Kinh tế Nga hậu Ukraine ra sao

DANH ĐỨC 26/06/2022 17:00 GMT+7

TTCT - Hãng tin Nga Sputnik hôm 20-6 loan tin Diễn đàn Kinh tế thế giới St. Petersburg (SPIEF) lần thứ 25 thành công “vượt mong đợi”. Nhận xét này cũng được một số người áp dụng với nền kinh tế và vị thế chính trị của nước Nga hậu Ukraine. Song cũng có thể có những đánh giá khác, ngay từ diễn văn của Tổng thống Vladimir Putin tại St. Petersburg.

SPIEF-2022 không chỉ thành công vì đã có khoảng 14.000 người đại diện cho 127 quốc gia tham dự, cũng theo Sputnik, mà còn do đã thể hiện được chủ đề “Những Vận Hội Mới trong một Thế Giới Mới” (ban tổ chức viết hoa). 

Chủ đề mà ban tổ chức trưng ra chủ yếu nhấn mạnh những vận hội mới, tức những gì tốt đẹp có thể đến trong một thế giới mới đang hình thành.

Tuy có ý kiến cho rằng “Davos của Nga” chỉ bàn về kinh tế Nga, chứ không nói tới chuyện trừng phạt từ phương Tây, song đúng hôm 17-6, khai mạc phiên toàn thể SPIEF-2022, Tổng thống Putin đã dành nhiều thời giờ cho phương Tây cùng các lệnh trừng phạt. 

Bài diễn văn trường giang 9.985 từ của ông, vào hàng dài nhất trước giờ, đã 23 lần sử dụng từ “trừng phạt”.

 
 Ảnh: spe.org

Vượt khó thay thế hàng ngoại?

Phải nhìn nhận là ông Putin dũng cảm khi giải thích lạm phát ở Nga là hậu quả của các lệnh trừng phạt từ phương Tây, và trưng ra con số chính xác: “Chỉ trong ba tháng từ các gói trừng phạt rất lớn đó, chúng tôi đã ngăn chặn mức tăng đột biến của lạm phát. Như đã biết, sau khi lên đỉnh 17,8%, lạm phát hiện ở mức 16,7% và đang tiếp tục giảm”. 

Ông cũng so sánh với các nước khác: “Lạm phát ở một số nước trong khu vực đồng euro đã vượt quá 20%”, rồi tự hào nhấn mạnh: “Các nước khu vực đồng tiền chung châu Âu đâu có tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt” (còn Nga thì có, nên lạm phát vậy là dở)! Ông cũng đề cập tới Mỹ: “Lạm phát ở Mỹ cũng không thể chấp nhận được, cao nhất trong 40 năm qua!”.

Tuy nhiên, một chút kiểm chứng cho thấy lạm phát của khu vực đồng euro đang là 8,1%, và một năm trước chỉ là 2,0%. 

Các số liệu này được công bố bởi Eurostat, Văn phòng Thống kê của Liên minh châu Âu. Nếu ở một số nước, thống kê chính thức được sử dụng để “bảo vệ thanh danh” hơn là đo đạc nền kinh tế thực, thì ở EU có lẽ những con số là đáng tin. 

Ở EU, chỉ vài nước nhỏ có tỉ lệ lạm phát như ông Putin nói: Estonia (20,1%), Lithuania (18,5%), và Latvia (16,8%) - không thể coi họ là điển hình cho cả khối.

Ông Putin không giấu giếm những bức xúc do hậu quả của trừng phạt: “Tất nhiên, những hạn chế do trừng phạt đã tạo ra nhiều thách thức cho đất nước. Một số công ty tiếp tục gặp vấn đề với phụ tùng thay thế. Các công ty của chúng tôi đã mất quyền truy cập nhiều giải pháp công nghệ. Logistics đang rối ren”. 

Tuy nhiên, trong nguy có cơ: “Tất cả mở ra cho chúng tôi những vận hội mới”.

Có thể lấy ví dụ chuyện máy bay vận chuyển hành khách của Nga Sukhoi Superjet 100 (SSJ-100), giờ đang được chế tạo hoàn toàn bằng linh kiện trong nước, dự kiến mỗi năm sẽ sản xuất 20 chiếc “made in Nga 100%”. 

