TTCT - Thứ năm tuần rồi 9-9, bà Agnès Buzyn, cựu Bộ trưởng Y tế Pháp, đã bị Tòa án Công lý Cộng hòa (CJR) triệu tập vì “bỏ cuộc trong khi chống chọi với thảm họa” thuộc quyền quản lý của bà khi bắt đầu đại dịch COVID. Sau bà Buzyn, e rằng sẽ tới phiên một số quan chức cao cấp khác của Pháp. Trách nhiệm của bà cựu bộ trưởng và các cộng sự như thế nào? Đằng sau vụ này còn có thể là gì khác? Bà Buzyn, đã từ chức vào tháng 2-2020 sau hơn hai năm rưỡi làm bộ trưởng để ra tranh cử thị trưởng Paris rồi thất cử, được mô tả là “thẫn thờ” sau khi kết thúc buổi “ra mắt” tòa hôm 10-9. Bà Agnes Buzyn. Ảnh: Axios Tờ Libération cùng ngày loan tin: “Khi kết thúc phiên điều trần marathon bắt đầu vào buổi sáng trước các thẩm phán của CJR, bà Agnès Buzyn bị truy tố vì “gây nguy hiểm đến tính mạng người khác” liên quan đến việc quản trị đại dịch COVID-19. Bà cũng được tòa xác định là nhân chứng cần giám sát vì “tự bỏ cuộc trong việc chống chọi thảm họa””. Tờ L’Express nói bà Buzyn đã không thuyết phục được các thẩm phán rằng không có đủ bằng chứng nghiêm túc hoặc phù hợp để chống lại bà. Bà thẫn thờ sau một ngày bị lấy lời khai là phải. Quy chế “nhân chứng cần giám sát”, theo luật hình sự Pháp, là trạng thái ở giữa “nhân chứng thông thường” và “bị cáo”. Khác biệt duy nhất là “nhân chứng cần giám sát” chưa bị đeo vòng điện tử hay tạm giam. Từ khiếu kiện của người dân Quyết định triệu tập bà Buzyn của CJR, một tòa án đặc biệt được lập từ năm 1993 sau vụ bê bối truyền máu bị nhiễm hàng loạt dưới thời Thủ tướng Laurent Fabius, nhằm xét xử các quan chức chính phủ bị cho là phạm pháp trong khi thi hành nhiệm vụ, không phải chuyện một sớm một chiều, mà xuất phát từ đơn khiếu kiện của rất nhiều người dân Pháp, bao gồm cả giới y tế. Hôm 6-9, CJR cho biết đã nhận và xử lý 14.500 đơn khiếu nại kể từ khi cuộc khủng hoảng y tế bắt đầu. Phần lớn trong số này là những khiếu nại từ một mẫu soạn sẵn do văn phòng luật sư Fabrice Di Vizio đưa lên mạng, người dân chỉ việc ký tên và gửi. Luật sư này nổi tiếng trong vai trò bình luận viên một chuyên mục truyền hình và qua những tuyên bố phản đối chiến lược chống COVID của chính phủ. Ngay trong ngành y, 40 bác sĩ đã cùng ký đơn tố cáo Nhà nước Pháp sai phạm trong việc xử lý cuộc khủng hoảng, cụ thể là cả bà Buzyn lẫn đương kim Bộ trưởng Y tế Olivier Véran, cựu Thủ tướng Edouard Philipp và Tổng giám đốc Y tế công cộng Jérôme Salomon. Các bác sĩ này tố cáo “Nhà nước Pháp đã thất bại trong việc phân phối khẩu trang, xét nghiệm, các thiết bị và phương pháp điều trị”, trang web Egora của nhân viên ngành y tế Pháp 9-6-2020 loan báo. Một đơn tập thể khác của 55 giáo viên thuộc nhóm “Cây viết đỏ” tố cáo Bộ trưởng Giáo dục Jean-Michel Blanquer “đã không bảo vệ nhân viên các nhà trường khỏi nguy cơ lây nhiễm”. Nicolas Glière, người phát ngôn của “Cây viết đỏ”, vốn quy tụ 74.200 thành viên trong ngành giáo dục, lớn tiếng: “Trước mặt chúng tôi là một ông bộ trưởng hoàn toàn phủ định thực tế khi muốn các trường học không đóng cửa… Đóng cửa nhà trường vài tuần đâu có chết ai!”. Thiệt ra, “Cây viết đỏ” không đòi đóng cửa hết các trường, mà chỉ ở những nơi đang có dịch, còn ở nơi khác thì giảm sỉ số phân nửa để bảo vệ giáo viên và gia đình họ. Trên đây là khiếu nại từ vài nhóm tiêu biểu nhất. Ngay trong giai đoạn một từ ngày 24-3-2020, Văn phòng Công tố Paris đã tập hợp vài trăm khiếu nại để giải quyết. Trong giai đoạn hai, Văn phòng ghi nhận khoảng 6.600 khiếu nại tố cáo các tác dụng phụ liên quan đến việc đeo khẩu trang cho trẻ em. Sau đó, họ nhận và xử lý tiếp gần 9.600 đơn tố cáo các tác dụng phụ của vaccine. Cuối cùng là 1.400 khiếu nại cáo buộc các cơ quan công quyền quảng cáo “có lợi cho việc tiêm chủng”, lập luận rằng việc quảng cáo thuốc, vaccine trong Bộ Y tế là “trái với quy định của pháp luật”. Những kiện cáo đó có thể nghe lạ tai, nhưng ở Pháp hay Mỹ, dư luận có thể và có quyền chọn nghe hay không nghe theo các chính sách của nhà nước, nên khi nhà nước quảng bá chích ngừa, dễ bị “ăn gạch đá” là vì lợi ích của các hãng vaccine!Điều tra tư pháp Không đợi tới năm nay, ngay từ ngày 7-7-2020, cuộc điều tra tư pháp với ông Philippe và hai bộ trưởng y tế liên tiếp của ông đã mở màn với cáo buộc tội danh “bỏ cuộc không chống thảm họa”, mà hình phạt có thể là hai năm tù giam và khoản tiền 30.000 euro. Đến mùa thu, các cuộc khám xét đã diễn ra ở văn phòng và nhà của các ông Véran, Philippe, và các bà Buzyn, Sibeth Ndiaye (cựu phát ngôn viên chính phủ). Tổng giám đốc Y tế Salomon và Tổng giám đốc Y tế cộng đồng Pháp Geneviève Chêne cũng bị nhắm đến. Đến tuần rồi, bà Buzyn trở thành nhân vật cộm cán đầu tiên của chính phủ bị CJR triệu tập, trở thành mục tiêu chính thức của cuộc “săn lùng” những quan chức chính phủ ra quyết định về quản trị dịch bệnh ở Pháp. Danh sách còn bao gồm cả đương kim Thủ tướng Jean Castex, Bộ trưởng Giáo dục Blanquer, và Bộ trưởng Vận tải Jean-Baptiste Djebbari. Tội danh cáo buộc với bà Buzyn nhiều khả năng cũng sẽ là tội danh CJR nêu với các quan chức chính phủ khác. Chi tiết về cuộc chất vấn ở tòa tuần rồi chưa được tiết lộ, song cũng có thể đoán được nội dung qua tìm hiểu các cuộc điều tra bà Buzyn vào năm ngoái, đặc biệt là cuộc điều trần ngày 22-9-2020 tại Thượng viện. Tại đó, đầu tiên bà Buzyn đã bị hỏi về trách nhiệm của mình, căn cứ trên những hiểu biết của bà thời điểm đó: “Bà đã dựa vào dữ liệu khoa học nào để loan báo với công chúng hôm 24-1, sau khi họp hội đồng bộ trưởng, rằng nguy cơ virus du nhập vào thực tế là “bằng không” và nguy cơ lây lan “rất thấp”? Vào thời điểm đó, bà nói rằng dịch bệnh chỉ giới hạn ở châu Á”. Câu hỏi khai cuộc này rất ý nghĩa. Làm lãnh đạo không thể phát biểu tùy thích được, càng không được nói nhăng nói cuội, không dựa trên cơ sở dữ kiện, nhất là khi đứng đầu một ngành như y tế. Câu trả lời của bà Buzyn tất nhiên để cứu lấy thân. Một câu hỏi khác liên quan đến chuyên môn “nền” của bà, một giáo sư huyết học và dịch tễ học: “Liên quan đến sàng lọc, ngay từ rất sớm, ở Đức đã đạt được sự đồng thuận về việc nhanh chóng xét nghiệm, còn ở Pháp chỉ có giáo sư [Didier] Raoult nói như vậy vào thời điểm đó, nhưng ông đã không đạt được sự đồng thuận. Bản thân ông cũng thừa nhận rằng các nhà dịch tễ học Pháp nói rằng không có ích lợi gì trong việc xét nghiệm vì không có phương pháp điều trị. Ý kiến của bà về vấn đề này như thế nào?”. Câu hỏi cho thấy sự am tường chuyên môn cũng như bám sát thời sự của người hỏi, mà mục đích là để kiểm tra bà cựu bộ trưởng nhằm đánh giá năng lực làm việc của bà vào thời điểm bắt đầu dịch, để coi bà có nắm vững vấn đề và thời sự lúc đó hay không, rồi từ đó đánh giá bà có xứng làm bộ trưởng không.Câu trả lời của bà Buzyn cũng không vừa: “Hồi đó tôi liên lạc rất thường xuyên với Jens Spahn, Bộ trưởng Y tế Đức… Tôi có biết vào thời điểm bắt đầu đợt dịch tháng 3, người Đức đã gộp các mẫu bệnh phẩm xét nghiệm lại thành từng lô mười mẫu. Một xét nghiệm PCR duy nhất được sử dụng để kiểm tra mười bệnh nhân. Chiến lược này dường như đã giúp họ tiết kiệm được 80% lượng thuốc thử. Vấn đề là câu chuyện xét nghiệm quy mô lớn để sàng lọc chỉ được đặt ra sau khi tôi rời nhiệm sở”. Mở ngoặc đơn ở đây: Từ nửa năm qua, ở Việt Nam cũng gộp nhiều mẫu để tiết kiệm chi phí và đẩy nhanh xét nghiệm trên diện rộng.Đến đây, một điều tra viên khác ngắt ngang: “Bà mới đề cập đến chuyện xét nghiệm. Không ai hồi cố nói rằng dân số lẽ ra cần được xét nghiệm từ tháng 1 và tháng 2. Những gì chúng tôi muốn nói là lẽ ra đã phải chuẩn bị cho việc sản xuất các bộ xét nghiệm để có thể kiểm tra toàn dân. Đây là điều mà người Đức đã làm. Theo những thông tin chúng tôi thu thập được, chúng tôi thấy rằng Viện Pasteur đã làm tốt công việc của họ. Những ngày cuối tháng 1, đã sẵn sàng các bộ xét nghiệm. Tại sao sau đó lại không khởi động?”. Có thể thấy các điều tra viên đã thay nhau đặt câu hỏi theo kiểu xa luân chiến nhằm cố gài bà Buzyn vào thế hớ hênh. Giữa dân và nhà nướcCâu chuyện “không nắm tình hình”, “không làm chủ tình thế”, để rồi “gây nguy hiểm đến tính mạng của người khác” là điều không ít nhà cầm quyền đã phạm phải trong đợt dịch vừa rồi. Thế mới càng thấy lãnh đạo không phải là “thánh linh” để tinh thông bá nghệ, cái gì cũng đòi chỉ đạo cho được! Các câu hỏi xoáy bà Buzyn nhằm soi xem bà có phải hạng “chỉ đạo sĩ” kiểu đó không, khiến dân Pháp chết hàng loạt hồi đầu. Tất nhiên, không ai tắm hai lần một dòng sông, các câu hỏi của cuộc điều tra ở Thượng viện năm ngoái, nếu có lặp lại trong cuộc thẩm vấn ở tòa tuần rồi, chắc còn cắc cớ hơn nhiều, khiến bà Buzyn rời trụ sở tòa xong là thành “xác biết đi” luôn!Một câu hỏi trực tiếp khác liên quan đến trách nhiệm của bà Buzyn là việc bà giải thích sao việc bỏ nhiệm sở khi đang có dịch? Bà nói đại ý rằng đó là một quyết định thuần túy của dân làm chính trị, mà bà cho là một “quyết định dấn thân”, dù “dấn thân” hay “tham vọng” tất nhiên là tùy diễn giải. Nhưng quả đúng là bà Buzyn có phần đau đớn với quyết định ra tranh cử đô trưởng Paris để rồi thất cử trong cuộc bầu cử địa phương ngày 15-3-2020 mà ngài Tổng thống Emmanuel Macron dứt khoát tổ chức “cho bằng được”, dù hôm đó Pháp đã đếm được 5.423 ca, và 127 ca tử vong. Nô nức đi bầu hôm 15-3 xong, tới 31-3, vừa đủ hai tuần ủ bệnh, số ca nhiễm từ hơn 5.000 vọt lên hơn 52.000, và tử vong là 3.523! Nước Pháp chính thức “vỡ trận”: giờ là 6,9 triệu ca nhiễm, 116.000 người chết (Our World in Data 13-9-2021). Chỉ nhờ vaccine mới giảm được tốc độ nhiễm.Trong cuộc điều tra, bà Buzyn đã đưa ra một tiết lộ lý thú. Theo bà, khúc quanh đối với bà là hôm 24-1 khi có 3 ca nhiễm đầu tiên ở Pháp. Người được phát hiện đầu tiên là ở Bordeaux. Đây là một nhà buôn rượu, trước đó đã đi cùng khắp Trung Quốc, và có mặt ở Vũ Hán vào các ngày 13 và 14-1. Lúc đó Trung Quốc mới công bố 40 ca ở Vũ Hán. Bà Buzyn tâm tư: “Vũ Hán là một thành phố đông 11 triệu dân, mà cái ông bệnh nhân này đã không hề tới chợ cá Vũ Hán [nơi được cho là nguồn gốc dịch COVID]. Vậy làm thế nào mà ổng lại nhiễm COVID?”, rồi tự nhủ: “Tôi không nói là người Trung Quốc đã đưa ra những con số ảo, song điều đó có nghĩa là dịch này nghiêm trọng hơn thế nhiều, và mới chỉ thấy phần nổi của tảng băng thôi!”. Một tiết lộ cũng hay ho. Tags: PhápĐại dịchCOVID-19Khủng hoảng y tếAgnes Buzyn
Đạo diễn Cu li không bao giờ khóc: Thái độ làm nên số phận điện ảnh NGUYỄN TRƯƠNG QUÝ 19/11/2024 1913 từ
Việt Nam sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm phát triển nông nghiệp cho Malaysia THANH HIỀN 22/11/2024 Tổng Bí thư Tô Lâm cho biết Việt Nam sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm về phát triển nông nghiệp, trong đó có lương thực, cà phê với Malaysia và đề nghị Malaysia hỗ trợ Việt Nam phát triển ngành công nghiệp Halal.
Phim chiếu rạp Kính vạn hoa tung poster và teaser, nhìn vừa lạ vừa quen THƯỢNG KHẢI 22/11/2024 Kính vạn hoa phiên bản điện ảnh đánh dấu sự tái ngộ của bộ ba Quý Ròm, Tiểu Long và nhỏ Hạnh, mang đến một không khí tươi vui nhưng không kém phần kịch tính.
VTV lên tiếng vụ xe biển xanh vượt 2 ô tô làm xe tải đi chiều ngược lại lao xuống cống HỒNG QUANG 22/11/2024 'Đài truyền hình Việt Nam lấy làm tiếc về sự việc nghiêm trọng này và sẽ chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng cùng gia đình tài xế xe tải để giải quyết vụ việc theo đúng tinh thần thượng tôn pháp luật', VTV thông tin.
Giữa lúc xung đột leo thang, Nga - Ukraine đạt thỏa thuận đưa 46 dân thường trở lại Kursk THANH HIỀN 22/11/2024 Hàng chục cư dân từ khu vực biên giới Kursk của Nga đã được đưa trở lại quê hương từ Ukraine sau các cuộc đàm phán 'khó khăn' giữa hai bên.