TTCT - Lâu nay, làng thể thao thường chỉ nghe than thở về sự khủng hoảng lực lượng kế thừa cầu thủ bóng đá, bóng chuyền, cầu lông..., chứ không mấy ai đề cập đến một cuộc khủng hoảng vô cùng quan trọng - khủng hoảng đội ngũ lãnh đạo thể thao. Nhà báo Nguyễn Lưu tuổi ngoài 70, cả một đời gắn bó với thể thao, đã gửi đến TTCT bài viết bàn về sự khủng hoảng này. Trong những ngày qua, bên cạnh niềm vui khi biết tin chính thức SEA Games 31 sẽ được tổ chức vào quý 2-2022 tại Việt Nam, người hâm mộ thể thao lại lo lắng và thất vọng khi nghe một tin không mấy vui. Đó là việc ngành TDTT, cụ thể là Tổng cục TDTT vẫn chưa tìm được người thay ông Tổng cục trưởng Vương Bích Thắng nghỉ hưu từ đầu năm nay. Đây được xem như cú sốc và một lần nữa phản ánh thực tế là lâu nay, bên cạnh đôi chút tiến bộ về mặt thành tích của thể thao Việt Nam trên đấu trường quốc tế, vẫn còn thiếu vắng một chiến lược đường dài trong công tác quy hoạch cán bộ đầu ngành của ngành này. Trong những năm gần đây, các giải chạy nở rộ khắp cả nước. Chủ nhân của những giải chạy thú vị đều là dân ngoại đạo thể thao, nhưng có tình yêu thể thao cùng sự sáng tạo không ngừng. Trong ảnh là VĐV Giàng Thị Linh trên cung đường chạy VMM nổi tiếng. Ảnh: LƯU MINH KHƯƠNG Điều này ảnh hưởng rất lớn đến kết quả mang lại cho xã hội của ngành thể thao, thể hiện qua việc thành tích cao vẫn phập phù, phong trào chỉ ổn trong báo cáo!Thể thao bị xem nhẹ hay người của thể thao chưa đủ tầm?Nhìn lại lịch sử ra đời ngành TDTT Việt Nam, chúng ta nhớ ngày 30-1-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký sắc lệnh thành lập Nha Thể dục nằm trong Bộ Thanh niên. Sau đó, trở thành Nha Thanh niên và thể dục, trực thuộc Bộ Quốc gia giáo dục. Gần một thế kỷ qua đi, công tác TDTT lần lượt được ghép vào các ngành khác như văn hóa, thông tin, mà đỉnh điểm là ghép vào cùng ba ngành khác để có cách gọi tắt là Bộ “Văn Thông Thể Du”, còn hiện nay là Bộ Văn hóa - thể thao và du lịch.Các gương mặt bộ trưởng ngành văn hóa - thể thao Việt Nam lần lượt là Trần Huy Liệu, Nguyễn Tấn Gi Trọng, Trần Văn Giàu, Tố Hữu, Hoàng Minh Giám, Lưu Hữu Phước, Nguyễn Văn Hiếu, Trần Văn Phác, Trần Hoàn, Nguyễn Khoa Điềm, Phạm Quang Nghị, Hoàng Tuấn Anh, Nguyễn Ngọc Thiện, và người đương nhiệm Nguyễn Văn Hùng. Trong những cuộc sáp nhập, chỉ có hai người là ông Nguyễn Danh Thái và Nguyễn Trọng Hỷ ngồi ghế thứ trưởng, và có một lần người đứng đầu ngành thể thao là ông Hà Quang Dự được mang hàm bộ trưởng, cũng là người duy nhất là ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Thậm chí những năm gần đây, trong các thứ trưởng, không có ai phụ trách TDTT.Điểm lại như thế để thấy rằng dù văn hóa tinh thần và văn hóa thể chất là hết sức cần thiết và có tác dụng giới thiệu hình ảnh của đất nước, bên cạnh mục tiêu xây dựng con người mới, có sức khỏe và có trí tuệ như Bác Hồ thường nói, thể thao chưa phát triển cân đối và có hiệu quả. Chưa đến mức bị xem là “cờ đèn kèn trống” như lối nói cũ, nhưng ngành TDTT lâu nay vẫn bị xem là lép vế, là ăn theo văn hóa.Để dẫn đến tình trạng đó, do thể thao chưa được quan tâm đúng mức, hay do bản thân lãnh đạo ngành thể thao chưa đủ tầm? Tôi nghĩ về vế thứ hai...Công tác cán bộ thể thao có vấn đềAi cũng biết công tác cán bộ được xem là nhiệm vụ tối quan trọng đối với một nhà nước nói chung và một ngành nói riêng, và công tác này đã thấy có hiệu quả ở nhiều ngành. Chẳng hạn nhiều cán bộ chủ chốt thuộc các ngành kinh tế đã được học tập ở Đại học Kinh tế quốc dân, Đại học Tổng hợp, Bách khoa và sau những bước đào tạo, luân chuyển họ đều trưởng thành và nắm giữ nhiều trọng trách. Tuy vậy, việc đào tạo cán bộ ở lĩnh vực TDTT chưa thực sự lớp lang và tạo được tiền đề cho sự phát triển bền vững của ngành.Thực tế cho thấy một số vận động viên giỏi sau khi hết thời gian thi đấu sẽ được gửi đến Trường đại học TDTT Từ Sơn hay Đại học TDTT tại TP.HCM để tu nghiệp. Những trường này đa số chỉ đào tạo giáo viên thể dục đáp ứng nhu cầu của ngành giáo dục. Một số người sau khi ra trường được về các đơn vị từ trung ương đến địa phương. Sau một quá trình làm việc, những cá nhân tích cực thường được bố trí làm công tác quản lý, số ít được tham dự các khóa học tại trường chính trị trung cấp hay cao cấp và mặc nhiên xem đó là đúng quy trình đầu vào của ngành TDTT.Cách đào tạo như thế ở môi trường này mang nét chung chung, được gọi là phổ tu, thiếu chuyên sâu. Nhiều cán bộ quản lý chưa thể sử dụng ngoại ngữ và thành thục tin học, đa số lấy kinh nghiệm làm điểm tựa trong công việc. Nếu nhìn lại các thế hệ lãnh đạo TDTT Việt Nam, thấy rất ít những người có đủ tri thức và tầm bao quát, tự mình hoạch định ra những bước đi của ngành.Còn nữa, dường như chúng ta thiếu hẳn một chiến lược quy hoạch nhân sự cho vị trí lãnh đạo đầu ngành, vì thế đây đó vẫn thấy hiện tượng vay mượn cán bộ, nếu không ở khối đoàn thanh niên thì cũng từ ngành quân đội, công an. Chưa là một ngành độc lập, bộ máy thể thao chưa thể tự quyết mọi vấn đề của mình, trong đó có công tác cán bộ.Ngày nay, thể dục thể thao được xem như cơm ăn áo mặc của nhân dân, vị thế và tiếng nói của người lãnh đạo TDTT lẽ phải có sức lan tỏa, nhưng tiếc là chúng ta chưa có những người như thế. Như những người làm báo thể thao chúng tôi, ngoại trừ theo dõi các giải đấu, thích thú với các VĐV ngôi sao; thì còn hâm mộ cả những nhà quản lý thể thao tài giỏi như Bộ trưởng Thể thao Nga Oleg Matytsin khi ông có một cuộc làm việc thú vị với người đồng cấp Belarus về Olympic Tokyo.Hay chúng tôi cũng rất nể phục Bộ trưởng Thể thao Pháp, bà Roxana Maracineanu khi lên tiếng bảo vệ cầu thủ Marseille trong trận đấu giữa CLB này với Nice. Với quốc gia láng giềng, Bộ trưởng thể thao Trung Quốc Lạc Thụ Cường và Thứ trưởng Lý Quần đều là ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc. Hai ông này là cựu sinh viên của Đại học Thanh Hoa danh tiếng, nơi đã đào tạo ra nhiều nhà lãnh đạo hàng đầu Trung Quốc như Hồ Cẩm Đào, Chu Dung Cơ, Tập Cận Bình...Trở lại sân nhà, ngay trước thềm SEA Games 31 diễn ra tại Việt Nam, chúng ta khó có thể an tâm với hiện tượng khủng hoảng thủ lĩnh của ngành TDTT. Những cuộc điều binh khiển tướng trong nhà, những cuộc làm việc hậu trường nảy lửa với bạn bè quốc tế... về một đại hội thể thao, xưa nay chúng ta có ông Hoàng Vĩnh Giang. Nay ông đã thành người thiên cổ và không thể tìm được một ai thay thế xứng tầm. Thực tế này đòi hỏi có những đổi thay từ trên tầng vĩ mô và đòi hỏi đó không còn là của riêng ai. Tags: Nhân sựLãnh đạoThủ lĩnh thể thaoLãnh đạo thể thaoHà Quang Dự
Tin tức thế giới 25-11: Ukraine trưng bày mảnh vỡ tên lửa Oreshnik, tin thế giới có cách đánh chặn BÌNH AN 25/11/2024 Israel và Hezbollah giao tranh dữ dội bất chấp EU kêu gọi ngừng bắn; Cái chết bí ẩn của giáo sĩ Israel nghi do bài Do Thái.
Tin tức sáng 25-11: Quốc hội xem xét 'siết' quảng cáo của nghệ sĩ, KOL TUỔI TRẺ ONLINE 25/11/2024 Một số tin tức đáng chú ý: Quốc hội xem xét 'siết' quảng cáo của nghệ sĩ, KOL; Vé xe Tết về miền Tây tăng không quá 40%; Lãi suất liên ngân hàng đạt đỉnh 19 tháng...
Cho con 'du học tại chỗ' ở 'trường Mỹ', không ngờ chỉ là trung tâm tiếng Anh Đoàn Nhạn 25/11/2024 Phụ huynh chi trăm triệu cho con học 'trường Mỹ' theo hình thức 'du học tại chỗ', không ngờ 'trường' chỉ là trung tâm tiếng Anh.
Ký hợp đồng, bồi thường bảo hiểm online: Tiện thì có tiện, nhưng coi chừng rủi ro BÔNG MAI 25/11/2024 Bất chấp thị trường khó khăn, nhiều doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ vẫn đổ vốn lớn để ứng dụng công nghệ vào hàng loạt nghiệp vụ. Bên cạnh lợi ích, cũng có rủi ro tiềm ẩn mà khách hàng cần cẩn trọng.