TTCT - Động thái xích lại gần nhau giữa Trung Quốc và Mỹ trước sự cố khinh khí cầu đã mất đi nhiều ý nghĩa, nhất là khi những tiếng nói chống Bắc Kinh trong chính giới cấp cao Hoa Kỳ có vẻ đang mạnh dần. Giai đoạn cuối 2022, đầu 2023 đã diễn ra nhiều tiếp xúc hòa hoãn hơn giữa hai bờ Thái Bình Dương. Nỗi lo chiến tranh vì Đài Loan giảm xuống sau khi Tổng thống Mỹ Joe Biden gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bên lề hội nghị thượng đỉnh G20 ở Bali (Indonesia) vào tháng 11-2022. Hai bên nhất trí duy trì đối thoại song phương ở những lĩnh vực ít nhạy cảm, như chống biến đổi khí hậu. Giới chức kinh tế cấp cao hai nước cũng đã "đối thoại thẳng thắn" ở Diễn đàn Davos vào tháng 1. Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken thậm chí sắp xếp đi Trung Quốc vào tháng 2, dù sự cố khinh khí cầu sau đó khiến chuyến đi bất thành. Cần nhắc lần gần nhất một bộ trưởng ngoại giao Mỹ thăm Trung Quốc đã là năm 2018.Hạ nghị sĩ Mike Gallagher. Ảnh: APNhưng ngoài sự cố mới nhất, thách thức lâu dài hơn với những nỗ lực dàn xếp quan hệ song phương đang nổi lên với sự ra đời của một ủy ban ở Hạ viện Mỹ nhằm điều tra nhiều vấn đề gây chia rẽ nhất giữa hai siêu cường. Ủy ban Đặc biệt về Trung Quốc của Hạ viện Mỹ không được ủy quyền lập pháp nhưng có thể triệu tập người và tổ chức điều trần. "Đây là sự thống nhất lưỡng đảng cho rằng thời kỳ có thể tin tưởng Trung Quốc đã kết thúc" - Kevin McCarthy, chủ tịch Hạ viện của phe Cộng hòa, nói với các nghị sĩ ngày 10-1, không lâu trước khi Hạ viện thông qua việc thành lập ủy ban với tỉ lệ phiếu 365-65.Những lĩnh vực mà ủy ban sẽ tìm hiểu bao gồm vấn đề nhân quyền ở Trung Quốc; thiết lập chiến lược để Mỹ bớt phụ thuộc Trung Quốc về kinh tế; đầu tư cho trí tuệ nhân tạo, công nghệ robot và các công nghệ mới khác cạnh tranh với Trung Quốc; và mối quan hệ giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, nhất là liên quan tới vấn đề Đài Loan."Đó trên thực tế là một liên minh chống lại phương Tây", Đài NBC dẫn lời ông Gallagher. Ông đi xa tới mức cho rằng ông Putin bị ông Tập Cận Bình sử dụng "để gieo rắc hỗn loạn ở châu Âu". Phiên điều trần đầu tiên của ủy ban 24 người này (13 Cộng hòa, 11 Dân chủ) dự kiến diễn ra vào đầu tháng 3.Tư tưởng diều hâu nhắm vào Trung Quốc có thể nói là một truyền thống ở Quốc hội Mỹ, bắt đầu từ tận khi Trung Quốc thống nhất vào năm 1949. Câu hỏi "Ai để mất Trung Quốc?" trong chính giới Mỹ nói chung, và Quốc hội khi đó, dẫn tới việc thành lập Tiểu ủy ban An ninh nội địa khét tiếng (nay đã bị giải tán) chuyên điều tra những học giả và nhà ngoại giao có xu hướng thiên tả.Chủ nghĩa chống cộng McCarthy đã gây ra nhiều hệ quả cho nước Mỹ. Ảnh: Getty ImagesCả một thế hệ học giả nghiên cứu về Trung Quốc ở Mỹ đã phải sống qua những ngày bức bối đó, và thái độ bài Trung Quốc cũng góp phần mở đường cho chủ nghĩa chống cộng khét tiếng do thượng nghị sĩ Joseph McCarthy khởi xướng, mà tiếp nối là thời kỳ mà báo Anh The Economist gọi là "cuộc săn phù thủy lùng sục những người có cảm tình với cộng sản vào những năm 1950".Ủy ban mới thành lập đang thể hiện nhiều dấu hiệu đáng ngại là họ sẽ đi theo truyền thống đó. Từ cơ cấu và tổ chức, nó được thiết kế để điều tra "mọi khía cạnh trong quan hệ Trung - Mỹ", theo mô tả của chính ủy ban. Ông chủ tịch Gallagher cũng còn khá trẻ, 38 tuổi, và là cựu lính thủy quân lục chiến từng phục vụ ở Iraq, với bằng tiến sĩ quan hệ quốc tế của Đại học Georgetown - cho thấy đây là một nỗ lực được đầu tư lớn và lâu dài.Nền chính trị Mỹ rất phức tạp bởi tổ chức kiểu quyền lực độc lập giữa các thiết chế nhà nước, các cơ quan chính quyền lớn, và thậm chí là các cá nhân lãnh đạo. Trong khi Tổng thống Biden vẫn nói về việc cần tránh chiến tranh lạnh với Trung Quốc thì ông Gallagher nói đó là thực tế đã rồi.The Economist cho biết nỗi lo hiện giờ của một số chuyên gia về quan hệ song phương là phe Cộng hòa ở Mỹ tìm cách "bắt cóc" chính sách về Trung Quốc của chính quyền Dân chủ và đẩy hai nước sâu hơn vào thế đối đầu. Ủy ban mới sẽ đóng vai trò "ném đá hội nghị", làm suy yếu mọi nỗ lực của ông Biden hòng xích lại gần Trung Quốc - Dong Chunling thuộc Viện Quan hệ quốc tế đương đại Trung Quốc, bình luận.Trong khi quan hệ Trung - Mỹ xấu đi có thể phục vụ cho ý đồ chính trị của thế lực này hay thế lực khác ở Mỹ, đó nói chung sẽ là tin xấu với phần còn lại của thế giới. Các nước châu Á sẽ bị lôi kéo và thúc đẩy sâu hơn vào thế phải chọn phe, trong khi châu Âu, dù chia sẻ một số quan ngại về Trung Quốc với Mỹ, vẫn coi đó là thị trường và đối tác thương mại không thể thiếu.Ông Gallagher, với nền tảng học vấn của mình, tất nhiên hiểu rõ những gì chủ nghĩa McCarthy đã gây ra cho nước Mỹ. "Bài học từ Joseph McCarthy là luôn có rủi ro quá lố - ông nói vào tuần trước - Phận sự của tôi là chứng minh rằng ủy ban này là một diễn đàn nghiêm túc, tỉnh táo, tranh luận đúng mực". Cũng hy vọng là mọi chuyện rồi sẽ như ông nói.■ Tags: Bắc Kinh và Hoa KỳQuốc hội MỹQuan hệ Trung MỹChủ nghĩa McCarthyĐài Loan
Đạo diễn Cu li không bao giờ khóc: Thái độ làm nên số phận điện ảnh NGUYỄN TRƯƠNG QUÝ 19/11/2024 1913 từ
Quân đội Mỹ tuyên bố sẵn sàng sử dụng vũ khí hạt nhân TRẦN PHƯƠNG 21/11/2024 Bộ tư lệnh chiến lược Mỹ (STRATCOM) nói Washington sẵn sàng sử dụng vũ khí hạt nhân nếu cần nhưng chỉ trong tình hình 'có thể chấp nhận được'.
Chi tiết sáp nhập phường của TP.HCM áp dụng từ ngày 1-1-2025 THÀNH CHUNG 21/11/2024 Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã ký ban hành nghị quyết về việc sáp nhập đơn vị cấp xã của TP.HCM giai đoạn 2023 - 2025.
Chi tiết sáp nhập xã, phường của Hà Nội: Giảm 53 xã, phường THÀNH CHUNG 21/11/2024 Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã ký nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về sáp nhập phường, xã của Hà Nội giai đoạn 2023 - 2025.
Bộ Chính trị kỷ luật cảnh cáo ông Vương Đình Huệ THEO WEBSITE ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM 21/11/2024 Ngày 20-11, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã xem xét, thi hành kỷ luật tổ chức đảng, đảng viên có vi phạm, khuyết điểm.