Không phải huy chương nào cũng như nhau

HUY THỌ 25/11/2023 08:42 GMT+7

TTCT - Thành tích thể thao đỉnh cao nào cũng đáng trân trọng, nhưng những tấm huy chương cùng màu không phải lúc nào cũng giá trị như nhau.

Ảnh: tuoitre.vn

Ảnh: tuoitre.vn

Một bạn đọc lâu năm của Tuổi Trẻ nhắn hỏi: Giải vô địch wushu thế giới vừa kết thúc tại Mỹ ngày 20-11 với sự tham gia của các võ sĩ đến từ hơn 70 quốc gia chứ không phải ít. Trên bảng xếp hạng huy chương, đội tuyển wushu Việt Nam xếp hạng 2, chỉ sau quê hương môn này là Trung Quốc. 

Đội tuyển wushu VN đến Mỹ với chỉ 13 võ sĩ, nhưng đã đoạt được 5 HCV, 3 HCB và 3 HCĐ; nghĩa là chỉ có 2 võ sĩ ra về tay trắng. Thật là lạ, giải vô địch thế giới thành công rực rỡ như thế, nhưng tại Asiad vừa rồi ở Hàng Châu, wushu VN chả có được chiếc HCV nào là sao?

Đó là câu chuyện mà báo chí chúng tôi đã nêu ra từ rất nhiều năm trước, với sự e dè vì lo ngại các VĐV tủi thân. Nhưng đến bây giờ thì đành phải nói thẳng: Có rất nhiều môn thể thao, đặc biệt là các môn võ, nhiều chiếc huy chương là sự ban phát, phân chia. 

Chuyện của wushu hôm nay thật ra không mới, khi mà hơn 20 năm trước nó cũng từng xảy ra với trường hợp nữ võ sĩ Thúy Hiền, người từng đoạt 7 HCV thế giới, nhưng tuyệt nhiên không có một chiếc HCV Asiad nào cả. 

Tại sao vậy? Asiad là nơi Trung Quốc không "nhường cơm sẻ áo" cho ai, để trấn áp Nhật Bản và Hàn Quốc trên bảng tổng sắp huy chương. Còn ở giải vô địch wushu thế giới, họ sẵn sàng chia sẻ huy chương để kích thích các nước đến với wushu. Thế thôi.

Từ đây mới thấy không phải huy chương nào cũng có giá trị ngang nhau. Vậy nên, khi khen thưởng chỉ lấy mỗi một chuẩn theo tên giải thì không công bằng cho lắm. Vì một HCV thế giới môn wushu sao mà so được với HCV điền kinh châu Á, Asiad, chứ khoan nói đến thế giới.

Đề cập đến chuyện này, xin đừng nghĩ là rẻ rúng các VĐV nhiều môn võ, mà chỉ là muốn có sự đánh giá công bằng hơn cho những môn khốc liệt, giá trị như điền kinh, bơi lội.■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận