Khi hàng tỉ người bị “cắt điện thoại”

TRÚC ANH 11/10/2021 17:05 GMT+7

TTCT - Còn gì trớ trêu cho bằng khi các sản phẩm cùng thuộc một đế chế công nghệ liên tục dính bê bối, bị chỉ trích không ngừng, và mới nhất là bị tố vì chọn lợi nhuận thay vì an toàn của người dùng như Facebook lại trở nên thiết yếu với đời sống hằng ngày của hàng tỉ người trên khắp thế giới.

 
 Ảnh: Reuters

Tối 4-10 theo giờ Việt Nam, người dùng khắp hành tinh đã có khoảng 6 tiếng đồng hồ trải nghiệm cuộc sống không có Facebook, Instagram, WhatsApp và Messenger là như thế nào, khi toàn bộ sản phẩm của gã khổng lồ công nghệ này tạm “biến mất” khỏi Internet, không truy cập được dù ở bất cứ đâu.

Facebook và Instagram hiện không đơn thuần là nơi để chat chít, đăng hình ảnh khoe khoang, công chiếu cuộc đời của từng cá nhân cho thiên hạ mà còn là cửa ngõ kinh doanh, tiếp thị, tương tác với khách hàng. Khi xảy ra sự cố, ít nhất họ còn có Twitter. Nạn nhân chịu tác động nhiều hơn cả là người dùng WhatsApp, khi đường phương tiện liên lạc gần như duy nhất của họ bị đứt trong nhiều giờ. “Giống như lấy mất điện thoại của hàng tỉ người” - Adrienne LaFrance, tổng biên tập tạp chí The Atlantic, so sánh.

Quả vậy, ảnh hưởng của việc không dùng được WhatsApp với người dân một số nước, đặc biệt là Ấn Độ (thị trường lớn nhất với 490 triệu người dùng) và các nước Mỹ Latin. Sự gián đoạn mà nó gây ra cho các hoạt động thường nhật và thiết yếu ở các thị trường này nằm ngoài hình dung của người dùng ở chính quê hương của Facebook (Mỹ chỉ có 68,1 triệu người dùng WhatsApp) và cả Việt Nam, nơi một ứng dụng trong nước phổ biến hơn.

Trong 6 tiếng, các cơ sở kinh doanh ở Ấn Độ không thể quảng cáo, bán hàng và thu tiền trực tiếp trên WhatsApp, còn người dân thì không thể đặt mua rau và các thứ thiết yếu khác. Tại Brazil, nơi hầu như smartphone nào cũng có cài WhatsApp, ứng dụng này dùng để đặt đồ ăn, mua hàng siêu thị, đặt lịch cắt tóc, dọn nhà. Các cơ quan nhà nước gửi thông tin đến người dân qua WhatsApp, và ứng dụng này cũng hỗ trợ học online, báo điểm thi cho học sinh. Theo BBC, lĩnh vực y tế của Brazil cũng phụ thuộc vào ứng dụng này để hẹn gặp bác sĩ và tư vấn sức khỏe từ xa.

“Hôm nay tôi chẳng bán được gì. Một ngày khó khăn cho những người như tôi” - María Elena Divas, người bán thức ăn vặt qua WhatsApp ở Colombia, than với New York Times. Còn ở Mexico, thợ bánh Elizabeth Mustillo lần đầu tiên phải nghe điện thoại nhận đơn hàng, thay vì trao đổi, xem mẫu bánh khách muốn, báo giá, nhận tiền và đặt shipper giao hàng hoàn toàn trên app. “Đa số khách của tôi không có email, trừ khi họ làm cho doanh nghiệp. Tất cả đều dùng WhatsApp”.

WhatsApp cũng là công cụ liên lạc với người thân ở nước ngoài. Những cuộc gọi thăm hỏi đã bị gián đoạn trong nhiều giờ, gây nhiều lo lắng. “Bố tôi đang điều trị COVID ở Malaysia và tôi cần WhatsApp để giữ liên lạc với gia đình” - một học giả sống ở London nói với BBC.

Trên toàn thế giới, 2,76 tỉ người sử dụng ít nhất 1 ứng dụng của Facebook mỗi ngày, theo số liệu tháng 6 của hãng này. Sự cố ngày 2-10 đã gióng lại hồi chuông cảnh báo về sự phụ thuộc quá nhiều vào các nền tảng của Facebook. Mỗi lần Facebook có sự cố, người ta kỳ vọng những cái tên khác sẽ thách thức thế thống trị của gã khồng lồ này, chẳng hạn với ứng dụng nhắn tin là những cái tên như Signal, Telegram nhưng chưa có cuộc đổi ngôi nào.

Sự cố “sập mạng” mới nhất xảy ra khi Facebook bị một “người thổi còi”, đã công khai danh tính là cựu nhân viên, cáo buộc cố tình chọn lợi nhuận thay vì lo cho an toàn của người dùng trong việc triển khai nhiều sản phẩm, trong đó có Instagram, mạng xã hội ảnh hưởng đến sức khỏe tâm thần của người trẻ.

Cũng như mọi khi, châu Âu lại lên tiếng mạnh mẽ về chuyện phải đặt gã khổng lồ công nghệ vào khuôn phép. Người châu Âu cần “cạnh tranh lành mạnh hơn” và “kết nối tốt hơn” thay vì các dịch vụ hay hắt hơi sổ mũi của 1 nhà cung cấp duy nhất, Thierry Breton, ủy viên châu Âu về thị trường nội khối, viết trên Twitter. Tại Mỹ, thượng nghị sĩ Richard Blumenthal cho rằng không thể tin tưởng mà để Facebook tự quản trị chính nó mà cần “sự giám sát mạnh mẽ hơn”.

Những chuyện này đã nói mãi, bàn mãi mà chưa thành, cũng như chuyện loại Facebook khỏi đời sống vĩnh viễn. Sau 6 tiếng “rung lắc”, mọi thứ trở lại bình thường. Hàng tỉ người vẫn bỏ hết trứng vào một giỏ. Mọi thứ sẽ ổn, cho tới lần “sập mạng” kế tiếp của Facebook và các thành viên trong đế chế của nó.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận