Kiện đòi nợ bảo hiểm xã hội: Văn minh phải đáo tụng đình

VŨ THỦY - K.Y. 15/05/2023 20:02 GMT+7

TTCT - Kiện doanh nghiệp ra tòa để đồi nợ bảo hiểm xã hội là cách người lao động tự bảo vệ tài sản của mình hiệu quả nhất.

Những trường hợp doanh nghiệp nợ bảo hiểm xã hội của người lao động kéo dài, có khi lên tới hàng năm trời, không hề hiếm gặp. Người lao động tự bảo vệ mình như thế nào, và hệ thống công đoàn, tư pháp hiện tại hiệu quả tới đâu trong cuộc đi đòi công lý?

Công nhân Công ty Dệt may Gia Định đến trụ sở công ty yêu cầu trả nợ lương và BHXH.  Ảnh: TUYẾT NGUYỄN

Công nhân Công ty Dệt may Gia Định đến trụ sở công ty yêu cầu trả nợ lương và BHXH. Ảnh: TUYẾT NGUYỄN

Mới tuần trước, 53 công nhân của Công ty cổ phần quốc tế Quang Điện ở Khu công nghệ cao, TP Thủ Đức, TP.HCM, đã nộp đơn khởi kiện yêu cầu Tòa án nhân dân TP Thủ Đức giải quyết yêu cầu thanh toán tiền lương, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, và bảo hiểm tai nạn.

Nghỉ việc mới biết bị nợ bảo hiểm xã hội

Nhiều tháng trước đó, hàng chục công nhân đã nhiều lần thương lượng với chủ Công ty Quang Điện về nợ lương, nợ bảo hiểm xã hội, nhưng không được giải quyết ổn thỏa. Người lao động bị nợ lương từ tháng 10-2022 đến khi xin nghỉ việc, khi yêu cầu công ty trả lương và chốt sổ bảo hiểm xã hội thì mới hay công ty đã không đóng bảo hiểm xã hội cho họ suốt từ đầu năm 2021.

Đã làm việc 5 năm tại Công ty Quang Điện, bà Diệp Thị Thúy Duyên nói gia đình mình phải vay mượn tiền người quen để sinh hoạt từ nhiều tháng nay. Những tháng đầu, đa số công nhân đều thông cảm cho công ty bởi vừa qua dịch, kinh tế chưa phục hồi, doanh nghiệp cũng khó khăn. 

Chỉ đến lúc nhiều công nhân không cầm cự được nữa nên xin nghỉ việc, công ty không có thông báo chấm dứt hợp đồng lao động, không chốt sổ BHXH, công nhân tìm hiểu mới biết công ty đã nợ bảo hiểm xã hộihai năm liền.

"Tháng nào công ty cũng trừ bảo hiểm xã hội  vào tiền lương. Tiền lương 5 tháng cộng với BHXH trong 2 năm là số tiền không nhỏ, nên công nhân quyết định phải đi đòi", bà Duyên cho biết. "Giờ kiện tụng cũng không biết bao giờ có kết quả, nhưng tiền mồ hôi nước mắt thì đâu có bỏ được" - bà Nguyễn Thị Bích Vân, một công nhân khác của Công ty Quang Điện, cho biết.

Bà Duyên kể ban đầu công nhân yêu cầu công đoàn của công ty đại diện công nhân khởi kiện, nhưng các cán bộ công đoàn ở đây từ chối. Công nhân liên hệ đề nghị công đoàn viên chức TP.HCM hỗ trợ và được đơn vị này giới thiệu luật sư Nguyễn Hồng Lĩnh hỗ trợ công nhân (công nhân không phải trả phí luật sư). 

"Công ty có 67 công nhân, nhưng chỉ có 53 người đồng ý khởi kiện và được luật sư hỗ trợ, những người còn lại không liên hệ được", luật sư Nguyễn Hồng Lĩnh cho biết.

Người lao động cũng có thể kiện doanh nghiệp nợ bảo hiểm xã hội với tư cách cá nhân. Một trường hợp như vậy là chị Thanh Huyền, với bên bị khởi kiện là Công ty cổ phần Dịch vụ viễn thông Sài Gòn (SPT). Chị Huyền đã khởi kiện để đòi 6 tháng tiền lương và khoản nợ bảo hiểm xã hội 2 năm. 

Do vị trí công việc, chị Huyền biết công ty không đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động từ nhiều tháng trước, nhưng vẫn nghĩ rồi công ty sẽ đóng bù, nên không lưu tâm. Đến khi bị nợ lương tháng thứ 6, chị Huyền mới xin nghỉ việc và khởi kiện. Nhiều người lao động trong công ty cũng bị nợ lương và bảo hiểm xã hội nhưng đã không khởi kiện. 

Tại tòa, công ty đồng ý trả cho chị Huyền tiền lương và đóng bảo hiểm xã hội, tòa án đã ra quyết định công nhận hòa giải thành. Tuy nhiên đến nay, hơn 5 tháng trôi qua, quyết định của tòa vẫn chưa được thực thi, còn công ty trả lời rằng không còn tiền để trả.

Mới đây, gần 300 công nhân của Công ty cổ phần Dệt may Gia Định, TP.HCM, bị nợ bảo hiểm xã hội 2 năm với số tiền hơn 15 tỉ đồng. Công nhân chỉ biết sự việc khi chuyển việc và yêu cầu công ty chốt, trả sổ bảo hiểm xã hội, nhưng công ty không thực hiện. Công nhân tìm hiểu mới biết bị nợ bảo hiểm xã hội thời gian dài.

Một số công nhân cho biết hằng tháng họ bị trừ tiền bảo hiểm vào lương, nhưng không được phát thẻ bảo hiểm y tế, lao động nữ sinh con không được nhận trợ cấp thai sản. Đại diện cơ quan BHXH TP.HCM cho biết doanh nghiệp này đã chậm đóng các khoản bảo hiểm từ tháng 4-2021, từng bị thanh tra, xử phạt vì chậm đóng bảo hiểm cho người lao động, nhưng đến nay số nợ vẫn chưa được khắc phục.

Cả năm 2021, Trung tâm tư vấn pháp luật, Liên đoàn Lao động TP.HCM hỗ trợ được 299 người lao động trong tranh chấp vì nợ lương và bảo hiểm xã hội. Trong năm 2022, trung tâm hỗ trợ 2 trường hợp người lao động trong các vụ kiện tranh chấp lao động cá nhân, công đoàn các khu chế xuất và khu công nghiệp TP.HCM phối hợp với đơn vị liên quan thương lượng giải quyết được 8 vụ ngừng việc tập thể của hơn 3.000 người lao động liên quan đến doanh nghiệp thay đổi hình thức trả, nợ BHXH, giảm lương, thưởng Tết Nguyên đán năm 2022.

Mạnh dạn khởi kiện

Luật sư Nguyễn Văn Xuân, nguyên thẩm phán Tòa lao động (Tòa án nhân dân TP.HCM), cho biết thực tế vẫn rất ít trường hợp người lao động viện tới Tòa lao động để đòi nợ bảo hiểm xã hội. Nguyên nhân trước hết là do tình trạng thông tin bất cân xứng. 

Hầu hết người lao động phổ thông chỉ tập trung vào khoản lương thực nhận hằng tháng mà không quan tâm đến các chi tiết trong hợp đồng lao động, gồm những khoản tiền bảo hiểm họ cùng đóng với phía sử dụng lao động.

Có thể thấy trong các trường hợp cụ thể ở trên, người lao động đều không hề hay biết doanh nghiệp nợ bảo hiểm xã hội kéo dài nhiều tháng, thậm chí hàng năm trời. Trong khi bản thân người lao động cần được thông tin tốt hơn về những thỏa thuận, quyền lợi và nghĩa vụ theo hợp đồng của mình thì vai trò của công đoàn cơ sở cũng cần được nhấn mạnh.

Có thể thấy đa số các vụ người lao động kiện đòi bảo hiểm xã hội đều kèm theo nợ lương hoặc bị chấm dứt hợp đồng lao động sai. Chỉ khi giải quyết các mối quan hệ khác, tòa án mới đồng thời giải quyết luôn khoản nợ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế. 

"Nhiều vụ việc người lao động đã chuyển đến làm việc ở đơn vị thứ hai, thứ ba, mà đơn vị thứ nhất vẫn chưa đóng bảo hiểm xã hội. Khi tòa án giải quyết vụ án thì đơn vị thứ nhất, thứ hai là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan và buộc họ phải thực hiện nghĩa vụ đóng bảo hiểm xã hội", ông Xuân nói.

Một cán bộ công đoàn cấp quận tại TP.HCM mong muốn người lao động sẽ mạnh dạn hơn gõ cửa tổ chức công đoàn, nếu công đoàn cơ sở không đủ sức hỗ trợ, sẽ giới thiệu lên công đoàn cấp trên. 

Công đoàn thiếu người sẽ mời luật sư hỗ trợ hoặc đại diện cho người lao động. Những năm qua, Trung tâm tư vấn pháp luật của Liên đoàn Lao động TP.HCM đã hỗ trợ hàng ngàn người lao động thương lượng, hòa giải các tranh chấp tại doanh nghiệp hoặc nhận ủy quyền, bảo vệ quyền lợi khi người lao động muốn khởi kiện.

Luật sư Nguyễn Hồng Lĩnh cho biết quá trình hỗ trợ người lao động, luật sư cũng sẽ đồng thời yêu cầu thực hiện các biện pháp bảo đảm thi hành án. Cụ thể như ngăn chặn doanh nghiệp chuyển nhượng nhà xưởng, bán máy móc, đưa máy móc ra khỏi công ty, thay đổi giấy phép kinh doanh, giấy phép đầu tư hay phong tỏa tài khoản ngân hàng, cấm chủ doanh nghiệp xuất cảnh..., những động thái pháp lý mà rõ ràng người lao động đơn độc sẽ khó thể làm được. Nhờ vậy với người lao động, khởi kiện bài bản mở ra hướng đi tốt hơn để buộc doanh nghiệp thi hành án, trả lại tiền lương và bảo hiểm xã hội.

Trách nhiệm quản lý nhà nước

Ông Trần Văn Triều, giám đốc Trung tâm tư vấn pháp luật, khẳng định có nhiều cơ quan, tổ chức theo dõi việc đóng bảo hiểm xã hội. Nếu một trong các cơ quan đó làm hết trách nhiệm thì khó thể có tình trạng nợ bảo hiểm xã hội kéo dài.

Ông Triều cho biết doanh nghiệp chậm đóng bảo hiểm xã hội 2 tháng đã bị nhắc nhở rồi, chậm đóng 3 tháng trở lên sẽ bị thanh tra, xử phạt. Công đoàn cơ sở cũng có quyền kiểm tra giám sát hằng tháng; ở hội nghị người lao động hằng năm, doanh nghiệp cũng phải công khai tài chính liên quan tới bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, phí công đoàn... 

"Bản thân người lao động cũng phải có trách nhiệm bảo vệ quyền lợi của mình, bằng cách theo dõi thông tin đóng bảo hiểm xã hộivà các loại phí khác. Với những trường hợp nợ bảo hiểm xã hội mà người lao động đang thời kỳ thai sản hoặc nghỉ việc, các cơ quan sẽ vào cuộc rất quyết liệt để giải quyết, thậm chí thanh tra lao động sẽ vào cuộc ngay", ông Triều cho biết.

Công nghệ cũng đang góp phần giúp công tác kiểm tra và buộc doanh nghiệp có trách nhiệm giải trình hiệu quả hơn. Đại diện Phòng quản lý thu - sổ, thẻ (BHXH TP.HCM) cho biết người lao động có thể theo dõi quá trình đóng BHXH hằng tháng qua app BHXH trên điện thoại hay công đoàn cơ sở. 

Doanh nghiệp chậm đóng BHXH đến tháng thứ 2 là người lao động có thể phát hiện và phản ánh đến công đoàn cơ sở. Nếu việc chậm đóng không được khắc phục thì người lao động cần lập tức báo cho công đoàn, thanh tra lao động để các đơn vị này thanh tra, xử lý, thậm chí chuyển vụ việc đến công an đề nghị khởi tố hình sự chủ doanh nghiệp. ■

Theo điều 10 Luật Công đoàn, tổ chức công đoàn không phải là đại diện đương nhiên cho người lao động khi khởi kiện đòi nợ BHXH. Muốn được công đoàn hoặc luật sư đại diện khi khởi kiện, từng người lao động phải có giấy ủy quyền.

Về quy định này, ông Trần Văn Triều cho rằng trách nhiệm đóng BHXH là bắt buộc của người sử dụng lao động và người lao động, nên bất kỳ cá nhân hay tổ chức nào cũng có quyền khởi kiện, tố cáo. Vì vậy, để tổ chức công đoàn trở thành đại diện đương nhiên cho người lao động khi đòi BHXH sẽ hợp lý và bảo vệ người lao động tốt hơn. "Tôi hy vọng Luật BHXH sửa đổi lần này có quy định cho tổ chức công đoàn đương nhiên đại diện người lao động trong việc bảo về quyền lợi về BHXH", ông Triều nói.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận