận định mức độ sử dụng điện thoại thông minh, máy tính, thiết bị truyền thông... càng nhiều thì thời gian dành cho giao tiếp xã hội và những tương tác cá nhân trực tiếp càng giảm.

Việc phụ thuộc vào thiết bị truyền thông và gắn kết với thế giới ảo của mạng xã hội ở cường độ cao đã tạo ra cho “thế hệ i” những đặc điểm: họ đòi hỏi nhiều hơn, tập trung cho những nhu cầu của bản thân hơn, ít quan tâm hơn tới những vấn đề chung của xã hội và lợi ích công. 

Sun Hye Hwang cho rằng trong lúc nhấn mạnh những cơ hội mà tiến bộ công nghệ mang lại, chúng ta đã đánh mất nhiều nỗ lực lẽ ra phải dành cho việc xây dựng nhân cách của người học thông qua củng cố những mối liên kết xã hội, không chỉ là về mặt kiến thức mà còn về cảm xúc và xây dựng sự gắn bó với cộng đồng.

 

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận