TTCT - Chỉ vài tuần sau khi câu chuyện Cyprus tạm lắng xuống, bóng ma khủng hoảng lại xuất hiện lần nữa ở EU. Lần này là ở Bồ Đào Nha. Nhưng Luxembourg cũng bị lo ngại trở thành trái bom hẹn giờ do những tương đồng với Cyprus. Thuế và nước PhápBỉ - Những chuyện nhỏ về cuộc khủng hoảng lớn Phóng to Thẩm phán Carlos Cadilha (phải) đọc phán quyết của tòa hiến pháp Bồ Đào Nha ngày 5-4 về những biện pháp thắt lưng buộc bụng chính phủ đưa ra trong ngân sách 2013. Có bốn trong tổng số chín biện pháp bị bác bỏ vì vi hiến - Ảnh: Reuters Trong bài phát biểu hôm 7-4, Thủ tướng Bồ Đào Nha Pedro Passos Coelho cảnh báo chính quyền buộc phải tiếp tục cắt ngân sách và cuộc sống “sẽ thêm khó khăn” sau khi tòa án bác một số biện pháp thắt lưng buộc bụng mà Lisbon thỏa thuận trong gói cứu trợ từ năm 2011. Điều kiện cứu trợ ngày càng nghiệt ngã Căng thẳng ở Bồ Đào Nha một lần nữa làm dấy lên nỗi sợ hãi khắp châu Âu, nơi nhiều quốc gia thành viên vẫn đang vật lộn với cuộc khủng hoảng. Chính sách thắt lưng buộc bụng mà EU, dưới sự chi phối của các nền kinh tế chủ chốt như Đức, đã đẩy chính quyền các nước vào thế đối đầu với dân chúng, những người không chịu được các cú sốc cắt giảm ngân sách. Các gói cứu trợ sau dường như ngày càng trở nên nghiệt ngã hơn với các nước, điển hình nhất là vụ Cyprus hồi tháng 3 khi chính phủ phải quyết định đánh thuế tiền gửi ngân hàng. “Nguy cơ ở khu vực đồng euro đã tăng mạnh trong vòng sáu tuần qua” - Nicholas Spiro, giám đốc điều hành Công ty tư vấn Spiro Sovereign Strategy chuyên về đánh giá nguy cơ nợ, nhận định. Trước đó, tòa hiến pháp Bồ Đào Nha đã bác bốn trong tổng số chín biện pháp thắt lưng buộc bụng chính phủ đưa ra trong ngân sách 2013. Cụ thể, tòa bác việc chính quyền cắt tiền thưởng ngày lễ của công chức và người hưởng lương hưu cũng như giảm ngày ốm phép và trợ cấp thất nghiệp bị coi là vi hiến. Phán quyết khiến chính quyền thiếu khoảng 1,4 tỉ euro nguồn thu, tương đương 1/5 gói cắt giảm mà Bồ Đào Nha cam kết cho năm 2013. Đây là một phần gói cam kết Lisbon phải đưa ra khi nhận gói cứu trợ 78 tỉ euro từ Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) hồi tháng 5-2011. Bồ Đào Nha đang nỗ lực cắt thâm hụt ngân sách xuống 5,5% GDP trong năm nay (so với 6,4% của 2012), nhưng mục tiêu đó đang bị các nhà kinh tế học đặt dấu hỏi khi tỉ lệ thất nghiệp của nước này hiện đã tăng lên tới 18% so với 12% cách đây hai năm. Đám cưới voi và chuột Đồng euro ra đời sau hiệp ước Maastricht là cuộc hôn phối giữa những chú voi khổng lồ về kinh tế như Đức, Pháp cùng những chú chuột con kiểu Bồ Đào Nha, Ireland và Luxembourg. Các quốc gia phương Bắc thịnh vượng, ổn định giờ phải chia sẻ đồng tiền chung với các nền kinh tế nhiều bất ổn ở miền Nam, vốn chỉ nhỉnh hơn các nước đang phát triển đôi chút. Theo điều khoản của hiệp ước Maastricht, khai sinh ra đồng euro buộc các nước phải cam kết hạn chế nợ và thâm hụt ngân sách, điều kiện để không nước nào phải gánh nợ của nước nào. Vấn đề thực tế không được giải quyết khi đồng euro chính thức lưu hành năm 2002. Bất chấp mọi cam kết ở Maastricht, 12 nước gia nhập khối euro khi đó trong năm năm chuẩn bị đã kịp tăng số nợ của mình lên hơn 600 tỉ euro. Đến cuối năm 2002, khu vực euro có tổng nợ lên tới 4.900 tỉ euro, trong đó riêng Ý chiếm khoảng 1.300 tỉ euro. Khi khối euro ra đời, các điều khoản này cũng không được siết chặt. Các nước như Hi Lạp, Bồ Đào Nha... vẫn tiêu xài vô tội vạ rồi sau đó tìm cách bán các khoản nợ qua trái phiếu. Ở Đức, nền kinh tế lớn nhất EU, người dân và chính quyền không chấp nhận việc nước họ phải trả giá cho các chính sách “vô trách nhiệm” ở các nước kia. Vấn đề là nếu ở các nền kinh tế tách biệt, các nước kia có thể tự phá giá đồng tiền và đưa ra các biện pháp tài khóa, tiền tệ để giải quyết khủng hoảng. Và dù tuyên bố không nước nào chịu nợ của nước khác, vì bị ràng buộc trong khối tiền tệ chung, các nước giàu buộc phải ra tay cứu nạn để tránh ảnh hưởng tới giá trị đồng euro. Và trong cuộc hô hấp cấp cứu đó, các nước giàu buộc “con bệnh” phải nhận luôn các liều thuốc đắng. Vấn đề ở châu Âu là trong khi ngày càng thống nhất hơn về mặt kinh tế, thủ đô các nước thành viên đang ngày càng xa nhau hơn về mặt chính trị. Các cải cách giúp cho khu vực miền Nam có khả năng cạnh tranh cao hơn, nhưng không phải tất cả người dân đều được hưởng lợi. Các cuộc biểu tình chống chính sách thắt lưng buộc bụng diễn ra khắp nơi, nguy cơ xung đột ngày càng tăng. Ở Tây Ban Nha, khoảng một nửa số người trẻ hiện đang thất nghiệp, còn chính phủ của Thủ tướng Mariano Rajoy đang bị chỉ trích vì bê bối tham nhũng. Ở Pháp, uy tín của Tổng thống François Hollande đã rớt xuống mức kỷ lục trên dưới 30% khiến tỉ lệ ủng hộ ông còn thấp hơn cả Marine Le Pen, người đứng đầu phe cực hữu. Ở Ý, cuộc khủng hoảng chính trị kéo dài khi không phe phái nào có thể đứng ra lập chính quyền vì quy định rối rắm của luật bầu cử. Hiện cả Rome đang nhìn vào ông Giorgio Napolitano đã 88 tuổi, người sẽ rời phủ tổng thống trong gần một tháng nữa, để biết số phận nước Ý ra sao. Trái bom Luxembourg? Sau khi Cyprus được giải cứu bằng cách đánh thuế những người gửi tiền giàu nhất, có những người bị thu tới 65%, nhiều người tự hỏi về số phận của các nước có cùng hệ thống ngân hàng quá khổ như vậy. Mario Draghi, chủ tịch ECB, nói: “Kinh nghiệm cho thấy các nước có hệ thống ngân hàng lớn hơn nền kinh tế vài lần thường có nguy cơ khủng hoảng cao hơn. Các cú sốc tài chính tác động tới họ mạnh hơn, đơn giản vì quy mô hệ thống ngân hàng của họ”. Trước khủng hoảng, Cyprus, thiên đường trốn thuế ưa thích của giới tài phiệt Nga, có hệ thống ngân hàng gấp tám lần quy mô GDP. Nước có mô hình tương đối giống Cyprus là Luxembourg, một thiên đường trốn thuế khác. Hệ thống ngân hàng ở Luxembourg gấp khoảng 22 lần quy mô nền kinh tế - hiện ở mức 44 tỉ euro - giúp công quốc này có thu nhập đầu người cao nhất châu Âu. Luxembourg cũng là trung tâm lớn thứ hai của các quỹ đầu tư với khoảng 3.800 quỹ, cầm giữ khối tài sản trị giá khoảng 3.200 tỉ USD, gấp 55 lần quy mô nền kinh tế. Luxembourg có chi nhánh của 141 ngân hàng, trong đó chỉ có năm là ngân hàng quốc nội, còn lại là chi nhánh các ngân hàng nước ngoài. Thủ tướng Luxembourg Jean-Claude Juncker cho rằng không có sự giống nhau giữa nước này và Cyprus. Luxembourg có nợ tương đối ít nên đủ sức chi tiền để cứu nếu một vài ngân hàng gặp khó khăn. Vấn đề là nếu hệ thống ngân hàng gặp khó khăn trên diện rộng thì Luxembourg sẽ làm gì? Tức giận vì bị so sánh với Cyprus cùng những lo lắng về tương lai hệ thống ngân hàng, lãnh đạo Luxembourg đã bác các lo ngại của EU. Họ cáo buộc quan chức EU, đặc biệt là Đức, tìm cách dọa nạt các nước nhỏ và cố tình “bóp nghẹt” hệ thống tài chính các nước. Ngoại trưởng Jean Asselborn nói: “Đức không có quyền áp đặt mô hình kinh tế lên các nước khác ở EU”. Chính quyền Luxembourg đánh giá hệ thống tài chính của họ là “cửa ngõ quan trọng của khu vực đồng euro, giúp thu hút đầu tư nhờ đó củng cố được sức cạnh tranh của khối”. IMF năm ngoái đánh giá hệ thống ngân hàng của Luxembourg là lành mạnh và có nguồn vốn hỗ trợ tốt. Ngoài ra, phần lớn ngân hàng ở công quốc này là chi nhánh của các ngân hàng nước ngoài. Điều này giúp tránh nguy cơ do ngân hàng quốc nội đầu tư sai ở nước ngoài, như trường hợp với Cyprus. Dù vậy, IMF vẫn kêu gọi Luxembourg tăng cường giám sát hệ thống tài chính. “Thực tế chúng ta chỉ thấy một nước có mô hình kinh tế sai sau khi khủng hoảng xảy ra” - ông Draghi, chủ tịch ECB, nói. Tags: Khủng hoảngThanh TuấnBồ Đào NhaCyprusKhối euro
Đạo diễn Cu li không bao giờ khóc: Thái độ làm nên số phận điện ảnh NGUYỄN TRƯƠNG QUÝ 19/11/2024 1913 từ
Thiếu phôi bằng lái, xe 'trùm mền' HÀ MI 22/11/2024 Tình trạng thiếu phôi bằng lái đang lan ra nhiều tỉnh thành cả nước. Hệ lụy của thực trạng này là hàng chục ngàn người dân bị "treo bằng" dù thi đậu, có địa phương phải loay hoay đi mượn phôi hoặc bất đắc dĩ tạm dừng kỳ sát hạch.
Đề xuất nền tảng bán hàng xuyên biên giới không hiện diện ở Việt Nam cũng bị đánh thuế NGỌC AN 22/11/2024 Với các nền tảng thương mại điện tử, nền tảng công nghệ số của doanh nghiệp nước ngoài tiến hành cung cấp hàng hóa, dịch vụ tại Việt Nam sẽ phải chịu thuế dù không có hiện diện.
Ronaldo tạo cơn sốt hơn 13 triệu view cùng YouTuber số 1 thế giới Mr Beast THANH ĐỊNH 22/11/2024 Tiền đạo Cristiano Ronaldo tiếp tục chứng tỏ sức hút vượt trội của mình ngoài sân cỏ khi vừa công bố video cùng khách mời là YouTuber số 1 thế giới Mr Beast.
Tin tức thế giới 22-11: Nga sẽ bắn thêm tên lửa Oreshnik; Triều Tiên cảnh báo chiến tranh hạt nhân BÌNH AN 22/11/2024 Nga đã dùng tên lửa đạn đạo siêu vượt âm tầm trung để đánh Ukraine; Ông Matt Gaetz rút khỏi đề cử bộ trưởng tư pháp Mỹ;