Khi sự lãng mạn được... đóng gói

TTCT - Gần đây, hình thức tỏ tình hoặc cầu hôn có nguồn gốc từ phương Tây - kiểu flashmob - dường như đang trở thành thời thượng trong giới trẻ.

Bạn trẻ ở Hà Nội cầu hôn bằng flash mob
Màn cầu hôn gây chấn động tới... CNN
Cầu hôn từ độ cao 4.000m

Phóng to
Minh họa: Vũ Đình Giang

Thử tưởng tượng bạn đang đi trên đường với người ấy, đột nhiên xung quanh xuất hiện rất nhiều người lạ mặt, rồi nhạc nổi lên, tất cả thế giới đều nhảy múa quanh bạn, kể cả người ấy. Trong khi bạn hết sức bối rối, không hiểu mình có đang rơi vào một cái bẫy nào không thì người ấy quỳ xuống tặng bạn một bó hoa, hay chiếc nhẫn, hay một thứ gì đó đại loại như một vật chứng của tình yêu. Bạn còn biết làm gì khác ngoài chấp nhận tình cảm đó, phải không?

Hình như trên thế giới cũng đã có trường hợp cô gái bực mình bỏ đi chứ không nhận tình cảm của chàng trai, nhưng chắc xác suất để chuyện ấy xảy ra cũng không nhiều. Con người, nhất là phụ nữ, có lẽ khó nói câu từ chối trước mặt quá đông người.

Lãng mạn giá bao nhiêu?

Flashmob được xem là đã ra đời vào năm 2003, theo sáng kiến của Bill Wasik, trưởng ban biên tập tờ báo Harper’s Magazine. Để huy động đám đông, anh đã phát tán một email hướng dẫn tất cả những người quen biết. Hơn 130 người đã đáp lời kêu gọi của anh và cùng xuất hiện tại cửa hàng Macy’s ở New York (Mỹ) vào ngày 3-6-2003. Họ tụ họp lại một cách bất ngờ, đồng loạt vỗ tay reo hò và chớp nhoáng rút lui. Yếu tố ngẫu hứng rất được coi trọng trong mọi sự kiện flashmob.

Theo như định nghĩa ban đầu thì flashmob là một cuộc huy động chớp nhoáng hay ngắn gọn là đám đông chớp nhoáng, “tự phát ngẫu hứng”. Ví dụ hoạt động của một nhóm bạn bè cùng hẹn trước (thông qua Internet, blog, email hoặc tin nhắn nhanh, SMS...). Họ nhanh chóng tụ họp tại một nơi công cộng để cùng làm một việc gì đó lạ mắt và lý thú theo kịch bản hay tự phát ngẫu hứng rồi lập tức giải tán nhanh như lúc tụ họp, xem như chưa hề có chuyện gì xảy ra.

Cảm giác của nhiều người khi lần đầu nhìn thấy flashmob trên tivi, YouTube và các trang báo mạng có lẽ là sự xúc động, thậm chí xúc động đến nghẹn ngào khi thấy sự lãng mạn vẫn còn đâu đó trong cuộc sống hiện đại này.

Những người nghĩ ra cách tỏ tình bằng flashmob thật sự rất sáng tạo, vì kết hợp cả âm nhạc, múa, nghệ thuật đường phố, sức trẻ, sự bất ngờ và rất nhiều thứ chỉ có thể thấy trong phim hoặc trong các giấc mơ điên rồ nhất. Xem các màn trình diễn này, nhiều cô gái thầm mong được như nhân vật nữ trong đó, nhiều chàng trai cũng ước gì mình được như anh ấy. Không phải cái gì cũng mua được bằng tiền, đúng không nhỉ?

Để tự tổ chức thành công một sự kiện công chúng như flashmob không đơn giản, cần khá nhiều người giúp đỡ nhân vật chính, cần sự phối hợp hoàn hảo giữa các thành viên, chưa kể khâu tổ chức phải rất kỹ càng, tính toán hết phương án xử lý những yếu tố ngẫu nhiên như thời tiết hay công an can thiệp vì sợ đám đông cản trở giao thông...

Rất nhiều cái không lường trước, nhưng khi xảy ra có thể làm mọi thứ rối tung lên và sự kiện có nguy cơ biến thành một trò hề. Nhưng có lẽ do tỉ lệ tỏ tình và cầu hôn thành công cao nên một số bạn trẻ chuộng flashmob, và với những nhà kinh doanh nhạy cảm thì đây là cơ hội làm ăn mới, thị trường mới.

Hiện nay đang có nhiều công ty đứng ra tổ chức “dịch vụ” này với mức giá cũng hết sức mềm. Chỉ cần vô Google gõ từ khóa “dịch vụ flashmob” sẽ thấy vô số công ty, nhóm sinh viên… sẵn sàng đứng ra tổ chức sự kiện, huấn luyện đào tạo khách hàng, lo địa điểm, cam kết cung cấp những nhóm nhảy chuyên nghiệp nhất, kinh nghiệm nhất.

Liên hệ thử với một vài công ty thấy quả thật họ cũng nhiều kinh nghiệm trong công việc này, kịch bản được sắp xếp rất khoa học và độ hoành tráng của “sự kiện” cũng tương ứng với số tiền mà khách hàng chấp nhận chi trả. Nói chung flashmob đang trở thành một sản phẩm kinh doanh, sự lãng mạn được đóng gói, như bao nhiêu thứ khác trong cuộc sống chúng ta ngày nay.

Người ta đang quen với kiểu kết bạn qua Facebook, chỉ cần một ngón tay là có hàng ngàn người bạn. Người ta đã quen với tình công sở, la liệt nhà nghỉ bao quanh thành phố. Người ta đã quen với những đám cưới được đóng gói sẵn, giống hệt nhau từ nụ cười cô dâu chú rể, tấm vải để ký tên, bài phát biểu với những câu pha trò không cười nổi của đại diện nhà hàng. Thậm chí một trong những dịch vụ “lãng mạn” đang được quan tâm hiện nay là cho thuê người yêu.

Với số tiền nào đó, bạn sẽ được công ty đưa cho người để chat, gọi điện, nhắn tin, để nhắc ăn đúng bữa, ngủ ngon giấc, thậm chí có thể đưa đi chơi, tức là giống người yêu từ A đến Y, chỉ có Z là không được. Công ty bảo thế. Có thể nếu bạn chi nhiều tiền hơn thì sẽ nhận được nhiều sự lãng mạn hơn.

Phóng to
Một flashmob tụ tập những người đan tay vớ len ở Mỹ - Ảnh: hodgeppodgefarm.net

Không tiền có yêu được không?

Có “hoa hậu” vừa bảo “Yêu mà không có tiền thì cạp đất mà ăn à”. Người ta rần rần phản đối cô, nhưng phải nói thật là bây giờ không những yêu, mà cái gì không có tiền cũng khó. Thật ra những cái cô nói cũng không hẳn là sai, thuốc đắng dã tật, mà sự thật thì mất lòng. Cũng nhiều cô gái nói, nghĩ và yêu như cô, nhưng họ không phải là hoa hậu nên những suy nghĩ của họ không được đưa lên báo mà thôi.

Dường như cái thời lãng mạn lá diêu bông, khi người ta yêu nhau, sống chết vì một cái gì đó mơ ảo đã đi qua rồi. Những cô gái chờ đợi hết tuổi xuân vì một lời nhắn nhủ “đợi anh về em nhé” của chàng trai lên đường nhập ngũ, những anh bộ đội cặm cụi hằng tháng đẽo gọt mảnh xác máy bay thành chiếc lược cho người yêu ở nhà phải chăng họ đã thành những ông lão bà lão hết rồi, và sự lãng mạn đã bay đi như tiếng thở dài của thi sĩ Lưu Quang Vũ:

Thôi nhé, em đi
Như một cánh chim bay mất
Phòng anh chẳng có gì ăn được
Chim bay về những mái nhà vui
Nghĩa gì đâu kỷ niệm tháng năm dài.
(Trích bài thơ Từ biệt)

Chỉ còn chút băn khoăn là những thứ tình cảm không liên quan đến tiền thì có còn là tình yêu nữa không? Và nếu người ta cứ đóng gói những sự lãng mạn lại, tính toán chi phí, thuế má, lời lãi, rồi treo lên nó một cái giá, đem ra chợ bán như thế thì xã hội sẽ đi về đâu? Các công ty cung cấp dịch vụ flashmob có bớt giá cho những khách quen, khách mua sỉ, mỗi tháng mua một cái gọi là “sự kiện” flashmob hay không? Và họ có mở rộng kinh doanh qua những sản phẩm cũng đầy hứa hẹn khác, như “anh hùng cứu mỹ nhân” chẳng hạn.

Khách hàng cần chiếm tình cảm của cô gái nào đó ư? Hãy dùng dịch vụ của chúng tôi, với đội ngũ diễn viên đóng thuê chuyên nghiệp đảm bảo chúng tôi sẽ dàn dựng cho quý khách một sự kiện hoành tráng, trong đó quý khách xuất hiện đúng lúc đúng chỗ và ra tay nghĩa hiệp, đả thương hàng chục tên cướp đang tấn công cô gái. Chắc chắn trái tim nàng sẽ hoàn toàn nằm trong tay quý khách, chỉ với một số tiền rất cạnh tranh cho dịch vụ của công ty chúng tôi.

Biết đâu trong tương lai sẽ có những gia đình bắt đầu quen nhau bằng gói dịch vụ lãng mạn, tỏ tình với nhau bằng gói khác, cầu hôn bằng gói khác nữa, kết hôn thì không phải lo vì hiện nay đã có quá nhiều nhà cung cấp dịch vụ rất chuẩn, rất công nghiệp rồi. Liệu những nhà kinh doanh sự lãng mạn có nên nghĩ đến việc cạnh tranh bằng một gói dịch vụ tổng thể, hoàn hảo từ đầu đến cuối, thậm chí cả “sự kiện lãng mạn” cho việc ly hôn?

Flashmob có thể đã không lan rộng trên toàn cầu như hiện nay nếu không có sự hỗ trợ của Internet và điện thoại di động. Nhờ khả năng huy động đám đông và tính ngẫu hứng, các sự kiện flashmob mở rộng dần dần từ hoạt động mang tính chất thử nghiệm ban đầu với sự tham gia của vài trăm người, qua các lĩnh vực khác như tiếp thị quảng cáo, thậm chí là vì mục đích chính trị như trong phong trào “Chiếm lấy Phố Wall” thời gian gần đây.

Đằng sau vẻ ngoài ngẫu hứng của sự kiện flashmob nhiều khi là một hệ thống tổ chức rất chuyên nghiệp và công phu của nhiều chuyên gia có kinh nghiệm.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận