Ký sự về những đỉnh tuyệt mù

TTCT - “Ba tác phẩm xuất sắc nhất trong sự nghiệp nhà điêu khắc Lê Thành Nhơn đã “hội ngộ” thành một tam giác vàng tuyệt mỹ: tượng Quán Thế Âm đặt ở Trung tâm Liễu Quán, tượng Phan Bội Châu đặt trong khu di tích cụ ở Bến Ngự và tượng Cô gái Việt Nam...”.

Phóng to
Minh họa: Hoàng Tường

Tin đưa chớp nhoáng. Hồi nào tôi đang lạc giữa dòng người lố nhố ở sân ga, thoáng thấy nàng bước vào chiếc xe con và mất hút. Ở đây có khác, tôi đã thấy rõ nàng và nàng đang ở rất gần... Tôi thẳng lên dốc Bến Ngự.

Tôi chưa bao giờ đến thỉnh cụ vào ban đêm. Rèm sập. Không ánh đèn hắt ra. Cụ đã ngủ? Hay đi đâu. Tôi thập thò ngoài cổng chính. Chút ánh sáng vàng võ của đèn cao áp phả vô, tôi thấy cụ. Ở góc vườn. Trên bệ. Mắt nhắm, cằm hơi thu. Thanh thản. Cụ đang thiền.

Tôi vẫn đứng bên hàng rào, ngóng vào. Mặt cụ không rõ. Mặt cụ “tối”. Nhưng vẫn tỏa rạng thứ ánh sáng thiện tâm. Ở đấy toát ra nhựa sống. Tôi nín thở. Sợ đánh động tâm thức cụ. Nhập định. Cụ lãng du bên trên quãng thời gian bị “quản thúc” nơi đây. Hẳn lúc đó cụ cũng quên nốt hàng trăm thanh niên khăn gói hồi hương đặt dấu mốc phong trào Đông Du tan rã. Đầu rỗng. Mấy con chó nhận diện kẻ thập thò, im, chúng sợ rúng động giấc thiền của cụ. Thấy mệt. Tôi sẽ không đánh thức cụ. Tôi sẽ thầm lặng trở về. Nếu như cụ đạt cảnh giới Tha tâm thông, thì cụ đã đọc được dòng tin nóng trong đầu tôi: Cô gái Việt Nam đã trở về Huế!

***

Tại sao Nhơn lại chọn khuôn mặt Việt của tôi? Giữa Việt và Nhơn quan hệ như thế nào? Lúc nào?

Tôi không giận. Việt của tôi đã ở bên kia núi.

Nhơn hồi ấy mảnh khảnh, ốm, tóc hơi rườm và lúc nào cũng bết lại bởi mồ hôi và bụi. Bụi chất liệu tạo hình. Bụi trần ai. Chỉ đôi mắt sáng, hút buồn. 1973. Phong trào đấu tranh của học sinh sinh viên dâng cao, bị đàn áp. Nhơn đi tìm thần tượng, tìm cho phong trào một gương mặt làm tin để tiếp tục tranh đấu. Mai có hòa bình.

Tôi nhớ rành rành bài thơ của Ngô Kha, truyền khẩu. Những cuộc tụ hội hiếm hoi, họ, trong đó có Nhơn, đọc đi đọc lại bài thơ đó và hát nhạc Trịnh, ngâm nga Hồ trường, rồi Nghiêng nón cùng Trần Quang Long: “Sao em biết anh nhìn mà nghiêng nón/ Trời mùa thu mây che có nắng đâu”. Họ đấu tranh, ước vọng hòa bình, ước vọng tình yêu. Nồng cháy. Tình yêu như là sinh lực của tranh đấu. Và phần thưởng cho sự hiến thân của họ, nếu cần, nếu như họ được nhận và muốn nhận, có lẽ không gì ngoài tình yêu.

Chẳng rõ hồi đó Nhơn đã có người yêu? Tôi ít để ý đến chàng thanh niên có vẻ trầm tư nhất trong đám này. So với Nhơn và nhiều trí thức văn nghệ sĩ khác, thú thật tôi hèn nhát. Thật may, tôi chưa phải đối mặt với giam cầm, tra tấn. Tôi lành lặn cho tới ngày nghỉ hưu. Sạch sẽ dòng lý lịch.

Yêu Việt chân thành. Tôi yêu Việt như yêu một đóa vô thường mới nở tinh khôi mà ai cũng có quyền thổn thức. Việt từng tham gia tranh đấu tại chợ Đông Ba, rải truyền đơn ở bến đò Thừa Phủ, đưa cán bộ nguồn về cửa Tư Dung ẩn náu. Việt yêu tôi ở sự chừng mực, điềm đạm, dễ nương tựa.

Một tuyệt phẩm như Cô gái Việt Nam hẳn không phải từ một khuôn mặt bất kỳ. Phải rút ruột, bào gan cạn máu, vắt gần như kiệt năng lượng của mình Nhơn mới hoàn thành. Không thể là ngẫu nhiên.

***

Tôi nay tóc dài râu cũng dài. Chưa bạc nhiều. Cũng thấu suốt mọi nhẽ đời, nhiều lúc nghĩ mong trời cho sống thêm mươi mười lăm năm nữa xem xã hội chuyển xoay ra sao? Con người sẽ ngược xuôi ra làm sao khi nhà tiên tri mù lừng danh thế giới Vanga cảnh báo loài người sẽ lâm vào thảm họa bắt đầu từ cuộc thế chiến thứ ba nổ ra vào cuối năm nay. Nghĩ lại cũng buồn cười cho sự “tu” của mình. Tham. Ngày xưa tôi đã tham sống, giữa lúc Nhơn cùng nhóm bạn công khai phản chiến...

Về hưu. Tôi hầu như không nghe radio, thôi xem tivi. Sập mọi giác quan. Tóc, lạ, không bạc thêm. Hôm tôi hay tin động đất sóng thần, cám cảnh mở tivi chờ xem truyền hình trực tiếp “chung tay cùng thảm họa”... Thời sự đưa tin về nàng: “Cô gái Việt Nam đã được đưa về Huế đúng như ước nguyện của tác giả”.

Chỉ thoáng chốc thấy Việt (dẫu chỉ là tượng), một trời kỷ niệm ùa về. Dồn ứ. Khoảnh khắc đầu tiên là tôi phải tìm gặp Việt tức khắc. Ra đi. Chợt nhớ: bản tin thông báo hiện nàng nương náu tạm bợ... Vẫn đi. Tôi nghĩ ngay tới cụ. Tôi phải thông báo tin này với cụ. Đấy là một ý nghĩ vô thức, bởi chính tôi biết tin này chả liên quan gì đến cụ.

***

Hậu sinh. Tôi không có cơ duyên ngồi đàm đạo thế sự với cụ. Ấn tượng mạnh là lúc tôi chiêm bái tượng cụ do Nhơn sáng tạo. Một bức tượng đầu khổng lồ. Lớn nhất Đông Nam Á. Tôi liên tưởng Nhơn đến những nghệ sĩ khổng lồ của thời đại Phục hưng khổng lồ. Nhìn tượng, dẫu tôi chưa hề biết tí gì về cụ vẫn nhận ra đây là một ông lớn. Cảm phục.

Tôi bắt đầu lần giở tất thảy tư liệu kiếm được về cụ, lần theo từng dấu chân của cụ trên hành trình “tìm hiểu đối phương” bên trời Tây. Tôi đọc cụ, hiểu cụ, hình dung về cụ. Đến nỗi cụ hiện lên một con người “có máu”, đang sống cùng thời, nhấp rượu với tôi... Cụ tỏa ra thứ minh triết mà tôi có thể gội sạch bản thể mình được.

Ngày Nhơn còn bắc thang sửa từng nếp nhăn trên trán cụ, tôi đến thường xuyên. Chúng tôi không trò chuyện. Tôi chỉ là vị khách ghé vào xem tạc tượng. Không ít người vẫn thường lui tới trong thời gian bức tượng đã được đặt lên bệ, đang làm nguội. Phải rồi, bây giờ tôi mới nhớ...

...Lần duy nhất, tôi có chở Việt tới đây, một sáng thấp thoáng mù sương. Trời không nắng. Nhơn đội chiếc mũ tai bèo bạc phếch. Lưỡi chạm của họa sĩ khẽ rơi. Nhơn bước xuống được hai bậc thang thì Việt tới nhặt hộ, nhón chân trao cho. Nhơn nhìn Việt ân huệ. Rồi Nhơn nhìn tôi đứng dưới gốc bồ đề gần cổng. Tôi cười. Một lời động viên, và kính phục. Việt lại bên tôi, tà áo trắng trong suốt, yên lặng.

***

Trưa nay mưa phùn giăng mắc trên dốc Bến Ngự. Cụ, vẫn mắt nhắm nghiền. Nhân thế phù du trôi vào quá vãng đời cụ. Tôi thì vẫn trong mớ lùng bùng nhân sinh. Hình bóng cụ còn đó trong khu vườn này. Trong ngôi nhà tranh đơn sơ kia. Bị quản thúc. Cụ tha thủi trên cơn đau của đất nước. Bạn cùng con Ky, con Vá... Một sự bình tâm hiếm thấy so với quãng thời gian cụ dấn thân nhờ Đông Du khai sáng.

Tôi nhặt lá bồ đề, nhớ buổi sáng thoáng chút nắng trời rồi tắt ấy, Việt bên tôi nhìn Nhơn, nhìn lưỡi chạm ngọt lịm khắc sâu thêm nếp nhăn trán cụ. Phải chăng khoảnh khắc thấy Việt, trái tim Nhơn rung động và làm rơi lưỡi chạm. Nhưng là một kẻ sĩ, có lẽ Nhơn biết mình phải giữ khoảng cách... Nhơn bóp chặt tim mình lại. Còn Việt...? Chưa bao giờ tôi hoài nghi tình cảm của Việt. Từng nghĩ, nếu như tôi có là một thằng giẻ rách, Việt vẫn vá víu đời tôi bằng sự nhẫn nại tuyệt vời của cô gái Huế.

Lẽ nào chỉ khoảnh khắc chớp nhoáng bên tượng cụ ngày ấy, khuôn mặt Việt đã khắc vào tâm khảm của Nhơn như một dạng ký họa bút sắt? Hay giữa Việt và Nhơn từng gặp, tâm tình cùng nhau và đã giấu biệt tôi? Rồi Nhơn mang “bức ký họa” vào tận Sài Gòn thể hiện bằng chất liệu ximăng. Trắng. Chắc Nhơn không sợ “thất lễ” với tôi đến mức phải vào Sài Gòn nhằm để kéo căng manh tình với Việt, và sau đó dấn bước dài thêm ở Melbourne... Ba tháng trước lúc mất, Nhơn đã kịp trăng trối với một người bạn chí thân rằng hãy đưa bức tượng về Huế.

Cô gái Việt Nam lẽ nào có nguồn từ tên vợ tôi?

***

Chập tối sau tôi đạp xe tới thăm một nhà thơ ẩn chục năm nay không hề công bố tác phẩm, đóng cửa đóng cổng đọc và học Phật. Ông tiếp tôi. Trà. Và thuốc lá. Lúc tôi hỏi về Nhơn, ông gãi đầu xoa trán. Chậm. Ông bảo nếu nói thân với Nhơn, vùng đất này chả ai qua mặt ông. Dịp Nhơn mất, ông có viết về Nhơn, đang tính gửi in, sáng ngồi cà phê thấy báo chí tràn ngập bài về Nhơn. Toàn xưng bạn thân. Sai nhiều. Ngay mốc Nhơn tạc những tác phẩm lớn cũng lộn tùng phèo. Ông thôi không gửi báo nữa.

Tôi xin xem lại bài viết của ông. Nó còn. Giấy kẻ ô. Bài viết chưa thấy có tên, mực bút bi màu đen, nét to, dưới cùng ghi thời điểm viết: ngày năm tháng mười một năm hai ngàn lẻ hai - đúng ngày mất của Nhơn.

Tôi tìm được nội dung vô cùng quan trọng cho mình. Ông viết: “Hồi đó tôi chưa theo Phật nên lúc Nhơn đề nghị góp ý về phác thảo (trên giấy) tượng Quán Thế Âm (với tỉ lệ lớn), tôi cười mà lắc đầu. Hỏi: Sao không tạc tượng Phật luôn lại tạc Quán Thế Âm? Tạc rồi đặt chỗ mô? Định tặng cho Liễu Quán à? Nhơn chau mày. Cũng có thể... nhưng tao làm để “tặng” một người...

Ai? Nhơn không trả lời. Tôi cũng thôi hỏi. Nhưng đêm nằm, thao thức, Nhơn bật ra: Tao thương nó. Có lần nó thì thào: Nếu thương anh em tụng kinh sám hối đến mờ mắt mất. Vậy anh sẽ tạc tượng Quán Thế Âm để bà nhận lời sám hối của em... Rồi tao kể điển tích: Quán Thế Âm nguyên là Phật ông (chứ không phải Phật bà). Thời phong kiến bên Tàu, trai năm thê bảy thiếp, phụ nữ sắp hàng trước Quán Thế Âm mong cứu khổ cứu nạn. Có một người nghệ sĩ động lòng đã tạc tượng Quán Thế Âm thành bà để phụ nữ dễ tâm sự điều thầm kín nhất, tế nhị nhất.

Nó là cô nào vậy? - tôi hỏi.

Nhơn im lặng. Cho tới khi ngủ”.

Đỏ mặt. Rồi tái. Tôi chưa dám khẳng định: chính là Việt.

Nàng đã có khuôn viên xứng đáng đối diện với trường nữ sinh Đồng Khánh. Tôi đi dọc theo đường Lê Lợi, cốt thấy nàng. Hai mảng khối ghép dưới cùng khiến tôi nhớ đến ngấn cổ của Việt. Liệu có thêm dấu vết nào đó mà tôi còn nhớ như in... được thể hiện trên khuôn mặt kia? Nghĩ đến đó tim tôi thắt lại. Đau. Trời đủ tối để tôi không nhìn rõ gì. Chỉ khuôn mặt ấy, bầu má ấy, mọi người sẽ bảo hao hao giống người này người kia... riêng tôi khẳng định: Việt.

Đau khổ. Cô đơn. Tôi ngắm Việt của tôi. Việt của riêng tôi. Việt đã sống cạn mình cho tôi. Tôi nhìn Việt. Nước mắt tôi pha máu từ tim. Vài cặp tình nhân trên ghế đá bên hồ nước... Tôi quay đi. Vội vã về. Những giọt nước mắt rơi, ăn mòn khung sắt như một thứ axit đậm đặc.

***

Về. Tôi sốt cao. Cự tuyệt với thuốc thang, chỉ ăn cháo trắng và chờ... Tôi đã chờ chạm được tay vào cõi chết. Tôi gọi Việt, song không thấy trả lời. Cánh cửa âm chưa sẵn sàng mở. Thêm một phóng sự về nàng. Tôi nhờ cháu gái bật tivi, gượng dậy xem. Cảnh quay bức tượng được chuyển về Huế. Từ trên xe bốc xuống, tượng đặt nằm ngửa. Trời... Tôi nhận diện rõ hơn Việt (hay tôi đã rất gần Việt...?). Thế đặt tượng ấy lặp đi lặp lại nhiều trong đời, mỗi lần tôi nhẹ nhàng đặt Việt xuống giường, trên thảm cỏ... Tôi phát khóc.

Trời vẫn còn làm mưa. Tôi bước khỏi nhà. Đội nilông - chứng tỏ tôi còn ham sống, chí ít quãng thời gian lết từ nhà đến Liễu Quán.

Chớp vạch ngang trời. Tôi ngước lên. Phảng phất chút buồn nhân thế trên khuôn mặt Quán Thế Âm [như chưa tròn tâm cứu độ]... Có phải người con gái ấy từng đứng đây sám hối bí mật lớn nhất trong đời, giờ là “di sản” thuộc quyền sở hữu riêng tôi?

Phóng to

Hằng năm vào dịp Nguyên tiêu, tôi vẫn thường lên dốc Bến Ngự dâng hương tại tượng đài Phan Bội Châu. Tượng Quán Thế Âm đặt trước cổng Liễu Quán lại càng quen thuộc vì rất gần với cơ quan tôi ở tạp chí Sông Hương. Chiêm nghiệm cụ Phan, chiêm bái Phật bà, chiêm ngưỡng Cô gái Việt Nam, chợt hiện một con người nghệ sĩ lấp lánh trong đôi mắt u huyền của “Việt”…

Tôi cúi đầu trước [linh hồn] Lê Thành Nhơn xin được ghép ba bức tượng thành tam giác vàng độc bản ở Huế. Và Ký sự về những đỉnh tuyệt mù bắt nguồn từ mối cảm xúc này, nương nhờ một vài chi tiết hư cấu mà thành.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận