Khi giáo sư hóa đi học quần vợt

HUY ĐĂNG 28/11/2013 01:11 GMT+7

TTCT - Các giảng viên môn quần vợt ở Đại học TDTT TP.HCM vẫn thường gọi đùa như vậy với GS.TS Lê Văn Ngô, phó giám đốc Trung tâm nghiên cứu hóa hợp chất tự nhiên của Trường đại học Khoa học tự nhiên, bởi tinh thần cầu tiến trong việc tập quần vợt của ông.

Phóng to
GS Ngô (phải) và vợ học quần vợt ở ĐH TDTT Thủ Đức - Ảnh: Huy Đăng

Nhiều năm gần đây tại hội thao của các trường đại học, các thầy cô tham dự giải vẫn thường truyền miệng nhau về thầy Lê Văn Ngô như một... tay vợt lão làng từ Mỹ về. Ở tuổi 66, vị GS.TS ngành hóa này vẫn được xem như một đối thủ đáng gờm ở các môn bóng bàn, quần vợt.

Cầm vợt để... hỗ trợ nghiên cứu

Du học và lấy bằng tiến sĩ ở Đức, GS Lê Văn Ngô từng làm công tác nghiên cứu và giảng dạy tại các trường đại học hàng đầu của Mỹ như Baton Rouge, Texas A&M... Từ năm 1987, ông làm nghiên cứu tại các công ty hóa - dược của Thụy Sĩ. Thành công ở nước ngoài nhưng ông vẫn tha thiết trong việc cống hiến cho quê hương.

Từ năm 2006, ông quay về Việt Nam, vận động được hơn 1 triệu USD tài trợ từ Thụy Sĩ để xây dựng phòng nghiên cứu hóa hợp chất cho Trường đại học Khoa học tự nhiên. Bên cạnh việc nghiên cứu, ông còn đảm nhận việc hướng dẫn sau đại học cho sinh viên.

Có một lý lịch đầy “hàn lâm khoa học” là vậy, nhưng thầy Ngô chơi thể thao cũng có hạng khi từng nhiều lần vô địch các giải bóng bàn của bang Missouri bên cạnh lòng đam mê quần vợt. Gần như “ăn ngủ” cùng sinh viên tại Trường đại học Khoa học tự nhiên, GS Ngô vẫn dành riêng một tuần ba buổi để chơi quần vợt.

Trong nghiên cứu hóa học, pha trộn hợp chất đòi hỏi một đôi tay thật cứng cáp, vững vàng. Chính vì vậy ông xem việc tập luyện đều đặn các môn thể thao cầm vợt như quần vợt, bóng bàn sẽ hỗ trợ ông không ít trong công việc chính của ngành hóa.

Trong thể thao cũng phải hiếu học

Đồng hành cùng GS Ngô trong mọi lĩnh vực từ nghiên cứu khoa học đến thể thao trong 40 năm qua là vợ ông - cô Phạm Thị Vân Cương. Tại các hội thao công đoàn các trường đại học, thầy Ngô và cô Vân Cương luôn đánh cặp ở môn quần vợt.

Dù vẫn giữ được sự dẻo dai nhưng tuổi già cộng thêm việc luôn phải đụng độ “dân chuyên nghiệp” là các giảng viên ở Trường đại học TDTT nên GS Ngô chỉ đạt thành tích cao nhất là vào đến bán kết. Ấm ức và “không phục”, ông quyết định tầm sư học đạo môn quần vợt ở ngay chính mái trường của các VĐV thể thao hàng đầu đất nước.

Mỗi tuần hai buổi, GS Ngô cùng vợ cứ 7g sáng lại ra sân quần vợt Trường đại học TDTT (Thủ Đức) để được “thọ giáo” thầy Phạm Thành Tấn, giảng viên khoa quần vợt của trường. Thầy Tấn kể: “Dù bận rộn nhưng vì kính trọng thầy Ngô từ lâu, đặc biệt là bị thuyết phục bởi nhiệt huyết với môn quần vợt của một vị giáo sư khoa học như thầy nên tôi nhận lời dạy kèm riêng”.

Sau một thời gian ngắn, GS Ngô được dân thể thao ở Trường đại học TDTT mặc nhiên xem như một... sinh viên chăm chỉ. Nhìn vào tinh thần hiếu học ở độ tuổi “cổ lai hi” của ông, người ta càng hiểu tại sao vị giáo sư hóa này lại rất thành công trên con đường nghề nghiệp.

Từng đào tạo ra không biết bao nhiêu cử nhân, thạc sĩ ngành hóa, nhưng trên sân quần vợt GS Ngô vẫn không ngại gọi một tiếng “thầy” với người giảng viên chỉ đáng tuổi con cháu mình.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận