Không còn đường lùi

L.THANH - L.NAM GHI 13/01/2014 21:01 GMT+7

TTCT - Tại cuộc họp tổng kết của ngành tài chính diễn ra gần đây, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh trọng tâm của quá trình tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước là thực hiện cổ phần hóa (CPH), là thoái vốn đầu tư ngoài ngành.

Ngay sau Tết Nguyên đán 2014, Chính phủ sẽ chủ trì hội nghị về tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước như một ưu tiên trong chương trình nghị sự đầu năm mới.

Cần cú hích cổ phần hóa

Phóng to

Về phía doanh nghiệp, một số đơn vị có tên trong danh sách CPH năm nay cũng tỏ ra quyết tâm không kém. Ông Phạm Ngọc Minh, tổng giám đốc Hãng hàng không Vietnam Airlines (VNA), cho biết đến cuối quý 2 năm nay sẽ bắt đầu phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO). VNA đã thuê hai tổ chức tài chính quốc tế là Citi Group và Morgan Standley tư vấn. Kiểm toán Nhà nước cũng đã xác định xong giá trị của VNA theo chuẩn trong nước theo phương pháp tài sản.

Một trong những tên tuổi khác được thị trường kỳ vọng là Tập đoàn Dệt may VN (Vinatex). Ông Trần Quang Nghị, tổng giám đốc Vinatex, tỏ ra quyết liệt khi cho rằng chuyện kinh tế khó khăn được gác lại phía sau, công việc chuẩn bị cho quá trình CPH đã hoàn tất.

“Chúng tôi hi vọng sẽ bán thành công trong tổng hạn mức 49% tỉ lệ cổ phần được chào bán. Đích mà Vinatex phải đảm bảo sau khi CPH là lợi nhuận chia cổ tức phải cao hơn lãi suất ngân hàng. Đấy là mức thấp nhất cổ đông chấp nhận” - ông Nghị nói.

Các chuyên gia kinh tế cho rằng nếu không quyết tâm thực hiện CPH thật sự triệt để trong năm 2014 thì các doanh nghiệp nhà nước sẽ bỏ lỡ cơ hội cải cách chính mình, nền kinh tế cũng mất đi một động lực để vượt qua giai đoạn tăng trưởng khó khăn. Việc đẩy mạnh CPH là không còn đường lùi.

Theo ông Lê Hoàng Hải - Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính), số lượng doanh nghiệp nhà nước vẫn còn rất nhiều. Do vậy cần phải giảm số lượng doanh nghiệp nhà nước thì công tác quản lý, giám sát và quản lý hiệu quả doanh nghiệp nhà nước mới tốt được.

Ngoài chuyện thúc đẩy CPH, hiện Bộ Tài chính đang nghiên cứu xây dựng một đạo luật về quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh. Theo kế hoạch, năm 2014 dự án luật này sẽ trình Quốc hội xem xét. Nội dung đạo luật mới này là xác định rõ phạm vi, đối tượng, mục tiêu, hình thức và thẩm quyền đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp.

Đặc biệt, luật này sẽ quy định rõ vốn nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp là số vốn nhà nước đầu tư trực tiếp vào công ty mẹ, các tập đoàn, tổng công ty hoặc các doanh nghiệp nhà nước độc lập do Nhà nước nắm giữ 100% vốn. Các nhà nghiên cứu luật cho rằng quy định như vậy sẽ ngăn chặn tình trạng dùng nguồn vốn nhà nước đầu tư vào các công ty con, cháu, chắt và đầu tư ngoài ngành tràn lan.

Ngoài ra, sẽ có quy định rõ việc đầu tư chéo giữa các doanh nghiệp cùng tổ hợp, không cho phép công ty con đầu tư ngược trở lại công ty mẹ cùng tập đoàn.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận