TTCT - Nhiều phim hoạt hình, phim live-action (người đóng) dành cho thiếu nhi có cảnh cái chết của nhân vật quan trọng. Nhiều phim hoạt hình, phim live-action (người đóng) dành cho thiếu nhi có cảnh cái chết của nhân vật quan trọng. Điều này có "giết chết sự ngây thơ" của trẻ, hay là phương tiện để người lớn cởi mở đối thoại với trẻ về cái chết và cảm xúc buồn bã?Trên tạp chí Royal Society Open Science, các nhà nghiên cứu tại Đại học Oxford cho rằng việc xem những bộ phim đau thương sẽ làm tăng cảm giác gắn kết nhóm, đồng thời tăng khả năng chịu đau qua việc thúc đẩy não bộ sản xuất nhiều endorphin hơn - chất hóa học liên quan đến giảm đau và tạo cảm giác dễ chịu. Nhưng với trẻ nhỏ, chưa có nhiều trải nghiệm thì sao?"Tôi không muốn con xem cảnh đau lòng"Khi Estelle Erasmus cùng cô con gái nhỏ xem phim hoạt hình The Good Dinosaur (2015) trong rạp, cô đã nghĩ rằng đây là một câu chuyện phiêu lưu đơn giản và đáng yêu của chú khủng long nhỏ Arlo và cậu bé Spot. Đến cảnh khủng long cha của Arlo mất vì thiên tai, cô biết mình đã lầm. Đứa con 6 tuổi của cô lúc đó không ngừng nức nở vì bạn khủng long nhỏ mất đi người cha thân yêu.Estelle - vốn là nhà báo và tác giả sách - bức xúc chia sẻ trên Psychology Today: "Tôi yêu hầu hết các phim của Disney, nhưng tại sao những nhà làm phim phải dùng những cảnh chết chóc đầu phim để khơi gợi nước mắt từ những đứa trẻ con? Một đứa trẻ vốn được che chở trong tình yêu thương của cha mẹ hoặc người giám hộ không nên chứng kiến cảnh tượng căng thẳng, dài hơi về một ai đó mất cha mẹ của mình. Trong trường hợp này, lại là cảnh một đứa trẻ chịu trách nhiệm trước cái chết của cha mẹ".Với cô, trẻ em là đối tượng mỏng manh và dễ bị tổn thương tinh thần. Việc một bộ phim có ít nhất một khoảnh khắc, hay các cảnh về cái chết, bắt nạt hay sự cô đơn, bạo lực không phù hợp với trẻ. Dù tôn trọng cảm xúc buồn bã của con gái ở thời điểm đó, người mẹ không chấp nhận việc một trải nghiệm giải trí lại biến thành một buổi giáo dục trẻ em về thực tế khắc nghiệt, phũ phàng của cuộc sống. Cô kêu gọi độc giả chọn những bộ phim thuần tính giả tưởng thú vị, không chứa những yếu tố kích hoạt nỗi đau hay sự sợ hãi không đáng có từ trẻ.Estelle không phải là người duy nhất. Nghiên cứu của tác giả Rosengren và cộng sự năm 2014 cho thấy nhiều bậc phụ huynh ở Mỹ né tránh việc thảo luận về cái chết trước mặt trẻ em, thông qua việc không cho con đọc sách đề cập đến chủ đề này, hay tua nhanh các cảnh này trong lúc xem phim.Một nghiên cứu từ Canada cho thấy trong số các phim được khảo sát, 2/3 phim dành cho trẻ em có cảnh qua đời của một nhân vật chính, gấp đôi so với số lượng phim tương tự hướng đến đối tượng người lớn.Một lý do là cái chết là bệ phóng để nhà làm phim xây dựng hành trình anh hùng cho nhân vật chính. Khủng long Arlo mạnh mẽ hơn sau cái chết của cha, Simba trong The Lion King (1994) cũng thế. Trong nhiều phim khác của hãng Disney và Pixar, nỗi buồn thúc đẩy sự thay đổi về bản sắc nhân vật, mang tính hàn gắn và giúp họ thích nghi với cuộc sống mới, như trong Inside Out (2015) hay Brother Bear (2003).Bài học từ đau thươngKelly Conaboy, một nhà báo có con nhỏ, cũng thắc mắc vì sao phim trẻ con lại có nhiều cảnh đau lòng: voi con Dumbo đu đưa trên chiếc vòi bị thương của voi mẹ đang bị nhốt, người vợ Ellie trong Up (2009) đau buồn vì sẩy thai và qua đời ngay từ đầu phim, chú nai con Bambi lang thang khắp rừng tuyết để tìm mẹ vừa bị thợ săn bắn chết. Cô tìm gặp các chuyên gia để nghe họ giải thích, và kết luận trong một bài viết trên The Atlantic cuối năm 2023: cảnh thương tâm trong phim trẻ em không nhất thiết là điều tệ với khán giả nhỏ tuổi.Conaboy dẫn lời Rob Minkoff, đồng đạo diễn The Lion King, cho biết trẻ có thể học được những bài học quan trọng từ những bộ phim buồn. Ông nói thêm, nhiều phim hoạt hình không chỉ dành cho trẻ em mà còn hướng đến người lớn. Với ông, nếu chỉ tập trung làm một bộ phim hay cho trẻ em, phim sẽ đơn điệu và nhàm chán.Trước giai đoạn 1937 - 1942 (còn gọi là thời hoàng kim của Disney), ít ai nghĩ hoạt hình có thể phát hành dưới dạng phim dài chiếu rạp. Để phá vỡ định kiến này và vì yếu tố lợi nhuận, "Nhà Chuột" mạo hiểm đặt mục tiêu thu hút được công chúng từ trẻ đến già. Bộ phim hoạt hình đầu tiên của hãng là Bạch Tuyết và Bảy Chú Lùn (1937) có cảnh nữ chính bị đầu độc bằng một quả táo, kết phim có cảnh mụ phù thủy rơi xuống vách đá và chết do bị tảng đá đè. Bản thân nguyên tác cũng là câu chuyện đáng sợ của anh em nhà Grimm.Sau thời kỳ đó, các phim hoạt hình Disney bắt đầu nhẹ nhàng và mang tình tiết an toàn hơn. Do đó, khi bắt tay vào làm Vua sư tử, Minkoff muốn đưa khán giả về giá trị trong quá khứ. Dù Bambi (1942) mở đầu bằng cái chết của nai mẹ, nhóm của Minkoff cho rằng như thế vẫn còn qua loa, sơ sài. Họ quyết định khai thác sâu và trực diện hơn: cho Simba tận mắt chứng kiến cái chết của sư tử cha Mufasa. Dù có ý kiến phản bác sự tàn khốc của phân cảnh này, thậm chí có người khuyên nên khai thác ở mức độ tiết chế, Minkoff vẫn giữ nguyên để cho thấy sức mạnh kể chuyện bằng hình ảnh của hoạt hình.Cùng trao đổi với tác giả Conaboy, Randi Pochtar - nhà tâm lý học tại Trung tâm nghiên cứu trẻ em của NYU Langone Health, một trung tâm học thuật về y khoa ở New York - chia sẻ tùy mức độ nhạy cảm của cá nhân, trải nghiệm quá khứ liên quan đến chủ đề trong phim và khả năng cảm thụ chất liệu phim ảnh (âm nhạc, câu chuyện, nhân vật,...) mà mỗi khán giả nhỏ sẽ có phản ứng khác nhau khi xem phim.Những bộ phim buồn là một cách giúp trẻ tiếp xúc với thực tế khắc nghiệt của cuộc sống. Và thực chất, yếu tố mất mát cũng là đòn bẩy đưa đến hệ quả tích cực - các nhân vật trở nên dũng cảm, hạnh phúc hơn sau những biến cố. Điều này giúp trẻ hiểu dù cuộc sống có khó khăn như thế nào, vẫn còn niềm vui và ý nghĩa.Hầu hết các phim hoạt hình có cảnh mất mát, buồn bã đều được dán nhãn PG (Parental Guidance - phim phải có phụ huynh hay người giám hộ xem cùng). Do đó, sau khi xem phim, người nuôi dưỡng trẻ cần để ý những thay đổi hành vi và phản ứng của trẻ, có thể trẻ đột ngột sợ hãi khi đi cầu thang một mình, thay đổi về giấc ngủ, khẩu vị... Nếu có, họ có thể hạn chế việc tiếp xúc của khán giả nhỏ trước các bộ phim, văn hóa phẩm mang chủ đề, nội dung tương tự.Meredith Bak, nhà nghiên cứu về truyền thông trẻ em tại Đại học Rutgers ở Camden, cho rằng những bộ phim buồn khơi gợi sự đồng cảm, tìm kiếm ý nghĩa và cung cấp góc nhìn mới với khán giả nhỏ. Trẻ con thực ra có thể hiểu chuyện nhiều hơn người lớn nghĩ.Nếu bỗng dưng phụ huynh lo lắng về cảnh phim có thể quá tàn nhẫn với trẻ em, thì đó là do họ có trải nghiệm và nhận thức để nhìn nó dưới nhiều góc độ hơn. Cũng là cảnh cha con ly biệt trong The Lion King, một đứa trẻ sẽ nghĩ đến chuyện mất cha, còn người mẹ đi cùng sẽ thấy nhói khi nghĩ đến bi kịch của một đứa trẻ sắp bơ vơ giữa đời. "Vấn đề không phải là phim có quá buồn với trẻ nhỏ không, mà là chúng có quá buồn với người lớn không" - Conaboy kết luận. Buồn là tốt, nhưng chưa đủTrong một bài viết cho trang blog lối sống Tiny Buddha, tiến sĩ tâm lý học lâm sàng Sherry Walling nhận định phim hoạt hình, phim thiếu nhi buồn đúng là có thông điệp tích cực về sự hồi phục tâm lý của người ở lại, nhưng như vậy là chưa đủ.Dù đã có rất nhiều phim khai thác về việc nhân vật nhỏ tuổi chứng kiến cái chết, nhưng ít phim thực sự giáo dục trẻ về việc đối diện với nỗi buồn đúng cách. Nhân vật chính trước sự mất mát ban đầu thường cúi đầu, rơi nước mắt, nhưng điều này chỉ diễn ra trong khoảng thời gian rất ngắn. Vài phút sau, khán giả lại thấy nhân vật vui vẻ, anh dũng chiến đấu với các cỗ máy, thế lực hay giải cứu thế giới.Những ai chìm đắm quá lâu vào sự mất mát lại có khuynh hướng trở nên xấu xa, như một cách cho thấy nỗi buồn thực sự hủy hoại họ. Một ví dụ điển hình là nhân vật "gấu dâu" Lotso trở nên tàn ác sau khi bị cô chủ bỏ rơi trong Toy Story 3 (2010)."Những bộ phim này góp phần tạo nên xã hội thiếu hình mẫu đúng đắn với cảm xúc mất mát. Vì cảm xúc này mang tính chậm chạp, có thể để lại bóng tối, đặc biệt trong cuộc sống trẻ em" - Walling viết.Một nghiên cứu năm 2021 trên tạp chí Cognitive Development cho thấy phim hoạt hình có thể tạo cơ hội cho cha mẹ trò chuyện về cái chết vì cha mẹ thường xem những bộ phim này cùng con cái. Tuy nhiên, theo các nhà nghiên cứu, rất ít bậc cha mẹ tận dụng cơ hội này để nói về cái chết với con mình.Vì thế, Walling cho rằng khi xem phim cùng trẻ nhỏ, cha mẹ hãy tận dụng thời gian này để có những cuộc trò chuyện sâu hơn về cái chết, đặc biệt sau bối cảnh đại dịch, nhiều trẻ em đã mất đi người thân yêu của mình. Tags: Phim hoạt hìnhDisneyTrẻ emTâm lýPhim buồn
Sóc Trăng dừng tổ chức đoàn xổ số kiến thiết đi học tập kinh nghiệm ở châu Á BỬU ĐẤU 09/10/2024 Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng có văn bản hỏa tốc yêu cầu dừng tổ chức đoàn xổ số kiến thiết đi học tập kinh nghiệm các nước châu Á.
Một học sinh lớp 11 tại TP.HCM mất liên lạc với gia đình TRỌNG NHÂN 09/10/2024 Gia đình không liên lạc được với học sinh này từ ngày 4-10, đến nay là 5 ngày.
Hà Nội rực rỡ trong nắng thu vàng mừng Ngày Giải phóng thủ đô NGUYỄN HIỀN 09/10/2024 Những ngày đầu tháng 10, Hà Nội sôi động lại thêm lung linh với cờ hoa rợp phố trong nắng thu vàng mừng kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng thủ đô 10-10.
Công an triệu tập ngoại binh cũ của CLB Hoàng Anh Gia Lai QUANG THỊNH 09/10/2024 Câu lạc bộ Hoàng Anh Gia Lai gửi đơn tố cáo ngoại binh Martin Dzilah lên Công an tỉnh Gia Lai, sau khi cầu thủ người Ghana kiện đội bóng lên FIFA.