Khi nào mới nên thay khớp gối?

BS TĂNG HÀ NAM ANH 25/04/2014 04:04 GMT+7

TTCT - * Tôi năm nay đã ngoài 70, bị đau khớp gối lâu ngày. Đi khám nhiều nơi, có bác sĩ khuyên chích mũi thuốc gì đó (quên tên thuốc) có thể giảm đau chừng một năm, có bác sĩ khuyên nên mổ. Xin hỏi trong trường hợp nào thì chích thuốc tốt hơn mổ? Nếu mổ thì giải quyết vấn đề gì? Tôi đã lớn tuổi có nên mổ không?

Nguyễn Thị Năm (Bảo Lộc, Lâm Đồng)

- Thoái hóa khớp gối là quá trình hư hại toàn thể khớp gối bao gồm: hư hại sụn khớp, sự biến đổi xương dưới sụn và xơ đặc xương dưới sụn, tăng sinh màng hoạt dịch khớp, tổn thương sụn chêm, rối loạn chức năng dây chằng và teo cơ vùng khớp gối.

Cho đến hiện nay người ta chia làm hai nhóm thoái hóa khớp gối bao gồm thoái hóa khớp gối nguyên phát, tức là không có nguyên nhân, thông thường do lớn tuổi. Nhóm thứ hai là thoái hóa khớp gối thứ phát, tức là xảy ra sau một nguyên nhân nào đó, ví dụ như tổn thương dây chằng khớp gối sau chấn thương mà không được sửa chữa, viêm khớp gối do bệnh gút, viêm khớp dạng thấp...

Biện pháp phẫu thuật thay khớp gối chỉ được áp dụng khi những biện pháp khác không còn hữu hiệu

Hư hại diễn ra mỗi ngày

Thông thường trong quá trình điều trị, các bác sĩ luôn cố gắng dùng mọi biện pháp uống thuốc hoặc chích, các bài tập luyện để giúp bệnh nhân cảm giác thoải mái hơn… Chỉ khi nào mọi biện pháp không còn hiệu quả thì vấn đề thay khớp mới được đặt ra.

Cho dù là nguyên nhân gì thì tình trạng hư hại sụn khớp vẫn tiếp tục xảy ra mỗi ngày. Lớp sụn hư hại khiến bệnh nhân đau khi đi lại. Các tổn thương khác bao gồm các gai xương, viêm dày màng bao khớp, teo cơ, rối loạn chức năng dây chằng, vẹo trục khớp gối làm bệnh nhân sẽ bị đau cả vào ban đêm (là dấu hiệu của viêm khớp gối).

Thêm vào đó, bệnh nhân hay có tình trạng nằm ngủ co gối khoảng 30 độ để giảm đau vào ban đêm sẽ làm khớp gối bị hạn chế duỗi nên khi đi gối bị cong. Điều này làm bệnh nhân càng bị mỏi hơn khi đi lại nên lúc này chức năng khớp gối giảm rất rõ. Tuổi lớn, vận động kém nên tình trạng quá cân và béo phì hay xảy ra làm hai khớp gối ngày càng bị đau nặng hơn.

Cho đến nay việc điều trị thoái hóa khớp gối vẫn chưa có những triển vọng sáng sủa. Rất nhiều biện pháp điều trị đã được đưa ra nhưng hình như chưa có biện pháp nào giải quyết triệt để vấn đề.

Những biện pháp điều trị bao gồm các thuốc kháng viêm giảm đau có hay không có corticoide, các loại thuốc làm thay đổi diễn tiến bệnh như diacerein, nhiều loại thực phẩm chức năng như glucosamine, collagen type 2 không biến tính, các loại dung dịch bơm vào trong khớp gối như acid hyaluronid, huyết tương giàu tiểu cầu... Tuy vậy các loại này chỉ làm giảm bớt mà không thể làm thay đổi được tình trạng thoái hóa khớp.

Khi nào bơm chất nhờn và thay khớp?

Dung dịch tiêm vào gối là dung dịch acid hyaluronic. Người ta nhận thấy trong khớp gối có dịch khớp chứa dung dịch này nhằm tạo ra độ nhờn cho khớp cử động dễ dàng, dịch khớp còn có tác dụng bảo vệ lớp collagen là thành phần chính của sụn khớp. Những thành phần này cuối cùng sẽ bảo vệ tế bào sụn khớp là thành phần quan trọng nhất giúp tạo ra sụn khớp.

Khớp khi bị thoái hóa không hề có tình trạng khô chất nhờn như chúng ta nghĩ mà đôi khi dịch trong khớp còn có thể nhiều hơn do màng hoạt dịch viêm tiết dịch làm tràn dịch khớp gối. Tuy vậy, dịch khớp trong khớp bị thoái hóa mất độ nhờn cần thiết nên nhiều nghiên cứu đã cho thấy việc bổ sung chất nhờn này sẽ làm giảm đau và làm bệnh nhân cảm thấy dễ chịu hơn khi vận động.

Phương pháp phẫu thuật thay khớp là biện pháp cuối cùng khi tất cả các phương pháp trên không còn tác dụng. Phẫu thuật thay khớp là phẫu thuật lớn và có những biến chứng nhất định như nhiễm trùng khớp, lệch trục khớp gối, đau sau mổ, khớp bị hư sau thời gian sử dụng.

Phương pháp này có thể tóm lược như sau: bác sĩ sẽ cắt mỏng bỏ phần mặt khớp đã bị hư hại, bọc vào hai đầu xương của khớp bằng mảnh kim loại, sau đó sẽ đặt vào giữa một miếng nhựa. Bệnh nhân sẽ hết đau khi đi lại. Bác sĩ cũng sẽ chỉnh lại trục chân cho thẳng.

Loại khớp nhân tạo sẽ được sử dụng trong một thời gian từ 10-15 năm. Khi khớp nhân tạo bị hư và bệnh nhân bị đau trở lại, các bác sĩ sẽ thay một khớp gối khác bằng loại khớp gối nhân tạo đặc biệt chuyên dùng cho các trường hợp này.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận