Không phát triển tràn lan mô hình tập đoàn

VÕ VĂN THÀNH THỰC HIỆN 19/07/2009 10:07 GMT+7

TTCT - “Vấn đề lớn nhất của các tập đoàn kinh tế nhà nước hiện nay là khuôn khổ pháp lý cho việc tổ chức và hoạt động của nó chưa đầy đủ” - ông Đinh Xuân Thảo (viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp của Quốc hội) nói với Tuổi Trẻ Cuối Tuần.

Phóng to
Ông Đinh Xuân Thảo
TTCT - “Vấn đề lớn nhất của các tập đoàn kinh tế nhà nước hiện nay là khuôn khổ pháp lý cho việc tổ chức và hoạt động của nó chưa đầy đủ” - ông Đinh Xuân Thảo (viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp của Quốc hội) nói với Tuổi Trẻ Cuối Tuần.

* Có phải do bối cảnh “khuôn khổ pháp lý chưa đầy đủ” như vậy nên Quốc hội mở chuyên đề giám sát tình hình thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại các tập đoàn, tổng công ty nhà nước?

- Chủ trương ban đầu với các tập đoàn là chỉ làm thí điểm. Chính vì vậy giám sát việc sản xuất, kinh doanh của mỗi tập đoàn là điều cần thiết. Ở đây mối quan tâm nhất là việc sử dụng vốn nhà nước của các tập đoàn. Lâu nay có nhiều thông tin khác nhau xung quanh hoạt động của các tập đoàn nên ở tầm giám sát của mình, Quốc hội phải đánh giá được hiệu quả sử dụng vốn của các tập đoàn so với ưu thế mà họ được sở hữu về đất đai, vốn, cơ chế... Việc giám sát này nhằm đưa ra những kiến nghị về các cơ chế, chính sách cần thiết cho việc quản lý các tập đoàn.

* Gọi là thí điểm nhưng trong khi chưa có sơ kết về các đúng - sai của mô hình tập đoàn thì nhiều tập đoàn đã được tiếp tục thành lập như Tổng công ty Viễn thông quân đội, Tổng công ty Hóa chất Việt Nam, các tập đoàn công nghiệp xây dựng - cơ khí nặng và tập đoàn đầu tư kinh doanh bất động sản (Bộ Xây dựng)?

- Nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng sau một thời gian thí điểm, mô hình tập đoàn đang phát triển tràn lan. Thí điểm thì có thể chỉ với 3-5 tập đoàn, nhưng số lượng thực tế lớn hơn nhiều, do vậy cần sớm sơ kết, tổng kết mô hình tập đoàn để có đánh giá toàn diện. Hiện nay Nhà nước khuyến khích phát triển các thành phần kinh tế khác nhau, trong đó có các doanh nghiệp vừa và nhỏ, đây là khu vực năng động, không những đóng góp nhiều cho nền kinh tế mà còn giải quyết việc làm cho người lao động rất hiệu quả. Như vậy cần thực hiện đúng chủ trương là cùng với quá trình thành lập mới các tập đoàn thì không được làm suy yếu năng lực và sức cạnh tranh của các thành phần kinh tế khác; không làm tăng cửa quyền, độc quyền doanh nghiệp trong các lĩnh vực kinh doanh ấy. Đây cũng là một lý do để nhiều chuyên gia kinh tế đặt vấn đề liệu có nên xây dựng một nghị định riêng cho tập đoàn kinh tế nhà nước hay không, vì chủ trương chung là môi trường kinh doanh phải bình đẳng. Như vậy cuộc giám sát của Quốc hội lần này phải trả lời được những câu hỏi liên quan đến thí điểm mô hình tập đoàn. Ví dụ như thí điểm trong thời gian bao lâu, trong quá trình thí điểm thành lập bao nhiêu tập đoàn là vừa phải, chỉ nên thí điểm những lĩnh vực nào... Quan điểm của tôi là chỉ nên hình thành tập đoàn kinh tế nhà nước trong một số ngành, lĩnh vực thật sự quan trọng cho phát triển kinh tế quốc dân.

* Đã có nhiều phê phán việc các tập đoàn nhà nước quan tâm đầu tư vào các lĩnh vực có nhiều rủi ro và không chuyên ngành với tỉ lệ vốn cao. Quan điểm của ông thế nào?

- Hiện nay đã có chủ trương rà soát, rút kinh nghiệm và chấn chỉnh việc đầu tư vào lĩnh vực ngân hàng thương mại, chứng khoán, bất động sản đối với những tập đoàn không phải kinh doanh chính ở các lĩnh vực này. Vấn đề ở đây là rủi ro không chỉ đến với riêng các tập đoàn mà còn cả hệ thống ngân hàng. Như vậy việc giám sát cần làm rõ việc “lấn sân” của các tập đoàn thời gian qua đến đâu, ở mức độ nào, chứ không nên chỉ dừng lại ở việc phê phán “lấn sân” một cách chung chung.

* Có nhiều lý do để các tổng công ty muốn được trở thành tập đoàn, theo ông, lý do nào đáng nói nhất?

- Cần khẳng định chủ trương hình thành các tập đoàn kinh tế mạnh cho đất nước là đúng đắn, theo đó việc các tổng công ty đủ nguồn lực để xin lên tập đoàn là nguyện vọng chính đáng, tuy nhiên không thể tách rời sự quản lý của Nhà nước trong việc “lên đời” này. Nếu như chúng ta đã xây dựng được đầy đủ tiêu chí cho việc thành lập tập đoàn thì cứ thế mà thực hiện, nhưng vấn đề ở đây là cơ chế, chính sách chưa đầy đủ. Tất nhiên khi lên tập đoàn thì vị thế và các cơ chế đi theo cho doanh nghiệp sẽ được Chính phủ tạo điều kiện hơn.

* Quá trình cổ phần hóa trong các tập đoàn nếu không được Chính phủ quản lý chặt chẽ có thể dẫn đến thất thoát vốn nhà nước. Việc giám sát của Quốc hội cũng cần chú ý đúng mức đến vấn đề này?

- Lợi thế kinh doanh của doanh nghiệp ở đây bao gồm cả lợi thế về vị trí địa lý, giá trị thương hiệu và tiềm năng phát triển. Khi thực hiện cổ phần hóa có hai cái liên quan đến tài sản nhà nước là tài sản hữu hình và tài sản vô hình. Riêng câu chuyện về đất đai, chúng ta đã biết nhiều doanh nghiệp được sở hữu những vị trí đắc địa, không những là “đất vàng” mà còn là “đất kim cương”, nhưng thực tế chưa được tính toán một cách thỏa đáng vào giá trị cổ phiếu bán trên thị trường. Đây là câu chuyện cần mổ xẻ kỹ lưỡng. Một cuộc giám sát mới đây cho thấy nhiều thương hiệu nổi tiếng của ta đã được định đoạt tương đối dễ dàng nhưng không theo một quy tắc nào cả, và thường là do quyết định của cấp có thẩm quyền phê duyệt giá trị doanh nghiệp. Đơn cử như thương hiệu Vinaconex được Bộ Xây dựng thống nhất tính 100 tỉ đồng, Vinacafe của Công ty Cà phê Biên Hòa được định giá 5 tỉ đồng, còn thương hiệu Vinashin được tính bằng 30% vốn điều lệ của bất kỳ công ty thành viên hay liên kết của Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy. Tuy nhiên, nhiều thương hiệu như Sông Đà của Tổng công ty Sông Đà, Satra của Tổng công ty Thương mại Sài Gòn, trong đó có thương hiệu Vissan, thực phẩm Cầu Tre... chưa được tính. Trong khi đây là những thương hiệu nổi tiếng đã được xây dựng bằng nguồn vốn của Nhà nước trong hàng chục năm qua.

Những việc làm dẫn đến thất thoát vốn nhà nước trong các tập đoàn có thể được phát hiện qua giám sát, kiểm tra, thanh tra, nhưng đi cùng với đó Chính phủ phải xây dựng được hệ thống chế tài khả thi để hạn chế sai phạm, gây thất thoát tài sản nhà nước trong quá trình cổ phần hóa.

Công khai kết quả giám sát

Trao đổi với TTCT, phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Viết Ngoạn (phó trưởng đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tình hình thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại các tập đoàn, tổng công ty nhà nước) cho biết nội dung cuộc giám sát tập trung vào các vấn đề lớn. Thứ nhất là đánh giá tình hình quản lý nhà nước về việc quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại các tập đoàn, tổng công ty nhà nước (trong đó có các ngân hàng thương mại); làm rõ cơ chế quản lý doanh nghiệp và quản lý tài chính hiện nay như: cơ chế đại diện chủ sở hữu; việc phân cấp, phân quyền giữa Chính phủ, bộ, UBND tỉnh, thành phố, HĐQT. Thứ hai là việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại các tập đoàn, tổng công ty, đánh giá tình hình giao vốn nhà nước đầu tư cho tập đoàn, tổng công ty; quy mô, cơ cấu vốn chủ sở hữu và nguồn vốn; năng lực tài chính, bao gồm cả khả năng thanh toán nợ, hệ số an toàn vốn; đánh giá tình hình vốn đầu tư vào doanh nghiệp khác, trong đó làm rõ tình hình đầu tư vốn vào các lĩnh vực nhạy cảm như tài chính, ngân hàng, bất động sản. Thứ ba, kiến nghị cụ thể những văn bản cần xây dựng mới, cần sửa đổi, bổ sung cũng như giải pháp nhằm nâng cao năng lực tài chính, nâng cao việc sử dụng vốn, tài sản nhà nước... Theo ông Vũ Viết Ngoạn, do cuộc giám sát mới bắt đầu nên chưa có những kết quả cụ thể, tuy nhiên sau này kết quả giám sát sẽ được công khai và trình Quốc hội thảo luận vào kỳ họp cuối năm 2009.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận