Khủng hoảng cây xăng: Ai sẽ phải hy sinh?

KHÁNH LINH 15/10/2022 04:13 GMT+7

TTCT - Hình ảnh tưởng chừng chỉ có ở thời xa vắng cách đây 30 năm qua diễn ra tuần rồi ở Sài Gòn hoa lệ và các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long sung túc: mỗi người chỉ được mua 30.000 đồng tiền xăng, đủ để chạy khoảng 40km, tương ứng với 1, 2 ngày đường đi làm.


Khủng hoảng cây xăng:  Ai sẽ phải  hy sinh? - Ảnh 1.

Ảnh: Grist

Lý do: chủ cây xăng không muốn bán, vì càng bán càng lỗ.

Lợi nhuận bằng 0 có nên kinh doanh?

Đấy là lập luận của giới chủ cây xăng. Tiền lời của họ có được chỉ duy nhất từ một nguồn là chiết khấu bán hàng của đầu mối phân phối xăng dầu - đại khái ta hiểu là nhà bán sỉ - mà chủ sỉ lớn nhất là nhà nhập khẩu chủ lực Petrolimex. 

Giá nhập khẩu do nhà bán sỉ nắm, giá vận chuyển đến kho nhà bán lẻ do thị trường quyết định, mà nửa năm nay cái gì liên quan đến logistics đều tăng.

Giá bán thì lại do hai bộ quyết: Bộ Công Thương đưa ra trên cơ sở công thức tính toán của Bộ Tài chính. Bộ Tài chính lại nắm luôn trách nhiệm không để giá cả hàng hóa tăng quá cao, ảnh hưởng đến chỉ số lạm phát và kinh tế vĩ mô. 

Bộ này do đó ấn định luôn giá xăng phải giảm cao hơn và tăng thấp hơn mức biến động của giá xăng dầu nhập khẩu. Với đầu bài như thế, các nhà bán sỉ, để có lời hoặc không lỗ, buộc phải điều chỉnh một tham số trong công thức tính giá bán từ n xuống 0%: chiết khấu bán hàng cho đại lý.

Nhà bán lẻ xăng dầu, ở đây hiểu nôm na là cây xăng, rơi vào tình trạng bán hàng đúng bằng giá mua, thậm chí còn thấp hơn vì phải trả các khoản phí khác mà không được tính là chi phí đầu vào, ví dụ như phí vận chuyển. Cây xăng càng bán càng lỗ, không biết kêu ai, nên chọn phương án bán cầm chừng để khỏi bị cơ quan chức năng tước giấy phép và giảm thiểu khoản lỗ.

Điều này dẫn đến hiện tượng bi hài: thay vì ít đi lại để tiết kiệm xăng, người tiêu dùng lại phải đi nhiều hơn, xa hơn để… mua xăng. Thậm chí để mua được vài lít xăng, có người còn buộc phải bịa ra những lý do cay đắng lẫn hạ thấp phẩm giá của mình.

Nhà chức trách có lý của mình khi cho rằng chiết khấu bán hàng là chuyện của thị trường, không phải lúc nào cũng là con số dương, và đã kinh doanh thì có lúc lời lúc lỗ, thương nhân nên biết chia sẻ với quốc gia những lúc khó khăn như thế này. 

Khi thuận lợi, chiết khấu cao thì không thấy ai ý kiến gì. Vả lại nhìn thực tế, có mấy ai buôn bán xăng dầu mà nghèo đi, phá sản hay phải đi lừa đảo như giới buôn bán chứng khoán, bất động sản đâu?!

Vì mục đích đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, dù giá xăng dầu có thể méo mó một chút, không phù hợp lắm với quy luật giá cả thị trường, Bộ Tài chính vẫn cương quyết thực thi chính sách "zero profit" - lợi nhuận bằng 0, thậm chí là bất chấp cả những than phiền từ chính Bộ Công Thương và cả giới chủ cây xăng miền Tây, những người đang đồng loạt lên tiếng với tận Thủ tướng Chính phủ.

Về góc độ quản lý vĩ mô, có thể thấy chính sách cứng rắn mang tính áp đặt của Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước hiện ít ra là nhất quán và đồng bộ với các công cụ quản lý khác đã được đưa vào thực thi nhằm ổn định nền kinh tế trong tình trạng bất trắc bủa vây, như siết room tín dụng, nâng lãi suất tiền gửi, kìm giữ tỉ giá tiền đồng…

Tất cả đều có cùng tác dụng không cho giá cả tăng, kiềm chế sự mất giá của đồng tiền nội địa, ổn định kinh tế vĩ mô. Đổi lại, tăng trưởng có thể không đạt như mục tiêu đề ra, tiêu dùng có thể sụt giảm, và những thiếu hụt cục bộ có thể xuất hiện. 

Tuy nhiên phải thấy rằng sự ổn định lúc này đang là ưu tiên hàng đầu, khi quá nhiều rủi ro đang lấp ló phía trước. Các bộ ngành chức năng không ngần ngại thực thi một số chính sách kinh tế cứng rắn hơn bình thường không phải là hoàn toàn vô lý.

Có thể win - win?

Riêng với vấn đề xăng dầu, câu hỏi đặt ra là liệu có thể tìm ra một giải pháp trung dung hài hòa được các lợi ích, vừa đảm bảo đầu mối nhập khẩu có lời, doanh nghiệp bán lẻ không lỗ và giá đổ xăng tăng ở mức chấp nhận được? 

Đấy là kết quả lý tưởng mà các bên tham gia kinh doanh xăng dầu hẳn cũng mong muốn. Tuy nhiên, một miếng bánh chia ba thì có khi không ai được gì và mục đích chung lại không đạt được.

Nhìn vào cách điều hành của Bộ Tài chính, có thể phỏng đoán bộ này đã chọn giải pháp buộc một bên - thành phần có khả năng chịu đựng cao nhất - hy sinh cho mục đích đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô của toàn xã hội. 

Họ biết rõ về ngắn hạn chủ cây xăng sẽ thua lỗ và phản ứng, nhưng về lâu dài, lợi nhuận từ kinh doanh cây xăng vẫn đủ để không đến mức phải chấm dứt kinh doanh.

Cắt giảm các khoản chi phí khác trong giá cơ sở, bao gồm các loại thuế, phí, sẽ động chạm đến ngân sách quốc gia, vốn năm nay đã sẵn nhiều yếu tố bất lợi do sụt giảm xuất khẩu. 

Thêm nữa, việc bỏ các loại thuế, phí không phải là chuyện dễ tự quyết ở cấp bộ, còn điều chỉnh để giá bán tăng theo đúng quy luật kinh doanh phải có lợi nhuận mới làm, thì bao nhiêu công sức kiềm chế lạm phát từ đầu năm có thể đổ sông đổ bể. Lạm phát tăng cao trở lại sẽ là lợi bất cập hại cho cả nền kinh tế.

Ở đây thử đề ra một giải pháp kỹ thuật, mang tính tình thế, cho tình trạng hiện tại, ít ra là tới khi có một giải pháp căn cơ hơn, hoặc khi thị trường ổn định trở lại. Cụ thể, có thể xây dựng một thỏa thuận về mức bù lỗ cho cây xăng - sẽ được xác định cụ thể trong tương lai - ví dụ cuối năm tài chính.

Kỹ thuật này thường được áp dụng trong kinh doanh sản phẩm điện máy, gọi là "blind bonus", tức các khoản hỗ trợ không xác định chính xác con số, nhưng chắc chắn sẽ có nếu doanh nghiệp thực hiện được một mục tiêu tối thiểu nào đó. 

Với mặt hàng xăng dầu trong hoàn cảnh này, mục tiêu đó sẽ là sản lượng tiêu thụ của cây xăng, tức nếu một cây xăng đạt được ít nhất, nói ví dụ 75% lượng bán ra của năm ngoái trong một quãng thời gian cụ thể, thì sẽ được bù lỗ một khoản tiền X tương ứng từ ngân sách.

Đây là một giải pháp chữa cháy, nhưng có thể thực hiện trong hoàn cảnh đặc thù như hiện tại. Có thể hy vọng nó sẽ được giới bán lẻ xăng dầu chấp nhận, dù là miễn cưỡng, và vẫn giữ được mục tiêu kiềm chế giá. 

Thực tế thị trường cho thấy cuộc lãn công của các cây xăng không xảy ra đồng loạt. Đó cũng là điều dễ hiểu: ở các thị trường khác nhau, doanh nghiệp đầu mối có thể có những chiến thuật khác nhau.

Một điều nữa không thể không nói tới: doanh nghiệp xăng dầu đầu mối cần coi đây là dịp để tái cơ cấu bộ máy sản xuất kinh doanh, nỗ lực cắt giảm chi phí ở các khâu mà họ có quyền chủ động, như logistics, kho bãi, hao hụt, tối ưu tồn kho… 

Một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng giá bán thấp hơn giá tồn kho hiện giờ là doanh nghiệp đầu mối dự báo sai tình hình giá dầu thế giới, nên vào quý 2 đã tăng tồn kho nhập khẩu, trong khi quý 3 giá dầu thế giới lại lao dốc.

Một điểm yếu nữa của hệ thống kinh doanh xăng dầu Việt Nam là có quá nhiều đầu mối nhập khẩu: 36 - để so sánh, Nhật Bản, với nền kinh tế lớn gấp gần 20 lần và tiêu thụ xăng dầu gấp 7 lần Việt Nam, chỉ có 5. 

Đấy là lý do Bộ Tài chính quy trách nhiệm cho Bộ Công Thương về công tác điều hành. Tính manh mún của các đầu mối nhập khẩu khiến khả năng cắt giảm chi phí để làm đòn bẩy chống điều chỉnh giá tăng giảm đi nhiều.■

Trạng huống này của thị trường cũng chỉ ra một vấn nạn khó giải quyết triệt để của ngành kinh doanh máu của nền kinh tế này: xăng dầu giả và nhập lậu. Đã có nghi vấn rằng các nguồn cung cấp xăng lậu, xăng giả bị bóc dỡ quyết liệt thời gian qua là một phần lý do khiến các cây xăng không có nguồn đầu vào giá rẻ. Nhà nước và các cơ quan điều hành cần trả lời được rõ ràng và dứt khoát cho người dân là không có chuyện đó.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận