TTCT - Vay vốn ODA đã bước vào một ngã rẽ mới từ cách nay vài năm khi Việt Nam bước vào hàng “nước có thu nhập trung bình”. Vốn vay ODA sắp tới sẽ được Chính phủ cho vay lại thay vì phân bổ như trước. Cân nhắc lợi hại từ nguồn vốn này, bắt đầu có ý kiến “chê” từ một số địa phương... Theo Cục Quản lý nợ và tài chính đối ngoại - Bộ Tài chính, trong giai đoạn 2011-2015, Việt Nam đã huy động được trên 26,5 tỉ USD vốn vay ODA và vốn vay ưu đãi, bổ sung nguồn lực quan trọng cho ngân sách để đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội. Giải ngân vốn ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài giai đoạn này chiếm 2,8% GDP, bằng 8,6% tổng vốn đầu tư toàn xã hội và khoảng 47% tổng vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước. Tới đây sẽ dần chấm dứt chuyện trung ương cấp phát vốn ODA cho địa phương mà chuyển sang cơ chế cho vay lại. Trả nợ nhanh và tăng lãi suất Theo ông Trương Hùng Long - cục trưởng Cục Quản lý nợ và tài chính đối ngoại, việc sử dụng vốn vay ODA và vay ưu đãi đang có nhiều vấn đề do xuất phát từ cơ chế cấp phát. Trong suốt 15 năm qua, 1/3 tổng vốn vay ODA, tức khoảng 15 tỉ USD, được trung ương bao cấp cho các địa phương, bộ ngành. Chính vì tinh thần trung ương “cho” nên địa phương nào cũng tranh thủ phê duyệt dự án, tình trạng tăng tổng mức đầu tư so với ban đầu, điều chỉnh hợp đồng diễn ra rất phổ biến, khiến nhiều dự án không trả được nợ, phải tái cơ cấu tài chính hoặc chuyển sang cơ chế nhà nước đầu tư, làm tăng gánh nặng nợ cho Chính phủ như một số nhà máy ximăng, dự án đường bộ, cao tốc... Từ năm 2010, Việt Nam đã trở thành nước thu nhập trung bình. Do đó, mức độ ưu đãi của các khoản cho vay từ các đối tác phát triển dành cho Việt Nam đang giảm rõ rệt. Theo ông Long, giai đoạn trước năm 2010, thời hạn vay bình quân khoảng 30-40 năm, với chi phí vay 0,7-0,8%/năm bao gồm thời gian ân hạn. Nhưng giai đoạn 2011-2015, thời gian vay bình quân chỉ còn 10-20 năm, tùy theo từng đối tác và từng loại vay, với chi phí vay khoảng 2%/năm trở lên. Nhiều nhà tài trợ chuyển từ vốn vay ODA sang nguồn vốn vay hỗn hợp. Dự kiến đến tháng 7-2017, Việt Nam có thể không còn được vay theo điều kiện ODA, phải chuyển sang chủ yếu sử dụng nguồn vốn vay ưu đãi và tiến tới vay theo điều kiện thị trường. Nguồn vốn ODA đã vay chuyển sang điều khoản trả nợ nhanh gấp đôi hoặc tăng lãi suất lên từ 2-3,5%. Ông Long phân tích thêm: “Khi tính toán dòng tiền và từng khoản nợ hiện nay của Việt Nam, thời điểm phải trả nhiều nhất sẽ vào năm 2022-2025, có nghĩa là từ nay đến năm 2020 chưa phải trả nhiều. Như vậy với lãi suất tăng lên, kỳ hạn vay giảm xuống, đồng thời nhiều khoản vay ODA, vay ưu đãi ràng buộc từ bên ngoài làm chi phí vốn đầu vào cao, ảnh hưởng đến hiệu quả đầu tư và khả năng trả nợ đối với trường hợp dự án được vay lại nguồn vốn vay ODA”. Vì những nguyên nhân đó, theo ông Long, tới đây việc cấp phát vốn ODA sẽ phải chấm dứt, dần chuyển sang cơ chế cho vay lại. Theo đó, đối với các địa phương như Hà Nội, TP.HCM sẽ được cho vay lại 50% và 50% sẽ được Nhà nước cấp phát, hỗ trợ. Còn 11 tỉnh mà có số thu hằng năm vẫn điều tiết về trung ương như Bà Rịa - Vũng Tàu, Quảng Ngãi, Bắc Ninh, Quảng Ninh... thì Nhà nước cho vay 20%, còn 80% cấp phát. 50 địa phương có thu ngân sách khó khăn như Bắc Kạn, Cao Bằng, Hà Giang, Yên Bái, Sóc Trăng, Đắk Lắk... thì 10% là cho vay lại, còn 90% cấp phát. Cũng theo ông Long, mục đích là để địa phương, bộ ngành - đơn vị sử dụng vốn vay - phải có trách nhiệm trả nợ thì mới sử dụng hiệu quả đồng vốn vay. Tuy nhiên, tỉ lệ cho vay lại phải dần dần từng bước chứ không thể ép cho vay lại hoàn toàn, nhất là đối với các địa phương khó khăn khi chi tiêu thường xuyên vẫn còn phải trông chờ vào ngân sách trung ương. Vốn ODA phân bổ theo lĩnh vực 2010-2015-(Bộ Tài chính) Giải ngân theo tiến độ dự án Nhìn nhận dưới góc độ của nhà tài trợ vốn vay ODA của Việt Nam, bà Nguyễn Thị Vân Anh, cố vấn cao cấp cho trưởng đại diện của JICA, cho rằng cơ chế xác định tỉ lệ vay lại như thế nào, ai được phép vay lại, dự án được vay lại... chưa được hướng dẫn cụ thể. Để đánh giá khả năng trả nợ, Bộ Tài chính cần quy định chi tiết tỉ lệ vay lại, tiêu chí, điều kiện dự án được vay lại. Để đảm bảo hiệu quả sử dụng vốn vay ODA, bà Vân Anh đề nghị chỉ nên giải ngân theo tiến độ thực hiện dự án. “Nếu không giải ngân theo tiến độ dự án thì không mang lại lợi ích cho dự án, có thể làm chậm dự án, phát sinh chuyện khiếu kiện vì nhà thầu hoàn thành tiến độ thì được phép giải ngân. Có thể vì lý do quản lý tài chính mà chúng ta đưa ra các điều kiện nhưng vô tình lại gây chậm tiến độ dự án. Còn nếu đánh giá dự án cần thiết thì phải đẩy nhanh tiến độ” - bà Vân Anh nhận định. Nhiều nguồn vốn ODA khi đã ký cam kết là phải trả phí và lãi dù chưa giải ngân, vô hình trung tăng thêm một khoản chi phí mới. Thay vì cấp phát, chuyển sang cơ chế cho vay lại vốn ODA thì có đẩy nhanh tiến độ dự án, tăng hiệu quả sử dụng vốn vay? Bà Vân Anh phân tích: việc chuyển từ cơ chế cấp phát sang vay lại vốn ODA không làm chậm tiến độ, bởi vì dự án chậm tiến độ xuất phát từ khâu chuẩn bị, thiết kế... “Có thể cơ chế này sẽ phần nào giúp hạn chế tình trạng xin - cho dự án, xin dự án một cách tràn lan mà không tính đến hiệu quả chi tiết - bà Vân Anh nói thêm - Vốn ODA là vốn ngân sách của Nhà nước và có sẵn để giải ngân, do đó để đẩy nhanh tiến độ sử dụng vốn ODA thì phải giải ngân theo tiến độ dự án mới hiệu quả”. Địa phương không mặn mà Nhấn mạnh quan điểm cá nhân của mình, một cán bộ đang công tác ở Sở Kế hoạch và đầu tư Đồng Nai cho rằng chưa chắc việc được vay ODA đã thật sự hấp dẫn với các địa phương. Bởi để vay được vốn ODA, dù là cấp phát 80-90%, nhưng thời gian, thủ tục, quyết toán dự án khiến đơn vị sử dụng vốn rất mệt mỏi. Ông này cũng cho rằng thông thường tổng mức đầu tư dự án bằng vốn ODA thường cao hơn so với dự án đầu tư bằng vốn vay trong nước. Lý do, khi vay vốn ODA, các nhà tài trợ thường tham gia vào dự án nên chi phí lương chuyên gia nước ngoài cao gấp hàng vài chục lần so với lương chuyên gia của Việt Nam. Nhiều dự án vốn vay ODA chưa giải ngân đã phải trả lãi, trong khi vốn vay trong nước chỉ trả lãi khi vốn được giải ngân... “Mặt khác, nếu vay trong nước, từ công tác đấu thầu, tính toán khối lượng... của dự án là do mình quyết hết, trong khi đó nếu vay bằng ODA, hầu như nhà tài trợ giành thế chủ động trong việc này. Nói tóm lại, có thể vốn ODA có lãi suất thấp, thời hạn vay dài nhưng chưa hẳn đã ưu đãi thật sự khi nhiều chi phí không được tính đúng, tính đủ theo quy định của Việt Nam” - chuyên gia này phân tích. Trao đổi với TTCT, một cán bộ Sở Tài chính Ninh Bình cho rằng địa phương cũng không mặn mà với vốn ODA khi tính chi li về hiệu quả kinh tế. “Vay thương mại thủ tục đơn giản hơn rất nhiều. Sắp tới khi chuyển sang cơ chế cho vay lại, các tỉnh phải cân nhắc kỹ, khác với trước đây. Như đối với các dự án ngoài tính ra bằng tiền, dự án có đem lại hiệu quả gì cho xã hội, đơn cử dự án thoát nước, nếu không ngập nữa thì mang lại hiệu quả gì...” - cán bộ chuyên về vốn ngân sách này phân tích. Lãnh đạo sở kế hoạch và đầu tư một tỉnh phía Bắc khác cũng nhận định: “Các nhà tài trợ muốn giải ngân nhanh, dự án đưa vào càng nhanh càng hiệu quả. Nhưng thực tế đa số dự án vay ODA ở Việt Nam bị tác động bởi nhiều yếu tố nên không thể không chậm, nhiều dự án chưa đi vào hoạt động đã trả lãi rồi. Chính vì vậy, các tỉnh đi vay ngân hàng thương mại thì tính toán rất kỹ, giải ngân đến đâu trả lãi đến đó. Bản chất về vốn, vay ngân hàng thương mại còn hay hơn vay ODA”. Mặt khác, cũng theo vị này, để vay được vốn ODA, đơn vị sử dụng dự án còn phải đáp ứng hai yêu cầu, một bên do Bộ Kế hoạch - đầu tư cầm trịch, còn một bên là tổ chức cho vay. Do đó, tổ chức sử dụng vốn vay ODA phải thực hiện vừa đúng quy định của Việt Nam vừa đồng thời đáp ứng được quy trình của phía nhà tài trợ. “Thực tế có nhiều vấn đề mà cả hai bên, quy định pháp luật của Việt Nam và yêu cầu của nhà tài trợ, còn vênh nhau khiến nhiều dự án không đi đến hồi kết. Chẳng hạn có dự án nhà tài trợ ép mình phải đấu thầu quốc tế mới được vay, trong khi phía Việt Nam lại yêu cầu đấu thầu trong nước...” - vị này nêu ví dụ. Trong điều kiện mới, một số ý kiến cho rằng chỉ nên vay ODA đối với các dự án lớn như cảng hàng không quốc tế Long Thành, dự án cầu Nhật Tân... vì cần lượng vốn khổng lồ lên đến vài chục ngàn tỉ đồng. Còn đối với các dự án nhỏ với tổng vốn đầu tư ít thì có thể huy động vốn trong nước. “Đối với dự án lớn, cực lớn, các công trình quan trọng của quốc gia, phải huy động vốn bên ngoài. Còn đối với các dự án cấp địa phương nên chủ động làm từ khâu thành lập dự án, tính toán tổng mức đầu tư, huy động vốn... Do đó phải tính kỹ khi đi vay chứ không thể vay lấy được” - một chuyên gia nói. ■ Về khoản vốn vay ODA 22 tỉ USD đã ký kết nhưng chưa được giải ngân (thống kê của Bộ Tài chính) gây lo ngại về hiệu quả sử dụng vốn vay cho các dự án, người phát ngôn Chính phủ đã cho biết ý kiến về vấn đề này. Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng: “Tổng vốn vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài đã được giải ngân lũy kế đến tháng 5-2016 đạt khoảng 71% tổng vốn ODA ký kết. Hiện còn khoảng 22 tỉ USD đã ký kết đang trong quá trình thực hiện, trong đó có 2,15 tỉ USD phải giải ngân trước năm 2016, còn lại là những dự án đã có kế hoạch giải ngân theo lộ trình đến năm 2020 và nhiều dự án sau năm 2020. Chính phủ sẽ tiếp tục quyết liệt chỉ đạo đối với các dự án sử dụng vốn vay ODA phải thực hiện giải ngân theo đúng tiến độ đã cam kết trong hiệp định, bảo đảm sử dụng vốn hiệu quả”. Tags: Vốn ODAChê vốn ODA
Khai mạc Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII TTXVN 25/11/2024 Sáng nay 25-11, tại trụ sở Trung ương Đảng đã khai mạc Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII.
Viện kiểm sát: Không có căn cứ giảm án tử hình cho bà Trương Mỹ Lan ĐAN THUẦN 25/11/2024 Ngày 25-11, phiên tòa phúc thẩm vụ án xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, SCB tiếp tục phần tranh luận. Các luật sư đề nghị không tử hình bị cáo Trương Mỹ Lan, viện kiểm sát nói không có căn cứ giảm án.
Những điểm mới về chuyển tuyến, chi trả bảo hiểm y tế TUỔI TRẺ ONLINE 25/11/2024 Dự kiến tuần này Quốc hội sẽ xem xét dự luật Bảo hiểm y tế sửa đổi với nhiều điểm mới như khám, chữa bệnh tại nhà được bảo hiểm chi trả...
Nhà Trắng im ắng cả tháng sau bầu cử, ông Biden và bà Harris đang ở đâu? THANH HIỀN 25/11/2024 Ông Biden dường như đang giữ khoảng cách với truyền thông, bà Harris nghỉ phép để dành thời gian bên gia đình.