Không dễ cân bằng lợi - hại

YÊN LAM 17/02/2020 22:02 GMT+7

TTCT - Đóng cửa trường học khi đang có dịch cúm hay bệnh về đường hô hấp, là một quyết định không dễ đưa ra. Khi nào thì nên cho học sinh nghỉ? Hiệu quả ngăn ngừa dịch bệnh và hệ quả kinh tế - xã hội của biện pháp này là gì?

Ảnh: MGN Online

Có dịch bệnh thì trường tạm đóng cửa, cho học sinh ở nhà, thoạt nghe có vẻ là một phương án hợp logic. Trẻ con đang tuổi đến trường là đối tượng dễ nhiễm bệnh, và bản thân cũng dễ phát tán virus ra môi trường, làm tăng nguy cơ phơi nhiễm với mầm bệnh cho người xung quanh, từ bạn bè, thầy cô ở trường đến cha mẹ, người thân và cả hàng xóm khi về nhà.

Như vậy, về lý thuyết, hạn chế trẻ em trong độ tuổi đến trường tiếp xúc với nhau có thể ngăn việc phát tán virus, làm giảm ảnh hưởng của dịch bệnh, không chỉ cho trẻ mà còn cho cả cộng đồng. Nhưng đó chỉ là lý thuyết.

Chuyện Hong Kong và Mỹ

Ngày 7-2-2018, tức ngày 22 tháng chạp năm Đinh Dậu, chính quyền Hong Kong thông báo toàn bộ 1.600 trường mẫu giáo, tiểu học và trường cho trẻ có nhu cầu đặc biệt ở đặc khu kinh tế này phải đóng cửa vào ngày hôm sau, đúng 1 tuần trước kỳ nghỉ Tết Mậu Tuất, vì đang có dịch cúm B. Tình huống rất giống với câu chuyện Việt Nam với dịch COVID-19 năm nay: vì được nghỉ sớm một tuần trước tết, học sinh thuộc lứa tuổi trên ở Hong Kong đã có kỳ nghỉ tết kéo dài đến 2,5 tuần.

Một nhóm nhà nghiên cứu đã nghiên cứu hiệu quả giảm thiểu ảnh hưởng của dịch cúm bằng việc đóng cửa trường học này, và công bố kết quả trên tập san Emerging Infectious Diseases vào tháng 11-2018. Kết quả, theo nghiên cứu, “việc đóng cửa trường học sau khi dịch đã đạt đỉnh chỉ có tác động nhỏ lên mức độ lây nhiễm”, với tỉ lệ mắc mới ước tính giảm 4,2%. Cũng theo báo cáo, mệnh lệnh đóng cửa trường học được thông báo chưa đầy 24 tiếng trước khi có hiệu lực, vì thế có thể giả định thông tin này làm đảo lộn lịch trình của cha mẹ học sinh, khi nhiều người phải nghỉ việc ở nhà để trông con. Lại thêm một chi tiết giống với Việt Nam.

Trước đó, Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) cũng nghiên cứu tính hiệu quả của việc cho học sinh tạm ngưng đến trường lên việc giảm tác động của dịch bệnh, cụ thể là dịch “cúm lợn” H1N1 năm 2009. Các nhà nghiên cứu phân tích dữ liệu từ hai hạt ở bang Texas - một nơi cho đóng cửa trường học khi có dịch, còn nơi kia vẫn đi học bình thường - và rút ra kết luận việc đóng cửa trường có thể giúp giảm dịch lây lan trong trẻ em đương tuổi đến trường.

Theo kết quả đăng trên tập san Clinical Infectious Diseases, mặc dù cả hai địa phương đều ghi nhận một vài ca học sinh nhiễm H1N1, chỉ có Tarrant yêu cầu trường học phải tạm đóng cửa, trong khi học sinh ở Dallas vẫn đi học bình thường. Trước khi đóng cửa, số ca nhiễm cúm chiếm 3% trường hợp cấp cứu tại các bệnh viện địa phương ở Tarrant, song trong thời gian trường học đóng cửa, tỉ lệ này chỉ nhích nhẹ lên 4%. Trong khi đó, trong cùng thời điểm, con số này ở Dallas tăng hơn gấp đôi, từ 3% lên hơn 6%.

Tiến sĩ Martin S. Cetron, giám đốc cơ quan di cư và kiểm dịch thuộc CDC, cho biết vẫn có người hoài nghi lợi ích của việc đóng cửa trường học khi xảy ra dịch cúm, rằng không đến trường thì người ta cũng tập trung đông đúc ở trung tâm thương mại hay những nơi công cộng. Tuy nhiên, Cetron cho rằng trường học không giống như trung tâm mua sắm: ở trường, trẻ em tiếp xúc gần gũi với nhau cả ngày, vì thế nguy cơ lây nhiễm cao hơn. Cetron nhấn mạnh kết quả nghiên cứu nói trên, cùng với các công trình trước đó, đã “chốt hạ” tranh cãi về tính hiệu quả của việc tạm cho học sinh nghỉ khi có dịch bệnh.

Vấn đề thật sự, theo nhóm nghiên cứu, là đóng cửa khi nào là tốt nhất, và hệ quả của việc đó là gì. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã trả lời những câu hỏi này một cách vô cùng thận trọng.

WHO nói gì?

Ngày 11-9-2009, WHO ban hành khuyến nghị về các biện pháp có thể thực hiện trong trường học để giảm ảnh hưởng của dịch cúm H1N1. WHO cho rằng kinh nghiệm cho thấy trường học đóng vai trò tăng sự lây nhiễm dịch bệnh, cả trong trường lẫn cộng đồng bên ngoài, song nhấn mạnh quyết định có đóng cửa trường học hay không, và nếu có thì khi nào, là “rất phức tạp và tùy thuộc vào hoàn cảnh”. Và vì thế, tổ chức này “không thể đưa ra khuyến nghị cụ thể nào để ủng hộ hay phản đối việc đóng cửa trường mà có thể áp dụng cho tất cả mọi bối cảnh”.

Tuy vậy, WHO vẫn có một số hướng dẫn chung. Theo đó, việc đóng cửa trường có thể là biện pháp chủ động để giảm mức độ lây lan, song cũng có thể là biện pháp thụ động, áp dụng khi chuyện đã rồi, tức khi có số học sinh hoặc giáo viên bị nhiễm tăng cao. Lợi ích lớn nhất của việc tạm đóng cửa trường học là làm chậm độ lây lan của bệnh, “giúp các quốc gia có thêm thời gian để tăng cường các biện pháp chuẩn bị chống dịch hoặc xây dựng nguồn cung văcxin, thuốc diệt virus và các biện pháp can thiệp khác”.

WHO nhấn mạnh yếu tố thời điểm - khi nào đóng cửa - là rất quan trọng. Các nghiên cứu mô hình hóa cho thấy để đạt được hiệu quả cao nhất nên cho học sinh tạm nghỉ vào giai đoạn đầu của đợt bùng phát, lý tưởng nhất là trước khi 1% dân số nhiễm bệnh. Trong điều kiện lý tưởng, đóng cửa trường học ước tính có thể làm giảm nhu cầu cần chăm sóc y tế 30-50% trong thời điểm đỉnh dịch. Tuy nhiên, nếu đóng cửa quá muộn khi dịch bệnh đang lan rộng trong cộng đồng, tác dụng làm giảm lây nhiễm của biện pháp này sẽ rất hạn chế.

WHO cũng lưu ý một khi đã cho học sinh tạm ngưng đến trường, cũng cần có các chính sách và biện pháp đảm bảo các em sẽ hạn chế tiếp xúc với nhau bên ngoài trường học. Dù đã được cho nghỉ nhưng nếu học sinh vẫn tụ tập ở nơi khác thì vẫn có thể lây nhiễm virus và hiệu quả của việc đóng cửa trường sẽ giảm, nếu không muốn nói là trở thành công cốc.

Kết thúc khuyến nghị, WHO cho rằng dù vẫn khuyến khích xem việc đóng cửa trường học là một phần của chiến lược giảm thiểu tác động của cúm mỗi khi có dịch, song lưu ý “rất khó để các chuyên gia dịch tễ học và dịch vụ sức khỏe cộng đồng có các khuyến nghị rõ ràng cho các nhà hoạch định chính sách, bởi tác động của việc đóng cửa trường học trong mùa dịch vẫn chưa rõ ràng”. Các bằng chứng dịch tễ học cho thấy đóng cửa trường có thể có một số lợi ích, song chúng cần phải cân bằng được các hệ quả đáng kể về mặt kinh tế - xã hội mà biện pháp can thiệp này gây ra, WHO nhấn mạnh.

Một trong những hậu quả đó, theo WHO và Trung tâm hợp tác quốc gia về các bệnh truyền nhiễm Canada (NCCID), đến từ việc cha mẹ hay người giám hộ của trẻ phải nghỉ làm đột xuất để ở nhà trông con, dẫn đến mất thu nhập, ảnh hưởng kinh tế gia đình... Ngoài ra, những người không thể nghỉ việc suốt để trông con buộc phải thuê người, phát sinh chi phí.

Ở chiều ngược lại, nhiều nghiên cứu khác cho rằng hiệu quả về chi phí của việc cho nghỉ học sẽ cao hơn trong trường hợp dịch đang có tốc độ lây lan cao và dịch nghiêm trọng, kéo dài. Trong những trường hợp đó, chi phí điều trị cho bệnh nhân cúm nặng có thể cao hơn chi phí của việc đóng cửa trường học nhằm ngăn dịch lây lan. Các nghiên cứu cũng cho rằng giải pháp đóng cửa trường sẽ hiệu quả hơn với cấp II, bởi đa số học sinh không nhất thiết phải có cha mẹ chăm sóc khi ở nhà, hoặc với trường hợp không còn biện pháp can thiệp nào khác.

Một điều nghịch lý, như cả WHO và NCCID lưu ý, là tạm cho học sinh nghỉ có thể giảm áp lực lên hệ thống y tế, song nó đồng thời ảnh hưởng hoạt động và chất lượng của các dịch vụ này, do lẽ nhân viên y tế, bác sĩ, y tá cũng có con đang trong độ tuổi đến trường. Trong trường hợp này, thiệt hại của việc đóng cửa trường lớn hơn lợi ích khả dĩ có được.

Những lưu ý quan trọng

Nghiên cứu của NCCID lưu ý rằng nhiều nghiên cứu trước đó khi có dịch bệnh thường có khả năng hạn chế trong việc tách bạch giữa hiệu quả của việc cho học sinh nghỉ học với tác động của các biện pháp can thiệp khác. Chẳng hạn, nếu việc cho học sinh nghỉ học được tiến hành trước hoặc cùng lúc với chiến dịch tiêm chủng, sẽ rất khó để phân biệt được hiệu quả ngăn chặn lây lan có được là do biện pháp nào. Tương tự, nhiều nghiên cứu cho rằng đóng cửa trường học có hiệu quả nhất khi nó được tiến hành sớm, trước đỉnh dịch. Song, trên thực tế việc cho nghỉ học diễn ra muộn hơn, và lúc này khó có thể xác định sự suy giảm trong mức độ lây lan của dịch là do đóng cửa trường hay là chu trình phát triển tự nhiên (giảm dần sau khi đạt đỉnh) của bệnh dịch.

Các nghiên cứu cũng chỉ ra hiệu quả của việc cho nghỉ học cũng giống như các biện pháp can thiệp khác: chúng có thể hiệu quả hoặc phản tác dụng tùy thuộc vào cách tiến hành. Chẳng hạn, các nhà nghiên cứu nhận thấy nhà chức trách Úc đã gặp khó khăn trong việc cho nghỉ học trong mùa dịch H1N1 năm 2009, do lẽ người dân, nhà trường và nhiều bên liên quan khác không cho rằng dịch bệnh nghiêm trọng đến mức phải tạm đóng cửa trường.

Tóm lại, cân bằng được lợi ích và thiệt hại của việc cho học sinh nghỉ học trong mùa dịch là gốc rễ của vấn đề và là phần quan trọng nhất, và phải giải quyết nó thế nào đòi hỏi phải cân nhắc mọi yếu tố có liên quan. Điều chắc chắn là không có một mô hình nào khả dĩ phù hợp cho tất cả mọi trường hợp, bất kể dịch bệnh gì hay cộng đồng nào.■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận