Kịch bản nào cho an ninh năng lượng?

NGUYỄN QUANG ĐỒNG 18/12/2018 20:12 GMT+7

TTCT - Những tranh cãi gần đây về trách nhiệm của ngành điện và các cơ quan quản lý cho thấy câu chuyện không chỉ dừng lại ở tầm mức “thiếu than” hay “thiếu điện”. Xây dựng một chiến lược về an ninh năng lượng xem ra vẫn còn là “bao giờ cho đến tháng 10”.

Sau nhiều năm khuyến khích phát triển, điện năng lượng sạch nói chung, điện gió nói riêng, vẫn là một phần rất nhỏ trong cơ cấu nguồn cung cấp điện VN. Trong ảnh: điện gió ở Bạc Liêu. Ảnh: Chí Quốc
Sau nhiều năm khuyến khích phát triển, điện năng lượng sạch nói chung, điện gió nói riêng, vẫn là một phần rất nhỏ trong cơ cấu nguồn cung cấp điện VN. Trong ảnh: điện gió ở Bạc Liêu. Ảnh: Chí Quốc

 

Cuộc “cãi vã” và đùn đẩy trách nhiệm gần đây của Tập đoàn Điện lực VN (EVN) và Tập đoàn Than khoáng sản (TKV) nhắc nhở nỗi lo về việc thiếu điện ngay trong năm 2019 sắp tới, cũng như hâm nóng trở lại những tranh luận gay gắt về “điện than” hay “điện tái tạo”.

Nhưng dường như vấn đề quan trọng nhất - giải bài toán chiến lược mang tầm quốc gia về an ninh năng lượng vẫn là vấn đề đang bỏ ngỏ và tiếp tục bị che mờ trong vòng xoáy của các luồng quan điểm lạc lối vì tranh cãi kỹ thuật và tiểu tiết, thay vì đi vào giải những câu hỏi quan trọng nhất.

Dài hạn: Bức tranh dang dở

Từ câu chuyện vĩ mô và dài hạn “Quy hoạch điện VII” cho thấy mới chỉ là một mảnh ghép của bức tranh còn dang dở.

Cần phải nói ngay rằng Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011-2020 có xét đến 2030 và cả bản điều chỉnh quy hoạch này - còn được gọi tắt là quy hoạch điện VII điều chỉnh - mới chỉ nhìn một mảnh vấn đề: vấn đề phát điện, tức là nguồn cung điện.

Hai mảnh ghép không kém phần quan trọng còn lại: (1) quản lý “cầu” - tức tiêu thụ điện; và (2) tổ chức và quản trị thị trường điện năng không nằm trong bản quy hoạch này. Và tiếp cận một cách hợp lý hơn, rõ ràng hai mảnh ghép kia, cùng mảnh ghép còn lại đã định hình - dù chưa nói mảnh ghép đó hợp lý đến đâu - phải được định hình trong một tầm nhìn mang tính chiến lược cao hơn: chiến lược an ninh năng lượng quốc gia.

Hãy bắt đầu từ một tư duy hợp lý hơn: câu hỏi quan trọng là sản xuất ra bao nhiêu điện là chưa đầy đủ? Còn câu hỏi tiếp theo, và câu hỏi tiếp theo này cũng góp phần vào trả lời câu hỏi thứ nhất: sử dụng bao nhiêu điện là hợp lý và sử dụng như thế nào là thông minh?

VN vẫn thuộc thành phần “con nhà nghèo” về năng lượng. Nếu “cầu” - tức là tiêu xài điện một cách hoang phí, theo kiểu vung tay quá trán thì “cung” bao nhiêu cũng là không đủ.

Dùng điện “thông minh” ở tầm mức quốc gia không chỉ gói gọn trong điện phục vụ nhu cầu sinh hoạt dân cư, nơi chỉ số cầu tăng là biểu hiện của một đời sống phúc lợi được nâng cao và do đó khó có thể đặt vấn đề “giới hạn” lại.

Điện cho quốc gia còn là điện cho sản xuất công nghiệp, điện cho khu vực dịch vụ - tức cho vận hành nền kinh tế. Nơi đó, câu hỏi muốn có “thép” nhiều hơn; hay muốn có “công nghiệp” xanh - không khói, không ô nhiễm và không chi phí năng lượng cao là câu hỏi chiến lược, là vấn đề chính trị của toàn thể quốc gia.

Bởi, khi trong túi chỉ có “10 đồng”, dành một đồng “điện” cho công nghiệp thâm dụng năng lượng đồng nghĩa với bớt một đồng “điện” (đồng thời cũng là tăng một đồng chi phí) cho những ngành khác.

Nhưng chọn “công nghiệp” hay du lịch, dịch vụ lại phải được đặt trên tiền đề về khả năng tạo việc làm, về hiệu quả kinh tế, hiệu quả môi trường... nghĩa là một loạt yếu tố vĩ mô khác cần tính toán và cân đối.

Và rõ ràng, một loạt vấn đề đặt ra đó nổi bật lên một câu trả lời đơn giản: đó hoàn toàn không phải là chuyện riêng của ngành điện và không thể đổ gánh nặng trách nhiệm quốc gia lên đầu ngành điện.

Một ví dụ đơn giản để minh họa: nguồn “cung” điện được quy hoạch dựa trên “cầu”, và “cầu” bản thân nó lại được xác định dựa trên tăng trưởng GDP.

Nhưng khi “kịch bản” GDP bị dự báo sai - “quy hoạch cho nguồn cung” phải lãnh hậu quả. Cả Ngân hàng Thế giới (WB), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) và các đơn vị nghiên cứu trong nước (ví dụ Green ID) đều đồng ý với nhau rằng: giai đoạn 2010-2015, dự báo GDP được đưa vào làm kịch bản cho ngành điện là 7,5-8%, nhưng thực tế con số tăng trưởng chỉ đạt dưới 6%. VN, vì thế lỡ mất một cơ hội để điều chỉnh giảm tỉ lệ điện than - vốn được ồ ạt đầu tư trong giai đoạn đó để bổ sung nguồn cung cho thủy điện.

Cũng trong giai đoạn đó, sự phát triển ồ ạt thiếu kiểm soát của một “con quái vật” “uống” điện như nước lã là ximăng cũng để lại hậu quả: toàn bộ các nhà máy ximăng đang ngốn điện tương đương công suất 3 nhà máy nhiệt điện than - mỗi nhà máy công suất 1.200MW - trong khi hiện nay ximăng đang dư thừa và xuất khẩu với giá bèo.

Thêm một ví dụ nữa, khi nhìn sâu hơn vào khía cạnh khuyến khích tiết kiệm năng lượng - tiềm năng giảm lãng phí, sử dụng với hiệu quả năng lượng cao hơn, theo Chương trình quốc gia về sử dụng điện hiệu quả, có thể lên đến 20% trong toàn bộ trung bình chung của các ngành công nghiệp.

Nhưng đương nhiên, tiết kiệm 20% là phần việc “khó nhằn” tốn nhiều nỗ lực hơn là tạo ra thêm 20% lượng điện, nhất là khi nguồn điện có thể đến từ những dự án có nguồn tiền đầu tư từ ngân sách. Và bởi lẽ thường, có dự án là có... “phần trăm”, có tiền ngân sách là có cửa... “xà xẻo”. Không ai chọn việc khó mà không có nhiều cơ hội tư túi để đi làm việc dễ - đó cũng là điều dễ hiểu.

Quy hoạch “điện VII” chỉ giải quyết phần cung, và ở trong phạm vi chức năng của nó, không thể yêu cầu bản quy hoạch này đi xa hơn “tầm” của nó. Còn chiến lược phải là việc của Chính phủ, không chỉ riêng việc của EVN hay Bộ Công thương.

Công việc thuộc về Chính phủ - nơi chịu trách nhiệm lĩnh xướng việc định hướng, xây dựng một chiến lược tổng thể của toàn bộ quốc gia (tất nhiên, Chính phủ có thể ủy quyền cho Bộ Công thương thực hiện trực tiếp nhưng “địa chỉ” trách nhiệm vẫn là Chính phủ).

Sau nhiều năm trời bàn bạc và nêu ý tưởng, đáng tiếc, một chiến lược vẫn chỉ là phác thảo ý đồ. Và Chính phủ vẫn “nợ” quốc gia một món nợ mà đến nay chưa có thời hạn trả lời.

Đến ngắn hạn: những vấn đề thực thi cần giám sát

Chính phủ là “địa chỉ” trách nhiệm cho sự thiếu vắng một chiến lược ở tầm quốc gia, nhưng Bộ Công thương không vô can, khi cho đến nay, những công việc ngắn hạn để tiến đến một thị trường điện “bình thường” và lành mạnh vẫn chậm hơn mong đợi.

Và ngay trong chính ngành điện, những khoảng trống tạo cơ hội cho “lợi ích nhóm” chen chân vào thị trường, cản trở các nhà đầu tư, các doanh nghiệp phát triển năng lượng tái tạo vẫn chưa được giải quyết triệt để.

Đơn cử một ví dụ: các vị trí “đẹp”, đi kèm là quỹ đất dành cho các nhà máy điện gió hầu như đã được “xí phần” và giao trước cho những doanh nghiệp “thạo tin” nào đó trong ngành hơn là đi qua một quá trình thông tin đầy đủ và kêu gọi đầu tư, giao dự án một cách minh bạch.

Hệ quả của điều này không khó thấy - những doanh nghiệp có nhu cầu thực, muốn kinh doanh năng lượng tái tạo thực, đồng thời cũng là những đơn vị có đủ năng lực thực để kinh doanh lại phải bỏ thêm chi phí để “sang nhượng”, mua lại dự án từ một doanh nghiệp khác có ưu thế “thân hữu”.

Hoặc gần đây hơn, quyết định về cơ chế hỗ trợ các dự án điện gió cũng được xem là “khó hiểu” khi đưa ra giới hạn việc áp dụng hỗ trợ tài chính qua giá mua ưu đãi với đối tượng dự án nối lưới thương mại trước năm 2021.

Một quy định khiến nhiều nhà đầu tư thực nếu muốn có thể chen chân vào thị trường và tiếp cận ưu đãi lại phải vắt chân lên cổ “chạy” thủ tục. Câu hỏi ai hưởng lợi từ việc ép doanh nghiệp “chạy đua” với thủ tục chắc chắn không phải là câu hỏi không có cơ sở.

Trong ngắn hạn, giải quyết những vấn đề mang tính rào cản đó cũng đủ giúp phần “cung” và thị trường điện đi tới. Năng lực thị trường có lẽ chưa bao giờ là vấn đề. Năng lực quản trị thị trường - tức năng lực của chính những người làm chính sách và thực thi chính sách - mới là dấu hỏi, là vấn đề phải giải quyết.

Làm quan trọng hơn nói

Những câu hỏi và vấn đề nêu trên đây thực chất đều không mới. Chỉ là bối cảnh mới cho phép nhắc lại vấn đề cũ một cách rõ ràng hơn - với những “địa chỉ trách nhiệm” cụ thể hơn. Thế nên sa đà vào câu chuyện EVN - TKV, nhiệt điện than và điện mặt trời, điện gió, có thể sẽ là cái bẫy tai hại.

Bởi “năng lượng” giám sát và phản biện xã hội từ những người thực tâm và có trách nhiệm, ở cả hai phía tranh luận, thay vì đi đến đúng địa chỉ cần đến, sẽ lãng phí vào những điểm thiếu quan trọng.

Đặt câu hỏi đúng là đã đảm bảo đến phân nửa cho hành trình tiến tới có giải pháp đúng. Nhưng nhìn kỹ lại, ngay chính trong câu chuyện ngành điện - cả câu hỏi và câu trả lời hợp lý đều đã có từ nhiều năm qua. Vấn đề là “ai” chịu làm mà thôi.■

Ông Trần Viết Ngãi, chủ tịch Hiệp hội Năng lượng VN, cho biết Quy hoạch điện VIII (giai đoạn 2030-2050) hiện đang được Bộ Công thương xây dựng, dựa trên việc tính toán tốc độ phát triển kinh tế đến năm 2050.

Theo ông Ngãi, cần rút kinh nghiệm và tổng kết được mục tiêu chiến lược, kết quả của thực hiện Quy hoạch điện VII điều chỉnh, sau đó đưa ra lộ trình, mục tiêu chiến lược điện VIII để tính toán tương đối kỹ càng và hợp lý với xu hướng phát triển. Nền tảng tính toán đó là tốc độ phát triển kinh tế, tốc độ tăng trưởng dân số, nằm trong bối cảnh chung khu vực và thế giới, yếu tố biến đổi khí hậu...

Thông thường, quy hoạch tổng sơ đồ điện, than, khí là con số dự báo và con số thực hiện thấp hơn nhiều. Thực tế, chưa có tổng sơ đồ nào đạt tổng yêu cầu mà chỉ đạt một nửa hoặc gần nửa.

Theo số liệu dự báo của Viện Năng lượng, Hiệp hội Năng lượng đề xuất tới năm 2030 tổng nhu cầu công suất đặt của hệ thống điện quốc gia VN do tổng sơ đồ VII cần đạt 129.700 MW điện, điện lượng tương đương trên 500 tỉ kWh.

Đến năm 2035, tổng công suất đặt là 200.000-220.000 MW, điện lượng đạt 650-700 tỉ kWh. Năm 2040, tổng công suất đặt là 260.000 MW, sản lượng điện 700 tỉ kWh, và năm 2050 tổng công suất đặt 310.000 MW và sản lượng điện đạt trên 1.000 tỉ kWh.

Về cơ cấu nguồn điện cũng phải xây dựng trên cơ sở tình hình thực tế, bởi hiện nguồn điện nguyên tử không xây dựng nữa. Thủy điện vốn là cứu cánh nền kinh tế nhưng tình hình biến đổi khí hậu nên chỉ còn 20% (tương đương 18.000 MW) và sẽ càng ngày càng suy giảm. Chỉ còn lại nhiệt điện than, nhiệt điện khí và năng lượng tái tạo.

Nhưng năng lượng truyền thống có thể phát liên tục 24/24 là nhiệt điện than, nhiệt điện khí chiếm chưa đầy 20% cũng ngày càng cạn kiệt. Với năng lượng tái tạo, có thể khai thác được 30%, nhưng để làm được cũng khó khăn vì chiến lược phát triển năng lượng tái tạo ban hành chục năm nay nhưng vẫn chưa làm được nhiều. (Ngọc An ghi)

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận