Khi những "đơn phương" chạm nhau

DANH ĐỨC 30/09/2017 02:09 GMT+7

TTCT - Khóa họp toàn thể Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc lần thứ 72 vừa qua đã đánh dấu một khởi đầu thay đổi trật tự thế giới sâu sắc khi mà cả trong trụ sở Liên Hiệp Quốc lẫn ở các khu vực đang nổi lên những đối kháng kịch liệt xuất phát từ chủ nghĩa đơn phương.

Toàn cảnh phiên họp thứ 72 của Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc. -Ảnh: UN
Toàn cảnh phiên họp thứ 72 của Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc. -Ảnh: UN

 

Mới đây, hôm 24-9, trang web The Intercept đăng một bài mang tựa đề “Cái nhìn từ hồi kết của đế quốc Mỹ”, đoạn đầu nhắc lại thông điệp của Tổng thống Mỹ D. Trump trước Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc, trong đó ông Trump tán tụng chủ nghĩa dân tộc:

“Tôi luôn đặt nước Mỹ trên hết, như quý vị vậy, các nhà lãnh đạo các đất nước, cũng đặt đất nước của quý vị trên hết. Không gì có thể thay thế cho các quốc gia dân tộc hùng mạnh, tự quyết, độc lập”.

Tác giả bài viết nhận xét: “Bài diễn văn của Trump chính là một sự thoát ly khỏi mấy thập kỷ của chính sách đối ngoại Hoa Kỳ hướng đến việc xây dựng một thế giới hậu - chủ nghĩa dân tộc hội nhập dưới sự lãnh đạo của Hoa Kỳ”.

Chủ nghĩa dân tộc thôi thúc chủ nghĩa đơn phương

Nói cách khác, vì ông Trump lên tiếng “nước Mỹ trên hết!” mà các nước khác thêm kích động dân tộc chủ nghĩa.

Và dân tộc chủ nghĩa là gì trong thực tế, nếu không phải là đà chạy của chủ nghĩa đơn phương? Điều này thể hiện trong những đối đáp ở Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc từ ngày 19 đến 25-9 vừa qua.

Đọc lại diễn văn của ông Trump sẽ thấy chính sách “nước Mỹ trên hết!” đã tạo nên một Hoa Kỳ khác trước như thế nào.

Chưa bao giờ một “mạnh thường quân” của châu Âu hậu chiến với kế hoạch viện trợ tái thiết Marshall, một “minh chủ” của “thế giới tự do” từ cuộc chiến tranh Triều Tiên, lại xét lại hoàn toàn cách quan hệ với các nước như sau:

“Hoa Kỳ sẽ mãi mãi là một người bạn lớn đối với thế giới, đặc biệt là đối với các đồng minh của mình. Chúng tôi không còn có thể để bị lợi dụng, hoặc tham gia vào một thỏa thuận một chiều mà Hoa Kỳ không nhận được gì đáp lại”.

Phát biểu này phải chăng đã mặc định rằng nước Mỹ đã bị “lợi dụng” quá nhiều, kể cả bởi các đồng minh?

Nội dung cú điện thoại giữa ông Trump và Thủ tướng Úc Turnbull bị “bật mí” hồi đầu tháng 8 vừa qua là một thí dụ của trách móc đó.

Số là cựu tổng thống Obama đã ký một thỏa hiệp sẽ tiếp nhận từ 1.250 - 2.000 người tị nạn giùm nước Úc, mà theo Thủ tướng Turnbull, Úc không nề hà gì việc tiếp nhận người tị nạn, chỉ trừ các “thuyền nhân” để không “khuyến khích nạn tổ chức vượt biên bằng đường biển để đừng xảy ra những thảm họa trên biển”.

Thủ tướng Úc nhắc ông Trump thực thi thỏa thuận ấy:

- Turnbull: Tôi với ông cùng có gốc gác là nhà kinh doanh... Tôi có thể nói với ông rằng trong kinh doanh hoặc chính trị, không có gì quan trọng hơn việc “một thỏa thuận là một thỏa thuận”...

Tôi nghĩ rằng điều này sẽ làm cho ông trông giống như một người giữ vững những cam kết của Hoa Kỳ...

- Trump: Điều đó cho thấy tôi là một gã ngốc... Obama đã có một thỏa thuận tồi... Bởi vậy họ mới thất cử... Họ thất cử vì những thỏa thuận ngu xuẩn như vậy... Chúng tôi sẽ không nhận bất cứ ai nữa. Những ngày đó đã qua rồi.

Cũng với tinh thần “lợi ích nước Mỹ trên hết” và “bài bác di sản Obama” mà trước Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc, ông Trump không ngần ngại xóa sạch những di sản của người tiền nhiệm, trong đó có thỏa hiệp hạt nhân với Iran:

“Thỏa thuận đó là một trong những trao đổi tồi tệ nhất và một chiều nhất mà Hoa Kỳ đã từng bước vào”.

Chê bai người tiền nhiệm mình với một lãnh đạo chính phủ khác đã là “xưa nay hiếm”, song đả phá ngay trước Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc, tức cả thế giới, e rằng là vô tiền khoáng hậu.

Thỏa thuận hạt nhân với Iran, ký kết ngày 14-7-2015, giữa P5+1 (gồm Trung Quốc, Pháp, Đức, Nga, Anh và Hoa Kỳ) và EU mà ông Trump cho là “Mỹ đã bị lừa”, đã được ngoại trưởng Mỹ John Kerry xác nhận độ tin cậy bằng văn bản hôm 16-1-2016 như sau:

“Tôi ký tên dưới đây xác nhận rằng Cơ quan nguyên tử năng quốc tế đã xác minh rằng Iran đã thực thi trọn vẹn các cam kết được yêu cầu của mình”.

Vì cho là Mỹ “bị lừa”, ông Trump đã đơn phương khởi động một số trừng phạt Iran và nay tuyên bố trước Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc.

Thái độ “dân tộc chủ nghĩa” đơn phương đó của ông Trump tất nhiên dẫn đến các phản pháo cũng rất “dân tộc chủ nghĩa”.

Tổng thống Iran Hassan Rouhani, đăng đàn ngày hôm sau 20-9, đã trả lời: “JCPOA (Kế hoạch hành động toàn diện, tức thỏa hiệp hạt nhân Iran với P5+1) là một ví dụ.

Thỏa thuận này là kết quả của hai năm đàm phán đa phương không nghỉ ngơi, được cộng đồng quốc tế đặc biệt hoan nghênh và được Hội đồng Bảo an phê chuẩn như một phần của Nghị quyết 2231.

Như vậy, thỏa thuận đó thuộc về toàn thể cộng đồng quốc tế chứ không phải chỉ của một hoặc hai quốc gia...

Thật không may, một số người đã tự mình tước đoạt cơ hội độc đáo này. Họ đã thực sự áp đặt trừng phạt chống lại họ và bây giờ họ cảm thấy bị phản bội.

Chúng tôi không bị lừa dối, cũng không lừa dối hoặc đánh lừa ai... Tôi tuyên bố trước quý vị rằng CHHG Iran sẽ không phải là nước đầu tiên vi phạm thỏa thuận này, và sẽ đáp trả thẳng tay và dứt khoát trước sự vi phạm thỏa thuận đó bởi bất kỳ bên nào.

Sẽ thật đáng thương nếu thỏa thuận này phải bị phá hủy bởi những kẻ côn đồ chân ướt chân ráo trên chính trường thế giới”.

Ai đúng sai, không nhất thiết do lẽ “bên này núi Pyrénées là chân lý, song qua phía bên kia sẽ là sai lầm”.

Vấn đề ở chỗ đó không đơn giản chỉ là những khẩu chiến, mà là hơn thế nữa: những đụng độ giữa các chủ nghĩa dân tộc với nhau, từ đó sẽ dẫn đến các hành động đơn phương.

Từ chủ nghĩa dân tộc, đơn phương đến đa phương 

Trong bối cảnh các nước lớn “đơn phương” như thế, Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc chính là một dịp để các nước nhỏ lên tiếng. Nữ Tổng thống CH Lithuania Dalia Grybauskaitÿ cảnh báo:

“Vào lúc chúng tôi đang nói, khoảng 100.000 binh sĩ Nga đang tham gia diễn tập quân sự tấn công “Zapad 2017” ở biên giới của các nước Baltic, Ba Lan và thậm chí cả ở Bắc Cực.

Kremlin đang tập dượt các kịch bản hung hăng chống lại các nước láng giềng, đào tạo quân đội của mình để tấn công phương Tây. Cuộc tập trận cũng là một phần của chiến tranh thông tin nhằm lan rộng sự bất ổn và nỗi sợ hãi”.

Có thể hiểu tâm trạng của nhà lãnh đạo đất nước chỉ 2,8 triệu dân, sống trên một mảnh đất chỉ 65.300km2 kẹp giữa CH Belarus và Kaliningrad, ra khỏi Liên Xô từ năm 1991.

Đất nước bà muốn yên ổn làm ăn khi mà GDP/đầu người năm 2016 đã đạt tới 14.879,68 USD, ngang với Latvia (14.118,06 USD), kém Estonia một chút (17.574,69 USD), cao hơn Nga (8.838 USD), theo World Bank.

Đất nước bà càng nhỏ bé, thông điệp của bà càng mạnh mẽ: “Chúng ta phải thôi là những người quan sát thụ động. Cộng đồng quốc tế phải chia sẻ trách nhiệm.

Chúng ta không thể để cho nỗi sợ hãi giành chiến thắng, nhắm mắt trước những kẻ vi phạm, bởi vì điều đó sẽ chỉ khuyến khích họ đi xa hơn.

Chúng ta phải học cách đọc những dấu hiệu cảnh báo, bởi vì việc lạm dụng quyền con người, tài hùng biện dân tộc chủ nghĩa cùng việc đàn áp tự do ngôn luận sẽ bùng nổ thành bạo lực nếu được làm ngơ. Chúng ta phải thay đổi Liên Hiệp Quốc.

Tổ chức toàn cầu độc nhất vô nhị này đã được tạo ra để cứu thế giới khỏi chiến tranh. Cho đến nay, tổ chức này đã không thực hiện được lời hứa này.

Giờ đây, chúng ta phải đối mặt với sự lựa chọn: hoặc chúng ta tăng tiếng nói của tổ chức này lên chống lại sự lạm dụng hoặc chúng tôi sẽ làm cho tổ chức này chẳng còn tầm quan trọng”.

Tổng thống một nước láng giềng của CH Lithuania là CH Latvia, ông Raimonds Vejonis, thì tập trung vào vai trò của Hội đồng Bảo an:

“Liên Hiệp Quốc là, và sẽ là diễn đàn trung tâm của chủ nghĩa đa phương và của trật tự thế giới dựa trên luật lệ.

Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc chịu trách nhiệm đặc biệt trong việc đảm bảo hòa bình. Các thành viên, đặc biệt là các thành viên có quyền phủ quyết, nên vượt qua các lợi ích riêng của nước mình, nhân danh việc thực sự giải quyết các thách thức toàn cầu.

Mọi người nhìn thấy những thất bại của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc như là thất bại của Liên Hiệp Quốc.

Chúng ta không thể trông mong đặt niềm tin vào Liên Hiệp Quốc nếu như Hội đồng Bảo an không đáp ứng. Latvia cũng nhắc lại lời kêu gọi của mình về việc cải cách của Hội đồng Bảo an, vốn dĩ đã kéo dài quá hạn.

Qua giải quyết các xung đột hiện tại mới có thể ngăn ngừa các xung đột mới. Chúng ta phải cương quyết đối với trật tự an ninh ở châu Âu dựa trên luật pháp.

Sự vẹn toàn lãnh thổ của các quốc gia độc lập phải được tôn trọng bởi tất cả, kể cả Liên bang Nga”.

Do Tổng thống Nga Putin bận, Bộ trưởng Ngoại giao Sergei Lavrov tham dự và phát biểu thay. Ông quả quyết:

“Chủ quyền, kiềm chế can thiệp vào công việc nội bộ, bình đẳng của người dân, và tôn trọng lẫn nhau - nước Nga luôn tuân thủ các nguyên tắc này và sẽ tiếp tục tuân thủ.

Trong một phần tư thế kỷ qua, nước Nga, bất kể những thách thức phải đối mặt, đã biến niềm tin thành hành động trong việc góp phần vào việc loại bỏ các di chứng của Chiến tranh lạnh, đã làm rất nhiều để tăng cường niềm tin và hiểu biết lẫn nhau trong khu vực châu Âu - Đại Tây Dương và trên thế giới”.

Ông giải thích căn nguyên của cuộc đối đầu hiện nay: “Tuy nhiên, điều này đã không được đáp trả bởi các đối tác phương Tây của chúng tôi, vốn còn quá hào hứng bởi ảo tưởng về “sự kết thúc của lịch sử” và vẫn đang ra sức cập nhật hóa các nền tảng thô sơ của kỷ nguyên đối đầu khối này với khối kia...

Phương Tây đã xây dựng chính sách của mình theo nguyên tắc “ai không theo ta tức là chống lại ta”, đã lựa chọn con đường mở rộng thiếu suy nghĩ về phía đông của NATO và kích động sự bất ổn trong không gian hậu Xô viết, khuyến khích những quan điểm chống Nga. Chính sách này chính là nguyên nhân gốc rễ của cuộc xung đột kéo dài ở Đông Nam Ukraine”.

Rồi ông nói đến những áp đặt độc đoán: “Qua năm tháng, lịch sử thế giới đã chứng minh rằng việc giải quyết tranh chấp lâu dài chỉ có thể thông qua đối thoại và tìm kiếm sự cân bằng giữa các quyền lợi cơ bản của các bên xung đột.

Thật không may, sức ép trắng trợn, thay vì ngoại giao, lại là phổ biến hơn trong “kho vũ khí” của một số nước phương Tây.

Việc áp dụng các biện pháp trừng phạt đơn phương, còn hơn cả những biện pháp do Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc đưa ra, là bất hợp pháp và làm suy yếu bản chất tập thể của những nỗ lực quốc tế.

Hôm nay, thế giới đang cảnh giác theo dõi Hoa Kỳ áp đặt một bộ hạn chế mới đối với Iran, mà trên tất cả, tự bản chất là vượt khuôn khổ và đe dọa việc thực hiện Kế hoạch hành động toàn diện (tức thỏa thuận hạt nhân) vốn đã trở thành một trong những yếu tố chính của sự ổn định quốc tế và khu vực”.

“Cái nhìn từ hồi kết của đế quốc Mỹ”

Trở lại bài viết có cái tựa trên của trang The Intercept, tác giả bài viết nhắc lại hình ảnh nước Mỹ thời cuối Thế chiến thứ hai, khi quốc gia này lần đầu tiên nổi lên trong lịch sử như một siêu cường thực sự, một quốc gia có thể vượt ra ngoài biên giới của mình và định hình lại bản chất của chính trị toàn cầu, và

“hầu hết mọi người đang sống ngày nay đều được sinh ra trong một thế giới mà các thể chế, các hệ thống kinh tế, các luật lệ, và các ranh giới chính trị đều được định hình, ở một mức độ nào đó, bởi ảnh hưởng của Mỹ”.

Ông nhắc lại kích thước bao la của Hoa Kỳ: có mạng lưới gần 800 căn cứ quân sự tại 70 quốc gia, một loạt thỏa thuận thương mại và liên minh, Hoa Kỳ đã củng cố ảnh hưởng của mình trong nhiều thập niên qua cả ở châu Âu và châu Á.

Các nhà lãnh đạo Mỹ đã giúp đưa ra một loạt luật lệ và quy tắc thúc đẩy thương mại tự do, cai trị dân chủ - trên lý thuyết, nếu không phải là luôn luôn trong thực tế - và một lệnh cấm làm thay đổi các biên giới quân sự, sử dụng vừa sức mạnh lẫn sự ủng hộ để duy trì các hệ thống nhằm giữ quyền bá chủ của Hoa Kỳ nguyên vẹn.

Sau cùng, ông thử giải thích sự suy yếu hiện tại: “Một phần là do hậu quả của rất nhiều tổn thất do chính bản thân gây ra.

Trong những năm gần đây Trung Quốc, Nga và Iran đều đang đặt ra những thách thức ngày càng tăng đối với quyền bá chủ của Mỹ, phản đối cái trật tự do Mỹ đặt ra...

Nga đã thành công trong việc sáp nhập lãnh thổ và khẳng định ảnh hưởng của mình dọc theo bờ ranh của mình, ở những nơi như Ukraine.

Trong khi Trung Quốc đã tiến lên phía trước với kế hoạch đặt khu vực Biển Đông rất quan trọng về kinh tế dưới sự kiểm soát của mình.

Thay vì một thế giới mà Hoa Kỳ như là bá chủ đặt để những luật lệ giao thức chính trị và kinh tế, giờ đây có thể thấy một tương lai trong đó thế giới được khắc sâu vào một hệ thống những “vùng ảnh hưởng” mà ở đó các cường quốc khu vực có thể ung dung đặt ra lịch trình trong khu vực lân cận”. Kết luận này thật đáng để tham khảo.■

Phát biểu sau ông Trump cùng buổi sáng, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron bảo vệ chủ nghĩa đa phương:

“Tại sao chúng ta lại ra nông nỗi này? Tại vì chúng ta đã để mặc cho (người khác) tin rằng sẽ đáng tin hơn và sẽ mạnh hơn một khi hành động một cách đơn phương…

Vì chúng ta đã để mặc cho tin rằng, đôi khi do gàn bướng, chủ nghĩa đa phương chẳng thể giải quyết tất cả.

Thế là chúng ta đã để mặc cho những phá vỡ quy tắc của thế giới lấn lướt. Chung ta đã chậm lụt giải quyết tình trạng khí hậu ấm lên, xử lý các bất công đương thời mà một chủ nghĩa tư bản bất quy tắc đã tạo ra.

Chúng ta đã để cho bất đồng nổi lên và mỗi lần như thế, lý lẽ của kẻ mạnh cứ luôn thắng cuộc.

Chúng ta đã, vì yếu đuối, vì bỏ quên lịch sử đã tạo ta như thế nào, mà đã để cho ý nghĩ bỏ ra ngoài chủ nghĩa đa phương mới mạnh được cứ thế mà ăn sâu…

Các thách thức của chúng ta là toàn cầu: nạn khủng bố, di cư, khí hậu ấm lên, kiểm soát kỹ thuật số bằng luật lệ. Tất cả những điều đó, chúng ta chỉ có thể giải quyết ở mức toàn cầu, một cách đa phương.

Cứ mỗi lần chúng ta chịu để cho giải quyết không bằng chủ nghĩa đa phương thì chúng ta lại để mặc cho kẻ mạnh hơn làm luật”.

Có vẻ như phát biểu của ông Macron hơi “lý tưởng” trong bối cảnh một diễn đàn mà nước yếu, có nói lên, có được vỗ tay, rồi thì… đâu lại vào đó trước một Hội đồng Bảo an đã “chia phe” thấy rõ!

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận