TTCT - Giấc mơ hóa rồng của Việt Nam phụ thuộc rất lớn vào năng lực của ngành sản xuất và kỹ - công nghệ, vốn có một lịch sử không lấy gì làm hoành tráng. Lần giở lịch sử các ngành công nghiệp kỹ nghệ của Việt Nam, vốn ít được các học giả chính thống để mắt, ông tổ của ngành công nghiệp chế tạo Việt Nam có lẽ là Hồ Nguyên Trừng - con trai trưởng của Hồ Quý Ly - người được coi là kiến trúc sư trưởng và là tư lệnh mặt trận trong cuộc kháng chiến chống Minh đầu thế kỷ 15. Nhà máy của THACO ở Chu Lai, Quảng Nam. Ảnh: Tấn LựcÔng là người kỳ tài về chế tạo súng thần cơ và cổ lâu thuyền chiến. Khi nhà Hồ mất, cha con ông bị bắt về Trung Quốc. Tài năng của Hồ Nguyên Trừng đã giúp ông trở thành người Việt gần như là duy nhất được phong đến chức thượng thư (bộ Công) ở một triều đình phong kiến Trung Quốc (nhà Minh), kiểu như bộ trưởng Công nghiệp bây giờ. Nói gần như duy nhất là vì ngoài ông, lịch sử Việt Nam còn ghi nhận tên của Khương Công Phụ, người Thanh Hóa - được phong làm tể tướng triều Đường Huyền Tông thế kỷ thứ 9.Một nền tảng mỏng manhRất ít câu chuyện được ghi và kể lại rằng thủ công nghiệp, cơ xưởng, máy móc đã được tạo lập, chuyển giao, truyền bá… như thế nào trên mảnh đất Việt Nam trước khi người Pháp đặt chân lên Lục tỉnh năm 1858. Những nỗ lực đáng kể nên được coi là bắt đầu từ thời Mạc, khi Mạc Đăng Dung cho dời đô về Dương Kinh, Hải Dương, mở đầu cho xu hướng phát triển phi trung tâm - ngoại Tràng An, được kế tiếp sau đấy ở nền ngoại thương thời chúa Nguyễn Phúc Nguyên - người cho mở thương cảng Hội An thế kỷ 16.Tuy nhiên đã không có một cánh cửa giao thương nào được mở ra sau khi nhà Nguyễn chính thức lên ngôi năm 1802. Cùng thời gian đó, ngay cả dưới thời Mạc phủ Togukawa được coi là thế lực bảo thủ kìm hãm sự phát triển của Nhật Bản, quốc gia này vẫn có cơ hội để kết nối với thế giới qua thuật ngữ "Lan học" - Rangaku - tức chính sách giao thương, trao đổi học hỏi duy nhất với một quốc gia châu Âu hùng mạnh về hàng hải: Hà Lan.Chính trào lưu "Lan học" này đã là cơ sở nền tảng để sau khi cuộc cải cách Minh Trị được kích hoạt năm 1868, nước Nhật đã sẵn một đội ngũ trí thức có căn bản tương đối về tầm nhìn, ngoại ngữ và tâm thế để bước vào giai đoạn kiến lập quốc gia ngoạn mục và phi thường bậc nhất trong lịch sử phát triển của thế giới.Một cánh cửa tương tự đã không được mở ra ở Việt Nam vào cuối thế kỷ 19, dù chúng ta có một Nguyễn Trường Tộ với bản điều trần khẩn thiết lên vua Tự Đức về việc phải mở cửa với phương Tây, dù năm 1899, Trường Bách công Huế - trường đào tạo công nghiệp đầu tiên của Việt Nam - ra đời, chuyên dạy các nghề thợ mộc, thợ sắt, thợ rèn... Khoảng thời gian đấy, vua Rama IV Mongkut ở Thái Lan đã yêu cầu quan lại phải mặc sơ mi khi thiết triều, bản thân đức vua đã nói được tiếng Anh, con trai và người kế vị ông Rama V thì đã đi châu Âu hai lần và có những cố vấn điều hành kinh tế người Âu.Nền công thương nghiệp được coi là tự chủ của Việt Nam hình thành sau đấy có dấu ấn là những nhà tư bản dân tộc đầu tiên, như chủ nhà tàu Bạch Thái Bưởi ở miền Bắc, người sở hữu đội tàu đường sông đánh bại các đối thủ người Hoa và người Pháp vào những năm 20 của thế kỷ trước. Là Liên Thành Thương quán, mà từ hơn 100 năm trước là công ty đầu tiên ở Việt Nam hợp tác với một hãng Nhật Bản - hãng chế tạo máy nông cụ nổi tiếng Kubota, để thành lập công ty đa ngành nghề đầu tiên ở Nam Trung Bộ (ngoài thương hiệu nước mắm và là tổ chức cưu mang cho nhà cách mạng Nguyễn Tất Thành thời kỳ đầu, những điều vốn đã nổi tiếng với thương hiệu này).Cũng có thể kể thêm "Minh Tân công nghệ xã" của ông Trần Chánh Chiếu ở Lục tỉnh, mà từ khoảng năm 1907, từ chỗ ban đầu chuyên kinh doanh khách sạn ở Sài Gòn, Mỹ Tho, mở mang nhà xưởng và lập nên nhà máy sản xuất xà bông - hãng xà bông Con Vịt. Đây có lẽ là công ty sản xuất hàng tiêu dùng không phải thực phẩm đầu tiên của người Việt trong lịch sử. Một start-up đúng theo mọi nghĩa của từ này vào thời bấy giờ.20 năm sau, năm 1927, ngân hàng đầu tiên của người Việt ra đời: Việt Nam Ngân hàng, với một trong những sáng lập viên là Lưu Văn Lang - kỹ sư công chánh đầu tiên của Đông Dương. Hãng dệt đầu tiên ra đời năm 1923 với chủ hãng là con trai của Huyện Sĩ Lê Phát Đạt, tức ông ngoại của hoàng hậu Nam Phương. Còn hãng xe đò đầu tiên có từ năm 1928, chạy tuyến Sài Gòn - Cần Thơ.Một giấc mơ dang dởMột lịch sử công thương như vậy là đủ dài, nhưng phải đến năm 1960, chiếc xe đạp made in Việt Nam đầu tiên mới ra đời, với cái tên trở thành huyền thoại ở miền Bắc: Xe đạp Thống Nhất. Năm 1963, khu kỹ nghệ đầu tiên ra đời ở Biên Hòa, nhưng phải hơn 30 năm sau, một khu công nghiệp đúng nghĩa mới ra đời: Khu chế xuất Tân Thuận. Từ đó, Việt Nam trở thành xưởng may, xưởng lắp ráp sản phẩm điện gia dụng, rồi xưởng điện thoại di động, với hàng hóa xuất đi khắp thế giới. Từ đầu tới cuối, rất ít sản phẩm có thể được gọi một cách chính danh, tạm định nghĩa là có hàm lượng chế tạo lớn hơn 50%, là sản phẩm của Việt Nam.Đấy là dòng chảy thầm lặng, phi trung tâm của ngành công nghiệp chế tạo Việt Nam. Những khó khăn và chênh lệch giữa các tập đoàn đa quốc gia, các công ty Trung Quốc có hàng chục năm kinh nghiệm và một lợi thế đầu vào quá rõ ràng, và các công ty tư nhân Việt Nam - dẫu hơn 30 tuổi đời vẫn bị coi là non trẻ yếu kém, là điều có thể nhìn thấy suốt chiều dài lịch sử.Giữa những đại ngôn thời đại 4.0, về công nghiệp bán dẫn, công nghệ xanh..., những tin tức như một công ty có thể làm được con ốc vít 0,3mm - tức kiểu con ốc bắt vào gọng kính, hay một tập đoàn tư nhân sản xuất ra được nguyên chiếc vỏ container để xuất đi Mỹ, lọt thỏm giữa dòng thời sự. Nhưng với những người làm công nghiệp chế tạo, đấy mới là thành quả thực sự, bởi sự tự chủ, đột phá về năng lực chế tạo, và xây dựng một nền kỹ nghệ lâu dài, nằm ở đó.Những hình mẫu phát triển ngoạn mục ở châu Á - như Hàn Quốc, Đài Loan hay cả Trung Quốc, không có nền kinh tế nào không khởi đầu bằng sự chăm chỉ cần mẫn và ý chí sắt đá của những doanh nhân, những ông chủ nhà máy suốt đời coi xưởng như là nhà. Sẽ không có sự phát triển thần kỳ nào xảy ra bằng những mơ mộng "đột phá", "đi tắt đón đầu" "đứng trên lưng người khổng lồ"…Năm qua, rất nhiều công ty thương mại, phần mềm, bất động sản giải tán, tỉ lệ mất việc ít nhất chính là ở các nhà máy sản xuất, nơi đang giải quyết 17 triệu việc làm - tức 1/3 lực lượng lao động của cả nước. 17 triệu chỗ làm đấy, trong hoàn cảnh tỉ lệ sinh sụt giảm hiện giờ, lại rất ít khi là mục đích của giới trẻ đang lớn lên.Ước mơ hơi viển vông của người viết vào dịp cuối năm, đấy là Việt Nam có được một bảo tàng công nghiệp - trong đó trưng bày cái lưỡi cày, cục xà bông, hộp kem đánh răng, hộp sữa, chiếc xe đạp… rồi dần dà, phụ tùng ô tô, thiết bị thông minh đã được người Việt Nam chế tạo hay sản xuất. Những câu chuyện trăm năm đã kể từ Hồ Nguyên Trừng tới Bạch Thái Bưởi khi đó sẽ được kể tiếp bằng những sản phẩm và ông chủ nhà máy, doanh nghiệp tự hào mang đến cùng hành trình làm ra nó, tặng cho bảo tàng.Mỗi đứa trẻ lớn lên sẽ có dịp đến tham quan bảo tàng đấy, để ít nhiều khi bước vào đời, có thể có một ít ý niệm về nỗ lực và những đòi hỏi gần như là khổ hạnh để làm ra những thứ rất vật chất, hữu hình, thiết thực của đời sống hằng ngày, bởi chính bàn tay của người Việt; và rộng ra là để xã hội có thể tiến lên.■ Tags: Hồ Nguyên TrừngNgành công nghiệpThủ công nghiệpXu hướng phát triểnKỹ nghệ Việt
PGS.TS.BS Nguyễn Thị Bay: Cần làm sáng tỏ y học cổ truyền bằng nghiên cứu khoa học bài bản NGUYỄN THỊ NGỌC HẢI (THỰC HIỆN) 11/12/2024 2207 từ
Chàng lái xe công nghệ ngoài hành tinh, xịt khói giữa chợ và bay về trời... NGUYỄN NGỌC THUẦN 10/12/2024 3389 từ
Ngày của phở 12-12: Cả trăm người ăn phở nóng ấm giữa mùa đông vùng cao HỒNG QUANG 12/12/2024 Hàng trăm người dân xã Phúc Khánh (Bảo Yên, Lào Cai), sáng nay ngồi kín sân trường liên cấp số 1 để thưởng thức những tô phở ấm nóng.
Buôn bán thức ăn đường phố 'bẩn' sẽ bị phạt tới 6 triệu đồng PHẠM TUẤN 12/12/2024 Các địa điểm kinh doanh thức ăn đường phố không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm ở Hà Nội sẽ bị phạt cao nhất đến 6 triệu đồng.
Bộ Quốc phòng phản hồi kiến nghị xử lý việc lợi dụng xăm hình trốn nghĩa vụ quân sự THÀNH CHUNG 12/12/2024 Bộ Quốc phòng đã có trả lời kiến nghị của cử tri TP.HCM về biện pháp xử lý nghiêm việc lợi dụng xăm hình để trốn nghĩa vụ quân sự.
Ông Trump nói giám đốc FBI từ chức là 'ngày tuyệt vời với nước Mỹ' KHÁNH QUỲNH 12/12/2024 Ông Trump đã bày tỏ thái độ vui mừng trước quyết định từ chức của Giám đốc Cục Điều tra liên bang Mỹ (FBI) Christopher Wray hôm 11-12.