Không thể có bất ngờ!

KHƯƠNG XUÂN 16/07/2012 20:07 GMT+7

TTCT - Với thể thao Việt Nam (TTVN), Olympic London (từ ngày 27-7 đến 12-8) ghi nhận kỷ lục về số VĐV tham dự: 18 VĐV giành vé bằng cửa chính. Phấn đấu có huy chương là chỉ tiêu của đoàn, nhưng giới chuyên gia cho rằng nhiệm vụ này không dễ dàng.

Phóng to

Phan Thị Hà Thanh, niềm hi vọng của TDDC tại Olympic London - Ảnh: Nga Nguyễn

Để chuẩn bị mục tiêu Olympic, từ đầu năm 2011 Tổng cục TDTT đã lên kế hoạch, khoanh vùng và đầu tư trọng điểm cho 60 VĐV của 14 môn. Kết quả có 19 VĐV (kể cả tay bơi Hoàng Quý Phước dù đạt chuẩn nhưng không được dự Olympic) của 11 môn đạt chuẩn B đến Olympic bằng cửa chính. Đây có thể coi là một bước tiến của TTVN trên bước đường đến với đấu trường danh giá nhất của thể thao thế giới.

Nhầm lẫn mục tiêu?

Trong lịch sử tham dự Olympic của các quốc gia trong khu vực, Thái Lan dẫn đầu với 21 huy chương (7 HCV, 4 HCB, 10 HCĐ), Indonesia 25 huy chương (6 HCV, 9 HCB, 10 HCĐ), Philippines 9 huy chương (2 HCB, 7 HCĐ)... Việt Nam chỉ mới có 2 HCB (Trần Hiếu Ngân, Sydney 2000 và Hoàng Anh Tuấn, Bắc Kinh 2008), ngang bằng với Singapore.

Theo ông Nguyễn Hồng Minh - nguyên vụ trưởng Vụ Thể thao thành tích cao, mục tiêu của TTVN ở đấu trường Olympic trong thời gian gần đây không phải là giành huy chương mà là phấn đấu đạt chuẩn để tham dự. Chính vì vậy, các VĐV có cơ hội tranh huy chương Olympic cũng chỉ được đầu tư như các VĐV tranh cơ hội lấy vé, dẫn đến hệ quả là không ai được đầu tư đặc biệt, tạo sự bứt phá trong thành tích thi đấu.

Ông Minh cho biết: “Từ hai năm trước những Lê Huỳnh Châu (taekwondo), Trần Lê Quốc Toàn, Thạch Kim Tuấn (cử tạ)... đã được xác định là những VĐV tiềm năng, trọng điểm của TTVN cho đấu trường châu lục và Olympic. Tuy nhiên, quá trình chuẩn bị cho Olympic của họ cũng không khác so với các VĐV giành vé khác. Tôi cho rằng có sự nhầm lẫn nào đó. Ngành thể thao chỉ đề ra mục tiêu vượt qua vòng loại, nhưng hiện nay chúng ta đến Olympic không phải để học hỏi nữa mà là để giành huy chương.

Hiện TTVN đã thực hiện tốt mục tiêu giành vé, việc giành huy chương trở nên khó khăn bởi những VĐV này không được đầu tư trọng điểm từ hai năm trước”.

Có huy chương: hi vọng mong manh

Trao đổi với TTCT, trưởng đoàn TTVN tại Olympic London Lâm Quang Thành khẳng định: “Đừng chờ đợi vào sự bất ngờ về thành tích tại London. Thành tích chỉ có khi chúng ta có sự chuẩn bị thật kỹ lưỡng, đấu trường Olympic không thể có bất ngờ nếu không có sự chuẩn bị thật tốt”.

Theo ông Thành, trong số 11 môn tham dự Olympic lần này, đoàn TTVN kỳ vọng nhất vào cử tạ, taekwondo và thể dục dụng cụ (TDDC). Tuy nhiên, giới chuyên môn cho rằng cơ hội giành huy chương lần này thấp hơn nhiều so với Bắc Kinh 2008. Ông Đỗ Đình Kháng, trưởng bộ môn cử tạ, cho biết với thành tích tổng cử 279-280kg, Trần Lê Quốc Toàn đang đứng thứ tư thế giới ở hạng 56kg. Theo tính toán của ông Kháng, muốn giành huy chương, tổng cử của Toàn phải đạt tối thiểu 280kg trở lên. Ông Kháng đánh giá cơ hội của Toàn ngang ngửa với HCB Olympic Bắc Kinh Hoàng Anh Tuấn.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Hồng Minh cho rằng Toàn còn trẻ, thiếu kinh nghiệm thi đấu quốc tế. Khi giành HCB Olympic Bắc Kinh, Tuấn trước đó luôn đứng trong top 3 thế giới ở hạng cân 56kg (thường xuyên đứng vị trí thứ hai). Tuấn từng giành HCB thế giới, HCV châu Á... dày dạn trận mạc hơn Toàn nhiều. Do vậy, việc Toàn có huy chương chỉ dám nói là hi vọng.

Với TDDC, khả năng giành huy chương cũng rất mong manh. HLV Nguyễn Thị Thanh Thúy (HLV trực tiếp của Phan Thị Hà Thanh) cho biết Hà Thanh phấn đấu vào top 8 có mặt tại chung kết đơn môn nhảy ngựa đã là thành công quá lớn. Trong hơn hai tháng chuẩn bị cho Olympic, Hà Thanh phải “tập chay” (không có HLV) với trang thiết bị đã quá cũ nát.

Cuối tháng 5, Hà Thanh và các VĐV mới được đưa đi tập huấn Trung Quốc, sau đó là hai tuần ở Hàn Quốc để nâng độ khó của bài. Khoảng thời gian này, theo cô Thúy, là quá ít. “Với VĐV TDDC, dụng cụ tập luyện quyết định tới 60% chất lượng bài tập. Thế nhưng Hà Thanh chỉ có một ít thời gian để nâng độ khó của bài và làm quen với dụng cụ sẽ thi đấu tại Olympic” - cô Thúy cho biết. Các HLV đánh giá bài của Hà Thanh hiện chỉ đạt mức độ khó ở trung bình khá.

Phóng to
Tay bơi 16 tuổi Nguyễn Thị Ánh Viên là thành viên trẻ nhất trong lịch sử đoàn TTVN tham dự Olympic bằng vé chính thức - Ảnh: Nga Nguyễn

Taekwondo sẽ là môn thứ ba trong nhóm các môn có hi vọng huy chương, nhưng ông Nguyễn Hồng Minh cho rằng Chu Hoàng Diệu Linh thiếu kinh nghiệm, kỹ thuật, thể lực chưa tốt. Trong khi đó, dù có kinh nghiệm, kỹ thuật nhưng thể lực của Lê Huỳnh Châu lại kém. Với thành tích HCĐ thế giới, Huỳnh Châu vào được bán kết đã là quá xuất sắc. “Còn việc giành huy chương là xác suất rất thấp” - ông Minh nói.

Các môn bắn súng, vật, đua thuyền, điền kinh... gần như không có cơ hội giành huy chương. Giới chuyên môn cho rằng xạ thủ Hoàng Xuân Vinh và Lê Thị Hoàng Ngọc chỉ cần vào đến loạt bắn chung kết đã là tuyệt vời. “Cử tạ là niềm hi vọng số 1 giành huy chương nhưng chỉ dám nói có hi vọng nhất. Cũng có thể gọi là bất ngờ nếu các VĐV vượt qua được chính mình” - ông Nguyễn Hồng Minh đánh giá.

Ám ảnh doping

Dù thành tích trên đấu trường quốc tế rất thấp, nhưng nhiều đại hội gần đây đoàn TTVN đều có tên trong danh sách các VĐV dính doping (dương tính với chất cấm). Năm 2008 Đỗ Thị Ngân Thương dương tính với chất lợi tiểu giúp giảm cân trong quá trình tham dự Olympic Bắc Kinh. Năm 2010, Hoàng Anh Tuấn bị xét nghiệm doping dương tính trước Asiad Quảng Châu và bị cấm tranh tài hai năm.

Bác sĩ Nguyễn Văn Phú, trưởng khoa y học thể thao Bệnh viện thể thao VN, bác sĩ của đoàn TTVN tại Olympic và là hội viên Hội đồng phòng chống doping châu Á, cho biết: “Trong quá trình tập luyện, các VĐV, HLV đã được phổ biến danh mục hơn 1.000 thuốc cấm và các thực phẩm có thể chứa chất cấm. Tuy nhiên, thói quen ăn uống, sinh hoạt và cả sự thiếu hiểu biết đều là nguy cơ tiềm ẩn dẫn đến dương tính với doping.

Chúng tôi làm hết sức mình và chỉ hi vọng sẽ không có sự cố nào liên quan đến doping của đoàn TTVN tại London”.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận