Không lâu nữa 4 tỉ người sẽ thiếu nước

HẢI MINH 18/03/2016 02:03 GMT+7

TTCT - Nước ngọt có vai trò tối quan trọng với xã hội loài người và được dự báo là một trong những nguồn tài nguyên khan hiếm nhất trong tương lai không xa, vì biến đổi khí hậu.

Một “nghĩa địa” tàu thuyền ở vùng ven biển bị nhiễm mặn tại Bangladesh-deshghuri.com
Một “nghĩa địa” tàu thuyền ở vùng ven biển bị nhiễm mặn tại Bangladesh-deshghuri.com

Báo cáo các rủi ro toàn cầu 2016 vừa được Diễn đàn kinh tế thế giới công bố đã nhận định “khủng hoảng nguồn nước” là một trong những rủi ro với tác động lớn nhất trong mười năm tới.

Báo cáo nhấn mạnh biến đổi khí hậu sẽ khiến cuộc khủng hoảng nước ngọt trở nên trầm trọng và dẫn tới xung đột hoặc di cư ép buộc, bởi tới năm 2050 ước tính gần 4 tỉ người sẽ phải sống ở những khu vực khan hiếm nước.

Thiếu nước, đất nhiễm mặn

Trước đó, báo cáo thứ năm từ Ủy ban liên chính phủ về biến đổi khí hậu của Liên Hiệp Quốc (năm 2014) cũng khẳng định những rủi ro liên quan tới các hệ sinh thái nước ngọt sẽ gia tăng trong tương lai, nếu mật độ các khí gây hiệu ứng nhà kính trong khí quyển tiếp tục tăng thêm. Lượng mưa giảm do biến đổi khí hậu sẽ làm giảm nước ngọt cả trên bề mặt lẫn nước ngầm, nhất là ở các vùng nhiệt đới.

Khoảng 98% lượng nước trên Trái đất là nước mặn và chỉ 2% là nước ngọt. Trong 2% đó, gần 70% là tuyết và băng, 30% là nước ngầm và không tới 0,5% là nước mặt (sông, hồ…) và không tới 0,05% trong bầu khí quyển.

Biến đổi khí hậu gây ra nhiều tác động lên sự phân bổ này ở quy mô toàn cầu. Tác động lớn đầu tiên là sự ấm lên của khí hậu khiến băng ở hai cực tan ra, biến nước ngọt thành nước mặn, dù điều này ít ảnh hưởng trực tiếp tới nguồn cung cấp nước. Một tác động khác của nhiệt độ cao là các tảng băng trong đất liền, trên những hệ thống núi cao tan nhanh hơn.

Trong ngắn hạn, điều này sẽ làm tăng nguồn cung cấp nước ở các sông và hồ, nhưng trong dài hạn khi các tảng băng tan hết, tình trạng khan hiếm nước ngọt sẽ xảy ra và càng tồi tệ hơn bởi các công trình thủy điện ở gần thượng nguồn.

“Trước khi con người can thiệp vào các dòng sông, những trận lũ theo mùa cực kỳ hiệu quả trong việc đưa muối ra đại dương và giúp các lưu vực sông ở mức cân bằng hợp lý về nồng độ muối.

Ngày nay, khi các con sông bị nắn dòng và chặn lại để làm các hệ thống trữ nước cùng với tình trạng sử dụng nước quá mức, không còn đủ nước ngọt để tạo ra sự cân bằng nồng độ muối hợp lý. Muối bị tích tụ, theo cách này hay cách khác, lâu ngày sẽ xảy ra tình trạng nhiễm mặn” - giáo sư Arthur Pillsbury, cựu giám đốc Trung tâm nguồn nước ở Đại học California, Los Angeles (Mỹ), nói.

Trong đất luôn có muối, là kết quả của các quá trình sinh, hóa học tự nhiên và cả bởi sự can thiệp của con người.

Tình trạng đất nhiễm mặn không xảy ra chừng nào còn đủ lượng nước ngọt và lượng mưa để làm tan lượng muối này, rồi kéo chúng xuống mạch nước ngầm hay đổ ra các dòng sông, suối và tràn vào biển.

Vì thế trong nước, cũng như trong đất, luôn có muối. Ngay cả nước ở nguồn sông trên núi tươi mát nhất cũng có 50 phần triệu (ppm) là muối, tuy không là gì so với 35.000 ppm trong nước biển. Khi sự tập trung muối trong đất đạt tới mức 0,5-1%, đất trở nên bị nhiễm độc và cây trồng không sống được.

Nhiệt độ cao hơn cũng làm tăng nguy cơ hạn hán, khiến nước ngọt càng khan hiếm. Khí hậu nóng khiến con người, động vật và cây cối cần lượng nước ngọt lớn hơn, càng gây thêm căng thẳng cho nguồn nước.

... Là do chúng ta

Không ai nghi ngờ việc Trái đất đang ngày càng nóng lên. Dữ liệu từ Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) và Cơ quan Quản lý đại dương và khí quyển quốc gia Mỹ (NOAA) cho thấy năm 2014 là năm nóng nhất trong lịch sử từng được ghi nhận, nóng nhất ở châu Âu và nóng thứ ba ở Mỹ.

Khi Trái đất ngày một nóng lên, các nhà khoa học tiên đoán các vụ hạn hán sẽ diễn ra thường xuyên hơn. Không phải tất cả vụ hạn hán là do biến đổi khí hậu, nhưng trong tương lai đó sẽ là nguyên nhân chính mà các nhà khoa học cảnh báo có thể kéo dài nhiều năm, thậm chí nhiều thập kỷ.

Ảnh hưởng trực tiếp của biến đổi khí hậu không phải là lý do duy nhất để lo lắng về nguồn nước ngọt trong tương lai, điều đã được nhấn mạnh trong báo cáo của Chương trình môi trường Liên Hiệp Quốc (UNEP) năm 2015.

Theo đó, sự tăng dân số trên toàn cầu đồng nghĩa với nhu cầu cao hơn cho hoạt động nông nghiệp, sử dụng nước cho tưới tiêu nhiều hơn và ô nhiễm nguồn nước ngày càng nghiêm trọng. Ở Ấn Độ chẳng hạn, theo một báo cáo của chính quyền năm 2013, gần 222 dòng sông bị ô nhiễm trầm trọng vì các hoạt động công nghiệp.

Cùng lúc, cuộc sống khá giả hơn ở một số nước đồng nghĩa với việc sẽ ngày càng nhiều người hơn sống một cuộc sống đòi hỏi rất nhiều nước ngọt, không chỉ cho các nhu cầu sinh hoạt mà còn để tưới vườn cây trước nhà, rửa xe...

Các nước phát triển kinh tế nhanh cũng phát triển công nghiệp chế tạo nhanh và những khu công nghiệp mọc lên khắp nơi, trong nhiều trường hợp, thường thiếu một công nghệ tiết kiệm nước và kiểm soát ô nhiễm kèm theo.

Các đo đạc ban đầu bằng vệ tinh do công ty chuyên tư vấn về khí hậu ở Mỹ Weather Bell Analytics thực hiện cho thấy tháng 2-2016 nóng hơn so với thời kỳ tiền công nghiệp từ 1,15-1,40C.

Thỏa thuận về biến đổi khí hậu đạt được tại hội nghị do Liên Hiệp Quốc bảo trợ vào tháng 12-2015 ở Paris đặt mục tiêu giới hạn mức tăng nhiệt độ là 1,50C. Bắc cực đặc biệt trải qua đợt nóng lên đáng lo ngại trong mùa đông vừa qua.

Mark Serreze, giám đốc Trung tâm dữ liệu băng tuyết quốc gia Hoa Kỳ, nói tình trạng hiện giờ là “chưa từng thấy”. “Sự tăng nhiệt độ là chưa có tiền lệ trong suốt năm - ông nói - Tôi đã nghiên cứu khí hậu Bắc cực trong 35 năm và chưa bao giờ thấy điều gì như thế này”.

Tất cả diễn ra sau một năm nóng nhất trong lịch sử nữa - năm 2015, với 0,90C cao hơn so với mức trung bình của thế kỷ 20, phá kỷ lục trước đó là 0,160C của năm 2014.

Nhiệt độ cao, mưa ít và các hậu quả khác thường được truyền thông gắn với đợt El Nino mạnh bất thường, có lẽ là lớn nhất trong lịch sử, nhưng giáo sư Michael Mann, giám đốc Trung tâm khoa học về hệ thống Trái đất của Đại học Penn State, nói không thể đánh giá chính xác tác động của El Nino với nhiệt độ dựa trên những dữ liệu quá khứ.

“Khá nhiều người đã làm việc này” - giáo sư Mann nói và đi tới kết luận rằng El Nino, nếu có, cũng chỉ làm Trái đất nóng lên không nhiều hơn 0,10C. Nói cách khác, năm 2015 vẫn là nóng nhất nếu như không có El Nino.

Nhiệt độ trên bề mặt Trái đất là thông số chính được sử dụng để theo dõi sự biến đổi khí hậu và mức trung bình thỏa thuận Paris đề cập cũng là con số này. Nhưng bầu khí quyển và sâu trong lòng đại dương là câu chuyện khác.

93% năng lượng bị giam giữ bởi các hoạt động phát khí thải gây hiệu ứng nhà kính của con người đi vào các đại dương, chỉ 1% vào bầu khí quyển, nơi nhiệt độ thường xuyên được đo nhất. Trong các giai đoạn El Nino, xảy ra mỗi 3-6 năm, các dòng chảy ở Thái Bình Dương mang nước ấm lên bề mặt và làm nóng không khí lên.

Jeff Knight thuộc Trung tâm Hadley, Văn phòng khí tượng Anh, nói mô hình hóa cho thấy đợt El Nino lớn hiện giờ cũng chỉ làm nhiệt độ bề mặt Trái đất nóng lên khoảng 0,20C. “Kết luận quan trọng nhất là những đóng góp của El Nino và gió vào sự ấm lên toàn cầu trong vài tháng qua tương đối nhỏ so với mức tăng thực tế” - Knight nói, đồng nghĩa tình trạng nhiệt độ tăng cao và mọi hậu quả của nó, chủ yếu bởi biến đổi khí hậu do con người gây ra.■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận