Không ngờ còn được gặp nhau trong tháng Tư lịch sử này

NGUYỄN THỊ NGỌC HẢI 01/05/2022 21:00 GMT+7

TTCT - Chúng tôi là những người quá biết chiến tranh là thế nào. Cuộc gặp gỡ tháng tư này chỉ đủ thời gian cho công việc đang làm, với những người mà nhìn thấy họ như thấy dấu ấn của lịch sử

Cuốn sách After Sorrow: An American Among the Vietnamese của Lady Borton

 Mấy năm đại dịch chẳng ai dám đi đâu chơi bời, lo cho cuộc sống dù mở cửa rồi vẫn bao khó khăn... Chợt tôi nhận điện thoại của chị Nguyễn Hạc Đạm Thư - một nhà báo đồng nghiệp - mời sang nhà chị chơi. Cùng ở phường Thảo Điền mà suốt hai năm chúng tôi không gặp nhau. Sang tới nơi, tôi bất ngờ gặp lại nhà văn Mỹ Lady Borton - “người phụ nữ Mỹ hiểu Việt Nam rõ nhất”.

Bất ngờ vì từ lâu biết tin Lady rời Hà Nội về nước sau gần nửa thế kỷ gắn bó với Việt Nam, rồi dịch bùng lên, chẳng thể nào ngờ chúng tôi vẫn còn được gặp nhau vào tháng 4 này giữa Sài Gòn. Và giữa buổi chúng tôi có thêm khách quý là bà GS.TS Ngọc Toản - 93 tuổi, vợ tướng Cao Văn Khánh, được vợ chồng con gái là PGS.TS Cao Bảo Vân đưa đến. Họ nổi tiếng nhiều năm nay khi cuốn sách Trung tướng Cao Văn Khánh, do con gái Cao Bảo Vân viết trong 10 năm, ra mắt.

Lady Borton đã quá nổi tiếng với người Việt Nam. Khi Việt Nam thống nhất, chị đến Hà Nội và gắn bó 50 năm với đất nước này, nói tiếng Việt, trở thành nhà văn, nhà nghiên cứu văn hóa. Chị tới Quảng Ngãi, làm việc trong tổ chức nhân đạo Quaker giúp nạn nhân bị mất chân tay do chiến tranh. Những cuốn sách chị đã viết, như After sorrow: An American Among the Vietnamese (Tiếp theo nỗi buồn: Một người Mỹ ở cùng những người Việt Nam:) đã giúp thế giới hiểu người Việt và đất nước hòa hiếu mở cửa sau chiến tranh, nhất là các công trình nghiên cứu về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Chị cũng đã dịch và giới thiệu nhiều tác phẩm văn học Việt Nam với độc giả Mỹ và thế giới.

Lady Borton và Đạm Thư có một tình bạn đặc biệt, bắt nguồn từ ngay trong những năm tháng khó khăn nhất của Việt Nam. Đất nước lúc ấy vừa mở cửa, chưa có nhiều... Tây xuất hiện. Chị Đạm Thư đã đưa Lady về một số vùng quê miền Tây Nam Bộ sống, nói tiếng Việt. Những người nông dân hồi ấy còn rủ nhau đi xem bà đầm xuống ruộng cấy lúa, làm cỏ và ngạc nhiên vì bà đầm da trắng ấy không sợ đỉa lắm.

Họ cùng nhau về tỉnh Hải Hưng, trong bối cảnh Việt Nam vẫn còn trong tình trạng bị cấm vận, không khí chính trị vẫn còn “nhạy cảm khách Mỹ”, được sắp xếp cho ở nhà khách của hội phụ nữ, nghĩa là khách của đoàn thể, cho... an toàn. Nông thôn nghèo lúc ấy chưa có toilet tử tế nên trang bị... bô cho khách. Hai bà đầm (Lady Borton của Quaker và Ruth Cadewallader của Liên đoàn Phụ nữ vì hòa bình và tự do WILPF) trải nghiệm tắm bằng nước giếng tự kéo lên.

Nhưng đó là một chuyến đi mang lại nhiều vỡ vạc, nhiều niềm vui lớn. Những người Mỹ được sống thật với đời sống, gặp gỡ người dân thường một cách tự do qua sáng kiến của hội phụ nữ, được cho đi về thăm các hợp tác xã, nghe người dân trò chuyện. Họ tới tham quan Bảo tàng Nguyễn Trãi ở Côn Sơn - nơi mà ở đó họ mới hiểu rõ triết lý “Lấy nhân nghĩa thắng hung tàn, lấy trí nhân thay cường bạo”, được học những câu tục ngữ ca dao “Thương người như thể thương thân...”, “Bầu ơi thương lấy bí cùng”... 

15 năm sau, khi qua Mỹ, chị Đạm Thư (khi ấy là phó ban quốc tế của Hội Liên hiệp phụ nữ VN, thường theo các đoàn nghiên cứu và làm ngoại giao nhân dân) gặp lại bà Ruth, chị đã được bà tặng những tấm hình chụp ở chuyến đi Hải Hưng xưa ấy. “Ngày ấy họ có máy ảnh, chứ mình có đâu” - chị kể. 

Là một nhà báo, tôi cũng từng vài lần cùng chị Đạm Thư và Lady Borton về nông thôn và miền Đông Nam Bộ, chứng kiến những cuộc tiếp xúc “tranh thủ” đi cả ban đêm của họ với các cựu chiến binh và những người nông dân làm kinh tế mới.

Có lần, Lady cho tôi gặp vợ con anh Morison (Norman Morrison là một người yêu hòa bình, đã tự thiêu vào ngày 2-11-1965 trước trụ sở Bộ Quốc phòng Mỹ để phản đối chiến tranh Việt Nam) khi họ đến Sài Gòn trong một chuyến đi không tiết lộ với báo giới. Bé “Emily con”, trong bài thơ nổi tiếng của Tố Hữu, lúc ấy đã lập gia đình. 

Chúng tôi đưa họ “đi lang thang vỉa hè”, vào quán cà phê, cho họ gặp gỡ và bế những đứa trẻ gặp trên hè phố. Ngày ấy khi chia tay, tôi đưa một thẻ hương nhờ vợ của anh Morison mang về Mỹ và “khi nào ra thăm mộ anh hãy thắp giùm tôi, nói rằng đây là lời cảm ơn của một người dân thường Việt Nam. Dù bao nhiêu năm đi nữa, chúng tôi cũng không bao giờ quên anh”.

Cuộc gặp tháng tư nay không đủ thời gian cho chúng tôi nhắc lại hết những chuyện cũ. Nhưng Lady vẫn nhớ đã có lần được chồng tôi - anh Trần Đình Việt, lúc đang làm giám đốc NXB Tổng hợp - lấy xe máy chở chị tới thăm GS Trần Văn Giàu tại Sài Gòn; những tháng ngày chị dịch một số chương trong tác phẩm của tôi đăng trên tạp chí Mỹ.

 
 Lady Borton và GS Trần Văn Giàu (Ảnh tư liệu của ông Trần Đình Việt)

 Lần trở lại Việt Nam này, với Lady Borton, cũng không hề dễ dàng. Chị đã phải đổi vé máy bay tới 4 lần, nhưng đây là chuyến đi quan trọng với chị. Lady cần tìm hiểu để hoàn thành một cuốn sách cho NXB Thế Giới và tuyển tập thơ nữ Việt nam xưa và nay cho NXB Phụ Nữ, tiếp tục một số công việc cho Bảo tàng Hồ Chí Minh và Bảo tàng Phụ nữ, dịch và chú giải cuốn sách hồi ức của bà Nguyễn Thị Bình, sách của đại tướng Võ Nguyên Giáp. Chị về Mỹ nhưng vẫn không ngừng làm công việc dịch thuật và giới thiệu văn hóa Việt Nam.

 
 Nhà văn Lady Borton, GS Ngọc Toản, nhà văn Nguyễn Thị Ngọc Hải, nhà báo Đạm Thư và TS Cao Bảo Vân trong cuộc hội ngộ tháng 4-2022 tại Sài Gòn.

 Bữa ăn, theo yêu cầu có rau muống luộc chấm tương và đậu hũ chiên, đã dọn ra nhưng Lady vẫn bận rộn ghi chép, hỏi GS.BS Ngọc Toản về một số chi tiết, tên người, chức danh để về Mỹ làm chú thích, hiệu đính cuốn sách có lá thư của bà viết trong kháng chiến. Lady Borton, bà Ngọc Toản, chị Đạm Thư... làm nên một tình bạn trong cả nửa thế kỷ qua. 

GS Ngọc Toản, người thuộc dòng dõi hoàng tộc Huế, 15 tuổi theo anh rể là GS Đặng Văn Ngữ lên chiến khu, thân thiết với anh Nghi - chồng chị Đạm Thư - từ lúc họ còn hoạt động phong trào học sinh sinh viên Huế ngày đầu kháng chiến chống Pháp. GS Ngọc Toản - người từng chịu được bao đêm thức trắng, người đầy máu me để cứu chữa thương binh ở Điện Biên Phủ, nổi tiếng trên quốc tế vì cuộc đấu tranh cho các nạn nhân chất độc da cam (bà là một trong số người thành lập và là ủy viên thường vụ Hội Nạn nhân chất độc màu da cam) - hôm nay đã không còn đủ sức cho một cuộc vui lâu ở tuổi 93.

Chúng tôi không nói được gì nhiều về cuộc sống hôm nay. Tất cả như tạm quên con COVID-19 đang hành hạ cả thế giới. Cũng không ai bàn gì đến Ukraine, bởi lẽ chúng tôi là những người quá biết chiến tranh là thế nào. Cuộc gặp gỡ tháng tư này chỉ đủ thời gian cho công việc đang làm, với những người mà nhìn thấy họ như thấy dấu ấn của lịch sử...

Lady nay đã về Mỹ. Chị sống một mình tại bang New Hampshire, nơi mà chị tả “ngồi trong nhà có thể nhìn thấy cả sóc và hươu nai ở cửa rừng...”, mang theo nỗi nhớ, hơi thở và rung động của tâm hồn Việt Nam mà chị đã nặng lòng yêu.■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận