Khi chính quyền cần sự ủy nhiệm mới

LÊ TRUNG TĨNH (TỪ ANH) 07/06/2017 21:06 GMT+7

TTCT- Cuộc bầu cử ngày 8-6 tới tại Vương quốc Anh quan trọng vì nó không chỉ lựa chọn người đứng đầu chính phủ, mà còn lựa chọn đảng cầm quyền.

 

 

Người dân sẽ chọn 650 đại biểu quốc hội đại diện và nói lên tiếng nói của mình tại khu vực mình đang ở. Các ứng cử viên thuộc các đảng khác nhau như Bảo thủ, Lao động, Tự do dân chủ... hay có thể không thuộc đảng phái nào.

Người đứng đầu đảng có nhiều đại biểu quốc hội nhất sẽ trở thành thủ tướng Anh, thành lập chính phủ để điều hành đất nước.

Người đứng đầu đảng về thứ nhì sẽ lãnh đạo tiếng nói đối lập trong quốc hội và thành lập các vị trí tương ứng trong “chính phủ bóng tối” để theo dõi và phản biện các vị trí chính thức trong chính phủ thật, một mô hình rất đặc biệt của nền chính trị Anh.

Người dân Anh muốn tự quyết

Việc tổ chức cuộc bầu cử này khẳng định một lần nữa ảnh hưởng tuyệt đối của quyền lực cử tri với các quyết sách của giới lãnh đạo, vốn đã là lực lượng chính kéo và đẩy nước Anh trên một hành trình đầy biến động từ tháng 6-2016 tới nay.

Khi đó, cử tri Anh đã chọn rời khỏi Liên minh châu Âu trong một cuộc trưng cầu ý dân với kết quả đầy bất ngờ, trái ngược gần như mọi dự đoán, bao gồm dự đoán của chính quyền Đảng Bảo thủ dưới sự lãnh đạo của thủ tướng David Cameron.

Ngay sáng hôm sau khi có kết quả, ông Cameron đã phải từ chức, chuyện cũng là thường tình khi ông đã đặt cược toàn bộ vốn liếng chính trị vào cuộc bầu cử, nên nay phải ra đi khi cử tri lựa chọn khác với những gì ông vận động.

Sống tại nước Anh, đặc biệt các vùng thành phố nhỏ và thôn quê mới thấy không như dự đoán và suy nghĩ thông thường, nhiều người dân Anh thật sự muốn rời khỏi Liên minh châu Âu.

Các lý do đưa ra thì nhiều và đã có nhiều phân tích đúng sai, nhưng có thể cảm nhận được hai lý do chính từ dân chúng và những người thực hành chính trị Anh.

Thứ nhất, đó là hạn chế nhập cư; thứ nhì, và quan trọng hơn, người Anh muốn nắm trong tay số phận của mình và đất nước, các quyết định chính trị của họ phải do chính họ lựa chọn với đại diện là các đại biểu quốc hội tại Westminster, chứ không ở bất cứ đâu khác.

Quyết định từ chức của ông Cameron, vì thế, gần như là bắt buộc. Đảng Bảo thủ sẽ không thể để một thủ tướng thất bại trong một cuộc trưng cầu ý dân toàn quốc tiếp tục dẫn dắt họ vào cuộc bầu cử tiếp theo, nhất là khi trong chính nội bộ đảng cũng có những phe phái ủng hộ việc rời khỏi EU.

Còn bản thân ông Cameron không thể “trơ mặt ngồi lì” khi những lá phiếu của cử tri cũng chính là tuyên bố về sự ủy nhiệm mà họ dành cho quan điểm chính trị then chốt của ông: Brexit hay không.

Người kế nhiệm ông Cameron, bà Theresa May, chính là thành phần đòi Brexit của Đảng Bảo thủ, và bà được đảng chọn làm thủ tướng như một cách thể hiện ý nguyện cử tri (kèm theo Bộ trưởng ngoại giao Boris Johnson, cũng là người quyết liệt đòi rời EU).

Tuy nhiên, xem ra cuộc trưng cầu ý dân với kết quả khá sít sao (51,89% - 48,11%) sẽ còn ảnh hưởng dài dài tới chính trường Anh trong một thời gian nữa.

Khi có dấu hiệu thủ tướng mới May quyết định kích hoạt điều 50 của Hiệp ước Lisbon, khởi động việc nước Anh chính thức rời EU mà không thông qua Quốc hội, bà Gina Miller, một doanh nhân bình thường, đã đệ đơn kiện Bộ Ngoại giao Anh ra tòa.

Trả lời báo Time, bà Miller nói bà đơn giản muốn dân chủ phải được thực thi một cách đúng đắn và trọn vẹn, tức các quyết định trọng đại phải có sự thông qua của Quốc hội Anh.

Tháng 1-2017, Tòa tối cao Anh đã tuyên bà Miller thắng kiện, phán quyết Chính phủ sẽ phải trình Quốc hội thông qua quyết định và quy trình Brexit, một lần nữa phản ánh tính tuần tự, chặt chẽ, và tầm quan trọng của những người thực sự đại diện cho nguyện vọng cử tri, ở một nền dân chủ lâu đời và mực thước.

?????????????????????????????????? -ibtimes.com
Ai sẽ là Thủ tướng Anh sau ngày 8-6, bà Theresa May, đương kim Thủ tướng hay ông Jeremy Corbyn lãnh đạo Đảng Lao động  ? Ảnh: ibtimes.com

 

Vì sao bà May lựa chọn bầu cử?

Trên chính trường, giai đoạn tháng 6-2016 đến tháng 3-2017 là một quá trình chuyển hóa tâm lý quan trọng, của cả người dân Anh và những đại biểu quốc hội đại diện cho họ. Bất chấp những lo sợ trước đó, quyết định rời EU được tuyên bố thông qua cuộc trưng cầu ý dân đã không làm nền kinh tế Anh đổ vỡ hay suy sụp.

Dẫu vậy, trong cuộc thăm dò cách đây 10 ngày với một mẫu 1.590 cử tri của YouGov/Times, với câu hỏi “Brexit là đúng đắn hay sai lầm?”, tỉ lệ người nói đúng và sai lần lượt là 43% - 45%, vẫn khá sít sao, nhưng đã là sự thay đổi lớn so với cuộc trưng cầu ý dân mới 9 tháng trước.

Rất có thể chính bởi những biến động đó, mà bà May và Đảng Bảo thủ đã nhanh chóng kích hoạt điều 50 vào ngày 29-3, đồng thời tuyên bố tổ chức bầu cử trước thời hạn hôm 18-4, nhằm tận dụng làn sóng tình cảm Brexit vẫn còn mạnh mẽ hiện tại.

Luật tổ chức Quốc hội Anh quy định các cuộc bầu cử sẽ diễn ra 5 năm một lần. Điều đó có nghĩa là bà May có thể làm thủ tướng và đảng của bà có thể lãnh đạo đến năm 2020. Bà và Đảng Bảo thủ có thể cầm quyền thêm 3 năm nữa trước khi phải đối đầu với bất cứ sự cạnh tranh nào.

Tuy nhiên, bà May vẫn chọn tổ chức bầu cử với lý do để nước Anh có một tiếng nói chính danh, thống nhất, và quyết đoán trong việc bàn thảo các điều kiện rời khỏi EU, để đảng cầm quyền có thể gác bỏ mọi mối bận tâm sau khi nhận được sự ủy nhiệm thật rõ ràng trong cuộc bầu cử đã diễn ra.

Bản thân bà May đã trở thành thủ tướng nước Anh sau một cuộc sắp xếp nội bộ trong Đảng Bảo thủ cầm quyền sau khi người tiền nhiệm của bà, ông Cameron, từ chức. Tức bà được bầu lên do các đảng viên của đảng mình, chứ không phải toàn dân Anh.

Nếu chiến thắng trong cuộc bầu cử sắp tới, bà May mới thật sự được lựa chọn làm thủ tướng trong một cuộc bầu cử toàn dân với sự cạnh tranh của nhiều đảng phái.

Chỉ khi đó, những gì bà bàn thảo trong cuộc thương lượng then chốt với EU, và cả với những quốc gia đối tác về tương lai thương mại và chính trị của Anh, mới thôi không bị bàn ra tán vào, và thậm chí là thách thức, như suốt thời gian qua.

Thời điểm của cuộc bầu cử tất nhiên đã được cân nhắc kỹ bởi đảng cầm quyền. Ngoài làn sóng Brexit, vụ tấn công khủng bố đẫm máu ở Manchester chắc chắn cũng đã ảnh hưởng không nhỏ tới tâm lý cử tri.

Cuộc thăm dò mới nhất trên Telegraph ngày 29-5 cho thấy Đảng Bảo thủ dẫn trước đối thủ chính Đảng Lao động với khoảng cách khá xa (42,4% - 26,5%). Một cuộc bầu cử toàn dân mà bà May lãnh đạo đảng của mình giành chiến thắng sẽ xua tan những “tàn quân” chống Brexit cuối cùng trong nội bộ Đảng Bảo thủ, đồng thời khẳng định sự thay đổi chủ trương dứt khoát của đảng này.

Cũng phải thấy rằng trong khi quan điểm quốc tế nhìn cuộc bầu cử ở góc độ Brexit, với các cử tri Anh, những vấn đề quốc kế dân sinh sẽ có ưu tiên lớn hơn nhiều, bao gồm bảo hiểm xã hội, phát triển kinh tế, giáo dục, y tế..., đó là các vấn đề mà một cách bình thường người ta sẽ có khuynh hướng chỉ trích hệ thống đang cầm quyền. Các kết quả bầu cử tại Mỹ, Pháp gần đây đã thể hiện điều đó. Ngoài ra thế giới biến động từng ngày với nhiều bất ngờ, bất trắc, ví dụ như vụ khủng bố tại Manchester, có thể làm thay đổi cán cân lựa chọn của người dân và làm tất cả dự báo thăm dò trở nên khó đoán.

Thay vì tuyên bố nhiều lần dân chúng phải tin tưởng bà và đảng Bảo thủ đang cầm quyền, bà May đã chọn cách cho dân chúng lựa chọn bằng lá phiếu. Đó là sự lắng nghe và can đảm đặt vị trí thủ tướng và cầm quyền của đảng bà vào cạnh tranh một cách công bằng và dân chủ. 

Chính trị Anh từ một năm qua cho chúng ta nhiều câu chuyện thú vị: Chính phủ lắng nghe và thực thi lựa chọn của người dân, ngay cả khi đó chỉ là một người; Quốc hội là cơ quan đại diện thật sự nguyện vọng của người dân; Chính phủ có thể từ chức, tổ chức bầu cử lại để người dân đưa ra quyết định tối hậu. Làm được như vậy đòi hỏi những lãnh đạo chính trị cần phải can đảm, tự trọng, tôn trọng những giá trị tự do, dân chủ và quan trọng nhất cần phải biết đặt dân nguyện lên trên ý nguyện của đảng cầm quyền.

Đối thủ lớn nhất của bà May, lãnh đạo Đảng Lao động Jeremy Corbyn, là nhân vật thiên tả nhất ở Anh trong gần 40 năm qua, theo bình luận của CNN.

Ông Corbyn muốn tái quốc hữu hóa nhiều ngành ở Anh, bao gồm đường sắt và dịch vụ bưu chính, tăng chi tiêu cho y tế và giáo dục, đánh thuế doanh nghiệp và tăng lương cho lĩnh vực công. Dễ hiểu là nghị trình của ông Corbyn vấp phải không ít chỉ trích, báo Anh Daily Mail bình luận đó là “một tuyên ngôn lôi chúng ta trở lại những năm 1970”, ám chỉ thời kỳ quốc hữu hóa và công đoàn hóa ồ ạt, thuế má cao và kinh tế đình đốn dưới chính quyền Đảng Lao động.

Nhưng những người ủng hộ nói các chính sách mới nhắm tới việc mang đến lợi ích “cho nhiều người, chứ không chỉ một vài”. Cho tới nay các cuộc thăm dò dư luận cho thấy chủ nghĩa dân túy cánh tả kiểu Corbyn có thể nhận được sự ủng hộ lớn hơn hẳn so với những người đồng chí của ông ở Mỹ, Bernie Sanders, và Pháp, Jen-Luc Melenchon, trong hai kỳ bầu cử lớn gần nhất.

Tăng chi tiêu cho dịch vụ công và quốc hữu hóa ồ ạt chắc chắn sẽ được lắng nghe ở một quốc gia mà Cơ quan dịch vụ y tế quốc gia (NHS) và các trường học công đang đối mặt với cắt giảm ngân sách lớn, còn giá đường sắt đã tăng nhanh hơn mức lạm phát cho những chuyến tàu thường xuyên quá đông đúc và không đúng giờ. Một cuộc thăm dò của Sky Data năm 2016 cho thấy 55% cử tri ủng hộ quốc hữu hóa đường sắt ở Anh.

Nhưng vấn đề lớn với Đảng Lao động là tín nhiệm cho lãnh đạo của họ. Người đi trước của ông Corbyn, Ed Miliband, từng thất bại trong việc tạo dựng đủ sức hút cá nhân cho một nghị trình tả khuynh hồi năm 2015, và giờ ông cũng đối mặt nguy cơ đó, nhất là trong bối cảnh dân Anh đang lo lắng nhiều hơn về chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan và vấn đề nhập cư, nơi các ứng viên thường thể hiện tốt cá tính lãnh đạo của họ hơn. Theo thăm dò của Opinium, điểm số cho sức hút cá nhân của Corbyn là -32%, so với +13% của May.

Cuối tháng 4, Đảng Lao động cũng thảm bại trong cuộc bầu cử địa phương, mất gần 150 ghế ở các hội đồng và cơ quan dân biểu, trong khi phe Bảo thủ giành thêm hơn 300 ghế. “Thách thức với cánh tả ở Anh là trên hai phương diện - Keiran Pedley của Công ty nghiên cứu GfK nói với CNN - Trước hết, những chính sách dân túy của phe cánh hữu cũng hấp dẫn không kém (về nhập cư, thiết lập trật tự, phúc lợi...); và thứ hai, chính sách hấp dẫn không bao giờ là đủ để thắng cử”.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận