TTCT - Tuyên bố khởi động thị trường phát điện cạnh tranh từ đầu tháng 7 này được nhiều chuyên gia đánh giá là một trong những quyết định quan trọng bậc nhất của kinh tế VN năm 2011, vì điều này sẽ tác động đến từng ngành sản xuất, từng gia đình VN. Phóng to Minh họa: NOP Có thể cho rằng yêu cầu của người dân về một thị trường điện có cạnh tranh đã bắt đầu được thực hiện. Dù phía sau sự “hồ hởi” này là hệ quả không nhiều người biết: khi các nhà máy điện được cạnh tranh, tự chào giá theo thị trường, Tập đoàn Điện lực VN (EVN) mua điện theo giá thị trường, thì điều kiện tiên quyết để thị trường này vận hành đầy đủ sẽ là giá bán điện cho người tiêu dùng VN cũng phải… theo thị trường. Mà giá điện hiện nay thì “chưa thị trường” nên người tiêu dùng VN sắp tới chắc chắn sẽ phải chấp nhận việc tăng giá mua điện, với mức tăng - theo Bộ Tài chính - là vài chục phần trăm nữa mới đủ bù chi phí cho EVN. Thị trường “một nửa” Nguyên lý của cạnh tranh là giúp giảm giá, tăng chất lượng. Vấn đề là nhìn vào thiết kế thị trường phát điện cạnh tranh của Bộ Công thương, vẫn chưa thấy viễn cảnh giá điện giảm nhờ cạnh tranh. Theo nguyên tắc thị trường phát điện cạnh tranh, các nhà máy sẽ phải chào giá, ai thấp thì được huy động nhiều, cao thì được huy động ít, đây chính là áp lực cạnh tranh để giảm giá. Nhưng không giống các nước khi tạo thị trường cạnh tranh (công suất nguồn phát điện thừa nên những nhà máy chào giá cao sẽ bị loại), VN khởi động khi cơ bản vẫn thiếu điện. Vì vậy, chuyện gì sẽ xảy ra khi thị trường vận hành thật sự, các nhà máy cùng nhìn nhau chào giá rất cao giờ cao điểm, không chịu giảm giá giờ thấp điểm? Người tiêu dùng có lựa chọn nào khác hay vẫn phải bấm bụng trả tiền? Cho dù đã tuyên bố thí điểm thị trường phát điện cạnh tranh, nhưng gần như những thiết chế mạnh nhất cho cạnh tranh vẫn thuộc... EVN. Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia - đơn vị quyết định huy động ai - vẫn thuộc EVN. Tổng công ty Truyền tải điện quốc gia - công ty mua bán điện duy nhất, đơn vị đo đếm điện cho thị trường - cũng thuộc EVN. Đặc biệt, các nhà máy điện lớn vẫn thuộc EVN, chiếm tới hơn 50% công suất toàn hệ thống. Ngay trong lễ khởi động thị trường phát điện cạnh tranh, khi đại diện các doanh nghiệp ngoài EVN lên phát biểu, ông Phạm Hùng Khánh - phó tổng giám đốc Tổng công ty Điện (thuộc Tập đoàn Công nghiệp than - khoáng sản VN - TKV) - đã khẳng định: các đơn vị ngoài EVN sẽ bị thách thức khi tham gia thị trường vì các nhà máy điện của TKV công suất thấp, chắc chắn khó cạnh tranh nổi nhà máy lớn của EVN. Các nhà máy khác ngoài EVN hầu hết mới xây dựng, còn phải khấu hao, trả lãi suất cao, cũng khó có thể cạnh tranh nổi các nhà máy đã hoạt động lâu năm của EVN. Thả ra để tự lớn lên Theo một lãnh đạo doanh nghiệp tham gia thị trường phát điện cạnh tranh, điều khiến họ lo ngại, ngoài cách làm kiểu “thị trường một nửa” kể trên, còn là việc tạo thị trường trong khi tư duy “lo” cho EVN vẫn còn khá lớn. Điều kiện tiên quyết để có thể có sự cạnh tranh với EVN là các nhà máy lớn phải tách khỏi EVN theo hướng mỗi thực thể cạnh tranh không chiếm quá 30% thị phần. Tuy nhiên, Tổng công ty Truyền tải điện quốc gia vẫn giữ nguyên trong EVN vì lo đơn vị này không có vốn nếu độc lập. Các nhà máy lớn đã tồn tại được cũng không được tách khỏi EVN, công ty mua bán điện duy nhất cũng cứ phải nằm trong EVN. “Lý do thì luôn đúng nhưng không ai tự nhiên lớn được cả. Hãy thả ra và tạo cơ chế để các doanh nghiệp kia lớn lên. Nếu không thì không biết đến bao giờ mới tách nổi” - lãnh đạo doanh nghiệp này nói. Ông đề nghị dù là thí điểm nhưng vẫn cần tạo áp lực cạnh tranh ngay từ đầu, để khỏi phải mất công chấn chỉnh sau này và nên có lộ trình cụ thể, tránh để các doanh nghiệp phải tham gia thị trường theo kiểu “chơi cho biết”, không biết bao giờ làm thật. 3 giai đoạn của thị trường Phát điện cạnh tranh Giai đoạn 1 (từ 1-7-2011): các nhà máy điện chào giá, được xếp lịch huy động từ thấp đến cao, việc thanh toán vẫn như cũ. Bộ Công thương chưa ấn định bao giờ kết thúc giai đoạn thí điểm này. Giai đoạn 2: các nhà máy sẽ chào giá, Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia lập lịch huy động thực tế theo bản chào nhưng không thanh toán theo giá thị trường mà thanh toán theo giá hợp đồng. Giai đoạn 3: các nhà máy điện chào giá, được huy động thực tế theo bản chào, thanh toán theo giá thị trường với các đơn vị đủ điều kiện. Tags: Giá điện
Quốc hội Hàn Quốc yêu cầu dỡ bỏ thiết quân luật DUY LINH 03/12/2024 Rạng sáng 4-12 (giờ địa phương), Quốc hội Hàn Quốc thông qua nghị quyết yêu cầu Tổng thống Yoon Suk Yeol dỡ bỏ tình trạng thiết quân luật.
Chính thức: Nghỉ 9 ngày liền dịp Tết Nguyên đán 2025 HÀ QUÂN 03/12/2024 Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội vừa có thông báo chính thức về việc nghỉ Tết Nguyên đán 2025.
Tổng thống Hàn Quốc ban bố lệnh thiết quân luật khẩn cấp BÌNH AN 03/12/2024 Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol tối 3-12 đã ban bố tình trạng thiết quân luật, cáo buộc phe đối lập âm mưu nổi loạn.
Lê Tuấn Khang chỉ đang diễn và khán giả trẻ quá dễ dãi? THƯỢNG KHẢI 03/12/2024 'Mình xin lỗi nhưng mình coi mà thấy nhạt quá. Có lẽ vì không phải là người miền Tây nên không hiểu được'; 'Cộng đồng mạng có làm quá không?'... là những bình luận độc giả gửi về Tuổi Trẻ Online.