TTCT - Những vụ cảnh sát bắn chết người da màu, rồi bị trả đũa diễn ra ở nhiều nơi trên nước Mỹ mấy tuần qua có sự góp phần không nhỏ của truyền thông, với những bản tin thiên vị kỳ lạ về màu da và chủng tộc. Phải chăng báo chí trung thực đã chết?-quietmike.org Vào cuối tháng 7, hai người da màu, một ở Baton Rouge, bang Louisiana và một ở Minnesota, bị cảnh sát địa phương bắn chết. Cả hai vụ này đều có video quay lại với những hình ảnh thật khủng khiếp. Trong những vụ tấn công trả đũa, 5 cảnh sát tại Dallas và 3 cảnh sát tại Baton Rouge đã bị sát hại bởi hai tay súng không liên quan tới nhau. Nghe nhìn theo quan điểm chính trị Truyền thông, đặc biệt là các chương trình thời sự trên truyền hình và các trang báo điện tử, cả các kênh có khuynh hướng tự do lẫn bảo thủ, bùng nổ những bản tin đầy thiên vị về bạo lực, khiến sự chia rẽ chủng tộc trong lòng nước Mỹ ngày càng tồi tệ. Những câu hỏi sự việc gì đã xảy ra, ai là người chịu trách nhiệm, tại sao và cần phải làm gì đã không được truyền đi một cách khách quan, trong bối cảnh hầu như mỗi hãng tin ở Mỹ đều đã hoặc đang hậu thuẫn cho các chương trình chính trị của chiến dịch tranh cử tổng thống đang bước vào giai đoạn nước rút giữa ông Donald Trump (Cộng hòa) và bà Hillary Clinton (Dân chủ). Điều đáng chú ý là sự thiên vị trong truyền thông không phải là những câu chuyện bịa đặt hoàn toàn, mà thường liên quan đến việc lựa chọn thông tin đăng tải, phóng đại, bóp méo sự thật, cố tình làm mờ nhạt những thông tin và bình luận nhất định. Trong khi các chính trị gia thì nói dối để có lợi cho bản thân. Bản tin đầu giờ chương trình thời sự trên CNN về vụ bắn chết 3 cảnh sát ở Baton Rouge không hề đả động gì đến việc hung thủ là một người da màu, mặc dù đây là thông tin phóng viên đã biết và rất quan trọng của bản tin này. Tương tự, CNN cũng chờ đến khá muộn mới đưa tin về tay súng ở Dallas là một người da màu. Trong khi trước đó, trong vụ sát hại Treyvon Martin nổi tiếng năm 2012, chi tiết kẻ nổ súng là người da trắng đã được công khai ngay lập tức và nhấn đi nhấn lại, ngay cả khi sau đó đã có thông tin chính thức từ nhà chức trách xác nhận lại người nổ súng là người Mỹ Latin. Trái với CNN, Fox News bao giờ cũng nhanh chóng đưa rõ thông tin về chủng tộc của cả cảnh sát và nạn nhân. Tuy nhiên, Fox News cũng rất nhanh lái vấn đề khỏi phạm vi chủng tộc. CNN thường thích lấy cốt lõi câu chuyện là gia đình của các nạn nhân bị cảnh sát bắn chết, đặc biệt là người mẹ. Chẳng khó khăn gì để đoán trước người mẹ sẽ nói rằng con trai của bà vô tội. Ngược lại, Fox News sẽ ngay lập tức đưa tin về lý lịch tư pháp của nạn nhân, về những phi vụ chưa hé lộ và những giá trị gia đình mờ nhạt! Điểm chung của CNN và các chính trị gia có khuynh hướng tự do là thường hướng ngay những vụ nổ súng tới việc được phép sở hữu vũ khí tự do. Fox News thì lại ra sức ủng hộ quyền hiến định được sở hữu súng của dân Mỹ. Các bình luận viên của kênh này sẽ luôn nói câu “súng đạn không giết được con người, chỉ con người mới làm được điều đó” trong các bản tin. Những khách mời của Fox News cũng thường là các nhân vật cho rằng nhiều vụ nổ súng hoàn toàn có thể tránh được nếu người dân được phép mang súng. Có một điểm chung trong vụ người da màu bị bắn chết ở Baton Rouge và Dallas: họ đều có vấn đề thần kinh nghiêm trọng. Nhưng trong khi CNN xoáy vào thông tin rằng bệnh tâm thần là vấn đề thường gặp ở các quân nhân sau giải ngũ, thì Fox News ngụ ý rằng trách nhiệm là bởi sự quản lý yếu kém của chính quyền ông Obama! Đánh giá về phong trào Black Lives Matter (Sinh mạng người da đen là quan trọng) cũng đầy rẫy thiên vị theo khuynh hướng chính trị. Trong vụ cảnh sát trưởng hạt Milwaukee, bang Wisconsin thiệt mạng chẳng hạn, bình luận viên Fox News David Clarke, cũng là người da màu, gọi Black Lives Matter là phong trào của “những kẻ thù hận và bạo lực”. Ngược lại, CNN luôn làm đậm thông điệp Black Lives Matter là phong trào quyền công dân ôn hòa, chỉ đơn giản thực hiện quyền hợp hiến được biểu tình. Hầu hết các kênh truyền thông có tư tưởng bảo thủ đều cho rằng chính quyền ông Obama phải chịu trách nhiệm cho những căng thẳng chủng tộc và bạo lực. Fox News nói mỗi lần ông Obama phát biểu về người da màu và bạo lực là y như rằng ông lại đổ lỗi cho sự phân biệt chủng tộc của người da trắng cũng như phân biệt chủng tộc trong hệ thống tư pháp hình sự. CNN có quan điểm ngược lại, cho rằng ông Obama, tổng thống gốc Phi đầu tiên của nước Mỹ, chỉ đơn giản là đã hoàn toàn trung thực về tình hình nước Mỹ. Tại sao những điều này quan trọng? Sự thiên vị lan tràn trên truyền thông khiến người Mỹ không được tiếp cận những thông tin họ cần để đưa ra những quyết định chính trị và qua đó tới chính cuộc sống hằng ngày của họ. Theo báo cáo của Trung tâm khảo sát Pew, hơn một nửa số người có khuynh hướng tự do chỉ theo dõi tin tức của các kênh truyền thông tự do và một nửa số người có khuynh hướng bảo thủ chỉ theo dõi tin tức trên các kênh truyền thông bảo thủ. Điều đó đồng nghĩa nhiều người Mỹ không biết hoặc không muốn biết phía bên kia đang nói gì. Hậu quả của truyền thông thiên vị còn là người Mỹ không tin vào truyền thông nữa. Vào những năm 1990, khảo sát của Gallup cho thấy 55% người dân Mỹ tin tưởng truyền thông. Nhưng đến những năm gần đây, con số này đã giảm còn 40%. Một nghiên cứu tương tự được AP thực hiện năm 2014 cho kết quả chỉ có 6% người dân Mỹ còn tin tưởng truyền thông! Nếu coi việc người dân có đầy đủ thông tin là yếu tố then chốt của dân chủ thì nước Mỹ thật sự đang gặp vấn đề nghiêm trọng.■ Tags: Truyền thôngTruyền thông thiên vị
Đánh giá công chức: Bởi không rõ ràng nên thất bại cao vũ minh (Trường ĐH Kinh tế - luật) 09/01/2025 1547 từ
Nửa đêm xế hộp lao vào ngân hàng đâm sập vách kính, bảo vệ 'hú hồn' tưởng cướp DOÃN HÒA 11/01/2025 Một chiếc ô tô lao vào một chi nhánh ngân hàng ở Nghệ An làm bảo vệ bị một phen hú vía trong tối 10-1.
Khách Trung Quốc hủy tour đi Thái Lan sau vụ diễn viên mất tích liên tục NGHI VŨ 10/01/2025 Sau vụ việc diễn viên Vương Tinh bị lừa vào ổ tội phạm ở biên giới Thái Lan - Myanmar, nhiều người Trung Quốc lo ngại chuyến đi chơi Tết sắp tới của họ đến Thái Lan sẽ không an toàn.
Thẩm phán miễn hình phạt cho ông Trump vụ chi tiền bịt miệng, nhưng vẫn tuyên 'có tội' THANH HIỀN 10/01/2025 Thẩm phán Juan Merchan tuyên ông Trump được miễn hình phạt trong vụ chi tiền 'bịt miệng' sao khiêu dâm. Ông sẽ không bị giam giữ, phạt tiền hay quản chế, nhưng sẽ bị lưu hồ sơ là có tội.
Cảnh cáo Bí thư Vĩnh Phúc Dương Văn An, khai trừ Đảng ông Lê Ô Pích, Lý Vinh Quang THÀNH CHUNG 10/01/2025 Bộ Chính trị quyết định thi hành kỷ luật cảnh cáo Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc Dương Văn An. Ban Bí thư quyết định khai trừ Đảng các ông Lê Ô Pích, Lý Vinh Quang.