SSJ-100 cất cánh lần đầu năm 2008 và bắt đầu phục vụ thương mại từ 2011. Máy bay được Cơ quan An toàn liên minh châu Âu chứng nhận, song chủ yếu chỉ hoạt động ở Nga, mà Aeroflot là khách hàng lớn nhất, hiện sở hữu 50 chiếc.

Vấn đề là từ khi còn thử nghiệm tới lúc vận hành, SSJ-100 đã gặp khá nhiều sự cố. Năm 2010, một năm trước khi SSJ-100 được bàn giao cho khách hàng Aeroflot, một cuộc điều tra bất ngờ tại nhà máy sản xuất Komsomolsk của Sukhoi cho thấy ít nhất 70 nhân viên sử dụng bằng giả. 

Khỏi nói, uy danh hãng Sukhoi dân sự cùng chiếc SSJ-100 này đi tong.

Thực tế cho thấy mong đợi “nội địa 100%” chẳng hề dễ dàng: Ngày 9-5-2012, trong sự kiện bay biểu diễn ra mắt ở Indonesia, một chiếc SSJ-100 đã đâm vào núi Salak khiến tất cả 37 hành khách và 8 thành viên tổ bay thiệt mạng. 

Tai nạn chết người này khiến Sukhoi hủy buổi trình diễn tại Việt Nam, dự kiến diễn ra 5 ngày sau ở Nội Bài (Tuổi Trẻ 11-5-2012).

Cứ thế không rơi, thì hỏng hóc khó trị, lác đác nghe tin: “Ngày 5-5-2019, một máy bay SSJ-100 của hãng hàng không Aeroflot bốc cháy sau khi hạ cánh khẩn cấp xuống sân bay quốc tế Sheremetyevo (Matxcơva), khiến 41 người trên tổng số 78 hành khách và tổ bay thiệt mạng” (VnExpress 6-5-2019); “Máy bay Sukhoi Superjet 100 của Nga được rao bán trực tuyến với giá 1 triệu USD” (Tiền Phong 21-11-2021, thật ra, đây là giá khởi điểm mà nhà đấu giá Nga RAD rao cho một chiếc SSJ-100 không đủ điều kiện bay, nhưng hầu như còn nguyên vẹn sau khi bộ phận hạ cánh bị sập và rơi trên đường băng).

Câu chuyện về những bĩ cực của máy bay SSJ-100 là một “vấn đề Nga” rất điển hình, dai dẳng từ thời Liên Xô mà giờ vẫn chưa giải quyết được. 

Sputnik 24-12-2020 đặt câu hỏi: “Tại sao máy bay Superjet 100 của Nga lại thất bại ở nước ngoài?” và giải thích bằng phát biểu của người đứng đầu Bộ Công thương Nga Denis Manturov: 

“Thật không may, chúng tôi không có bất kỳ kinh nghiệm nào trong việc bảo dưỡng. Chúng tôi đuổi theo số lượng. Trong những năm đầu sản xuất, đã mở rộng quy mô lên gần 40 chiếc mỗi năm. Chúng tôi đã không đảm bảo sản xuất các phụ tùng thay thế chu kỳ dài hoặc kho vận, và cũng không hình thành chuỗi trung tâm dịch vụ ở thị trường nước ngoài, nơi bắt đầu cung cấp thiết bị của mình”.

Không rõ các thiết bị - trong đó có động cơ máy bay - nhập từ phương Tây có vấn đề gì không mà gây trục trặc. Cũng không biết có nên hy vọng rằng với niềm tin vào vị thế mới của nước Nga, với các thiết bị “nội địa hoàn toàn”, khó khăn kỹ thuật sẽ giảm bớt?

Sự phụ thuộc của Nga

Một nền kinh tế 144 triệu dân với GDP 1,5 nghìn tỉ USD và trải khắp 9 múi giờ mà vào thời đại này nói chuyện “tự lực tự cường”, “nội địa hoàn toàn” thì hoặc là tin ở chuyện hoang đường, hoặc chỉ là tuyên truyền bất chấp.

Từ khi cuộc chiến Ukraine nổ ra, báo chí phương Tây nói rất nhiều về sự phụ thuộc của châu Âu vào Nga, nhất là về dầu mỏ, khí đốt, ngũ cốc, và một số kim loại. 

Nhưng sự phụ thuộc đó là hai chiều, muốn biết chiều nào nặng hơn thì phải nhìn vào con số. Năm 2020, thương mại hàng hóa của Nga với EU chiếm 37,3% tổng kim ngạch thương mại của nước này (36,5% kim ngạch nhập khẩu và 37,9% xuất khẩu), đồng nghĩa EU là đối tác thương mại lớn nhất của Nga. Tổng giá trị thương mại hàng hóa song phương là 270 tỉ USD, tương đương 18% GDP Nga.

Chưa hết, cần phải đặt những con số đó vào bối cảnh. Việc kinh tế Nga tách rời khỏi phương Tây quả đã gây ra tổn thất cho EU và Mỹ, nhưng kinh tế Nga sẽ khốn khổ hơn rất nhiều. 

Năm 2020, không tới 2% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của EU là từ Nga. Không như những hô hào của ông Putin và giới chóp bu Nga, kinh tế Nga tương thuộc với phương Tây hơn rất nhiều so với các bức tranh giới chính trị gia đang cố tô vẽ.

Tổng nhập khẩu hàng hóa dịch vụ của Nga năm 2020 chiếm 21% GDP, thấp hơn mức trung bình của nhóm OECD (26%), nhưng cao hơn hẳn so với các nền kinh tế lớn tương đồng như Ấn Độ (19%), Trung Quốc (16%) và Brazil (15%). EU là nhà cung cấp chính hàng hóa nhập khẩu cho Nga, như số liệu bên trên cho thấy (thứ hai là Trung Quốc, 24%).

EU và Mỹ cộng lại cung ứng cho Nga lượng hàng hóa tương đương 40% kim ngạch nhập khẩu. 

Đáng nói hơn, chiếm tỉ lệ áp đảo trong các mặt hàng nhập khẩu không phải là hàng hóa tiêu dùng dễ thay thế (và cũng dễ nhìn thấy hơn với dân chúng, nên dễ trở thành mục tiêu cho tuyên truyền), mà là máy móc, hóa chất, và các hàng hóa chế tạo đòi hỏi công nghệ. Những thứ đó không thể thay thế lập tức như một cửa hàng McDonald’s hay một đôi giày Adidas, mà cần nhiều năm đầu tư và xây dựng năng lực.

Đặt tất cả trong bối cảnh năng suất lao động còn thấp của Nga, chỉ bằng 21% của Mỹ và 36% của EU, việc các công ty Nga không thể nhận được sản phẩm, công nghệ, và tri thức chuyên môn từ nước ngoài vì các lệnh cấm vận sẽ để lại hậu quả rất lâu dài. 

Thực ra trong quá khứ, tình trạng năng suất lao động sụp đổ và lãng phí tài nguyên liệu khi làm ra các sản phẩm chất lượng thấp, không đáp ứng được ngay cả nhu cầu quốc nội, chính là lý do quyết định dẫn tới sự sụp đổ của Liên Xô.

Các chính trị gia dân tộc chủ nghĩa sẽ luôn nói về kinh tế tự cường, nhưng những mô hình đóng cửa, tự cung tự cấp, hạn chế thương mại... rốt cuộc đều đã sụp đổ hoặc dẫn tới một mức sống rất thấp cho người dân. Quá khứ có vô số bài học như vậy.■

Với ông Putin, tất cả các lệnh cấm vận từ phương Tây là không hiệu quả. Ông nói ở SPIEF-2022: “Những dự báo thảm khốc với nền kinh tế Nga, được đưa ra vào đầu mùa xuân, đã không thành hiện thực... Tất cả các dự đoán về đồng đôla ở mức 200 rúp cùng sự sụp đổ của nền kinh tế chúng tôi... đã không xảy ra. Trái lại, giờ nước Nga đã ổn định được thị trường tài chính, hệ thống ngân hàng, và mạng lưới thương mại, đang bận rộn rót thanh khoản và vốn lưu động vào nền kinh tế để duy trì hoạt động của các doanh nghiệp và công ty, và công ăn việc làm”. 

Ông nhấn mạnh: “Từng bước, chúng tôi sẽ bình thường hóa tình hình kinh tế”.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận