Khi đối thoại trong gia đình trở thành xa xỉ !

KIM DUY 23/04/2016 20:04 GMT+7

TTCTLTS - Từ bao giờ chúng ta đã không còn đối thoại? Những bữa cơm gia đình trống vắng, những giờ học trở thành áp đặt, những khúc mắc xã hội được giải quyết bằng bạo lực… Câu chuyện cuộc sống kỳ này mời bạn cùng ngồi lại nhìn vào một trong những thực trạng của xã hội chúng ta: đối thoại, từ nhiều khía cạnh gia đình, học đường, xã hội…

Minh họa: Cao Thị Được
Minh họa: Cao Thị Được


1 Anh bạn tôi một hôm gọi điện thoại than thở về con trai 18 tuổi rằng đi học thì thôi, về nhà là nó phóng thẳng lên phòng trên lầu, chẳng buồn chào hỏi ai một tiếng. Ăn cơm kêu mãi mới uể oải xuống nhà.

Có khi không ăn cơm cùng mọi người mà xuống lấy một tô mang lên phòng. Anh nói thêm gia đình xưa nay luôn ăn cơm chung, nhưng từ năm con trai lên lớp 11 phải học thêm nhiều môn nên bữa cơm gia đình đông đủ thưa dần...

Chuyện này thật ra không mới lạ gì trong nhiều gia đình hiện nay khi cha mẹ, con cái không còn thời gian... nhìn mặt nhau, cùng ngồi lại trò chuyện với nhau mà không phải giận hờn hay mâu thuẫn gì.

Một người bạn khác của tôi có hai con gái năm nay học lớp 11 và lớp 8. Vừa rồi vợ chồng chị xây một ngôi nhà ba tầng bề thế, mỗi người một phòng, ngoài phòng khách dưới lầu còn một phòng sinh hoạt chung ở tầng trên. Từ phòng sinh hoạt chung nhìn thấy được các phòng ngủ.

Chị hi vọng với không gian sinh hoạt chung như thế, gia đình sẽ có những cuộc chuyện trò thân mật với nhau. Vậy mà không! Chị tâm sự nhà mới rộng rãi hơn nhưng bây giờ mỗi người một ốc đảo. Vợ chồng con cái gặp nhau chớp nhoáng trong bữa cơm rồi ai rút về phòng nấy. Con cái chẳng những không muốn chuyện trò nhiều với ba mẹ mà còn không cho ba mẹ xâm nhập thế giới riêng của chúng nữa.

2 Đối thoại trong gia đình ngày càng ít không chỉ bởi thời gian dành cho nhau của mỗi thành viên ngày càng eo hẹp. Cha có những mối quan hệ ngoài giờ làm việc, mẹ là người giữ lửa đôi khi cũng không rảnh rang và với con thì việc học thêm ngoài giờ chính khóa khiến thời khóa biểu bữa cơm gia đình bị xáo trộn.

Nhiều bà mẹ than thở không cho con học thêm thì không an tâm, nhưng việc học thêm đã đẩy các thành viên trong gia đình ngày càng xa nhau. Nhất là giờ đây khi cuộc sống thực vốn eo hẹp thời gian dành cho nhau lại thêm sự hiện diện của điện thoại thông minh, máy tính... khiến việc đối thoại trong gia đình đã ít càng thêm ít, bởi con người dường như thích hưởng thụ đời sống “ảo” hơn!

Nếu có ngày chủ nhật, một gia đình trẻ dành chút buổi sáng để đi ăn sáng, ngồi cà phê chung với nhau thì người ta thấy những bức tranh thế này: cha tay cầm cuốn giáo trình của lớp học ban tối (có thể hôm sau cha đến kỳ thi), mẹ chúi mắt vào smartphone, hai con mỗi cô/cậu một cái iPad...

Mẹ vừa lướt Facebook vừa chat với bạn, like, comment; trong iPad của con là phim hoạt hình hay game. Quanh một chiếc bàn nhỏ chưa đến 1m2 nhưng bốn con người là bốn thế giới khác nhau. Họ không nói chuyện, trao đổi gì với nhau cả, họ vui với thế giới của riêng mình.

Một bức tranh khác. Bốn người với bốn smartphone, có khi cùng chung một thế giới ảo là Facebook nhưng ở đó mỗi người vui, buồn, tranh luận khác nhau bởi bốn người có bốn news feed khác nhau.

Lại thấy đôi khi ngồi với nhau, cùng quan tâm một vấn đề nhưng chẳng ai nói với ai tiếng nào vì họ đang chìm đắm với những con chữ trên smartphone. Hay nói khác đi, họ đang tranh luận với smartphone chứ không phải tranh luận với người ngồi bên. Đôi khi họ đem những tranh luận ấy ra bên ngoài với đủ kiểu cảm xúc tâm lý, với những chuyện hoàn toàn không liên quan đến đời sống thực.

3 Một bạn trẻ kể chuyện gia đình bạn đã lâu không còn chung bữa cơm gia đình dù có đủ mặt. Khi bữa cơm không còn chung, đối thoại với nhau không còn cần thiết.

Ba bạn thích vừa ăn cơm vừa coi tivi, đến bữa ông đem một tô ngồi trước tivi có chương trình riêng ưa thích. Em trai bạn làm ca nên có lý do chính đáng không tham gia bữa cơm gia đình. Bạn là giáo viên toán, có những lớp dạy thêm ngoài giờ nên hầu như không ăn cơm đúng bữa. Mẹ bạn mỗi ngày nấu xong các thứ rồi để đó, ai muốn ăn khi nào thì ăn.

Phần bà cũng một tô ngồi đung đưa trên võng vừa ăn vừa xem tivi. Em bạn về đến nhà mang một tô cơm ngồi với máy tính. Bạn nói cái bàn ăn ngày nào đông đủ bốn người giờ chỉ còn mình bạn bởi bạn không thích ăn tô. Đi dạy về, bạn lấy cho mình tô canh, đĩa đồ xào, thức ăn mặn và chén cơm.

Sinh hoạt rời rạc như vậy thành nếp, lâu dần cả nhà bạn không ai còn nghĩ đến việc ngồi chung với nhau. Cần thiết mới nói chuyện với nhau, những câu ngắn đưa ra vấn đề giải quyết nhanh, không bàn luận.

Mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh. Một bạn trẻ khác kể rằng bốn người trong gia đình bạn hễ ngồi chung với nhau y như rằng thể nào cũng có chuyện tranh cãi, nhiều khi đâm giận nhau. Có khi bạn giận chị gái đến nửa năm mới nói chuyện lại. Riết rồi chẳng ai muốn nói chuyện với ai, có ngồi lại thì mỗi người một smartphone, yên chuyện.

4Không quá lời khi cho rằng smartphone giờ đây thống lĩnh thế giới. Cả tỉ người trên hành tinh hằng ngày không rời được nó. Các nhà nghiên cứu ngày ngày lại nghĩ ra những ứng dụng mới lạ trên smartphone, đủ kiểu tiện ích khiến gây... nghiện!

Facebook chẳng hạn, với lượng người sử dụng gia tăng hằng ngày, đội ngũ của họ càng nghĩ ra nhiều chiêu mới để người sử dụng càng bị cuốn vào. Có người dùng Facebook một lúc nào đó giật mình nhìn lại mình đã tốn bao nhiêu thời gian cho nó một ngày? Vì nó mà những đối thoại trong gia đình ngày càng ít hào hứng. Vì nó mà chúng ta lười đọc sách, xem phim...

Mỗi ngày Facebook hỏi chúng ta nghĩ gì? Mỗi người lại suy nghĩ và quăng lên đó cảm xúc của mình, tích cực hay tiêu cực. Chúng ta chờ đợi những tương tác và tương tác với hàng ngàn thành viên khác mà chúng ta gọi là bạn. Chúng ta có thể biết nhiều thứ, bao quát, có ích hay vô bổ...

Cuối cùng, chìm đắm vào những tranh luận trên thế giới ảo, chúng ta quên mất những lời đối thoại (thực) trong gia đình với những người thân yêu nhất và nó ngày càng trở thành hàng hiếm!

Có câu nói: “Facebook giống như nhà tù, bạn ngồi trước mặt nó và lãng phí thời gian, bạn viết lên tường câu trạng thái và bạn bị trêu chọc bởi những người mà bạn không biết”. Và một câu khác đáng để suy nghĩ: “Người ta quên ngay dòng trạng thái của bạn bởi vì họ còn phải bận rộn với dòng trạng thái của chính họ”.■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận