TTCT - Giá xăng đang là đề tài nóng ở nước Mỹ, lôi kéo cả doanh nhân lẫn nhà kinh tế vào cuộc tranh cãi - liệu có chăng tình trạng chủ các trạm xăng lợi dụng lạm phát, tăng giá để hưởng lợi. Giá xăng góp phần đẩy lạm phát nước Mỹ lên mức 9,1% - kỷ lục trong vòng 40 năm. Các cây xăng ở Mỹ thường đi kèm cửa hàng bán tạp hóa. Ảnh: syracuse.comNguyên do cuộc tranh cãi là bởi Tổng thống Mỹ Joe Biden viết trên Twitter: "Thông điệp của tôi gởi tới các công ty điều hành trạm xăng đang định giá xăng là rất đơn giản: đây là thời điểm chiến tranh và hiểm nguy toàn cầu. Hãy giảm giá quý vị đang áp lên cây xăng để phản ánh đúng chi phí quý vị trả khi mua hàng. Và hãy làm ngay bây giờ". Ý của ông Biden rất rõ: doanh nghiệp xăng dầu đừng tăng giá để bắt chẹt người tiêu dùng, hãy giảm giá ngay, bằng không Chính phủ Mỹ sẽ có biện pháp!Nhà nước hay thị trườngBất ngờ ở chỗ trong những tiếng nói phản đối ông Biden nổi lên là dòng tweet của Jeff Bezos, ông chủ Tập đoàn Amazon: "Lạm phát là một vấn đề rất quan trọng, Nhà Trắng không nên cứ đưa ra các tuyên bố như thế. Rõ ràng đây là cách nói làm lệch hướng, bằng không cũng là hiểu rất sai về các động lực thị trường cơ bản". Nhiều doanh nhân khác đồng ý với ông Bezos, rằng cứ để quy luật cạnh tranh và quy luật cung cầu của thị trường xác định giá đúng chứ nhà nước đừng can thiệp.Ngược lại, nhà kinh tế đoạt giải Nobel, Paul Krugman, lại đồng tình với Tổng thống Biden và phản bác lập luận của ông Bezos. Trước tiên, ông Krugman đưa ra một thực tế: trong tháng 6, giá xăng bán sỉ đã giảm đến 80 xu đôla mỗi gallon (khoảng 4.100 đồng/lít), nhưng giá xăng bán lẻ hầu như không nhúc nhích. Dùng hình ảnh "tên lửa" và "lông chim" để ví von, ông trích lời nhiều nhà kinh tế khác từng nhận định giá xăng khi tăng thì tăng như tên lửa còn giảm thì chậm chạp từ từ như lông chim. Krugman đặt câu hỏi liệu ông Bezos đã kiểm tra lại kiến thức về các động lực thị trường tác động lên giá xăng chưa (hay nhờ cấp dưới kiểm tra giùm!), bởi theo Krugman, các động lực này chứng tỏ lời kêu gọi của ông Biden là có lý.Theo Krugman, độc quyền không phải là nguyên nhân chủ yếu gây ra lạm phát, nhưng độc quyền cũng là một trong những nguyên nhân. Trích lập luận từ một trong những nghiên cứu về đề tài này, ông cho biết khi giá xăng tăng, chủ trạm xăng có cái quyền lực không chỉ tăng giá để bắt người tiêu dùng chịu mà còn nâng thêm mức lãi vì người tiêu dùng không thể phân biệt trong phần giá xăng tăng thì đâu là do giá thế giới, đâu là do trạm xăng tự nâng thêm. Khi giá xăng bán sỉ giảm, chủ trạm xăng ắt có động lực giữ nguyên mức lãi tăng thêm trên giá bán lẻ, ít ra là được ngày nào hay ngày đó.Từ đây, Krugman mở rộng ra các loại hàng hóa khác và cho rằng khi các chính trị gia cáo buộc doanh nghiệp lợi dụng môi trường lạm phát nói chung để tăng giá nhằm tăng mức lãi là có lý, chứ không phải hoàn toàn phi thị trường như nhiều người cáo buộc. Cơ chế "tên lửa" và "lông chim" cũng áp dụng vào trường hợp này, bởi các công ty tin rằng khi tăng giá trong bối cảnh lạm phát, họ ít bị phản ứng hơn thời điểm bình thường. Quy luật cung cầu ít có tác dụng ở đây, nhất là ở các ngành ít có tính cạnh tranh.Chính phủ xoay xở kéo giảm giá xăngỞ một nước mà nền kinh tế thị trường đã hoàn chỉnh từ lâu mà vẫn có tiếng nói đòi kiểm soát giá, không những từ các chính khách mà còn từ các chuyên gia kinh tế hàng đầu, là chuyện khá lạ. Trong khi đó, các tờ báo địa phương có cử phóng viên hỏi chuyện các chủ trạm xăng thì hầu như tất cả đều nói họ không vui vẻ gì khi tăng giá xăng bởi giá tăng như thế thì khách ít vào đổ xăng hơn, mà những người vào đổ xăng nay cũng ít ghé mua các hàng hóa khác trong tiệm tạp hóa vốn hầu như luôn đi kèm mọi cây xăng ở Mỹ. Các chủ trạm xăng thường trông chờ lợi nhuận từ việc bán hàng này nhiều hơn là lợi nhuận từ bán xăng.Hiện 80% lượng xăng bán lẻ ở Mỹ được bán ở các trạm có thêm cửa hàng tiện lợi, phần lớn do doanh nghiệp hộ gia đình làm chủ. Mức lãi bán xăng khá thấp, chỉ chừng 30 xu đôla mỗi gallon (1.500 đồng/lít), nên không ai muốn giá xăng tăng làm việc buôn bán đồ tạp hóa giảm sút. Nhiều nhà kinh tế khác cũng cho rằng chủ các trạm xăng khó lòng lợi dụng tăng giá bởi biên lợi nhuận của họ rất thấp. Giáo sư John Zhang, Trường Wharton, cho rằng đó là lý do các tập đoàn dầu mỏ lớn đã rút khỏi thị trường bán lẻ xăng dầu.Tuy nhiên, Chính phủ Mỹ vẫn đang tìm cách để giảm giá xăng như một cách lấy lại niềm tin của dân chúng vào khả năng kiềm chế lạm phát. Trước tiên là kêu gọi Quốc hội Mỹ miễn thuế xăng dầu trong 3 tháng - một biện pháp sẽ giúp giảm giá xăng chừng 18 xu mỗi gallon (900 đồng/lít). Trên thực tế, ngoài thuế liên bang, giá xăng ở Mỹ còn chịu thuế tiểu bang và ở những tiểu bang đã tạm thời miễn thuế xăng thì giá chỉ giảm đôi chút rồi tăng trở lại ngay. Hạ viện Mỹ cũng đã thông qua Đạo luật ngăn ngừa nâng giá nhiên liệu, nhưng nhiều nhà quan sát cho rằng đạo luật này cũng không có tác dụng gì nhiều.Tổng thống Biden cũng tháo van xăng dầu từ kho dự trữ chiến lược tung ra thị trường thêm 1 triệu thùng mỗi ngày, nhưng vẫn không giúp giảm giá vì thị trường Mỹ mỗi ngày tiêu thụ đến 100 triệu thùng. Ông còn có chuyến công du đến Trung Đông, đặc biệt là Saudi Arabia, nhằm thuyết phục nước này tăng thêm sản lượng dầu thô, từ đó mới giảm được giá. Giá xăng dầu, mặc dù chỉ là một trong nhiều chỉ dấu lạm phát, lại được công chúng dồn sự chú ý; khả năng điều hành kinh tế của một chính phủ cũng thường được gắn với giá nhiên liệu, mặc dù đây là giá thế giới chứ không một tổng thống nào, ngay cả là tổng thống Mỹ, có thể tự mình hạ giá xăng.Kinh doanh thì phải nghĩ tới lợi nhuậnTrong khi đó, chỉ tính riêng 5 tập đoàn xăng dầu đại gia gồm Shell, ExxonMobil, BP, Chevron và ConocoPhillips, lợi nhuận quý 1-2022 đã tăng đến 200% so với quý 1-2021, tức lợi nhuận một quý đã tăng thêm 35 tỉ USD. Chính đây là động lực quan trọng nhất để ngành dầu khí Mỹ không chịu khởi động lại các mỏ dầu đá phiến từng khai thác - ghìm giữ nguồn cung sẽ duy trì giá cao có lợi cho họ, còn tăng cung ắt sẽ dẫn tới giảm giá; tăng đột ngột quá cao như những năm trước đây gây ra thua lỗ lớn - điều họ từng phải chịu đựng trong nhiều năm giá dầu thấp. Đã có người tuyên bố dù giá dầu có tăng lên 150 thậm chí 200 USD/thùng, họ vẫn không khởi động mỏ dầu mới mà cứ hưởng lãi cao thêm một thời gian nữa rồi tính.Cũng như các công ty bán lẻ xăng dầu, Chính phủ Mỹ không thể buộc các tập đoàn dầu khí tăng cường khai thác, nhất là khi chính sách hiện đang ưu đãi cho các loại xe điện, nguồn năng lượng tái tạo, tức gián tiếp nói tương lai ngành dầu khí là không sáng sủa, vậy cớ gì buộc họ đầu tư khai thác thêm? Chỉ còn một cách mà một thượng nghị sĩ và một dân biểu Hạ viện Mỹ từng đề xuất hồi tháng 3: thông qua đạo luật đánh thuế lên các tập đoàn dầu khí với mức thuế bằng 50% mức chênh lệch giữa giá xăng bây giờ và giá xăng thời kỳ trước đại dịch. Đây cũng là cách Chính phủ Anh vừa áp dụng, đánh thuế 25% lên lợi nhuận của các tập đoàn dầu khí, lấy tiền hỗ trợ cho các gia đình thu nhập thấp bị ảnh hưởng bởi lạm phát.Dù sao khai thác thêm dầu đá phiến cũng khó làm giảm giá xăng ngay. Điểm nghẽn lớn nhất hiện nay là Mỹ đang thiếu các nhà máy lọc dầu, muốn khởi động lại các nhà máy lọc dầu đóng cửa vì nhu cầu sút giảm mạnh trong những năm đại dịch cũng cần thời gian và nguồn tiền đầu tư, cả hai đều đang thiếu vắng. ■Giá xăng giảm, liệu bao lâu lạm phát giảm theo?Giá xăng ở Mỹ hiện đang giảm nhẹ suốt tháng qua, chủ yếu do giá dầu thế giới giảm. Độ trễ giữa giá dầu giảm dẫn đến giá xăng giảm thường mất một hai tuần, vì chủ các cây xăng phải bán theo giá mua vào cho hết chỗ xăng đã mua theo giá cao.Tuy nhiên từ chỗ xăng giảm giá để kỳ vọng giá cả hàng hóa khác, nhất là hàng hóa chịu ảnh hưởng chi phí vận chuyển, sẽ giảm theo sẽ dễ dẫn đến thất vọng. Bởi giá cả hàng hóa tăng do nhiều yếu tố chứ không phải chỉ riêng giá nhiên liệu - một khi mức tăng giá đã được san sẻ đều cho các công đoạn, nhất là tăng lương cho nhân viên, trả thêm cho chi phí mặt bằng… rất khó để đưa chúng trở về mức cũ. Hiện tượng tăng như "tên lửa", giảm như "lông chim" cũng đúng ở đây và độ trễ của giá xăng tác động lên giá hàng hóa khác sẽ còn chậm hơn.Quan trọng nhất, giá dầu giảm nhưng không bền vững. Chỉ cần một số yếu tố tác động, như bão gây trở ngại cho các nhà máy lọc dầu, nhu cầu xăng dầu ở Trung Quốc tăng mạnh trở lại, Mỹ tăng dự trữ dầu chiến lược trở lại… là giá dầu có nguy cơ tăng tiếp. Trong bối cảnh đó, giá cả hàng hóa nói chung sẽ thủ thế, phòng thân, chứ quy luật cạnh tranh khó lòng phát huy tác dụng trong hoàn cảnh này. Tags: Giá xăng dầuKiểm soát giá xăngMỹLạm phátTên lửaKiểm soát giá
Tranh cãi 'lối đi ưu tiên' sẽ thu 100.000 đồng/khách tại sân bay Đà Nẵng CÔNG TRUNG 01/12/2024 Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng sẽ trở thành sân bay đầu tiên trong 22 sân bay tại Việt Nam thí điểm thu phí dịch vụ "lối đi ưu tiên" tại khu vực kiểm tra an ninh soi chiếu 100.000 đồng/khách.
Rần rần trend 'đám giỗ bên cồn' của Lê Tuấn Khang: Rồi bên cồn có đám cưới không? THƯỢNG KHẢI 01/12/2024 'Đám giỗ bên cồn' - một câu 'thương hiệu' của TikToker Lê Tuấn Khang xuyên suốt các video do anh đăng tải trên TikTok, Youtube đang là từ khóa gây sốt trên mạng xã hội.
Ông Zelensky: Ukraine cần lá chắn NATO để sống sót TRẦN PHƯƠNG 01/12/2024 Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky nói nước này cần sự đảm bảo an ninh từ NATO và nhiều vũ khí hơn trước khi bước vào đàm phán với Nga.
Ông Đồng Văn Thanh được bầu làm bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang LÊ DÂN 01/12/2024 Ông Đồng Văn Thanh, chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang, được bầu làm bí thư Tỉnh ủy nhiệm kỳ 2020-2025.