TTCT - Thêm một góc nhìn để nhận diện rõ hơn bản chất hoạt động của mô hình Uber hay Grab khi kinh tế chia sẻ không còn “chia sẻ”. Khách dùng xe Uber tại TP.HCM -T.T.D.LTS: Trên số báo 20-2017, TTCT có chuyên đề bàn về chính sách và xây dựng một môi trường kinh doanh lành mạnh trong bối cảnh nền kinh tế chia sẻ “bành trướng” mạnh ở Việt Nam. Bài viết này góp thêm một góc nhìn để nhận diện rõ hơn bản chất hoạt động của mô hình Uber hay Grab khi kinh tế chia sẻ không còn “chia sẻ”.Uber, Grab xuất hiện, theo sau đó là những công ty khởi nghiệp cho thuê xe khác ở Việt Nam đã mang đến cho nền kinh tế, chí ít là với hoạt động kinh doanh có liên quan, một luồng sinh khí mới. Nhưng nếu các hãng taxi (dù đã thích ứng và bắt đầu sử dụng công nghệ đặt chỗ online) hay các cơ quan quản lý không có sự phản ứng gay gắt, có lẽ cuộc tranh luận về thể chế pháp lý phù hợp đã bớt đi phần sôi động.Biến thể của chia sẻỞ Việt Nam cũng như nhiều nơi trên thế giới, kinh tế chia sẻ (sharing economy) là khái niệm được sử dụng nhiều để chỉ mô hình kinh doanh của Uber, Grab hay các đơn vị có hoạt động kinh doanh tương tự. Nhưng thật ra cái tên đã được gọi “đến chết tên” nhiều khi chưa phản ánh đúng bản chất của vấn đề.Dưới góc nhìn lịch sử, kinh tế chia sẻ lúc ban sơ đơn thuần chỉ là sự “chia sẻ” những vật dụng dư thừa, hoặc khi sở hữu chủ hết nhu cầu sử dụng.Nói cách khác, tính xã hội của nền kinh tế chia sẻ khi đó là rất lớn, ngay cả với người quản lý “kho chứa” (depot). Việc đổi vật/hay thu phí sau này, nếu có, suy cho cùng cũng chỉ để bảo toàn quá trình vận hành, hoặc chí ít để đảm bảo sự công bằng trong chia - nhận vật dụng trước bối cảnh tư hữu hóa tài sản. Việc thu lợi từ hoạt động chia sẻ ở thời điểm đó gần như chưa xuất hiện.Nhưng bằng con mắt “nhà nghề”, các công ty chia sẻ (sharing company) đã nhìn thấy cơ hội kiếm tiền béo bở nếu đứng ra vận hành cơ chế chia sẻ. Thay vì chỉ thu bù chi, các công ty đúng như bản chất của mình hướng đến mục tiêu tìm kiếm lợi nhuận, thậm chí càng cao càng tốt.Ngay cả các bên chia sẻ sau này cũng dần dần coi việc chia sẻ của mình là hoạt động kinh doanh, rồi từ đó bỏ tiền tậu xe để kiếm lợi như không ít tài xế Uber, Grab ở Việt Nam thời gian qua. Bản chất chia sẻ thuần túy vì vậy dần biến mất và các biến thể lần lượt xuất hiện.Công ty chia sẻ trong biến thể đầu tiên hoạt động như các đơn vị môi giới. Mô hình đó đến thời điểm này vẫn còn, điển hình như các trang giới thiệu hệ thống khách sạn cho du khách hay các diễn đàn trao đổi kỳ nghỉ (thường gắn với mô hình sở hữu kỳ nghỉ - time share).Xa hơn, nhiều đơn vị như YouTube, Google... đã đứng ra kết nối và đơn phương áp đặt giá, quyết định kinh doanh lên các nhóm chia sẻ. Dù ở biến thể nào, tất cả hoạt động đó đều được công ty chia sẻ kiểm soát bởi họ sở hữu công nghệ và sử dụng công nghệ như là một công cụ hữu hiệu.Cần được nhìn bằng con mắt mớiSẽ còn nhiều vấn đề phải bàn thảo như vấn đề lao động, thuế, thể thức hợp đồng hay bảo vệ người dùng. Trước hết có mấy điểm cần lưu ý đối với mô hình này.Thứ nhất, có thể thấy Uber hay Grab trên thực tế đã bỏ xa mục tiêu “chia sẻ” của kinh tế chia sẻ thuần túy.Thứ hai, các doanh nghiệp này không đơn thuần là bán (kinh doanh) ứng dụng công nghệ và cũng không dừng lại vai trò môi giới, đứng ngoài cuộc chơi giữa hai nhóm khách hàng. Ngược lại, cả Uber và Grab đã đi khá xa mô hình khởi thủy và trở thành một biến thể hoàn toàn mới như đề cập ở trên.Ở biến thể đó, Uber hay Grab thực tế đang tiến hành hoạt động kinh doanh độc lập trước hai nhóm khách hàng - hành khách và tài xế. Trong đó, họ sử dụng công nghệ như là một công cụ để vận hành hoạt động kinh doanh và kiểm soát hoạt động kinh doanh của hai nhóm khách hàng nói trên bằng cách tự quản lý, ra giá, thu tiền và trả phí cho sản phẩm đã mua từ một trong hai nhóm khách hàng. Hành khách hay tài xế không có cơ hội lựa chọn trong hằng hà sa số “dấu chấm” hiện trên màn hình ứng dụng, mà bị khống chế ở quyết định đồng ý/từ chối khi Uber hay Grab đã “bắn” mục tiêu đến cho mình.Đặc biệt, để kích ứng sự tham gia của nhóm khách hàng của một bên, Uber hay Grab đang liên tục khuyến mãi và giảm giá đối với một nhóm khách hàng. Có thể nói, chính kiểu định giá nhảy cóc hiện nay đang làm các doanh nghiệp taxi điêu đứng, thậm chí phân khúc thị trường này ngày càng bị thu hẹp.Khi giới thiệu cuốn sách nổi tiếng Khái niệm pháp luật (The concept of law), Leslie Green viết rằng đặc trưng của pháp luật là ngẫu nhiên, mang tính lịch sử và do những cấp báo trong sự phát triển về thể thức tổ chức quản lý xã hội quyết định.Vì lẽ đó, nhà nước không thể kéo các mô hình kinh doanh đã phát triển đến một mức độ và trình độ nhất định trở về lại khung pháp lý cũ kỹ, chật hẹp. Thay vào đó, tư duy quản lý cần được cập nhật và luật pháp cần có sự tùy chỉnh phù hợp trước những biến thể mới nảy sinh trong lòng xã hội.Không phủ nhận những tác động đến chính sách quản lý ngành, hay áp lực về cơ sở hạ tầng do sự gia tăng đột biến lượng xe Uber hay Grab. Nhưng sẽ không thuyết phục nếu như cơ quan quản lý Việt Nam thuần túy áp đặt khung kiểm soát kinh doanh vận tải truyền thống lên hoạt động này.Nhưng ngược lại, nếu tiếp tục lấy bản chất thật của mô hình kinh tế chia sẻ để lý giải và bênh vực cho Uber, Grab hay các mô hình kinh doanh tương tự cũng có vẻ không ổn.Kinh doanh lưỡng diệnKinh doanh lưỡng diện (two side business) là một khái niệm và là một mô hình kinh doanh mới. Đương nhiên, mô hình này cũng phát triển từ những thể thức kinh doanh tiền nhiệm sau khi có sự tận dụng đáng kể công cụ công nghệ và Internet.Có thể kể tên hàng loạt thương hiệu lưỡng diện (two side platform) lớn như thế như Google search, Google play, Apple store, YouTube, trung tâm thanh toán thẻ... hay thậm chí các trang báo online.Do hội nhập kinh tế, mô hình này đương nhiên đã xuất hiện và phổ biến ở Việt Nam. Tuy nhiên, người Việt gần như chỉ bắt đầu để tâm đến lý thuyết này sau khi giải Nobel kinh tế năm 2014 được công bố.Jean Tirole, chủ nhân của giải thưởng, lúc đó nhận được sự đánh giá cao của hội đồng một phần bởi những nghiên cứu trong kiểm soát sức mạnh độc quyền của doanh nghiệp lưỡng diện.Theo Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD), mô hình này căn bản được đặc trưng bởi ba yếu tố.Một, phải có hai nhóm khách hàng khác nhau (nhưng có mối quan hệ gắn kết) dựa vào doanh nghiệp lưỡng diện để thiết lập giao dịch.Hai, có sự hiện diện của yếu tố ngoại tác mạng lưới (gián tiếp). Có nghĩa là việc gia tăng số lượng khách hàng ở khu vực (diện/bên) này sẽ kích ứng gia tăng giá trị kinh doanh của nhóm khách hàng khu vực (diện/bên) kia.Mô hình này, vì vậy, kéo theo yếu tố thứ ba là cơ cấu giá cho hai nhóm khách hàng không mang tính trung lập. Có nghĩa doanh nghiệp lưỡng diện có thể dễ dàng giảm giá, thậm chí giảm đến mức 0 đồng, đối với nhóm khách hàng này bằng cách gia tăng giá đối với nhóm khách hàng kia.Dễ dàng nhận thấy ngay Uber hay Grab đích thị là các doanh nghiệp lưỡng diện. Vì vậy về lâu dài, Việt Nam cần tiếp cận và có sự nghiên cứu sâu kỹ để xây dựng một thể chế pháp lý mới cho một mô hình kinh doanh mới.Trước mắt, sẽ hợp lý hơn nếu chính sách và pháp luật cạnh tranh được sử dụng để kiểm soát các hành vi cắt giảm giá hay bất kỳ biểu hiện nào có tác động xấu đến thị trường, như đề nghị của Tirole và các nhà nghiên cứu kinh doanh lưỡng diện khác đã đưa ra.■ Tags: UberThuếKinh tế chia sẻGrabLuật cạnh tranh
Đạo diễn Cu li không bao giờ khóc: Thái độ làm nên số phận điện ảnh NGUYỄN TRƯƠNG QUÝ 19/11/2024 1913 từ
Tin tức thế giới 22-11: Nga sẽ bắn thêm tên lửa Oreshnik; Triều Tiên cảnh báo chiến tranh hạt nhân BÌNH AN 22/11/2024 Nga đã dùng tên lửa đạn đạo siêu vượt âm tầm trung để đánh Ukraine; Ông Matt Gaetz rút khỏi đề cử bộ trưởng tư pháp Mỹ;
Lập lờ sữa và nước uống từ sữa DƯƠNG LIỄU 22/11/2024 Sữa tươi, sữa hạt, sữa trái cây... với hàng trăm thương hiệu, chủng loại trên thị trường khiến người tiêu dùng hoa mắt. Loại nào mới đáp ứng nhu cầu khuyến nghị về dinh dưỡng?
Yoga vì sức khỏe, nào phải 'phông bạt' với đời THU HƯƠNG 22/11/2024 Dư luận lại một lần nữa dậy sóng khi mạng xã hội lan truyền những hình ảnh về một nữ du khách 37 tuổi, người Hà Nội, đã có động tác yoga phản cảm tại Cung điện Gyeongbokgung - Hàn Quốc.
Tin tức sáng 22-11: Vợ và con gái sếp ngân hàng VIB bỏ hàng trăm tỉ mua cổ phiếu TUỔI TRẺ ONLINE 22/11/2024 Tin tức đáng chú ý: Vợ và con gái sếp ngân hàng VIB bỏ hàng trăm tỉ mua cổ phiếu; Quốc hội thảo luận 2 dự luật thuế quan trọng; Năm 2025, ngành y tế TP.HCM ưu tiên nâng cấp và xây mới ba bệnh viện xuống cấp...