Khốn khổ gấp đôi: Sa bẫy kẻ buôn người, rồi bị ép làm lừa đảo mạng

TỊNH ANH 27/09/2022 05:30 GMT+7

TTCT - Những mạng lưới buôn người đưa nạn nhân vào địa ngục trần gian. Lừa đảo qua mạng khiến nạn nhân khánh kiệt. Giả sử có một kiểu tội phạm kết hợp cả 2 hình thức này thì đúng cơn ác mộng. Và rủi thay, đó đã là thực tế.

Khốn khổ gấp đôi: Sa bẫy kẻ buôn người, rồi bị ép làm lừa đảo mạng - Ảnh 1.

Những tòa nhà được cho là cơ sở của các băng lừa đảo ở Sihanoukville. Ảnh: Cezary Podkul/ProPublica

Thông tin chính thức từ Bộ Ngoại giao Việt Nam cho biết 60 người Việt đã tháo chạy khỏi "một cơ sở kinh doanh" tại thành phố Bavet (tỉnh Svay Rieng, Campuchia), hướng về cửa khẩu Mộc Bài (tỉnh Tây Ninh) hôm 17-9. Chính quyền Tây Ninh thông tin cơ sở đó là một casino. Trước đó đúng một tháng, ngày 18-8, 42 người Việt cũng trốn khỏi casino ở Kaoh Thom (tỉnh Kandal), nhảy sông tìm đường về nước.

"Những vụ trốn thoát và giải cứu người nước ngoài làm việc cho các tổ chức tội phạm ở các sòng bài và cơ sở kinh doanh khác ở Campuchia gần đây đã phơi bày vấn đề trầm trọng liên quan đến nạn buôn người ở quốc gia Đông Nam Á này" - Đài Đức DW bình luận hôm 12-9.

Những cơ sở kinh doanh khác, ngoài casino, là nơi những đường dây lừa đảo tài chính qua Internet với quy mô toàn cầu hoạt động, mà người trực tiếp săn tìm con mồi lại chính là nạn nhân của những kẻ buôn người.

Khốn khổ gấp đôi

"Việc kết hợp hai kiểu tội phạm, lừa đảo trực tuyến và buôn người, là một hiện tượng rất mới" - Matt Friedman, giám đốc điều hành Mekong Club, tổ chức chống nạn nô lệ hiện đại có trụ sở ở Hong Kong, nhận xét. Trong 35 năm sự nghiệp, Friedman nói ông chưa bao giờ thấy thứ gì giống như loại hình tội phạm "đau đớn gấp đôi" thế này.

Khi bọn buôn người kết hợp với tội phạm mạng, sẽ có hai nhóm nạn nhân: người sa vào bẫy của kẻ buôn người, và người bị dẫn dắt ném tiền vào những khoản đầu tư để rồi mất hết của cải tích cóp cả đời. Họ trở thành nạn nhân vì được rót vào tai những lời hứa ngọt ngào, tuy 2 mà 1: việc nhẹ lương cao và đầu tư ăn chắc.

Chỉ cần gật đầu đồng ý, họ sẽ bị dẫn dắt bởi nghệ thuật thao túng tâm lý, lừa phỉnh cực kỳ tinh vi và ngày càng được hoàn thiện của bọn tội phạm, mà nạn nhân khi đã cắn câu rồi là không cách nào dứt ra được.

Kỹ thuật phổ biến nhất của các đường dây tội phạm này là lừa đảo "mổ lợn" (pig butchering scam): vỗ béo con mồi dần dần, đến khi chín muồi thì "thịt". Hình thức này còn gọi là lừa đảo lãng mạn (romance scam) bởi cách thu hút con mồi phổ biến là tạo dựng quan hệ bạn bè hay tình ái qua mạng với nạn nhân, rồi "tình cờ" tiết lộ cho họ về kênh đầu tư "bao thắng", sau đó thao túng để họ nạp tiền ngày càng nhiều vào các "nền tảng đầu tư", thực chất là phần mềm do chính bọn tội phạm điều khiển.

Khi đối tượng không thể hoặc không chịu bỏ thêm tiền, họ sẽ đột nhiên mất quyền truy cập tài khoản đã mở. Kẻ lừa đảo sẽ quăng thêm mẻ lưới cuối cùng: bảo nạn nhân cách duy nhất để khôi phục tài khoản là nạp thêm tiền vào hoặc trả một khoản phí khổng lồ. Tất nhiên, phần tiền nạn nhân tiếp tục bổ sung cũng sẽ biến mất trước mắt họ và chui vào túi tội phạm.

Công nghệ đóng vai trò rất quan trọng, với các mạng xã hội, ứng dụng nhắn tin phổ biến khắp hành tinh và việc chuyển tiền trực tuyến dễ dàng hơn bao giờ hết, nhất là thông qua tiền mã hóa. Một nạn nhân kể với kênh Vice News: chỉ sau 2 tháng bị kẻ lừa đảo tiếp cận, cô mất trắng 2,5 triệu USD. Ở chiều ngược lại, một kẻ lừa đảo bất đắc dĩ (vì bản thân cũng là nạn nhân bị ép buộc) kể với tổ chức báo chí điều tra phi lợi nhuận ProPublica những người như anh trong tổ chức, đóng tại Sihanoukville (Campuchia), có thể lừa được nửa triệu USD từ nạn nhân duy nhất.

Khốn khổ gấp đôi: Sa bẫy kẻ buôn người, rồi bị ép làm lừa đảo mạng - Ảnh 2.

Bên trong một trung tâm lừa đảo ở Campuchia. Nhóm chat trên màn hình máy tính đang hiện các bí quyết để dụ con mồi; mỗi chiếc điện thoại trên bàn nhằm để tỉ tê trò chuyện với một nạn nhân khác nhau. Ảnh: Nhóm Chinese-Cambodia Charity

Chuyện người vỗ béo

Chuyện của Fan, một thanh niên Trung Quốc 22 tuổi bị bán đến 3 lần trước khi được cứu khỏi Sihanoukville, rất quen thuộc, nếu nhìn lại các trường hợp về người Việt ở Campuchia đã được thông tin gần đây. Tất cả bắt đầu bằng thứ tưởng như cơ hội đổi đời từ trên trời rơi xuống những người đang vất vả kiếm miếng ăn.

Fan từng phụ bếp tại nhà hàng của chị ở Phúc Kiến, sau đó chuyển sang giao hàng cho một app đặt đồ ăn. Tháng 3-2021, Fan nhận được đề nghị làm marketing cho "một công ty giao đồ ăn nổi tiếng" ở Campuchia, với mức lương 1.000 USD/tháng, bao chi phí xuất ngoại. Fan còn rủ được anh trai đang làm ở Campuchia nghỉ việc để cùng nhau đến nhận công việc trong mơ này.

Đến khi biết mình bị lừa thì đã muộn. Hai anh em phải tham gia tìm kiếm và lừa con mồi "mổ lợn" khắp thế giới; nếu không sẽ bị đánh, chích điện, bỏ đói. Nếu muốn tự giải thoát thì chỉ việc đóng cho công ty hơn 23.000 USD.

Trong mô hình vỗ béo lợn chờ thịt này, Fan và những người khác sẽ làm theo quy trình quy củ đến mức có tài liệu hướng dẫn chi tiết, dạy thủ thuật tâm lý để đánh lừa người khác. ProPublica đã tiếp cận hơn 200 tài liệu như thế từ một nhà đấu tranh chuyên giúp các nạn nhân trốn khỏi các đường dây này.

Việc đầu tiên là xây dựng phông bạt. Theo tài liệu hướng dẫn, cần dùng hình ảnh trai xinh gái đẹp để tạo tài khoản mạng xã hội, thường xuyên đăng ảnh đời sống xa hoa để củng cố thân phận, và thể hiện được các sở thích liên quan đến đầu tư. Cách gầy dựng lòng tin tốt nhất là thường xuyên thể hiện niềm tin của mình vào tầm quan trọng của gia đình. Trên mạng có chỗ bán sẵn cả bộ ảnh sang chảnh, từ chân dung đến ảnh đi du lịch, tạo dáng cùng siêu xe, với giá rẻ bèo.

Với "phông bạt" hoành tráng, kẻ lừa đảo sẽ dạo khắp các nền tảng, từ phổ biến như Instagram, WhatsApp đến các app hẹn hò OkCupid, Tinder và cả mạng việc làm LinkedIn và tiến hành nhiệm vụ thứ 2: tích cực tìm nạn nhân. Fan kể nhóm mình có 8 người, dưới quyền 1 quản lý. Người quản lý giao cho mỗi người 10 cái điện thoại và 1 danh sách số điện thoại. Nhiệm vụ là nhắn tin qua WhatsApp cho các số này, giả vờ là nhầm số hoặc chào bâng quơ. Khi có ai trả lời, phải tìm cách kéo dài câu chuyện, qua đó tìm kiếm những điểm có thể bắt lấy và khai thác sâu hơn.

Anh em Fan được phân vào nhóm tìm kiếm con mồi ở Đức. Cả nhóm không cần biết tiếng Đức, mọi câu chat đều có phần mềm dịch tự động. Sau này nhóm chuyển sang tìm nạn nhân nói tiếng Anh. Đường dây này có sẵn một nữ nhân viên nói tiếng Anh lưu loát, sẵn sàng "phục vụ" khi đối phương muốn nghe tin nhắn thoại để biết giọng nói của "người con gái hấp dẫn" mà họ vô tình quen.

Khi thấy cá có thể cắn câu, Fan sẽ dụ đối phương tải app MetaTrader để truy cập vào sàn môi giới, nơi có thể kiếm cả gia tài từ đầu tư tiền mã hóa. Fan sẽ mời gọi con mồi mua Bitcoin hoặc Ethereum rồi gửi vào sàn đó. Nạn nhân sẽ luôn được cho xem những con số "tiền về" hoàn toàn ảo, còn khoản đầu tư thật của họ đã về túi bọn lừa đảo ngay từ giao dịch đầu tiên.

Với dữ liệu tổng hợp từ các tổ chức nhân quyền, nhân viên thực thi pháp luật, những người tham gia giải cứu nạn nhân buôn người và chính các nạn nhân, ProPublica cho biết hàng chục ngàn người từ Trung Quốc, Đài Loan, Thái Lan và Việt Nam, cũng như nhiều nơi khác trong khu vực, đã bị các quảng cáo việc làm lừa đảo đưa đến Campuchia, Lào và Myanmar, nơi các đường dây tội phạm Trung Quốc đặt hoạt động lừa đảo mạng. Nhiều người đã nhảy lầu tìm cách trốn thoát, số khác chấp nhận số phận, trở thành "nhân sự được trả lương" của các đường dây tội phạm mạng. Đa số các trường hợp buôn người tự trốn thoát hay được giải cứu đều diễn ra ở Sihanoukville, thủ phủ tỉnh Preah Sihanouk, nơi có gần 100 casino do người Trung Quốc sở hữu. Fan và anh trai cũng được đưa về làm việc tại tổ hợp khách sạn và sòng bạc White Sand Palace ngay trung tâm Sihanoukville. Như mọi cơ sở khác, tổ hợp này cũng được bao bằng tường có dây thép gai, và bên trong thường xuyên diễn ra bạo lực, ngược đãi.

Và chuyện lợn đã thịt

Với nhiều người nhận được tin nhắn từ những "cô gái" như Fan, tin nhắn đầu tiên họ hồi đáp, dù chỉ là phép lịch sự để nói rằng nhầm số rồi, sẽ đưa họ vào vòng xoáy bị thao túng và mất khối tài sản khổng lồ, có khi của cả đời tích cóp. Yuen (tên đệm), một kế toán 52 tuổi sống ở San Francisco (Mỹ), là một nạn nhân như thế.

Tháng 10-2021, Yuen nhận được tin nhắn trên WhatsApp từ một người lạ tên Jessica: tôi thấy số này trên danh bạ mà không biết ai, chúng ta có quen nhau không? Yuen nói không, nhưng Jessica tỏ ra rất thân thiện và thích chat (cộng thêm ảnh đại diện hấp dẫn), họ thành bạn WhatsApp.

Sau này, Yuen sẽ nghe lời mách bảo của Jessica mà thực hiện 23 lượt đầu tư tiền mã hóa trên MetaTrader, những mong có tiền lo cho cha đang bệnh khó qua khỏi và giúp đỡ anh chị em trong nhà, để rồi mất trắng trên 1 triệu USD - hơn ¼ số đó là mượn nợ.

Khốn khổ gấp đôi: Sa bẫy kẻ buôn người, rồi bị ép làm lừa đảo mạng - Ảnh 4.

Đoạn chat đã Việt hóa dựa trên thông tin do chính nạn nhân cung cấp cho Forbes. Lúc này Jessica ngỏ ý sẽ chia sẻ thông tin nội bộ về giao dịch từ "ông chú Hong Kong" để Yuen có tiền giúp đỡ cha và gia đình.

Tất nhiên Jessica không phải cô gái Mỹ gốc Hoa có đời sống sang chảnh, giàu lên nhờ đầu tư vàng nhờ có "ông chú Hong Kong" nắm vững thông tin nội bộ (ăn chắc 10% mỗi giao dịch), thường xuyên tán tỉnh Yuen, mà là một nạn nhân lao động cưỡng bức ở Campuchia như Fan.

Khi mọi chuyện vỡ lở, Yuen gửi toàn bộ lịch sử chat kéo dài trong hàng tháng trời với Jessica - cho Forbes và ProPublica. Bằng cách phân tích cuộc hội thoại dài dằng dặc gần 13.000 từ này, các chuyên gia đã bóc tách được những thủ thuật thao túng điển hình của tội phạm.

Ngoài chuyện nhân thân giả (nhập cư từ Trung Quốc, hiện làm cho ngân hàng danh tiếng J.P. Morgan Chase ở New York), Jessica còn ứng dụng một thủ thuật trong tâm lý học là altercasting (tạm dịch: đổi vai) - thuyết phục để đối tượng hành xử theo vai trò mà ta muốn gán cho họ. Cụ thể, Jessica mở lòng với Yuen, sẵn sàng chia sẻ thông tin hái ra tiền từ "ông chú" cho Yuen (sao chỉ mình tôi hưởng phúc chứ), chỉ yêu cầu ông đừng nói ai (tôi tin anh nên mới nói ra bí mật này).

Theo nhà nghiên cứu tâm lý Martina Dove, tác giả quyển The Psychology of Fraud, Persuasion and Scam Techniques (Tâm lý của kỹ thuật gian lận, thuyết phục và lừa đảo), bằng cách đó, kẻ lừa đảo có được lòng tin của đối tượng (người tốt thế lẽ nào ta phụ người), và việc phải giữ bí mật sẽ đảm bảo nạn nhân chỉ một mình lún sâu, không được ai ngoài cuộc cảnh báo hoặc làm cho thức tỉnh. Một chiêu khác là kẻ lừa đảo sẽ xa cách nếu đối tượng không làm theo ý mình. Chẳng hạn, Jessica sẽ nhiệt tình trò chuyện với Yuen nếu chủ đề là tiền bạc; nếu ông nói chuyện khác, "cô ta" sẽ tìm cách lái câu chuyện trở lại đầu tư.

Nhờ các đoạn chat được lưu lại, ta mới thấy cụ thể các đòn thao túng của kẻ lừa đảo. Khi Yuen tăng tiền đầu tư, ông sẽ được "người đẹp" khen "giỏi lắm"; khi ông than thở bệnh tình cha ngày càng nặng, Jessica bảo ông "lại càng phải kiếm thêm tiền"; khi ông nói không còn vay mượn được để đầu tư thêm, Jessica động viên "anh chưa làm hết sức mình đâu"; khi ông ngần ngừ trước lời mời vay thêm để chơi cú chót, nàng tỉ tê "anh là người thông thái mà".

Phải đến tháng 1-2022 Yuen mới biết mình bị lừa. Ông lần tìm các manh mối trên mạng, tham gia một nhóm hỗ trợ gồm những nạn nhân giống mình. Ông không hy vọng gì lấy lại được số tiền đã mất, nhưng giờ đã tỉnh táo hơn. Khi có một kẻ tự xưng là hacker giới thiệu Yuen với một đặc vụ FBI có thể giúp lấy lại tiền, ông cảnh giác yêu cầu hắn cho xem ảnh cùng thẻ ngành. Mọi thứ trông có vẻ thật, đến khi Yuen nhìn thấy chữ ký bên dưới ảnh dán trên thẻ - Fox Mulder, tên nhân vật thanh tra giả tưởng của loạt phim The X-Files. Gia tài cả đời là cái giá quá đắt cho bài học cảnh giác.■

Theo báo The Phnom Penh Post, trong cuộc họp ngày 17-9, Thống đốc tỉnh Preah Sihanouk Kuoch Chamroeun đã yêu cầu các cơ quan liên quan của tỉnh xác định và kiểm tra tất cả các địa điểm kinh doanh hợp pháp và bất hợp pháp, nơi có cáo buộc tra tấn hoặc buôn người thời gian gần đây. Ông Chamroeun giao bốn phó thống đốc tham gia lãnh đạo chiến dịch kiểm tra này; nếu phát hiện tội phạm, phải giải cứu nạn nhân và truy tố kẻ phạm tội. Trước đó, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Campuchia Sar Kheng thông báo trong một cuộc họp ngày 12-9 bộ này đã nhận được 186 khiếu nại về buôn người. Ông Kheng nhấn mạnh tình trạng số vụ buôn người, buôn bán lao động và lao động tình dục ngày càng gia tăng ở tỉnh Preah Sihanouk cần phải được giải quyết khẩn cấp. "Chúng ta phải nhanh chóng hành động. Hình ảnh và danh tiếng của vương quốc chúng ta đang bị đe dọa" - ông nói.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận