Ký sự: Một thời để sống

KIỀU BÍCH HƯƠNG 07/10/2015 17:10 GMT+7

CTV TTCT Kiều Bích Hương đang sống cùng gia đình ở Bỉ. Dưới đây là câu chuyện của chị kể về cuộc sống những người nhập cư và di dân ở châu Âu những ngày đầy biến động này.

An ninh thắt chặt hơn với lực lượng quân đội bồng súng canh gác ở những vị trí trọng yếu tại thủ đô Brussels
An ninh thắt chặt hơn với lực lượng quân đội bồng súng canh gác ở những vị trí trọng yếu tại thủ đô Brussels

Thứ sáu ngày 21-8, Ayoub le-Khazzani (gốc Morocco) lên tàu ở Brussels, mang theo súng trường Kalashnikov, súng lục Luger và một con dao. Nếu hai quân nhân Mỹ không kịp chặn Khazzani, có thể người Bỉ sẽ trải qua một “thứ sáu đẫm máu”.

Còn nghĩ chuyện đâu đó xa xôi lắm cho đến tối thứ sáu tiếp theo (28-8), tôi nghe một tiếng nổ lớn vang lên trước nhà, cột lửa phụt đến ngọn cây. “Có kẻ đốt xe nhà mình rồi” - chồng tôi hốt hoảng.

Chiếc xe bảy chỗ hồi chiều vừa đổ đầy bình xăng bốc cháy đùng đùng, lửa kèm khói ngùn ngụt phun thẳng lên không trung. Khoảng rừng cây bị màn đêm phủ bóng tối thẫm trước nhà bỗng bừng rực như vừa được thả pháo sáng. May mắn là bọn trẻ vẫn say giấc, vì nơi để xe cách nhà ở hơn chục mét.

Vợ chồng tôi tê dại nhìn ngọn lửa ngày một lớn, tiếng nổ ngày một to nhanh gọn liếm trọn chiếc xe mới mua hai tháng trước. Hai xe cứu hỏa lao đến. Lửa tắt, phơi ra khung cửa nhà để xe nham nhở. Chiếc xe chỉ còn trơ bộ khung nóng bỏng, loang lổ và đám tàn tro màu xám xanh quyện mùi xăng dầu, cao su mới thật nhức nhối: chúng dính bệt trên nền gạch, bám theo đế giày vào nhà, tẩy rửa cả tháng không sạch.

Vụ thương lượng không thành

Sẽ chẳng bao giờ tôi quên cảm giác sợ hãi đến tê liệt thần kinh trong vài phút ấy. Không hẳn vì bất lực nhìn khoản tiền hơn 20.000 euro chắt bóp để mua xe đang bốc cháy trước mặt, mà chính là kinh hãi nghĩ ngay đến gương mặt người đàn ông nhập cư ấy.

Hắn đã thấy tôi - người đàn bà cũng nhập cư - hốt hoảng bế con nhỏ bước ra khỏi xe khi hắn lái ẩu đâm vào xe nhà tôi buổi chiều muộn cùng ngày. Tôi và hắn, cùng thân phận nhập cư, cùng có những đứa con nhỏ để yêu thương, nuôi nấng và bảo vệ. Chẳng lẽ chỉ một va chạm nhỏ mà hắn nỡ mò đến tận nhà châm mồi lửa đốt xe trong đêm khuya?

Có thể xe tự bốc cháy do chập điện sau khi va chạm mạnh? Thà như vậy còn dễ chịu hơn ý nghĩ xe bị đốt, chẳng khác nào khủng bố tinh thần. Nhưng đêm đó chồng tôi thức khuya, cả quyết nghe thấy tiếng xe rồ máy chạy đi vài chục giây trước khi xe nhà tôi bốc cháy. Hai chuyên viên do cảnh sát cử đến sáng hôm sau lục lọi đống tàn tro cũng khẳng định xe không tự bốc cháy mà bị châm lửa đốt.

Tôi vẫn nhớ gương mặt có cái mũi khoằm đặc trưng, nước da nâu làm màu mắt thêm tối và mái tóc ẩm ướt bết lại trên đầu ấy lật đật mở cửa xe, gõ gõ vào chiếc đồng hồ đeo tay ra ý “Tôi vội đi đón con nên không nhìn đường kỹ” khi đâm vào xe nhà tôi.

Hắn tên D.K., 26 tuổi, trình ngay thẻ cư trú (mới nhập cư Bỉ) và giấy bảo hiểm xe chỉ có giá trị một tháng rồi bỏ đi trong khi chồng tôi kiên nhẫn gọi cảnh sát. Gần nửa tiếng sau, D.K. quay lại cùng người anh họ cũng dân nhập cư. Chúng tôi nhận ra anh ta làm việc cho một tiệm bánh kebab thỉnh thoảng chúng tôi vẫn ghé ăn trên cùng con đường này.

Anh họ của D.K. lập tức đề nghị: “Thôi dẹp cảnh sát và bảo hiểm đi. Tôi trả tiền mặt cho anh sửa xe. Vài trăm euro được không?”. Chồng tôi lắc đầu: “Phải theo luật anh bạn ạ. Xe nhà tôi mới mua, tiền sửa có thể lên đến năm bảy ngàn euro, không dựa vào bảo hiểm anh đủ tiền đền không?”. Anh họ của D.K. lại sáng kiến: “Điền tên tôi vào biên bản va chạm xe. Tôi ký chịu trách nhiệm thay nó”. “Như thế trái luật” - chồng tôi tiếp tục từ chối.

Chiều muộn thứ sáu hôm ấy, cảnh sát bận giải quyết vụ va chạm giao thông khác nên không đến. Chúng tôi đành ra về, mỗi bên giữ một biên bản va chạm xe đã điền đầy đủ thông tin và chữ ký hai bên. Nguy hiểm ở chỗ chúng tôi đã cho D.K. biết địa chỉ nhà mình. Đây là lần cuối cùng chúng tôi cứng nhắc điền địa chỉ nhà riêng vào mẫu đơn va chạm giao thông luôn để sẵn trong xe hơi ở Bỉ.

Hàng xóm thức khuya

D.K. có thể hài lòng nghĩ mọi giấy tờ, kể cả chữ ký của anh ta, đã bốc cháy theo xe. Mặc sức nghi ngờ nhưng không thể buộc tội, mọi chứng cứ đã phi tang sau động tác nhóm lửa giữa đêm khuya. Sáng hôm sau D.K. còn gọi điện, chồng tôi không nghe máy, bèn nhắn tin “Đừng liên hệ bảo hiểm, gặp thương lượng tiếp?”, vờ ngây thơ chẳng biết chuyện đêm qua.

Có một điều D.K. không nghĩ tới là trước khi xe cháy khoảng nửa tiếng, chồng tôi đã kịp mang biên bản va chạm xe vào nhà tranh thủ chuẩn bị hồ sơ để hôm sau làm việc với hãng bảo hiểm. Luật sư của gia đình khuyên không nghe máy, không trả lời D.K., hãy để cảnh sát làm việc.

Cầm sẵn biên bản va chạm xe trong tay, cảnh sát tiếp tục gõ cửa gần như cả phố để hỏi có nghe, có thấy hiện tượng gì lạ đêm đó không. Hàng xóm ở đầu phố chủ động cung cấp thông tin quan trọng: “Tối qua nhà tôi thức khuya. Khoảng thời gian ấy vợ tôi nhìn qua cửa sổ thấy một chiếc Mercedes không bật đèn chạy vào phố này rồi chạy ra vài phút sau đó, cũng không bật đèn”. Xe của D.K. cũng là Mercedes.

Hai ngày sau, xe cảnh sát đỗ xịch trước cửa nhà tôi: “Đã bắt được thủ phạm. Hắn thú nhận đốt xe vì gặp rắc rối về tài chính. Chính là D.K.. Giờ hắn đang trong nhà giam”.

D.K. đã thú tội, nhưng lòng tôi còn bất an hơn. Tại sao một người mới chân ướt chân ráo vào Bỉ lẽ ra cần bình an ổn định cuộc sống thì D.K. lại châm ngòi cho sự việc trầm trọng hơn? Nếu D.K. biết chồng tôi đã mang giấy tờ vào nhà chứ không để trong xe, và nếu cấu trúc nhà tôi giống nhiều nhà kiểu Bỉ khác - nhà ở liền kề gara, D.K. có dừng ý định hay vẫn đốt xe, đốt luôn cả nhà mà chẳng quan tâm tính mạng con người?

Khi chúng tôi sang nhà đầu phố cảm ơn thông tin quý báu cung cấp cho cảnh sát, chị vợ cũng lo lắng chẳng kém tôi: “Bắt được hắn rồi thì may quá. Tôi sợ hắn cũng thấy mặt tôi khi tôi nhìn ra cửa sổ lúc đó”. Còn anh hàng xóm gần nhà đêm ấy ngủ say không biết trời đất là gì, hôm sau sang an ủi: “Thời còn ở Brussels tôi từng bị một kẻ nhập cư rút súng gí vào đầu, chỉ vì tôi nhắc đừng nhổ nước bọt lung tung trên sân ga. Thành phố lớn càng nhộn nhạo. So ra nơi này còn bình yên chán”.

Ngày cũng như đêm, khi chồng đi làm, con lớn đi học, tôi vừa bế con nhỏ vừa đóng cả cửa kính lẫn cửa cuốn quanh nhà. Không còn ánh nắng mặt trời cuối hè rọi vào như thể tôi cầm tù chính mình.

Charlotte - người của Tổ chức trợ giúp nạn nhân - đến động viên: “Tôi hiểu phản ứng của cô. Nhiều người bị hoảng loạn và còn muốn rời bỏ chỗ ở quen thuộc sau những cú sốc như thế này. Nhưng cô an tâm một điều rằng D.K. giờ đã bị giam”. “Có chắc hắn vẫn bị giam?”. “Để tôi gọi điện cho cảnh sát hỏi tình hình hắn giờ ra sao nhé?”. Tôi gật đầu. Charlotte bật loa điện thoại, chúng tôi cùng nghe một giọng nữ phát ra: “D.K. đã được thả sau vài giờ giam giữ”.

Người nhập cư chờ đến giờ vào học ngôn ngữ địa phương tại Bỉ                -PHƯƠNG THÙY
Người nhập cư chờ đến giờ vào học ngôn ngữ địa phương tại Bỉ -PHƯƠNG THÙY

Mắc nợ ở miền đất hứa

Ngay sau vụ Ayoub le-Khazzani, chưa biết hắn liên quan nhóm Hồi giáo cực đoan Sharia4Belgium hay không nhưng dư luận cho rằng an ninh ở Bỉ đáng báo động đỏ. Bộ trưởng Nội vụ Jan Jambon than phiền với truyền thông: “Có hàng trăm người phải theo dõi, giám sát nhưng không thể theo dõi họ 24 giờ mỗi ngày. Muốn theo sát ai đó bảy ngày một tuần đòi hỏi phải có 24 đặc vụ. Chúng ta mang tiếng xấu là hang ổ lớn của những chiến binh Jihad - hậu quả từ chính sách nhập cư sai lầm trong quá khứ”.

Bởi thế để trấn an tinh thần gia đình tôi, cảnh sát tăng cường tuần tra qua nhà cũng chỉ hai ba ngày đầu. Rồi thôi. Nếu họ không ở tình trạng làm việc quá tải, kịp đến cùng lập biên bản va chạm xe thứ sáu hôm đó, chưa chắc D.K. đã hành động sai lầm như vậy.

Suốt tuần sau đó, mỗi khi bạn bè gốc Việt ở Bỉ, Hà Lan và Đức đến an ủi, gọi điện hỏi thăm, tôi đều lặp lại câu hỏi: “Không hiểu D.K. quá khích hay dính đến tổ chức tội phạm mà hành động như vậy?”.

Vinh, con trai một gia đình thuyền nhân Việt đến Bỉ những năm 1980, cả cười: “Thằng này bị thần kinh mới đốt xe. Tin anh đi, nếu dính dáng tổ chức tội phạm chuyên nghiệp, chúng chả cần động tay vào việc cỏn con ấy làm gì mà xòe ngay vài ngàn euro cho em sửa xe để tránh lôi thôi với cảnh sát”.

Còn Nhàn - bạn gái mới được nhập quốc tịch Hà Lan hơn một năm nay - trấn an bằng trải nghiệm của cô: “Đừng cả nghĩ quá. Chính em đây khi chưa nhập được quốc tịch, ra đường va phải xe người ta cũng muốn rút ngay tiền mặt đền. Dính đến cảnh sát, bảo hiểm là lôi thôi giấy tờ và mất thời gian chạy đi chạy lại lắm. Có khi ảnh hưởng hồ sơ xét quốc tịch nữa.

Khổ nỗi người bản xứ như chồng chị thường cứng nhắc, cái gì cũng theo luật chứ không chịu nhận tiền đen nên D.K. quẫn quá mới hành động vậy. Nhìn xem, bao dân tị nạn đang đổ vào châu Âu. Nói để chị biết, rồi đây không chỉ điều kiện xét quốc tịch ngặt nghèo hơn mà dân nhập cư như tụi mình kiếm việc làm cũng khó”.

Sau khi an ủi “của đi thay người, không cháy nhà là may rồi”, chị bạn khác ở Đức hỏi tôi nhập quốc tịch Bỉ chưa. “Chưa”. “Đủ điều kiện thì làm nhanh lên. Hè rồi về Việt Nam chơi, gia đình cũng khuyên chị khi quay lại Đức việc phải làm đầu tiên là xin nhập quốc tịch. Đừng nghĩ ở đây đã mười năm, ung dung có thẻ cư trú dài hạn rồi mà chắc chân đâu. Một gia đình chị quen đã bỏ ra 2 tỉ đồng chi cho kết hôn giả và lập công ty đảm bảo về tài chính vẫn chưa vào được Đức đấy”.

Tôi kêu: “Nếu có 2 tỉ đồng ở Việt Nam cho sướng, tội gì sang đây?”. “Thiển cận. Châu Âu và Mỹ vẫn là miền đất hứa. Không chỉ cho đời mình mà còn thế hệ sau”.

“Giờ thì sao, Charlotte?”. Tôi quay ra hỏi Charlotte khi biết D.K. không còn bị tạm giam và cũng không bị trục xuất khỏi Bỉ như chồng tôi nghĩ. Từ tốn nhấp ngụm cà phê không đường, Charlotte hí hoáy ghi số điện thoại và đưa kèm tập tài liệu: “Gọi tôi bất cứ khi nào cô cảm thấy lo lắng, sợ hãi nhé. Đó là việc của tôi. Còn khi nào có thời gian hãy đọc những tài liệu này để thấy nạn nhân nào cũng phải trải qua giai đoạn khó khăn, ví như cô có thể sẽ không dám lái xe trong một thời gian, không muốn đi con đường xảy ra tai nạn ấy một thời gian... Nhưng rồi tất cả sẽ qua”.

Chợt Charlotte nhìn kỹ lại tôi, hạ giọng: “D.K. được tại ngoại, nhưng quá trình điều tra còn tiếp diễn và phải chờ tòa phán quyết. Cô có thể thuê luật sư theo sự việc đến cùng. Có một điều tôi muốn nói thêm là trong nhiều trường hợp phạm tội dẫn đến tổn thất về tài chính, bảo hiểm chỉ là bên chi trả tạm thời.

Bên phải trả cuối cùng vẫn là những kẻ làm sai như D.K., kể cả chi phí cứu hỏa. Có thể anh ta không nhất thiết phải ngồi tù, thay vào đó nên tự do để lao động trả nợ. Anh ta không trả hết thì gia đình hoặc chính người bảo lãnh cho anh ta sang đây gánh món nợ này”.■

Kỳ tới: Ai lÀ công dân hạng hai?

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận